Edward Snowden: Những ngày tháng tại Nga (phần 2)

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Aug 27, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 445)

    Một con người không quốc tịch, không hiện thân, nhưng Snowden được Nga "đỡ đầu" thêm 3 năm nữa.

    [​IMG]
    (Tiếp theo phần 1)
    Snowden định nói gì đó khi cả hai vào thang máy, nhưng ngay lúc đó có một phụ nữ bước vào nên cả hai cùng im lặng, thưởng thức bản bossa nova cổ điển "Desafinado" khi thang máy đang lên 1 tầng. Khi yên vị, anh chỉ ra một cửa sổ trông ra đường chân trời của một thành phố Moscow hiện đại, với nhiều tòa nhà chọc trời lấp lánh ánh nắng phản chiếu, đổ bóng lên bảy tòa tháp phong cách baroque và gothic mà người địa phương gọi là Stalinskie Vysotki, hoặc đơn giản hơn là tòa nhà Stalin. Đến nay, anh đã ở Nga hơn một năm. Anh đi mua sắm ở siêu thị địa phương mà chẳng ai nhận ra, anh học được một chút tiếng Nga. Anh học cách sống giản dị trong một thành phố đắt đỏ nhưng sạch sẽ hơn New York và phức tạp hơn Washington. Tháng 8 này, giấy tạm trú của anh hết hạn, và ngày 7/8 vừa qua, chính phủ Nga gia hạn cho anh ở thêm tại đây 3 năm nữa.

    Bước vào căn phòng Snowden đặt trước cho cuộc phỏng vấn, anh quẳng chiếc balo lên trên giường cùng với chiếc nón lưỡi trai và cặp kính mát. Anh gầy, gần như mỏng mảnh, gương mặt có vẻ khắc khổ và có một chúm râu dê như thể nó mới mọc từ đêm qua mà thôi. Anh đeo cặp kính hiệu Burberry nửa gọng, tròng kính chữ nhật. Chiếc áo anh mặc xanh biển nhạt màu và có vẻ quá lớn so với khổ người, sợi dây nịt rộng bản thắt chặt và đôi giày lười Calvin Klein đen đầu bằng. Nhìn tổng thể, anh trông giống một sinh viên năm đầu vậy.

    Snowden rất cẩn thận về thứ mà chúng ta biết đến là thế giới tình báo. Khi ngồi xuống, anh tháo pin ra khỏi điện thoại di động. Nhà báo James bỏ quên điện thoại ở khách sạn. Những cộng sự của Snowden liên tục cảnh báo ông James rằng thậm chí khi tắt điện thoại rồi nhưng một chiếc điện thoại vẫn dễ biến thành micro của NSA. Biết được những mánh lới của NSA là một trong những cách tốt nhất giúp Snowden tránh để lại mọi dấu vết như lúc này. Cách khác là tránh đi đến những chỗ có nhiều người Mỹ và phương Tây. Dù vậy, khi anh ra ngoài đường, như đi vào một cửa tiệm máy tính, thỉnh thoảng người Nga nhận ra anh. Lúc ấy, Snowden chỉ nói "Shh", rồi đặt ngón trỏ lên môi ra dấu giữ bí mật.

    Mặc dù là đối tượng bị săn lùng trên toàn cầu nhưng Snowden dường như thoải mái và phấn khởi khi anh mở lon Coca Cola và xé chiếc pizza lớn được giao tận phòng. Anh vừa bước qua tuổi 31 vài ngày. Snowden vẫn nuôi hy vọng rằng một ngày nào đó anh được cấp phép trở về Mỹ. "Tôi nói với chính phủ Mỹ là tôi sẵn sàng đi tù, miễn là điều ấy phục phụ đúng mục đích", anh nói. "Tôi quan tâm nhiều đến quốc gia hơn là tới bản thân, nhưng chúng ta không thể cho phép luật pháp trở thành một vũ khí chính trị hoặc không thể đồng ý để dọa người dân đứng lên cho quyền lợi của họ, cho dù có lời giải thích nào hay ho đi chăng nữa. Tôi không nằm trong số đó."

    Trong khi đó, nước Mỹ vẫn còn bị Snowden ám ảnh. Tác động không thể lường trước được về hành động của anh vang vọng ở quê nhà và trên khắp thế giới. Tuy nhiên, chính các tài liệu mật mà anh tiết lộ đã vượt tầm kiểm soát của chính anh. Snowden không còn truy cập chúng nữa. Anh nói rằng anh không mang theo chúng đến Nga. Các bản sao tài liệu hiện đang nằm trong tay của 3 nhóm: First Look Media của nhà báo Glenn Greenwald và nhà làm phim tư liệu Mỹ Laura Poitras; tờ báo The Guardian cũng nhận được bản sao trước khi chính phủ Anh Quốc gây áp lực chuyển bản ấy (không chuyển quyền sở hữu) sang cho tờ The New York Times; và Barton Gellman, nhà báo tờ The Washington Post. Có vẻ như không có cơ hội nào cho NSA có thể thu hồi lại được những tài liệu mật từ tay của 3 nguồn này.

    Điều ấy khiến chính phủ Mỹ cảm thấy như bất lực, chỉ chờ cho chuyện gì xảy đến tiếp theo mà thôi, như một chuyển biến ngoại giao nào đó, một phong trào nhân quyền nào đó. Nhưng Snowden lại không mong đợi điều ấy xảy đến, anh cho rằng anh thực sự muốn chính phủ Mỹ đưa ra được một giải pháp nào đó hay ho cho chính xác những thứ mà anh lấy cắp được. Trước khi lấy tài liệu mật, anh đã cố ý để lại dấu vết để các nhà điều tra có thể biết được anh lấy cái gì, cái gì anh chỉ truy cập mà không lấy. Theo cách đó, anh hy vọng NSA sẽ nhận ra được động lực chính của anh khi làm điều đó và không theo dõi gián điệp với một chính phủ nước nào khác. Điều này cũng giúp Mỹ có được thời gian chuẩn bị cho những vụ rò rỉ bí mật quốc gia trong tương lai, cho phép Mỹ thay đổi phương pháp mã hóa, đánh giá lại các kế hoạch hoạt động và đưa ra giải pháp hạn chế thiệt hại. Nhưng anh cho rằng bộ phận kiểm soát của NSA đã bỏ lỡ nhiều manh mối và chỉ đơn giản thống kê tổng thiệt hại, tổng số tài liệu mà anh đã "đụng vào": 1,7 triệu. Snowden cho biết anh thực sự lấy ít hơn nhiều con số đó. "Tôi cho rằng NSA đang trải qua giai đoạn khó khăn. Tôi không nghĩ là họ không có khả năng."

    Anh cho rằng chính phủ Mỹ lo sợ tài liệu đó có chứa những nội dung gây tổn hại lớn, là những bí mật mà những người quản lý chưa tìm thấy được. "Tôi nghĩ là có một thứ gì đó ghê gớm liên quan đến họ về mặt chính trị. Sự thật là điều tra của chính phủ không thành công, và họ không biết được mình bị mất thứ gì nên họ nói khống lên con số tài liệu lớn như vậy," anh cho biết.

    (Còn tiếp)

    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Edward Snowden: Những ngày tháng tại Nga (phần 2)

Share This Page