Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ thay đổi theo từng độ tuổi. Dưới 12 tháng, sữa mẹ là chính, sau đó, bé cần ăn bột, cháo… Ngay từ 6 tháng tuổi, trẻ cần được bổ sung đủ dưỡng chất để phát triển khỏe mạnh cả thể chất và trí tuệ. Đối với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Nhưng từ 6 tháng tuổi, trẻ cần được bổ sung các chất dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của cơ thể, dân gian gọi lứa tuổi này là tuổi ăn dặm. Song nhu cầu dinh dưỡng của trẻ thay đổi theo từng độ tuổi, nên cách thức bổ sung dinh dưỡng cũng như hàm lượng dưỡng chất cũng phải thay đổi theo. Cha mẹ nên chọn những sản phẩm bổ sung được tính toán, chứng minh phù hợp với lứa tuổi của con mình. Các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi. Bên cạnh những nguồn thức ăn chính (chủ yếu cung cấp đạm, đường và béo cho cơ thể), trẻ nhỏ còn rất cần được bổ sung vitamin, khoáng và nhiều dưỡng chất khác. Trong đó, các chế phẩm từ sữa là nguồn bổ sung dinh dưỡng thiết yếu đối với trẻ nhỏ. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh: trong sữa động vật chứa nhiều chất dinh dưỡng tự nhiên cho nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Nhiều loại sản phẩm dinh dưỡng công thức còn được bổ sung thêm nhiều dưỡng chất nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu dinh dưỡng của trẻ theo từng độ tuổi. Giáo sư, Tiến sĩ Kraisid Tontisirin, Trường đại học Mahidol, Thái Lan, nguyên Giám đốc Nhóm dinh dưỡng và bảo vệ người tiêu dùng của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO). Giáo sư, Tiến sĩ Kraisid Tontisirin, Trường đại học Mahidol, Thái Lan, nguyên Giám đốc Nhóm dinh dưỡng và bảo vệ người tiêu dùng của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) chỉ rõ các sản phẩm từ sữa, gồm cả sản phẩm dinh dưỡng công thức là một phần quan trọng trong chế độ ăn bổ sung. Việc bổ sung sữa cho trẻ em ở Thái Lan đã giúp cải thiện tốc độ tăng chiều cao của trẻ mầm non từ 2,1cm mỗi năm lên 4,4cm mỗi năm. Tại Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em đã có sự cải thiện trong những năm qua, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao (16,2%), đặc biệt tỷ lệ thấp còi là 26,7%. Một trong các nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn bổ sung chưa đúng cách. Vì vậy, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, trong đó nhấn mạnh trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm sữa phù hợp với từng lứa tuổi. Cũng theo Giáo sư Khanh, nguyên nhân của tỷ lệ suy dinh dưỡng cao tại Việt Nam là do đời sống người dân còn thiếu thốn và kiến thức về dinh dưỡng còn hạn chế. Do đó, bên cạnh việc nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân thì cần tăng cường truyền thông về dinh dưỡng, trong đó có việc sử dụng các sản phẩm từ sữa. Thực tế cho thấy tỷ lệ sử dụng các sản phẩm từ sữa của người Việt Nam rất thấp so với các nước, cũng phản ánh kiến thức của người dân còn nhiều hạn chế trong nhận thức. Hội thảo về dinh dưỡng bổ sung cho trẻ em do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây. Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo về Dinh dưỡng bổ sung cho trẻ em và xây dựng chương trình Sữa học đường hỗ trợ nâng cao thể trạng cho trẻ em mầm non và tiểu học giai đoạn 2014 - 2020. Theo chương trình Sữa học đường, 2 triệu trẻ em lứa tuổi mầm non (nhà trẻ và mẫu giáo) và tiểu học trên toàn quốc trong đó đặc biệt 500 nghìn trẻ em tại các huyện nghèo nhất mỗi ngày sẽ được uống từ 200ml-220ml sữa tươi (sữa nước) có chất lượng và an toàn nhằm hỗ trợ cải thiện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng. Bên cạnh đó, chương trình cũng giúp nâng cao nhận thức của người dân, giáo viên về việc cho trẻ uống sữa đúng cách, đảm bảo dinh dưỡng. Tuy nhiên, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng chỉ ra một hạn chế, chương trình mới chỉ tính đến việc cung cấp sữa tươi cho trẻ lứa tuổi mầm non (nhà trẻ và mẫu giáo) và tiểu học, trong khi đối với trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ (đặc biệt là từ 12 tháng – 24 tháng tuổi) thì thức ăn bổ sung từ sữa tốt và phù hợp nhất là các sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung. Do vậy, nhằm cung cấp sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, nhà nước cần có giải pháp, có chính sách động viên, khuyến khích để các tổ chức và doanh nghiệp tham gia hỗ trợ cung cấp các sản phẩm này cho trẻ em. Phương Thảo - Ngọc Bích Nguồn VNExpress