Chữa sưng hạch cấp tính ra sao?

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Jun 5, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 327)

    Em 21 tuổi, đang ở TP HCM. Khoảng hơn 2 tuần trước, tại cổ, đoạn bên dưới tai phải bị sưng lên không có lý do và ngày càng đau.


    Trong 1 tuần đầu tình hình không giảm, trong ngày còn bị sốt và rất khó chịu nên em đi khám tại bệnh viện quận, bác sĩ nhìn qua và nói bị "viêm hạch bạch huyết cấp tính", kê 5 ngày thuốc bao gồm Augbactam, Paracetamol, Mekofenac. Trong khi uống thuốc em vẫn bị sốt và đổ mồ hôi vào buổi tối. Uống thuốc thì thấy không còn cảm giác đau, nhưng sờ vào hạch vẫn hiện diện. Em đi tái khám bác sĩ cũng cho thêm 5 ngày thuốc, mới uống được 3 ngày thì viết thư này, hiện tại sờ vào vẫn cảm thấy rất cộm tuy không còn sưng nhiều. Em tìm hiểu thì thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới triệu chứng của em nhưng bác sĩ thì chỉ khám đơn giản. Hiện tại với tình hình trên em có nên lo lắng không? Nếu có thì em nên đi bệnh viện nào để được khám cẩn thận hơn? (Van Cao)

    Trả lời

    Chào bạn,

    Với các triệu chứng bạn mô tả thì chẩn đoán ban đầu "Viêm hạch bạch huyết cấp tính" của bác sĩ là phù hợp. Chẩn đoán viêm hạch bạch huyết được nghĩ tới khi trên những vùng cơ thể vốn có nhiều hạch (cổ, dưới hàm, nách, bẹn,…) xuất hiện khối u đau nhức. Bằng kỹ thuật khám đơn giản như sờ, nắn, bác sĩ có thể xác định đây có phải là hạch viêm hay không và do bệnh mới xuất hiện 1 tuần (tính đến lúc bạn khám lần đầu tiên) nên gọi là cấp tính. Hạch bạch huyết viêm cấp tính thường do nguyên nhân nhiễm trùng tại hạch hoặc vùng lân cận như tai, mũi, họng,…, vì thế thuốc bác sĩ đã kê đơn điều trị cho bạn bao gồm kháng sinh, giảm đau, kháng viêm, hạ sốt.

    Sau 5 ngày điều trị đợt 1 và 3 ngày của đợt 2 bạn cho biết hạch viêm đã giảm đau và giảm sưng, chứng tỏ có sự hồi phục và có thể khi bạn đọc thư trả lời này thì bạn đã hết bệnh hoặc hạch còn to chút ít sẽ trở về kích thước cũ trong thời gian ngắn.

    Nếu hạch vẫn còn sưng, đau kéo dài, các tình huống có thể đặt ra kháng sinh chưa phù hợp; hạch lao; hạch to trong bệnh lý ác tính,…Lúc này, bạn cần làm xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân như chọc hút dịch của hạch (FNA: Fine Needle Aspiration), sinh thiết hạch. Bạn có thể đến bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hoặc bệnh viện Ung bướu TP HCM để thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm này.

    Chúc bạn may mắn.

    Tiến sĩ, bác sĩ Lê Mạnh Hùng
    Phó giám đốc BV Nhiệt đới TP HCM

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Chữa sưng hạch cấp tính ra sao?

Share This Page