Những đứa trẻ Sparta ốm yếu, bệnh tật và không đủ sức trở thành chiến binh dũng mãnh trong tương lai sẽ bị ném vào hang sâu một cách phũ phàng. Chiến binh dân tộc Sparta là một trong những đội quân ưu tú, hùng mạnh nhất thế giới cổ đại. Tuy nhiên, để trở thành chiến binh thiện chiến, dũng mãnh, họ phải trải qua quá trình huấn luyện vô cùng khắc khổ ngay từ khi mới sinh. Xã hội Sparta được xây dựng trên nền tảng của những luật lệ nghiêm khắc và ý thức trách nhiệm cao. Con người sống ở thời kỳ này đều phải trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu không mệt mỏi để trở thành công dân ưu tú. Nếu không làm được, họ sẽ bị đào thải và bị giết chết một cách không thương tiếc. Dưới đây là con đường khắc khổ để trở thành một chiến binh Sparta đúng nghĩa. 1. Trẻ con Sparta sinh ra phải khỏe mạnh nếu không sẽ bị ném vào hang sâu Việc giết trẻ sơ sinh là một hành động đáng sợ trong thế giới cổ đại. Người Sparta thành lập cơ quan đánh giá, kiểm tra sức khỏe của những đứa trẻ và quyết định xem những sinh linh bé nhỏ ấy có phù hợp với sứ mệnh tương lai hay không. Tất cả trẻ sơ sinh ở Sparta sẽ được đem đến một hội đồng để họ kiểm tra xem chúng có bị khuyết tật về thể chất hay không và có đáp ứng được những tiêu chuẩn đặt ra hay không. Những trường hợp không đạt sẽ bị giết chết. Nhà sử học cổ đại Plutarch cho rằng, những trẻ sơ sinh Sparta bệnh tật, ốm yếu sẽ bị ném vào trong hang sâu ở chân núi Taygetus. Số phận của những đứa trẻ bị đánh giá là không phù hợp với nhiệm vụ chiến binh trong tương lai cũng bi thảm không kém. Rất có thể, chúng sẽ bị bỏ rơi trên sườn đồi gần đó cho đến chết hoặc may mắn hơn, sẽ được một người đi ngang qua cứu sống, đem về nhà nuôi. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sử học hiện đại đều cho rằng điều này chỉ là truyền thuyết. Sau khi vượt qua kỳ kiểm tra thể chất, chặng đường phấn đấu tiếp theo của những em bé sơ sinh cũng không dễ thở hơn. Một trong những thử thách tiếp theo là người lớn sẽ tắm cho chúng trong bồn chứa đầy rượu vang thay vì nước sạch như bình thường. Cha mẹ sẽ không dỗ dành nếu trẻ khóc. Đó là phương pháp rèn luyện cho bọn trẻ lớn lên không bao giờ sợ hãi trước bóng tối hoặc cô đơn. 2. Trẻ em Sparta được huấn luyện trong môi trường quân đội từ năm 7 tuổi Khi được 7 tuổi, những bé trai dân tộc chiến binh Sparta sẽ bị tách khỏi vòng tay che chở, bao bọc của cha mẹ và bắt đầu "agoge", tức tham gia chế độ huấn luyện quốc gia để rèn các kỹ năng cần thiết trở thành chiến binh thiện chiến và công dân có đạo đức. Các em sẽ được gửi đến những doanh trại xa nhà. Người hướng dẫn sẽ dạy bé trai về kiến thức nền tảng, chiến tranh, ngụy trang, săn bắn và các môn thể thao. Khi lên 12 tuổi, những chiến binh nhí bị “tịch thu” tất cả quần áo. Họ chỉ để lại cho các em một chiếc áo choàng màu đỏ và buộc chúng phải ngủ bên ngoài. Bọn trẻ sẽ phải tự làm giường từ cây lau sậy. Để sẵn sàng cho cuộc sống của một chiến binh thực thụ, “quân nhân” nhí được khuyến khích đi tìm thịt thối rữa làm thức ăn hay ăn cắp đồ của những người khác trong trại. Nếu như bị phát hiện thì các em sẽ phải chịu phạt là những trận đòn roi khủng khiếp. Tất cả nam giới dân tộc Sparta đều được trông chờ là những chiến binh xuất chúng và phụ nữ có nhiệm vụ sinh con đẻ cái. Mặc dù những bé gái được sống trong vòng tay của bố mẹ nhưng cũng phải trải qua nền giáo dục và chương trình đào tạo nghiêm ngặt. Nữ giới phải học nhảy múa, rèn luyện trí tuệ, phóng và ném lao. Đó là những hành động cần thiết để người phụ nữ có thể chất khỏe mạnh, đủ khả năng làm mẹ. 3. Khuyến khích trẻ em Sparta bắt nạt và chiến đấu với nhau Dân tộc chiến binh Sparta là một trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới cổ đại. Trẻ em dân tộc chiến binh sẽ được tham gia các khóa học giống như đọc, viết, hùng biện và thi ca. Thêm vào đó, những người huấn luyện và người già thường châm ngòi, kích động các bé trai gây chiến, tranh luận với nhau và xem đây như một phần của khóa huấn luyện. Thông qua các khóa học, những chiến binh tương lai sẽ khắc phục được tâm lý lo lắng, căng thẳng khi bị lạnh, đói, đau lẫn trạng thái rụt rè, nhút nhát khi bị những người khác trêu trọc. Thậm chí, các cô gái Sparta cũng tham gia vào kế hoạch này. Trong các nghi lễ tôn giáo và nhà nước nhất định, họ sẽ đứng trước mặt chức sắc Sparta và hát những ca khúc nhằm vào các chàng trai trẻ đang tham gia khóa huấn luyện agoge. Trong đó, họ thường lựa chọn một số chiến binh trẻ để chế giễu, khiến đối phương xấu hổ. Họ tin rằng, cách làm này sẽ giúp chiến binh tương lai mạnh mẽ hơn. 4. Nam giới Sparta là chiến binh từ khi sinh ra đến lúc chết Sự nghiệp nhà binh là sự lựa chọn duy nhất của nam giới Sparta nếu như muốn được công nhận là công dân ưu tú. Theo sắc lệnh của các nhà lập pháp Sparta và cải cách của Lycurgus, họ sẽ phải cam kết làm chiến binh cho đến năm 60 tuổi. Do trai tráng sẽ phục vụ suốt đời trong quân ngũ nên hoạt động sản xuất và nông nghiệp của dân tộc Sparta do tầng lớp thấp hơn thực hiện. Những người lao động có tay nghề, thương nhân và thợ thủ công là một phần của giai cấp Perioeci (hay còn gọi là cư dân xung quanh) sống ở Laconia sẽ thực hiện nhiệm vụ trên. Thêm vào đó, tầng lớp dưới đáy xã hội là nông nô Helots cũng tham gia công việc sản xuất lương thực. Những người thuộc tầng lớp thấp nhất chiếm phần lớn dân số Sparta. Do sợ hãi tầng lớp nông nô Helots sẽ tổ chức các cuộc nổi dậy chống lại giai cấp thống trị, người Sparta rất chú trọng xây dựng, củng cố sức mạnh quân đội. 5. Thỉnh thoảng thanh niên Sparta bị đánh đập đến chết trong cuộc thi về sức chịu đựng Một trong những hoạt động tàn bạo nhất mà người Sparta tổ chức đó là cuộc thi về sự chịu đựng. Theo đó, thanh thiếu niên sẽ bị đánh đập, đôi khi mất mạng trước bàn thờ tôn nghiêm tại ngôi đền Artemis Orthia. Nó là một trong những nghi lễ tôn giáo và là bài kiểm tra sự dũng cảm và khả năng chịu đựng đau đớn của thanh niên vùng đất oai hùng này. 6. Nam giới Sparta không được phép sống cùng với vợ cho đến 30 tuổi Xã hội Sparta không ngăn cấm những mối tình lãng mạn nhưng có những hạn chế về văn hóa và luật lệ trong hôn nhân và nuôi dạy con cái. Vào thời đó, người ta khuyến khích nam giới nên kết hôn ở tuổi 30 và phụ nữ khi họ 20 tuổi. Bởi lẽ, tất cả nam giới đều phải sống trong doanh trại quân đội cho đến năm 30 tuổi. Nếu như họ kết hôn sớm hơn thì phải sống tách biệt với vợ cho đến khi được phép đoàn tụ chung sống. Người Sparta xem hôn nhân là một phương tiện để sinh ra những chiến binh tương lai. Họ được khuyến khích xem xét tình trạng sức khỏe và thể chất của người bạn đời tương lai trước khi kết hôn. Nếu người chồng không có khả năng sinh con, anh ta sẽ bị mọi người công khai chế nhạo và làm nhục tại các lễ hội tôn giáo. 7. Không được phép đầu hàng trong các cuộc chiến Chiến binh Sparta được huấn luyện sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và không hề sợ hãi khi là quân nhân cuối cùng trong trận chiến. Hành động đầu hàng quân địch được coi là biểu hiện đỉnh cao của sự hèn nhát. Thông thường, những kẻ đầu hàng sẽ tự nguyện chặt bỏ hai cánh tay của mình trong sự xấu hổ. Tuy nhiên, họ thường chọn việc tự sát để không phải sống trong nỗi tủi nhục vì bị người đời dè bỉu. Nếu một chiến binh Sparta chết trong trận chiến thì họ được xem là đã hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình. Theo pháp luật thời đó, chỉ có hai đối tượng được khắc tên lên bia mộ sau khi chết đó là phụ nữ qua đời trong khi sinh con và những người đàn ông hy sinh nơi trận mạc. Nguồn KhoaHoc.com.vn