(XHTT) Trong tuần đầu tiên sau đợt nghỉ Tết Giáp Ngọ dài ngày, từ 10/2 – 16/2/2014, nhiều sự kiện, vụ việc thuộc lĩnh vực viễn thông, CNTT đã nổi lên. Dưới đây là 10 vụ việc, sự kiện nổi bật trong tuần rồi theo đánh giá của Xã Hội Thông Tin. 1- Xuất hiện thẻ cào MobiFone giả Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, ngày 16/1, tại cổng nhập cảnh cửa khẩu Bắc Luân, Hải quan cửa khẩu đã phát hiện một thùng carton có dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra, phát hiện trong thùng có chứa 24.900 thẻ cào điện thoại di động nhãn hiệu MobiFone, mệnh giá 100.000 đồng và có giá trị nạp tiền đến hết ngày 21/12/2015. Ngay lập tức, nhà mạng MobiFone đã cho kiểm tra, xác minh và cho biết, toàn bộ 24.900 thẻ cào điện thoại di động kia đều là giả. MobiFone cũng đã thông báo trên toàn mạng của mình và các báo đã nhanh chóng đưa tin này. 2- Xuất hiện SIM MobiFone “nghe gọi mãi mãi” Tại TP.HCM vừa mới đây, đã rộ hiện tượng các điểm bán dạo SIM điện thoại MobiFone giá rẻ kích hoạt sẵn, được nghe gọi mãi mãi có tặng kèm mũ bảo hiểm hoặc bảo hiểm xe gắn máy. Các điểm bán dạo xuất hiện trên nhiều địa bàn khác nhau, tại Q.12, Q.9, Q.2, Q.7… với những lời khuyến mãi hấp dẫn: “Tưng bừng khuyến mãi, SIM Mobi nghe gọi mãi mãi, giá 100.000 đồng tài khoản 360.000 đồng, tặng mũ bảo hiểm MobiFone hoặc bảo hiểm xe” hoặc “MobiFone SIM nghe gọi mãi mãi, nạp tiền lần đầu tiên được tặng 100%, 5 lần tiếp theo được tặng 50%, liên hệ 900”, v.v... Ngay sau đó, các nhà mạng, trong đó có MobiFone đã lên tiếng, rằng không có loại SIM nghe gọi mãi mãi và cũng không có chương trình khuyến mãi như vậy. 3- Viber về tay một doanh nghiệp Nhật Công ty Rakuten của Nhật Bản cho biết, đã mua lại công ty ứng dụng nhắn tin di động Viber Media Inc. với giá 900 triệu USD. Thương vụ này được công bố ngay sau khi Viber lên tiếng phủ nhận tin đồn “bán mình” cho Tập đoàn viễn thông Viettel. Viber là một trong những ứng dụng nhắn tin di động dạng OTT (Over-the-Top) hàng đầu thế giới hiện nay. Ứng dụng này đã đạt số lượng người sử dụng hơn 200 triệu tại 193 quốc gia, trong đó có khoảng 63 triệu người dùng tại châu Á. Những đối thủ “nặng ký” của Viber tại châu Á phải kể tới WeChat của Trung Quốc, Line của Nhật Bản, KakaoTalk của Hàn Quốc... Bên cạnh đó, Viber cũng được coi là đối thủ đáng gờm của Skype. Rakuten kiếm được 3,9 tỷ USD trong năm 2013 với các ngành kinh doanh chính: Gian hàng trực tuyến với sự tham gia của hàng chục ngàn nhà cung cấp; Dịch vụ đặt chỗ du lịch trên web và ngân hàng điện tử. Và đây là động thái mua lại mới nhất, lớn nhất của Rakuten trong quá trình "trở thành công ty dịch vụ Internet số 1 thế giới", theo Rakuten. Trước thông tin Viber phủ nhận việc “bán mình” cho Viettel, một Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, đây chỉ là lời đồn đoán và chưa bao giờ Viettel có ý định hay mong muốn mua Viber. 4- Phó thủ tướng trực tiếp gặp gỡ tác giả game Flappy Bird Ngày 11/2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc gặp gỡ với Nguyễn Hà Đông, tác giả của game di động Flappy Bird, được nhiều người quan tâm thời gian qua. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam Cuộc gặp gỡ diễn ra tại Văn phòng Chính phủ. Phó Thủ tướng đã nói chuyện và thăm hỏi, động viên chàng lập trình viên trẻ 29 tuổi, đang sống tại Hà Nội này. Có thể thấy, đây là sự quan tâm đặc biệt của Phó Thủ tướng Chính phủ đối với Nguyễn Hà Đông nói riêng và lĩnh vực công nghệ nói chung. Và nhiều người hy vọng, cuộc gặp gỡ này sẽ giúp Đông có thêm động lực để tiếp tục viết ra những trò chơi có tiếng vang lớn tương tự như Flappy Bird. 5- Cộng đồng vẫn tiếp tục “xôn xao” về Flappy Bird sau khi gỡ Ngày 10/2, game Flappy Bird đã chính thức bị chủ nhân của nó gỡ khỏi các kho ứng dụng trên mạng. Game Flappy Bird dù đã bị gỡ bỏ nhưng cộng đồng vẫn "sục sôi" vì nó. Dù vụ việc đã làm bao người tiếc nuối và “sôi sục” tìm kiếm sau đó, nhưng kết quả đều vô vọng. Tuy nhiên, kể từ ngày 10/2, hàng loạt game “nhái”, ăn theo Flappy Bird cũng xuất hiện, thậm chí một vài (game nhái) trong số đó cũng leo lên nhũng thứ hạng cao. Đồng thời, giới tin tặc cũng lợi dụng cơ hội để “khuynh đảo” và “kiếm ăn” qua các game nhái, link tải game Flappy Bird giả. Chưa kể những vụ “ăn theo” khác, như bán điện thoại cũ đã cài sẵn game Flappy Bird. Thậm chí, cộng đồng mạng Việt còn lập hẳn một trang mạng, kêu gọi lấy 1 triệu chữ ký để mong Nguyễn Hà Đông mở Flappy Bird trở lại. Còn ở Mỹ, có người đã gửi thư cho Tổng thống để yêu cầu mở lại game này. Nghe có vẻ “buồn cười”, nhưng thực tế đã diễn ra. 6- Tin nhắn, thư lừa đảo tiếp tục bùng phát Trước và sau Tết Giáp Ngọ 2014, tin nhắn và thư lừa đảo lại có dịp bùng phát. Sự việc này cứ lâu lâu lại tái diễn, mặc cho các cơ quan chức năng kể cả nhà mạng cố gắng dẹp bớt. Nổi bật hơn, một chiêu thức lừa đảo mới (bằng điện thoại) đã xuất hiện trong năm nay ở vùng Tây Nam Bộ. Một số chủ vựa, đại lý kinh doanh hàng tiêu dùng ở đây đã nhận được điện thoại đặt hàng, với số lượng hàng lớn. Khi xe mang hàng đến địa điểm đã hẹn, đối tượng yêu cầu lái xe giao 50% lượng hàng tại đó (điểm đã hẹn), 50% còn lại được giao ở một địa điểm khác (giao sau) và hứa sẽ thanh toán toàn bộ tiền, kể cả công chuyên chở phát sinh tại địa điểm sau - tức khi đã giao hết hàng. Khi xe mang hàng đến địa điểm sau, lái xe mới phát hiện địa điểm này là một địa chỉ ma, liên hệ lại người đã đặt hàng và người đã nhận 50% số hàng (trước đó) thì không được. Đối tượng lừa đảo đã biến mất cùng với 50% lượng hàng đã giao (chưa trả tiền) trước đó. Liệu nạn lừa đảo người dùng dịch vụ, kể cả người sản xuất kinh doanh có thể giảm bớt, thậm chí loại bỏ hẳn (tốt nhất) không. Câu hỏi này phải dành cho các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, kể cả các nhà cung ứng dịch vụ khi thiếu kiểm soát, cũng như biện pháp sử lý thiếu cương quyết, chưa đủ sức răn đe. 7- Đưa “Táo quân 2014” lên mạng, các trang Web có thể bị khởi kiện Ngày 11/2, công ty bảo vệ bản quyền cho hai chương trình Tết là “Gặp nhau cuối năm 2014” và “Gala Cười 2014” của Đài VTV là CNC đã gửi thông cáo báo chí đến các cơ quan truyền thông việc sẽ khởi kiện Youtube và 15 website về việc “ăn cắp” bản quyền không xin phép. Tuy nhiên, sau khi gửi thông tin cho các báo về việc khởi kiện thì đại diện truyền thông của CNC lại trả lời trên một tờ báo rằng, sẽ không khởi kiện mà chỉ khiếu nại, để rồi ngày 12/2, CNC lại gửi một văn bản mới cho giới truyền thông. Tuy nhiên, theo văn bản (mới) này, CNC cũng chưa nói rõ là có khởi kiện Youtube không hay chỉ dừng ở mức khiếu nại. Hình ảnh "Táo quân 2014" Đó là các trang: Youtube, Megafun.vn, Fshare.vn, Ketquaveso.com, VTC.com.vn, Suong.vn; Xemvacuoi.com, Cuoicuoitv.com, Ngam.vn, Saolamdep.com, Phimbom.com, Kenhsinhvien.net, Tophd.vn, Huongque.de, Ruoitrau70.violet.vn, Myfancy.org. “Hiện, CNC đã hoàn thiện hồ sơ các đơn vị vi phạm, đề nghị hình thức xử lý và gửi sang các cơ quan chức năng C50, Thanh tra Bộ - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc xử lý tiếp theo như thế nào đối với các đơn vị vi phạm bản quyền hai chương trình trên, trong đó có Youtube, sẽ được thống nhất sau khi CNC làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.” - Đây là thông tin được CNC cung cấp tới các đơn vị truyền thông sau khi làm việc với các cơ quan chức năng. Ở góc độ khác, các đơn vị (đang bị CNC đặt vấn đề) đã đề xuất các phương án hợp tác với CNC trong việc giải quyết vấn đề bản quyền trên Youtube. Tuy nhiên, các phương án đưa ra đều không khả thi cho việc bảo vệ bản quyền truyền hình nói riêng và tác phẩm nói chung. Vấn nạn vi phạm bản quyền tại Việt Nam đã tồn tại từ lâu và đã gây ra nhiều nhức nhối, cần phải có những hành động quyết liệt mới giải quyết được. 8- Viettel “chốt” thời hạn thu hồi SIM trả trước chưa kích hoạt Kể từ ngày 11/2/2014, Viettel chính thức áp dụng quy định thời gian sử dụng cho SIM trả trước chưa kích hoạt trong thời gian tối đa là 2 năm phát hành nhưng không kích hoạt sẽ bị thu hồi. Đợt thu hồi SIM trả trước không kích hoạt đầu tiên (theo quy định) được thực hiện từ ngày 30/6/2014. Theo đó, các SIM trả trước được Viettel đấu nối và cung cấp cho khách hàng từ năm 2014 chưa kích hoạt sẽ có hạn sử dụng đến ngày 31/12 năm liền kề năm phát hành. Ví dụ SIM được đấu nối tháng 3/2014 có hạn sử dụng cuối cùng là ngày 31/12/2015. Sau VinaPhone và MobiFone, mạng Viettel cũng “chốt” thời hạn thu hồi SIM trả trước chưa kích hoạt. Cũng trong thông báo này, Viettel cho biết, SIM đấu nối chưa kích hoạt từ năm 2010 trở về trước có thời hạn sử dụng đến hết ngày 30/6/2014; SIM đấu nối chưa kích hoạt và xuất bán trong các năm 2011-2012 có thời hạn sử dụng đến hết tháng 12/2014; Và SIM đấu nối trong các năm 2011-2013, xuất bán trong năm 2013 có hạn sử dụng tới hết 31/12/2015. Sau những mốc thời gian kể trên, các SIM trả trước chưa kích hoạt sẽ được thu hồi về kho để tái sử dụng, thông tin của Viettel cho biết. 9- Cảnh báo “bị hack” do sử dụng Wi-Fi công cộng Theo thống kê, có khoảng 370 triệu tài khoản bị rò rỉ trên toàn cầu mỗi năm do dùng Wi-Fi công cộng. Qua Wi-Fi công cộng, 1 terabyte dữ liệu bị đánh cắp mỗi ngày, tương đương 1 tỷ người bị đánh cắp thông tin trong lúc đăng nhập. Cần biết rằng, tất cả người dùng trên cùng mạng Wi-Fi công cộng có thể thấy mật khẩu của bạn nếu nó không được kết nối qua SSL (https). Tuy nhiên, ngay cả khi đã kết nối qua SSL, một hacker vẫn có thể ăn cắp cookie và soi rõ tài khoản của bạn, bởi mặc dù SSL đã cung cấp mã hóa, nhưng nó không vẫn không đủ an toàn. Ngoài ra, thông qua một ứng dụng tải về miễn phí trên điện thoại di động ở trên cùng một mạng wifi (với bạn), một hacker có thể đăng nhập vào tài khoản cá nhân (Facebook và tài khoản mail) của bạn. Hoặc, trên cùng một wifi, hacker có thể chặn các thông tin liên lạc giữa bạn và máy chủ và mạo nhận bạn để hack thông tin. Và hacker trên cùng mạng wifi có thể nghe lén các cuộc gọi Skype của bạn. Tại Việt Nam, các điểm có Wi-Fi công cộng khá nhiều (quán café, quán ăn, nhà hàng, khách sạn…), từ thành phố tới tỉnh lẻ. Một số thành phố, khu du lịch lớn, như Hội An, Huế, Quảng Ninh, mạng wifi công cộng đã được chính quyền phối hợp với các doanh nghiệp triển khai. Điều này cho thấy, chúng ta đang ngày càng có nguy cơ bị hack cao hơn trong môi trường mạng miễn phí hiện nay. 10- MobiFone sẽ tách khỏi VNPT Chiều 14/2, buổi Tọa đàm "Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam", đã thu hút sự chú ý của báo giới lẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Việc tái cơ cấu Tập đoàn VNPT và các doanh nghiệp viễn thông nhỏ khác tại Việt Nam có thể ảnh hưởng đến toàn bộ các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực Viễn thông-CNTT tại Việt Nam. Như thế, không riêng từng doanh nghiệp, cả trăm nghìn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc mảng này cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Tại đây, ông Trần Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc VNPT cho biết, “VNPT đã tiến hành phân tích rất kỹ việc nên tách mạng nào, đánh giá ưu và nhược điểm của từng lựa chọn trên góc độ tài chính, kinh tế, sự ảnh hưởng đến khách hàng.... Sau nhiều lần tham vấn và thảo luận cùng Bộ TT&TT, hai bên đã đã thống nhất tách MobiFone cùng một số đơn vị khác. Lựa chọn này vừa đảm bảo cho MobiFone có thể tiếp tục phát triển, vừa tạo điều kiện cho phần còn lại của Tập đoàn VNPT, trong đó có mạng VinaPhone phát triển lành mạnh.” Còn ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch Công ty Thông tin di động MobiFone kiêm Phó Tổng Giám đốc VNPT cũng cho hay, “Sau khi chia tách, MobiFone sẽ triển khai đa dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thay vì chỉ giới hạn trong kinh doanh viễn thông di động như trước đây”. Việc tái cơ cấu VNPT là một nội dung quan trọng trong việc tổ chức lại thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay. Bên cạnh ba nhà mạng lớn, chủ đạo (MobiFone, VinaPhone, Vettel), hiện vẫn còn một số mạng nhỏ đang hoạt động trên thị trường (Việt Nam), như Hanoi Telecom, S-Fone, Gtel. Mặc dù các doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn, có mạng gần như đã tê liệt và ngưng hoạt động nên các mạng nhỏ cũng phải tái cơ cấu lại. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin