Uber và nền kinh tế theo yêu cầu

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Feb 21, 2015.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 335)

    (PCWorldVN) Những dịch vụ như Uber bùng nổ đang tạo ra hiện tượng “kinh tế theo yêu cầu” huy động hiệu quả các nguồn lực trong xã hội, và định hình lại các công ty và nghề nghiệp.


    Handy đang tạo ra một mảng kinh doanh lớn từ những công việc nhỏ. Công ty tìm cho khách hàng của mình những lao động tự do chuyên giúp việc nhà, đúng nơi đúng lúc. Tất cả những gì chủ hộ cần là một thẻ tín dụng và điện thoại chạy ứng dụng của Handy, và mọi việc, từ lau dọn cho đến sửa chữa thiết bị trong nhà đều được đáp ứng chuyên nghiệp.

    Được thành lập vào năm 2011, đến nay Handy đã cung cấp dịch vụ tại 29 thành phố lớn nhất ở Mỹ, cũng như Toronto, Vancouver và 6 thành phố khác ở Anh. Ngoài 200 nhân viên làm việc toàn thời gian, công ty hiện sử dụng 5.0000 lao động, hầu hết làm việc khoảng 5 – 35 giờ mỗi tuần, và 20% trong số đó kiếm được 2.500 USD/tháng. Handy đã nhận được khoản đầu tư mạo hiểm 40 triệu USD.

    Handy là một trong nhiều công ty khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ đứng trung gian để kết nối, cung cấp nhân lực và dịch vụ theo yêu cầu. Giới chuyên gia trẻ ở San Francisco cũng như New York, đang làm việc cho Google và Facebook có thể sử dụng các ứng dụng trên điện thoại của họ để thuê Handy hoặc Homejoy cử người tới lau dọn nhà cửa; nhu yếu phẩm được mua và giao tới nhà bởi Instacart; quần áo do Washio giặt ủi và hoa thì BloomThat cung cấp.

    Fancy Hands sẽ cung cấp cho họ những nhân viên trợ lý là những người có thể sắp đặt các chuyến đi hay đàm phán với công ty truyền hình cáp. TaskRabbit sẽ cử người tới lấy món quà vào phút cuối để Shyp gói gém và gửi đi. SpoonRocket chuyển bữa ăn từ nhà hàng chất lượng tới tận cửa trong vòng 10 phút.

    Nổi bật nhất trong tất cả các dịch vụ này chính là Uber, một dịch vụ xe hơi được thành lập ở San Francisco vào năm 2009 và hiện đã có trụ sở tại 53 quốc gia; doanh thu đạt hơn 1 tỷ USD trong năm 2014, và Uber đã được định giá 40 tỷ USD. Cho dù có là hiện tượng bong bóng hay không thì đó vẫn là những con số trong mơ.

    Theo tính toán của quỹ mạo hiểm SherpaVentures, Uber và hai dịch vụ xe hơi khác là Lyft và Sidecar, đã thu về 140 triệu USD tại San Francisco trong năm 2013, bằng một nửa doanh thu của các công ty taxi truyền thống ở đây. Thậm chí CEO Travis Kalanick mới đây còn tuyên bố Uber đạt doanh thu vào khoảng 500 triệu USD/năm tại San Francisco, đã vượt xa tổng giá trị thị trường taxi truyền thống.

    Mô hình kinh doanh của Uber đang được nhân rộng khắp nơi. Xuất hiện thuật ngữ “Uber of X”, trong đó X là bất cứ điều gì một người trẻ sáng tạo có thể hình dung thực hiện được và kêu gọi các quỹ đầu tư. Hàng loạt công ty theo yêu cầu ra đời, kết nối những người dư dả tiền bạc nhưng thiếu thời gian với những người thừa thời gian nhưng thiếu việc làm.

    Sự bùng nổ đánh dấu một giai đoạn mới với sự phổ biến của smartphone được sử dụng để cung cấp lao động và dịch vụ, tạo nên thách thức đe dọa sự tồn vong, hoặc ít ra là tạo sức ép thay đổi, đối với nhiều mô hình truyền thống già nua đang hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp dịch vụ.

    [​IMG]

    Những người tiên phong

    Uber không phải là công ty đầu tiên sử dụng nền tảng công nghệ để cung cấp việc làm phù hợp cho người lao động. Topcoder được thành lập vào năm 2001 nhằm tạo ra nơi cho các lập trình viên chào mời sản phẩm của họ. Trong năm 2013, công ty đã bị mua lại bởi Appirio, một công ty cung cấp dịch vụ đám mây, và bây giờ chuyên cung ứng các dịch vụ của các lập trình viên tự do. Elance-oDesk kết nối 4 triệu công ty với dịch vụ của 10 triệu lao động tự do (freelancer).

    Mô hình này đã xâm nhập vào nhiều ngành nghề. Eden McCallum, thành lập tại London vào năm 2000, đã tạo ra được một mạng lưới 500 chuyên gia tư vấn tự do để cung cấp dịch vụ tư vấn với chi phí thấp hơn nhiều so với chi phí của công ty tư vấn lớn như McKinsey. Với ưu thế này, Eden McCallum có thể đáp ứng các khách hàng từ những công ty nhỏ cho tới công ty lớn như GSK, một người khổng lồ trong ngành dược phẩm. Một công ty khác, Axiom, sử dụng 650 luật sư, phục vụ một nửa số công ty có tên trong danh sách Fortune 100, và đạt doanh thu hơn 100 triệu USD trong năm 2012.

    Medicast đang áp dụng một mô hình tương tự cho các bác sĩ ở các thành phố Miami, Los Angeles và San Diego của Mỹ. Với Medicast, bệnh nhân có thể đặt lịch bác sĩ tới nhà khám chữa bệnh thông qua ứng dụng. Mô hình này đặc biệt hấp dẫn cho những ai muốn có việc làm thêm để tăng thu nhập, các bác sĩ trẻ thiếu điều kiện thực hành trong các bệnh viện và các bác sĩ lớn tuổi muốn chủ động giờ giấc làm việc của mình.

    Tại thành phố Los Angeles, công ty Business Talent Group chuyên cung cấp người điều hành thông qua ứng dụng cho các công ty cần giải quyết một vấn đề cụ thể mà không muốn điền thêm tên một giám đốc điều hành cấp cao nữa vào bảng lương. Chẳng hạn, Fox Mobile Entertainment, một nhà cung cấp nội dung trực tuyến, đã thuê tạm một giám đốc sáng tạo để phát triển một dòng sản phẩm mới.

    Với các công ty sáng tạo, mô hình có thêm đặc trưng riêng, bởi họ cần ý tưởng hơn là nhân công và dịch vụ, và chỉ trao giải cho những người mà họ thấy thú vị. Công ty InnoCentive đã áp dụng việc trao giải ý tưởng đối với các công ty R&D (nghiên cứu và phát triển), hướng các công ty này sang nghiên cứu những vấn đề cụ thể và trả tiền cho những giải pháp được họ chấp nhận.

    Đó là cách làm của Tongal với một mạng lưới 40.000 nhà sản xuất video. Năm 2012, công ty hàng tiêu dùng Colgate-Palmolive đã đặt hàng làm một quảng cáo dài 30 giây trên Internet, chi phí 17.000 USD và cơ hội cho bất cứ ai. Đoạn video quảng cáo quá ấn tượng, khi được công ty cho phát quảng cáo trên chương trình truyền hình Super Bowl (“Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ”) cho thấy không hề kém cạnh những quảng cáo phát cùng chương trình của những bộ phim bom tấn có chí phí cao gấp trăm lần.

    Quirky thì thành lập website và mời gọi mọi người gửi lên ý tưởng sản phẩm. Các thành viên khác sẽ bình chọn sự hấp dẫn của từng ý tưởng và hiến kế cách thức biến thành hiện thực. Kể từ khi ra đời vào năm 2009, Quirky đã thu nhận hơn một triệu thành viên và tạo ra 400 sản phẩm thương mại.

    Có lẽ nổi bật nhất trong tất cả các dịch vụ theo yêu cầu là Mechanical Turk của Amazon. Dịch vụ cho phép khách hàng đăng tin thuê người thực hiện bất kỳ công việc nào, từ theo dõi đánh dấu nội dung xấu trên các website cho đến soạn văn bản; người làm tùy chọn những công việc phù hợp khả năng và giá cả.

    Mô hình kinh doanh theo yêu cầu rõ ràng hấp dẫn, bởi: không cần văn phòng; không cần nhân viên toàn thời gian; sử dụng sự thông minh của máy tính và công nghệ truyền thông để kết nối nhu cầu của nhiều người với năng lực phục vụ của những người khác; và khả năng khai thác thời gian rảnh rỗi và nguồn lực dư thừa của xã hội.

    [​IMG]
    Mô hình kinh doanh của Uber đang được nhân rộng khắp nơi. Xuất hiện thuật ngữ “Uber of X”, trong đó X là bất cứ điều gì một người trẻ sáng tạo có thể hình dung thực hiện được.

    Sự trỗi dậy của nền kinh tế theo yêu cầu

    Một thời xã hội từng quan niệm có một công việc tốt nghĩa là được làm nhân viên của một công ty nào đó. Các công ty truyền thống đem lại cảm giác an tâm cho người lao động với công việc và quyền lợi ổn định, lương tăng định kỳ; về phía các công ty thì sở hữu một lực lượng lao động ổn định, có thể đầu tư với kỳ vọng thu về khoản lợi nhuận hợp lý. Nhưng từ những thập niên cuối thế kỷ 20, làn sóng toàn cầu hóa sau đó tới tin học hóa làm nảy sinh những vấn đề mới đối với mô hình công ty truyền thống.

    Các công ty bắt đầu kiểm soát chặt chẽ chi phí nhân công, gia tăng hợp đồng thuê ngoài với các doanh nghiệp trong ngành và xây dựng lại qui trình quản lý. Với sự hỗ trợ của máy tính và mạng truyền thông, các công ty dễ dàng xuất khẩu việc làm ra nước ngoài. Quá trình tái cấu trúc diễn ra, việc sử dụng lao động linh hoạt hơn, không cố định như trước, lao động thiếu kỹ năng bị giảm bớt thậm chí là loại hẳn. Lực lượng lao động tự do hình thành từ những người thất nghiệp và những người nghỉ hưu, các bậc cha mẹ ở nhà vì muốn hoặc cần dành nhiều thời gian chăm sóc con cái, sinh viên các trường học. Một nghiên cứu mới đây của Liên đoàn những người làm nghề tự do (Freelancers Union) cho thấy, một phần ba lao động ở Mỹ (tỷ lệ này còn cao hơn trong giới trẻ) hành nghề tự do.

    Nền kinh tế theo yêu cầu hình thành theo xu thế lực lượng lao động ngày càng gắn kết với smartphone, mà hiện cung cấp khả năng tính toán cao hơn nhiều so với các máy tính để bàn đã định hình lại các công ty trong những năm 1990. Kết hợp với dữ liệu lớn (big data) và sức mạnh của điện toán đám mây, smartphone luôn bên mình sẵn sàng trả lời cho người dùng mọi vấn đề về công việc mà trước đây được giải quyết theo cấu trúc của các công ty.

    Smartphone với sức mạnh của máy tính đang trở thành thứ phải có, giúp mọi người giữ được kết nối với nhau, biết tìm nhau ở đâu, do đó giảm tối đa chi phí giao dịch liên quan đến người tìm việc, việc tìm người. Tất cả tạo nên động lực thúc đẩy nền kinh tế theo yêu cầu. Cùng với sự phân chia lao động, sự phát triển của công nghệ máy tính đang tạo ra một kỷ nguyên siêu chuyên môn hóa, một thay đổi lớn lao như Adam Smith đã ghi nhận sự phân công lao động áp dụng cho các công việc phức tạp, tạo nên thời đại công nghiệp hóa vào những năm 1770.

    Điều nữa là khả năng khơi dậy nguồn lực chưa được tận dụng, đó không chỉ là thời gian mà còn là tài sản. Chẳng hạn, để tham gia mạng lưới Uber hoặc Lyft, bạn cần có xe hơi. Nền kinh tế theo yêu cầu chính là sự tiếp nối của cái gọi là “nền kinh tế chia sẻ” với những dịch vụ như AirBnB, mà cho phép gia chủ trở thành chủ khách sạn qua việc cho thuê một phần nhà ở của mình; hay dịch vụ đi nhờ xe “Uber Pool” của Uber cho phép người lái xe chia sẻ quãng đường với người đi nhờ để giảm chi phí. Nhưng, với những người không có hoặc ít tài sản, thị trường lao động theo yêu cầu quan trọng hơn.

    [​IMG]
    Taske.me - ứng dụng gọi giúp việc tại Việt Nam.

    Những mối hoài nghi

    Mục đích của các công ty theo yêu cầu là tìm cách khai thác chi phí giao dịch thấp. Một điều quan trọng là làm cho mọi người tin tưởng để lôi kéo họ tham gia vào mạng lưới của mình. Nhưng khách hàng lại có nỗi lo về chất lượng nhân công tạm thời của họ. Rõ ràng không ai muốn giao chìa khóa nhà của mình cho một người xa lạ biết đâu có thể là kẻ gian tham, cũng chẳng ai muốn cung cấp chi tiết tình trạng sức khỏe của mình cho một bác sĩ vô dụng. Về phía những người hành nghề tự do, họ không muốn phải giao thiệp với những người lười biếng.

    Các công ty theo yêu cầu như Handy đảm bảo với khách hàng những người họ giới thiệu đều là lao động thạo việc và trung thực; Oisin Hanrahan, người sáng lập công ty, cho biết hơn 400.000 người đã nộp đơn xin gia nhập hệ thống này, nhưng chỉ có 3% số ứng viên được công ty chấp nhận qua quá trình sàng lọc kỹ càng.

    Với người lao động, họ có thể hy vọng nguồn công việc ổn định và tiền công thanh toán thuận tiện, kịp thời. Hệ thống máy tính của Handy còn cố gắng sắp xếp công việc sao cho giảm thiểu thời gian đi lại của từng người lao động.

    Mặc dù có những ưu thế như đã nói, không hẳn những công ty như Handy sẽ đạt được thành công lớn. Có ba lý do để hoài nghi.

    Thứ nhất là các công ty theo yêu cầu tìm mọi cách giảm chi phí, càng thấp càng tốt, cho khách hàng nên sẽ gặp khó khăn về đào tạo, quản lý và đôn đốc người lao động. Tài xế Uber chẳng hạn thường phàn nàn công ty trả tiền cho họ như những lao động hợp đồng trong khi tìm cách quản lý họ như nhân viên chính thức. Trong khi đó tất tật mọi thứ họ đều phải tự lo, ngoại trừ tìm kiếm khách hàng là bổn phận của công ty. Một khi nền kinh tế phục hồi có thể các công ty sẽ khó thu hút lao động không có việc làm cố định dễ dàng như những năm qua.

    Vấn đề thứ hai là các công ty theo yêu cầu dường như dễ bị cản trở bởi các vấn đề pháp lý và nhà chức trách nếu họ đủ lớn để gây sự chú ý của xã hội. Dịch vụ Uber bùng phát đang gặp sự phản đối của các công ty taxi truyền thống khắp thế giới với nhiều cuộc biểu tình, đình công, khởi kiện đã xảy ra. Tại Hà Lan, Uber đã bị cấm; Hàn Quốc đang điều tra Uber cung cấp dịch vụ taxi bất hợp pháp. Uber đã phải tạm dừng hoạt động tại một số thành phố ở Mỹ. Trớ trêu thay, làn sóng phản đối khắp nơi như vậy dường như lại tạo ra hiệu ứng quảng cáo vượt mong đợi cho các dịch vụ mà những người chỉ trích không hề ngờ tới.

    Một nghiên cứu gần đây đã tiết lộ rằng giới chính trị gia Mỹ chi tiêu cho Uber nhiều hơn là taxi truyền thống khi đi lại trong các chiến dịch vận động. Điều đó cho thấy Uber và các dịch vụ tương tự vẫn có đường phát triển.

    Vấn đề thứ ba là qui mô. Một công ty giúp việc nhà theo giờ có thể cung cấp một người làm việc vặt có mặt đúng 7 giờ tối theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, công ty mở rộng quy mô có thể gặp khó khăn trong việc tuyển người làm vì mức chi cho nhân công thấp và vì công ty đứng trung gian nên không lấy gì đảm bảo lòng trung thành của người làm. Một số tài xế Uber được biết cũng đang làm việc cho Lyft.

    Trong nhiều ngành dịch vụ chúng ta khó thấy được quy mô quốc gia hay toàn cầu của mô hình theo yêu cầu. Dịch vụ giặt ủi tốt nhất ở thành phố này không hẳn đã có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối ở thành phố khác. Và thị hiếu người tiêu dùng có thể thay đổi. Một dịch vụ đang hút khách, chẳng hạn như SpoonRocket phân phát bữa ăn từ nhà hàng đến tận cửa nhà khách hàng ở Mỹ, có thể bị người tiêu dùng bỏ rơi khi trở thành thương hiệu quốc gia. Dịch vụ khi trở thành phổ biến có thể mất đi vẻ “sành điệu”.

    Cuối cùng các công ty theo yêu cầu có thể thấy chính mình bị mắc kẹt trong một thế giới lợi nhuận thấp, chi phí quảng cáo cao và người lao động hay thay đổi khi họ nỗ lực giành vị thế thống trị thị trường.

    [​IMG]
    Uber bị phản đối nhiều nơi - Ảnh: Reuters.

    Một công ty cho mọi người

    BloomThat có thể đang làm tốt dịch vụ cung cấp hoa, và Handy phục vụ tốt việc dọn dẹp nhà cửa, nhưng có vẻ như mô hình của họ không thích hợp cho qui mô lớn hơn. Mô hình Uber kết nối người sử dụng dịch vụ với tài xế chở họ từ nơi này đến nơi khác có thể mở rộng khắp nơi. Thông qua quá trình chuyên môn hóa nhiệm vụ, phân công lao động và thuê ngoài, các công ty trung gian liên kết khách hàng với lực lượng lao động chuyên ngành, mang lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế tri thức.

    Công ty phần mềm Topcoder có thể giảm giá so với các đối thủ của mình tới 75% là nhờ chia các dự án thành những phần nhỏ và chào mời cạnh tranh tới các thành viên trên trang web của công ty. Mạng lưới của Topcoder có tới hơn nửa triệu nhà phát triển phần mềm tự do đến từ 200 quốc gia. Công ty có khả năng chuyên môn hóa cao, cho phép các nhà phát triển tập trung vào công việc cụ thể phù hợp thế mạnh của mình. Có những người chuyên thiết kế, một số tập trung vào lập trình, những người khác thì chuyên sửa lỗi chương trình.

    InCloudCounsel giảm chi phí tới 80% so với các công ty luật lớn nhờ vào lực lượng lao động tự do chuyên xử lý các tài liệu quy phạm pháp luật (như giấy phép, cấp phép và những thỏa thuận không tiết lộ) với một khoản phí thấp.

    Các công ty dựa trên tri thức sẵn sàng ký hợp đồng với bên ngoài nhiều công việc, một phần để tiết kiệm chi phí và một phần là nhằm giải phóng những nhân sự giỏi nhất của mình để họ tập trung vào những thứ làm tăng giá trị nhất. Trong năm 2008, hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer đã thực hiện một cuộc khảo sát nội bộ toàn diện theo một sáng kiến gọi là PfizerWorks. Hãng nhận ra rằng hầu hết nhân viên có tay nghề cao nhất của mình đã tiêu tốn từ 20% đến 40% thời gian của họ vào những công việc thông thường như nhập dữ liệu, tạo các bản thuyết trình PowerPoint, nghiên cứu trên web. Công ty sau đó đã quyết định thuê ngoài những công việc này.

    Vì vậy ngày càng nhiều công việc tri thức có thể được chia thành từng phần nhỏ cho nhiều cá nhân có chuyên môn thực hiện, giống như trước đây chúng được chia cho các công ty.

    Nền kinh tế theo yêu cầu không phải là một trải nghiệm vui vẻ cho những người coi trọng sự ổn định, như các chuyên gia trung niên có con trong độ tuổi đi học và những khoản nợ mua trả góp. Trong khi đó, nó lại hấp dẫn những người thích sự linh hoạt hơn an toàn, như: sinh viên muốn tăng thu nhập; những người lao động tự do có thể tham gia vào và rút ra khỏi thị trường lao động; các bà mẹ trẻ, những người muốn kết hợp vừa nuôi con vừa làm những công việc bán thời gian; những người nghỉ hưu vẫn muốn và đủ sức kiếm thêm.

    Nền kinh tế theo yêu cầu có lợi cho những người không có chuyên môn và những người có tư tưởng tự do - và cho các doanh nghiệp đang tìm cách tạo ra mảng kinh doanh mới sử dụng những người như vậy. Các công ty theo yêu cầu có thể tăng cơ hội việc làm cho những người thất nghiệp.

    Trong nền kinh tế theo yêu cầu, người lao động muốn tiến bộ sẽ phải tự đào tạo, thường xuyên rèn luyện kỹ năng của mình, hơn là dựa vào các chương trình đào tạo của công ty. Nghĩa là họ sẽ phải đối mặt với các nhiệm vụ thách thức, nếu không thì chỉ làm những công việc thông thường. Họ cũng sẽ phải học cách quảng cáo mình trước các doanh nghiệp mới và ra quyết định giữa chi tiêu và đầu tư.

    PC World VN, 02/2015

    [​IMG]
    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Uber và nền kinh tế theo yêu cầu

Share This Page