Lão nông 'phù phép' nên cây ngũ quả

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jan 28, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 461)

    Thứ hai, 28/1/2013, 15:47 GMT+7
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    Ông Lê Đức Giáp trong vườn cây cảnh. Ảnh: Hương Thu.
    Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km về hướng bắc, vườn cây rộng vài ha của ông Lê Đức Giáp ở thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội những ngày giáp Tết Nguyên Đán tấp nập người ra, người vào để mua cây cảnh, nhất là từ khi ông cho "ra đời" cây ngũ quả
    "Đây là lần thứ hai trong tháng, tôi và ba người bạn tìm đến vườn cây cảnh của bác Giáp, lần trước chúng tôi đến xem cây, còn lần này đến để mua. Năm ngoái tôi cũng mua cây của bác Giáp, cả nhà ai cũng ưng ý vì cây và quả vẫn xanh tươi sau hai tháng Tết", chị Hoàng Nguyễn Thu Trang, 34 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội nói.
    Từ cam Canh

    Trước đây, ngoài làm nông nghiệp, gia đình ông Giáp, 60 tuổi, có thêm nguồn thu nhập lớn từ nghề làm pháo. Sau khi nhà nước cấm sản xuất pháo, gia đình ông và nhiều người trong vùng quê chiêm trũng phải trải qua tháng ngày khó khăn. "Dù cố gắng chăm lo cho cánh đồng lúa đến mấy, chỉ đợt thiên tai là gia đình tôi mất trắng, tôi còn nhớ như in cảnh lo từng bữa cơm".
    Mất nghề truyền thống, ông Giáp cùng bạn bè làm hết nghề này đến nghề nọ, rồi ông chọn nghề lâu dài là buôn bán hoa quả, nhưng cuộc sống gia đình ông vẫn không mấy cải thiện, nhà lại đông con, điều này càng thôi thúc ông tìm cách thoát nghèo.
    "Cái khó ló cái may", ông nói và kể lại bước ngoặt cuộc đời khi một lần sang huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên mua hoa quả. Ông Giáp thấy các gia đình đều trồng cây cam Canh và hiệu quả cao. Ông nhẩm tính, với giá 25 nghìn đồng/kg, mỗi cây người trồng thu về khoảng triệu đồng, trong vườn có đến hàng trăm cây, ông sững người khi tính ra mức thu nhập rất cao từ cây cam Canh. Chuyến đi lần này, hình ảnh quả cam trĩu nặng luôn ám ảnh ông. "Quê hương mình đất nhiều, tại sao mình lại không làm được", với suy nghĩ này, đầu năm 2000, ông Giáp quyết tâm mang cây cam Canh về trồng trên mảnh đất quê hương.
    Về nhà, ông bỏ trồng lúa, dùng toàn bộ diện tích 1.000 m2 trồng cam. "Gia đình sống chủ yếu bằng nghề nông, giờ phá đất nên cả nhà ai cũng ngăn cản. Không hiểu sao tôi lại quyết liều một phen vì thời điểm đó gần như tôi chưa nắm nhiều kiến thức về trồng cam", ông Giáp kể lại.
    Không may mắn khi ngay từ ban đầu trồng, ông gặp khó khăn là mảnh đất rắn không phù hợp với cây trồng. "Sai sót chỗ nào tôi lại về Văn Giang tìm hiểu, rồi tự mày mò bằng cách đọc sách báo, xem tivi", ông Giáp nói. Sau đó, ông tìm ra giải pháp từng bước hạ độ PH cho đất bằng cách rải vôi và tro rơm. "Không ngờ, vụ cam đầu tiên gia đình tôi thu lãi hơn 20 triệu đồng".
    Thấy có lãi, ông mở rộng diện tích trồng cam và gần như năm nào cũng thu về hàng chục triệu. Theo ông Giáp, bình thường, cây cam sau bốn năm mới cho quả đầu tiên, còn vườn cam nhà ông, một năm là cây ra quả.
    Để làm điều "thần kỳ" đó, ông Giáp thực hiện biện pháp dùng dao tiện vào thân cây với độ sâu hợp lý, điều này gây ảnh hưởng nhất định với việc trao đổi chất của cây, khiến nó phát triển trái với tự nhiên, từ đó cây ra hoa theo ý muốn người trồng.
    [​IMG]
    Cây cam trĩu nặng quả với màu sắc bắt mắt. Ảnh: Hương Thu.
    "Nhiều người dùng dao tiện một lần cho cây ra hoa và quả là không đúng, tôi thực hiện tiện hai hoặc ba lần. Như thế, mới điều chỉnh việc ra hoa, cây có thể héo nhưng không bị rụng lá. Phải nhớ rằng, cây rụng lá thì sau sẽ cho quả ít", ông Giáp chia sẻ kinh nghiệm.
    Ông dẫn chứng, giai đoạn đầu, ông tiện cây ra hoa và kết trái nhỏ, lần hai ông chọn thời điểm phủ hợp để cây không phát lộc, giúp quả non không bị rụng.
    Với thành công trên, người trong vùng gọi là ông Giáp là "vua" cam Canh. "Vùng cây nào có cam Canh tôi đều có mặt để giúp đỡ", ông Giáp cho hay.
    Đến cây ngũ quả

    Cuối 2002, ông cùng gia đình bàn bạc vừa trồng cây ăn quả, vừa làm thêm cam cảnh bán dịp Tết Nguyên đán. Trải qua nhiều khó khăn đến 2005 ông thành công trong việc tạo cây cam và bưởi cảnh.
    Tiếp đó, cuối 2005, đầu 2006, ông nảy sinh ý định tạo 5 loại quả là quất, quýt, cam, bưởi và phật thủ. "Nhà nào cũng có mâm ngũ quả. Ngoài quả chuối, các loại quả còn lại đều có múi, với kinh nghiệm cây cam cảnh nghệ thuật, tôi hoàn toàn tự tin bắt tay tạo ra cây cảnh 5 loại quả với nét độc đáo riêng, điều xưa nay chưa ai làm", ông Giáp nói về ý tưởng tạo cây ngũ quả.
    "Tôi tin rằng, cây ngũ quả chắc chắn sẽ được nhiều người ưa chuộng vì từ lâu trong tiềm thức người Việt dịp Tết luôn có mâm ngũ quả, lúc này tôi đã có kinh nghiệm trồng cam Canh", ông Giáp nói.
    Song, ông Giáp không ngờ rằng, tạo cây ngũ quả không hề đơn giản, suốt ba năm liền, ông chịu hết thất bại này đến thất bại khác. Lần nào ghép, ít nhất một đến hai loại quả chín rộ trước Tết.
    "Quả cam, quả chanh ra hoa tháng Giêng âm lịch, tháng 12 mới chín, bưởi diễn cũng vậy, nhưng với chanh đào, hoặc quất hay phật thủ ra hoa sớm, đến tháng 9 quả sẽ chín hết vì thế không thể để đến Tết, do đó, tôi ghép 5 quả chỉ được ba quả".
    [​IMG]
    Cây ngũ quả đang thu hút nhiều vị khách tìm mua dù giá khá cao. Ảnh: Hương Thu.
    Không nản lòng, rút kinh nghiệm những lần thất bại, ông Giáp thực hiện ghép các loại quả ở thời gian khác nhau. Ông phát hiện, ở các quả có múi, thành phần dinh dưỡng nuôi quả giống nhau, nên khi ghép cam, chanh, phật thủ vào cây bưởi, chúng thích nghi với nhau rất nhanh.
    Mãi đến 2009, ông Giáp mới kết hợp tính toán từng thời điểm của quả, ví dụ cam Canh hoặc bưởi Diễn ông sẽ ghép đầu tiên vào tháng ba hoặc tháng 5; cuối tháng 5, đầu tháng 6 ông ghép cam đường, chanh; đầu tháng 7 là cam Malaysia, tháng 10 và 11 ông mới ghép phật thủ.
    Theo ông Giáp, muốn quả ghép phát triển bình thường trên thân cây mới, người ghép phải khéo léo và cẩn thận từng tý để ghép cuống quả vào cành hay nhánh của cây thật chính xác, tương xứng nhau, khi buộc phải thắt chặt túi nilong ở vết ghép để quả có chất dinh dưỡng; tiếp đó là bón phân, phun thuốc trừ sâu theo định kỳ.
    "Thực hiện chu trình đó, gần Tết các quả sẽ chín cùng lúc, trên cây ngũ quả, tôi còn tạo quả xanh cho có màu sắc", ông Giáp nói.
    Theo ông Giáp, thời gian kể từ khi chọn cây, tiến hành ghép cho đến khi cho thu hoạch là một năm. Cây ngũ quả do ông tạo sẽ giữ màu sắc và hương vị hết tháng Giêng, thậm chí là ba tháng sau Tết, cây không bị hư hại gì.
    Ông Giáp cho biết, cây chọn ghép phải có bộ rễ chùm khỏe, thường là cây bưởi, sau đó đưa các loại quả khác như cam, bưởi. Giá của cây ngũ quả bán ra thị trường lên tới 20 triệu/cây. Trong khi loại ba quả có giá từ 5 đến 6 triệu tùy số lượng quả trên cây, còn loại một quả như cam hay bưởi dao động từ 3 đến 6 triệu.
    Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở địa phương và các tỉnh khác đã tìm đến ông học hỏi kinh nghiệm của ông Giáp. Ông không giấu giếm và sẵn sàng chia sẻ bí quyết cho họ.
    "Là nông dân tôi là hiểu hơn hai hết nỗi khổ của người khác, vì vậy giúp được ai là tôi giúp ngay từ phân bón đến kỹ thuật trồng và chữa bệnh cho cây".
    Ông Giáp mong muốn thời gian tới sẽ ghép 7 loại quả trên một cây. "Rõ ràng người nông dân bình thường có thể tạo ra nhiều bất ngờ", ông Giáp nói.
    Hương Thu
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Lão nông 'phù phép' nên cây ngũ quả

Share This Page