'Sao lại tuyển cử nhân làm giảng viên đại học?'

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jan 29, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 444)

    Đó là ý kiến của anh Đỗ Quốc Tuấn, hiện là nghiên cứu sinh vật lý lý thuyết tại Đại học Chiao Tung (National Chiao Tung University), Đài Loan tham gia diễn đàn "Vì sao các nhà khoa học làm việc trong nước lại ít công bố quốc tế".
    "Thời gian gần đây báo VnExpress có mở diễn đàn khoa học rất hay và bổ ích. Nhận thấy đây là nơi có thể gửi gắm, trao đổi các suy nghĩ, góp ý cho nền khoa học nước nhà, tôi xin đóng góp bài viết nhỏ cho diễn đàn khoa học. Bài viết chủ yếu dựa trên bài gốc mà tôi từng viết trước đây.
    [​IMG]
    Đỗ Quốc Tuấn.​

    Mấy năm gần đây, chất lượng nghiên cứu, dạy và học (tạm gọi ngắn gọn là chất lượng) tại các trường đại học trong nước trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trên khắp các diễn đàn từ Quốc hội - diễn đàn chính thống cao nhất cho tới các phương tiện thông tin đại chúng.
    Nguyên nhân của sự sôi nổi này do chất lượng các trường đại học nước ta chưa đáp ứng sự mong đợi của người dân cũng như các cấp lãnh đạo mặc dù hàng năm ngân sách cấp cho giáo dục không nhỏ. Chất lượng các trường đại học Việt Nam thua xa các trường đại học cấp quốc gia các nước khu vực Đông Nam Á về hầu hết tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá chất lượng.
    Từng có nhiều ý kiến từ các chuyên gia khoa học, các nhà chính trị cho tới người dân đưa ra nhằm hoặc dẫn giải hoặc khắc phục tình trạng yếu kém này. Với bài viết này tôi muốn đưa ra một cách nhìn lý giải cho tình trạng yếu kém hiện nay của các trường đại học nước ta. Có thể cách nhìn này chưa bao quát hết sự việc, vì vậy, tôi mong nhận sự góp ý của mọi người.
    Quay trở lại một vấn đề nóng đang tồn tại khi mà các trường đại học thiếu đội ngũ giảng viên để đảm bảo chỉ tiêu giảng viên/sinh viên như Bộ Giáo dục đề ra do số sinh viên nhập trường tăng theo từng năm. Cách làm có thể duy nhất với tình hình hiện nay là giữ sinh viên giỏi vừa tốt nghiệp lại để gây dựng nguồn giảng viên sau này. Cách làm đó có thể hiệu quả nếu các sinh viên này tiếp tục hăng say học tập, nghiên cứu bồi đắp thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, và hướng dẫn sinh viên.
    Tuy nhiên, áp lực "cơm-áo-gạo-tiền" trong hoàn cảnh đồng lương eo hẹp khiến họ phải làm thêm kiếm thêm thu nhập. Hình thức đơn giản nhất là dạy thêm, từ luyện thi đại học tới dạy thêm ở các trường dân lập mới thành lập - nơi thiếu trầm trọng đội ngũ giảng viên. Vòng xoáy "cơm-áo-gạo-tiền" không cho họ thời gian cũng như sức khỏe để hoàn thành các bậc học cao hơn. Tình trạng cử nhân dạy cử nhân kéo dài. Chất lượng các trường giậm chân tại chỗ rồi tụt lùi hẳn.
    Kiến thức sinh viên được học không được các giảng viên cập nhập do còn mải dạy thêm kiếm tiền, trong khi khoa học-công nghệ trên thế giới phát triển từng ngày. Công bố số công trình khoa học của cả nước một năm không bằng số công trình một trường đại học khá trong khu vực. Sự yếu kém bộc lộ rõ.
    Có lẽ Bộ Giáo dục nhận thức điều này nên ban hành đề án 322 nhằm nâng cao trình độ giảng viên, nghiên cứu viên trẻ. Những giảng viên, nghiên cứu viên trẻ đáp ứng một số tiêu chuẩn đầu vào sẽ được gửi đi học cao học hoặc làm nghiên cứu sinh ở các nước phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước. Họ sẽ không phải lo sức ép "cơm-áo-gạo-tiền", tập trung vào việc học và nghiên cứu.
    Cách làm trên sẽ hiệu quả nếu như khâu tuyển chọn, khâu tài chính và khâu quản lý các lưu học sinh minh bạch và nghiêm túc. Nếu như không xảy ra tình trạng chậm tiền học bổng, sinh viên tốt nghiệp không trở lại đất nước, không trở lại cơ quan cũ làm việc như báo chí phản ánh thì dự án sẽ thành công. Dự án thành công nghĩa là đất nước thêm nhiều trí thức trẻ được đào tạo bài bản từ các nước tiên tiến về làm việc, đặc biệt là làm việc trong lĩnh vực giáo dục và khoa học - hai nhân tố quyết định cho việc hưng thịnh của một đất nước. Nhưng đó là viễn cảnh màu hồng, khác xa với thực tế hiện nay khi đề án 322 gặp phải.
    Bên cạnh việc quản lý chưa được tốt của Bộ Giáo dục, chúng ta cần nhìn nhận cách khách quan rằng ý thức của một bộ phận các giảng viên, cán bộ nghiên cứu được gửi đi học tập nước ngoài chưa tốt. Ngoài việc phá vỡ "hợp đồng" ký kết trước lúc đi, một số người còn không sử dụng địa chỉ cơ quan trong nước, nơi mình đang là thành viên, trong các công trình công bố khoa học.
    Điều đó dẫn tới số lượng các công trình có địa chỉ Việt Nam rất ít trong khi số lưu học sinh không nhỏ. Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư vào chất xám cũng chỉ để nhiều công trình khoa học hay sản phẩm công nghệ có địa chỉ Việt Nam. Đó là tiêu chí để các nước đánh giá trình độ lẫn nhau. Nhiều tên, họ Việt Nam chưa chắc đã quan trọng bằng việc nhiều số lần lặp lại chữ "Viet Nam" hay "Vietnam" trong các công trình khoa học.
    Tóm lại, một trong các biện pháp nâng cao chất lượng là các trường đại học phải thay đổi cách tuyển chọn nguồn giảng viên, nghiên cứu viên đầu vào. Cụ thể là không nên tuyển cử nhân hay thạc sĩ làm giảng viên, cán bộ "nguồn". Thay vào đó là thực hiện chính sách tài chính cho nghiên cứu, giảng dạy đủ sức hấp dẫn thu hút người giỏi, người có trình độ cao, đặc biệt là các tiến sĩ trẻ từ các nước phát triển về làm việc. Những tiến sĩ trẻ này thường đi học sau đại học thông qua học bổng của các trường, chính phủ các nước, và phần lớn họ là đối tượng tự do nhưng có nhiều hoài bão quay về xây dựng đất nước.
    Gần đây, giới khoa học trong và ngoài nước đón nhận tin vui khi nghị quyết Trung ương Đảng về khoa học công nghệ đã nhấn mạnh vào việc tuyển dụng, đãi ngộ các nghiên cứu sinh học ở nước ngoài về nước làm việc. Song song với chính sách nêu bên trên, các trường phải có chính sách quản lý công việc giảng viên, nghiên cứu viên rõ ràng. Phải đặt hạn mức số lượng công việc giảng dạy, nghiên cứu cụ thể.
    Trong một thời gian bắt buộc (thường từ một đến ba năm) một giảng viên hoặc nghiên cứu viên (tùy vào thâm niên công tác) phải dạy bao nhiêu giờ, phải công bố bao nhiêu công trình khoa học trên tạp chí uy tín quốc tế.
    Môi trường làm việc thuận lợi không có nghĩa chỉ dừng lại ở lương cao, thưởng nhiều mà còn ở chỗ các nhà khoa học được cạnh tranh lành mạnh với nhau bằng các bài báo quốc tế, các sản phẩm công nghệ ứng dụng cao. Người làm được việc thì nên được trọng dụng, ưu đãi; còn người không làm được việc thì cũng nên được thay thế bởi những người trẻ, người khác có khả năng hơn. Đây là cách mà các nền khoa học tiên tiến trên thế giới đã và đang áp dụng. Chỉ có cạnh tranh và đào thải thì mới có đội ngũ khoa học làm được việc. Nếu làm tốt những việc này cùng một lúc thì các trường sẽ cải thiện chất lượng của mình, gây dựng được tên tuổi, có đủ sức cạnh tranh các trường trong nước và trong khu vực.
    Đỗ Quốc Tuấn
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - 'Sao lại tuyển cử nhân làm giảng viên đại học?'

Share This Page