Người Ai Cập tìm cách điều trị ung thư từ 4.000 năm trước

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, May 31, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 34)

    Những vết cắt xung quanh tổn thương do ung thư trên hộp sọ người đàn ông Ai Cập cổ đại hé lộ con người đã tiến hành phẫu thuật chữa bệnh này từ hàng nghìn năm trước.

    [​IMG]

    Hộp sọ của người đàn ông Ai Cập sống vào khoảng năm 2686 đến năm 2345 trước Công nguyên. Ảnh: Tondini, Isidro, Camarós


    Người Ai Cập cổ đại tìm cách điều trị ung thư thông qua phẫu thuật cách đây hơn 4.000 năm, theo nghiên cứu công bố hôm 29/5 trên tạp chí Frontiers in Medicine. Trong nghiên cứu, các chuyên gia phân tích một hộp sọ người trong bộ sưu tập Duckworth của Đại học Cambridge có niên đại từ năm 2686 đến năm 2345 trước Công nguyên. Hộp sọ chứa bằng chứng về khối u lớn cũng như hơn 30 tổn thương di căn nhỏ hơn. Nhóm nghiên cứu phát hiện những tổn thương này được bao quanh bởi nhiều vết cắt, có thể tạo bằng vật sắc như dụng cụ kim loại. Điều này chỉ ra người Ai Cập cổ đại tìm cách tiến hành phẫu thuật để điều trị cho bệnh nhân, được cho là một người đàn ông hơn 30 tuổi, theo Live Science.

    Cho tới nay, mô tả sớm nhất về ung thư đến từ cuộn giấy cói Edwin Smith năm 1600 trước Công nguyên. Đó là bản sao của một tài liệu từ nhiều thập kỷ trước. Ghi chép trong đó đề cập tới một số khối u ngực nhưng nhấn mạnh không có cách điều trị. Kết quả nghiên cứu mới có thể thay đổi nhận thức về thời điểm y học hiện đại bắt đầu. "Chúng tôi tìm thấy bằng chứng đầu tiên về ca phẫu thuật can thiệp liên quan trực tiếp tới ung thư", đồng tác giả nghiên cứu Edgard Camarós Perez, nhà cổ sinh vật học ở Đại học Santiago de Compostela tại Tây Ban Nha, cho biết. "Đây là lúc y học hiện đại bắt đầu".

    Nhóm nghiên cứu cũng phân tích hộp sọ của một người phụ nữ qua đời ở tuổi 50 và sống vào khoảng năm 664 - 343 trước Công nguyên. Hộp sọ của người này cũng nằm trong bộ sưu tập Duckworth của Đại học Cambridge. Giống như người đàn ông, bà cũng có tổn thương lớn ở hộp sọ do ung thư. Tuy nhiên, hộp sọ của người phụ nữ còn có hai tổn thương khác tạo bởi chấn thương như tấn công bằng vũ khí sắc. Cả hai tổn thương đó đã lành, hé lộ y học ở Ai Cập cổ đại đủ tiên tiến để điều trị chấn thương của bà.

    Phát hiện mới cho thấy người Ai Cập cổ đại đã tìm cách điều trị ung thư nhưng không thành công, theo Camarós Perez. Tuy nhiên, ông thừa nhận do không có bệnh sử của bệnh nhân, các nhà khoa học không thể dựng lại bức tranh toàn cảnh về loại ung thư mà họ trải qua. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể tìm hiểu sâu hơn về cách con người đương đầu với bệnh ung thư trong suốt thiên niên kỷ.

    An Khang (Theo Live Science)​


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Người Ai Cập tìm cách điều trị ung thư từ 4.000 năm trước

Share This Page