Chợ Rẫy, Bạch Mai phải gửi bệnh nhân đi nơi khác chụp chiếu

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Feb 23, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 53)

    Do vướng mắc trong mua sắm, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai không mua được máy móc và hóa chất xét nghiệm, phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác chụp chiếu.


    Việc quản lý giá trang thiết bị y tế được quy định tại Nghị định 98. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết kể từ ngày 1/1/2022 (thời điểm nghị định có hiệu lực thi hành) đến nay, việc thu thập đầy đủ các báo giá cũng như tham khảo giá kê khai, công khai trên cổng thông tin đấu thầu quốc gia gặp rất nhiều khó khăn.

    "Bệnh viện không thể xác định giá trị thật của trang thiết bị y tế để xây dựng giá gói thầu mua sắm cũng như giá gói thầu sửa chữa", ông Thức nói, thêm rằng thực tế này khiến bệnh viện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác, gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh.

    Hiện Chợ Rẫy thiếu hoặc phải dừng hoạt động nhiều trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như: Máy chụp cắt lớp vi tính (CT), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu...


    [​IMG]

    Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, trong cuộc họp với Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, chiều 25/8/2022. Ảnh:Hiểu Khuê


    GS. TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cũng cho biết đang "đau đầu" về giá gói thầu, tương tự Chợ Rẫy.

    Theo quy định mua sắm đấu thầu, giá thị trường được tham khảo từ ít nhất 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất, tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp không đủ 3 nhà cung cấp trên địa bàn, có thể tham khảo trên địa bàn khác hoặc từ các nguồn thông tin do cơ quan có thẩm quyền công bố.

    Tuy nhiên, bệnh viện không thể nhận được đầy đủ 3 báo giá trên địa bàn và cũng không thu thập được báo giá trên địa bàn khác. Vấn đề này gây rất nhiều trở ngại cho điều trị và cấp cứu bệnh nhân. "Nếu tiếp tục chờ đợi 3 báo giá thì chúng tôi không thể xây dựng được giá gói thầu, từ đó chắc chắn bệnh viện sẽ tạm ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất để xác định chẩn đoán, không đủ vật tư y tế tiêu hao để điều trị", ông Cơ nói.

    Trong khi đó số lưu hành, giấy phép nhập khẩu của trang thiết bị y tế được quy định tại Nghị định 98, hiện hầu hết không còn hiệu lực. Các nhà thầu không thể nhập khẩu được trang thiết bị y tế để cung ứng cho bệnh viện, đặc biệt là hóa chất xét nghiệm khí máu, xét nghiệm chẩn đoán nhồi máu cơ tim...

    Nhiều mặt hàng được Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Tuy nhiên đến nay hàng vẫn không được giao do giấy phép nhập khẩu hết hạn, ví dụ vật tư ECMO, ống trợ giúp can thiệp động mạch vành, bóng nong động mạch vành...

    Nhiều hóa chất phục vụ xét nghiệm cơ bản và chuyên sâu đã hết, một số loại chỉ đủ dùng trong 1-2 tuần nữa. Nguyên nhân tình trạng này là hóa chất do các công ty cung cấp, kèm theo máy đặt, mượn. Trước đây, cơ quan chức năng cho phép thanh toán bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, mượn do nhà thầu cung cấp. Như vậy, bệnh viện có nguồn thu cũng như cơ sở pháp lý để đấu thầu mua sắm hóa chất, triển khai các xét nghiệm phục vụ người bệnh.

    Nghị quyết 144 quy định, các hợp đồng ký sau tháng 11/2022 (thời hạn áp dụng đến tháng 11/2023) sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả. Do đó, từ tháng 12 năm ngoái, bệnh viện không thể kéo dài hình thức mượn máy, đặt theo kết quả đấu thầu hóa chất như trước, dẫn đến thiếu hụt.

    Hậu quả là hàng nghìn bệnh nhân, trong đó nhiều người mắc ung thư và bệnh nan y phải "chạy vòng quanh" vì không có hóa chất, máy móc phục vụ điều trị.


    [​IMG]

    Máy PET/CT giá 60 tỷ đồng ở Bệnh viện Bạch Mai không hoạt động. Ảnh: Ngọc Thành


    Trước thực tế trên, lãnh đạo các bệnh viện kiến nghị cần khẩn trương thực hiện sửa đổi, bổ sung Nghị định 98 để giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế.

    Cụ thể, việc quản lý giá trang thiết bị y tế (bao gồm cả vật tư y tế, hóa chất), linh kiện thay thế sửa chữa bảo trì phải đảm bảo tính công khai, khách quan với giá trị thực của thiết bị, cũng như phải có cơ quan kiểm soát, chịu trách nhiệm việc kê khai và công khai giá.

    Các bệnh viện thúc Bộ Y tế khẩn trương cấp mới, cấp lại, gia hạn số lưu hành, giấy phép nhập khẩu được quy định tại Nghị định 98. Về lâu dài, cần xây dựng luật đấu thầu riêng cho ngành y tế hoặc bổ sung chương đấu thầu cho ngành y tế trong Luật đấu thầu; xây dựng giá gói thầu riêng cho ngành y tế, đặc biệt là mua sắm trang thiết bị; hướng dẫn thanh toán bảo hiểm cho các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy mượn, đặt.

    Chiều nay, Bộ Y tế đã có cuộc họp với các bộ ngành liên quan để tháo gỡ, hiện chưa công bố kết quả.

    Chợ Rẫy, Bạch Mai là hai bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối của cả khu vực miền Nam, miền Bắc. Hai cơ sở này cấp cứu trung bình 300 bệnh nhân một ngày, đa số là ca nặng chuyển đến từ các địa phương. Ngoài ra, hai bệnh viện này tiếp nhận khám và điều trị trung bình 8.000-12.000 người mỗi ngày.

    Lê Nga


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Chợ Rẫy, Bạch Mai phải gửi bệnh nhân đi nơi khác chụp chiếu

Share This Page