10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Nguyễn Hà Đông sẽ kiện các “game nhái”

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Jun 9, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 314)

    (XHTT) Trong tuần thứ 23 (từ 2/6-8/6/2014), sự vụ VT-CNTT nổi bật chính là tuyên bố của Nguyễn Hà Đông rằng sẽ kiện các “game nhái” Flappy Bird.


    1- Google sẽ dùng 180 vệ tinh để cung cấp Internet cho vùng sâu vùng xa

    Theo tờ Wall Street Journal, Google đang có kế hoạch xây dựng 180 thiết bị vệ tinh kích thước nhỏ nhưng có dung lượng cao để phóng lên quỹ đạo tầm thấp của trái đất và cung cấp kết nối Internet không dây đến những khu vực hẻo lánh khó tiếp cận trên thế giới. Đây là nỗ lực mới nhất của Google trong lĩnh vực viễn thông và có lẽ, dự án này sẽ hoạt động kết hợp với dự án “bong bóng” Internet Project Loon trước đó.

    Theo WSJ, nếu kế hoạch diễn ra suôn sẻ, Google sẽ tăng gấp đôi số lượng vệ tinh trong tương lai. Phát ngôn viên của Google không khẳng định nhưng cũng không bác bỏ thông tin này, đồng thời tiết lộ rằng, hãng đang phát triển một loại hình kết nối Internet mới, sẽ "cải thiện đời sống con người lên đáng kể".

    Dự kiến đầu tư ban đầu cho dự án vệ tinh Internet sẽ rất cao, từ 1 đến 3 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu triển khai thành công, chính các vệ tinh này sẽ mang thêm về nguồn lợi cho Google. Bởi lẽ, càng có nhiều người tiếp cận được với Internet (sử dụng dịch vụ của Google càng nhiều), Google càng thu về nhiều tiền từ quảng cáo.

    2- Người Sài Gòn thích dùng MobiFone

    Đó là kết quả khảo sát của Nielsen – một công ty chuyên nghiên cứu về thị trường, vừa công bố về việc sử dụng di động của người dùng Việt Nam.

    Theo khảo sát của Nielsen, có đến 59% người dùng di động tại TP.HCM đang sử dụng mạng MobiFone. Hiện, đầu số 090 đã trở thành một “dấu hiệu nhận biết”, nổi hơn hẳn của người dân thành phố đông dân nhất cả nước này.

    Thực tế cho thấy, MobiFone luôn quan tâm đến việc tìm hiểu nhu cầu thực của người tiêu dùng TP.HCM thông qua: Các nghiên cứu về thị trường, các đối tác kinh doanh, qua trao đổi trực tiếp với khách hàng… Nhờ “gần gũi” hơn với người dùng, nhà mạng này đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi để từ đó đưa ra những giải pháp mang tính đột phá, đáp ứng nhu cầu người dùng theo từng phân khúc: Khách hàng doanh nghiệp, nhân viên văn phòng, sinh viên và người lao động phổ thông… ở các điều kiện và môi trường làm việc khác nhau.

    Chẳng hạn, TP.HCM có khá nhiều doanh nhân và với họ, đầu số 090 trở thành “đẳng cấp”, được lựa chọn mặc định là ba con số đầu tiên của điện thoại cá nhân.

    Với “lớp doanh nhân”, chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ và cách chăm sóc quan trọng hơn nhiều so với giá cước đắt hay rẻ. Hiểu được điều này, MobiFone đã rất khôn ngoan khi thiết kế ra nhiều chương trình, gói VIP dành riêng cho đối tượng này như: giảm 50% cước gọi nội nhóm, chiết khấu từ 9 - 12% hóa đơn cước tháng, tặng cước cho thuê bao đứng tên đại diện (từ 100-500 ngàn đồng), hay liên tục thực hiện các chương trình chăm sóc, ưu đãi nhằm giữ chân và phát triển thêm nhóm khách hàng này… chưa kể những thuê bao VIP còn được những dế độ hậu mãi đặc biệt khi mua hàng, khám sức khỏe, nghỉ dưỡng… ở những địa chỉ mà MobiFone có liên kết.

    3- Một mạng lưới tin tặc toàn cầu vừa bị tiêu diệt

    Lực lượng an ninh quốc tế vừa thành công trong việc tiêu diệt một mạng lưới tin tặc toàn cầu, chuyên sử dụng virus máy tính để tấn công và đánh cắp hàng triệu USD từ các tập đoàn và người tiêu dùng - Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 2/6.

    [​IMG]de

    Tin tặc thường sử dụng các sự kiện lớn để lừa đảo người dùng.

    Theo điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), virus "Gameover Zeus" xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 9/2011, và từ đó đến nay đã tấn công từ 500.000 đến 1 triệu máy tính tại 12 quốc gia.

    Các vụ tấn công này đã tạo ra một mạng lưới máy tính nhiễm độc mà tin tặc có thể thâm nhập, theo dõi và thậm chí kiểm soát từ xa. Thông qua mạng lưới này, tổ chức tội phạm đã đánh cắp hơn 100 triệu USD nhờ vào các dữ liệu ngân hàng đánh cắp để chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của nạn nhân sang một tài khoản của tổ chức.

    FBI nhận định "Gameover Zeus" là một trong những mạng lưới phức tạp nhất mà cơ quan này từng tiêu diệt.

    Cũng trong chiến dịch này, các lực lượng an ninh còn triệt phá một loại virus máy tính khác có tên gọi "Cryptolocker." Đây là loại virus xuất hiện lần đầu vào tháng 9/2013, có khả năng mã hóa máy tính của nạn nhân và sau đó đòi tiền - thường hơn 700 USD - để đổi lấy mật khẩu mở mã. Nhóm tội phạm sử dụng "Cryptolocker" đã đánh cắp được hơn 27 triệu USD chỉ trong 2 tháng hoạt động.

    Chiến dịch cũng xác định, Evgeniy Mikhailovich Bogachev, 30 tuổi, người Nga, là một trong những quản lý cấp cao của đường dây tội phạm mạng trên. Bogachev hiện đang bị kiện ra tòa tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ, với 14 tội danh bao gồm âm mưu tấn công máy tính, lừa đảo ngân hàng và rửa tiền liên quan tới "Gameover Zeus" và "Cryptolocker". Ngoài ra, nhân vật này cũng đang đối mặt với tội danh "âm mưu lừa đảo ngân hàng" liên quan tới virus "Gameover Zeus" tại bang Nebraska.

    Chiến dịch này là sự hợp tác giữa FBI với cơ quan đồng cấp tại nhiều nước bao gồm Australia, Hà Lan, Đức, Pháp, Italy, Nhật Bản, Luxembourg, New Zealand, Canada, Ukraine và Anh cùng với Trung tâm Tội phạm mạng châu Âu. Ngoài ra, còn có sự hợp tác từ các công ty tư nhân như Dell, Microsoft, Afilias, Deloitte và Symantec.

    4- Nguyễn Hà Đông sẽ kiện các “game nhái” gần giống Flappy Bird

    Theo một số nguồn tin mới đây, Nguyễn Hà Đông, tác giả của game mobile nổi tiếng (Flappy Bird) đang dự định sẽ khởi kiện các “game nhái” gần giống với tựa game và cách chơi game Flappy Bird của mình.

    [​IMG]

    Nguyễn Hà Đông đang trao đổi với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về game Flappy Bird gây nghiện.

    Theo đó, DotGear Studio - công ty do Nguyễn Hà Đông thành lập, đang dự định việc này. Việc dự định khởi kiện các tựa game có gameplay gần giống với Flappy Bird trên Apple rõ ràng là một bước chuẩn bị cho sự trở lại của trò chơi nổi tiếng Flappy Bird vào tháng 8 này (như đã công bố).

    Cách đây không lâu, Nguyễn Hà Đông đã hé lộ thông tin về việc anh sẽ ra mắt một phiên bản Flappy Bird khác vào tháng 8/2014 tới. Theo đó, phiên bản Flappy Bird mới này sẽ có thêm chế độ cho nhiều người chơi cùng lúc với nhau, đồng thời sẽ... giảm bớt tính gây nghiện.

    5- Cần đẩy mạnh quản lý TMĐT

    Trước tình trạng quản lý website thương mại điện tử (TMĐT) tại các địa phương đang còn lỏng lẻo, thiếu nhân lực, các DN "ngại đăng ký",... ngày 29 & 30/5/2014, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT và CNTT) phối hợp với Dự án Chính sách Thương mại và Đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về thương mại điện tử” tại TP.Huế và TP.HCM.

    Theo thống kê của Cục TMĐT và CNTT, hiện Việt Nam có gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 200.000 doanh nghiệp là có website. Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp có website, chỉ khoảng 40% - 45% là có website TMĐT. Nhưng trong số đó, chỉ có hơn 4.800 website TMĐT làm đúng thủ tục thông báo/đăng ký. Trong đó, TP.HCM và Hà Nội chiếm tỷ lệ cao nhất.

    Còn Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, tại TP.HCM có trên 144.000 tên miền website, trong đó có trên 85.996 tên miền website TMĐT đang hoạt động, với gần 80.000 website TMĐT cần thanh tra, kiểm tra theo Nghị định số 52. Tuy nhiên, mới có 2% website TMĐT trên địa bàn TP.HCM có đăng ký. Tình trạng website TMĐT "vô chủ" đang tràn lan, để quản lý được các website cần phải có cơ chế phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ TT-TT.

    Trước thực tiễn trên, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT cho rằng, đây là phương thức kinh doanh đặc thù nên cần có cách quản lý phù hợp. Có thể thấy, các mô hình kinh doanh TMĐT liên tục phát triển và mở rộng ở các mô hình mobile, mạng xã hội... Theo đó, hàng giả, hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xách tay… cũng theo đó phát triển tràn lan trên mạng, không sợ kiểm soát, xử phạt của các cơ quan chức năng. Rồi các vấn đề phát sinh như thuế, an toàn bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân, kiểm tra - xử phạt cũng gây nhiều khó khăn, trở ngại cho các cơ quan thực thi hành pháp.

    Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh cho biết, sau hơn 3 năm triển khai Quyết định số 1073/QĐ- TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011- 2015, đã có những bước chuyển biến quan trọng về hạ tầng pháp lý cho TMĐT.

    Năm 2014 - 2015, Bộ Công Thương sẽ tập trung sửa đổi Thông tư 12/2013/TT-BTC, đưa trách nhiệm của chủ các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội, thông tin của người bán vào Thông tư. Cạnh đó, Bộ cũng tăng cường công tác kiểm tra các website bán hàng, sàn giao dịch TMĐT, tăng thẩm quyền thanh tra, xử phạt cho các thanh tra chuyên ngành, đồng thời xây dựng chế định thực hiện Chương trình phát triển TMĐT quốc gia…

    6- Sẽ có mạng 5G vào năm 2020

    Theo thông tin từ báo Nikkei (Nhật Bản), người dùng ở nước này sẽ được sử dụng mạng 5G vào năm 2020.

    Neowin, ngày 3/6 dẫn nguồn từ Nikkei cho biết, về lý thuyết, nếu áp dụng công nghệ mạng di động 5G, người dùng sẽ có khả năng truyền dữ liệu lên tới 10 Gigabits/giây, tức nhanh hơn vài trăm lần so với tốc độ 4G hiện tại.

    [​IMG]

    Khi đó, người dùng có thể thưởng thức những bộ phim 3D hoặc những nội dung số có độ phân giải cực cao từ xa trên di động một cách dễ dàng.

    Cũng theo dòng này, hôm nay 3/6, Ericsson đã công bố một báo cáo về xu thế phát triển viễn thông di động thế giới tới năm 2019 và theo đó, vào năm 2019, số thuê bao 4G/LTE chiếm đa số.

    Theo báo cáo, từ số lượng các thiết bị kết nối Machine-to-machine (M2M) là 200 triệu vào cuối năm 2013, tới năm 2019, số lượng này sẽ tăng gấp 3 đến 4 lần. Hiện, phần lớn các thiết bị vẫn chỉ kết nối qua công nghệ GSM, nhưng tới năm 2016, đa số các thuê bao sẽ kết nối qua 3G/4G.

    “M2M di động đang ở giai đoạn cất cánh. Dần theo thời gian, các dịch vụ và ứng dụng M2M di động như hệ thống giao thông thông minh sẽ yêu cầu thời gian trễ rất ngắn để đảm bảo hoạt động hiệu quả. Tới năm 2019, dự kiến trên 20% các thiết bị M2M di động được kết nối thuê bao LTE. Đồng thời, các ứng dụng M2M và thiết bị- kết nối - thiết bị sẽ trở thành tâm điểm của mạng 5G.” - Bà Rima Qureshi, Phó chủ tịch cấp cao và Giám đốc chiến lược tập đoàn Ericsson cho biết.

    7- 50% các trao đổi bằng thư điện tử không được mã hóa

    Ngày 4/6, Google vừa công bố đã bổ sung một phần "Safer Email" (Thư điện tử an toàn hơn) vào báo cáo minh bạch của mình, Business Insider đưa tin.

    Phần bổ sung này sẽ giúp theo dõi phần trăm thư đến và đi được mã hóa hoặc không. Mã hóa là một quá trình mã hóa phổ biến các thư do đó các thư không thể bị bất cứ ai đọc được trừ bạn hay người nào đó bạn muốn chia sẻ.

    Theo thống kê của Google, trong 30 ngày qua, 65% tất cả các thư được gửi đi đã được mã hóa; 50% thư đến từ các dịch vụ khác đến hộp thư Gmail được mã hóa.

    Báo cáo này cũng cho biết, các tên miền hàng đầu đang gửi và nhận thư điện tử đến và đi từ Gmail và việc mã hóa các các tên miền được đo lường. Nếu bạn là một người sử dụng thư điện tử Yahoo, thì có thể tin chắc là là chưa tới 1 trong 100 thư điện tử một tài khoản Yahoo gửi đến Gmail được mã hóa. Điều này cũng tương tự với Comcast.net.

    8- Lượng thuê bao di động sắp vượt số dân toàn cầu

    Báo cáo về viễn thông di động vừa được Ericsson công bố cho hay, từ số lượng các thiết bị kết nối Machine-to-machine (M2M) là 200 triệu vào cuối năm 2013, tới năm 2019, số lượng này sẽ tăng gấp 3 đến 4 lần. Hiện phần lớn các thiết bị vẫn kết nối qua công nghệ GSM, nhưng tới năm 2016, đa số các thuê bao sẽ kết nối qua 3G/4G.

    Hàng năm, số lượng thuê bao di động tăng trưởng ở mức 7%. Chỉ tính riêng Quý 1, 2014 đã có thêm 120 triệu thuê bao mới. Dự kiến tới năm 2015, tổng số thuê bao di động sẽ vượt hơn số dân trên thế giới. Số lượng thuê bao băng rộng di động cũng tiếp tục tăng và đạt mức 7,6 tỉ thuê bao vào cuối năm 2019, chiếm trên 80% tổng số thuê bao di động.

    Năm 2013, số lượng thuê bao smartphone là 1,9 tỉ. Tới năm 2016, số lượng thuê bao smartphonesẽ vượt số lượng thuê bao sử dụng điện thoại cơ bản và tới năm 2019, số lượng thuê bao smartphone sẽ lên tới 5,6 tỉ.

    Chính hai yếu tố trên sẽ thúc đẩy lưu lượng dữ liệu di động (chủ yếu là video) trong giai đoạn từ 2013 tới 2019 sẽ tăng lên gấp 10 lần, chiếm trên 50% tổng lưu lượng dữ liệu di động toàn cầu. Năm 2013, tỉ lệ này mới chỉ là 40%. Hiện tại, mạng xã hội chiếm hơn 10% tổng lưu lượng dữ liệu di động và sẽ tăng 10 lần trong giai đoạn từ 2014 tới 2019.

    9- Hơn 22% smartphone Việt Nam nhiễm mã độc

    Công ty An ninh mạng Bkav vừa cho biết, theo thống kê mới nhất của Bkav, hơn 22% số điện thoại thông minh (smartphone) ở Việt Nam từng bị lây nhiễm mã độc. Trong đó, riêng virus gửi tin nhắn tới đầu số thu phí gây tổn thất lên tới 3,9 tỷ đồng mỗi ngày cho người dùng smartphone.

    Thống kê trên được thực hiện dựa trên số liệu từ hệ thống giám sát virus của Bkav. Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2014, phần mềm bảo vệ smartphone Bkav Mobile đã cập nhật 621.000 mã độc mới xuất hiện, vượt xa số lượng 528.000 của cả năm 2013.

    Đặc biệt, mỗi ngày có 262.000 điện thoại bị nhiễm loại mã độc gửi tin nhắn SMS đến đầu số tính phí. Đây là các đầu số thu phí 15.000 đồng/SMS. Tính ra, mỗi ngày người sử dụng smartphone tại Việt Nam bị “móc túi” số tiền lên tới 3,9 tỷ đồng.

    10- Tin tặc TQ đã thực hiện 541 vụ tấn công website VN trong tháng 5

    Đây là con số các vụ tấn công vừa được Trung tâm ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính (VNCERT, Bộ TT-TT) cho biết tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước về TT-TT tháng 5.

    Qua theo dõi để thống kê, tìm hiểu và cảnh báo các đơn vị đầu mối những thông tin về sự cố và xử lý sự cố trong tháng 5, VNCERT đã phát hiện 998 vụ tấn công website Việt Nam, trong đó có 62 vụ tấn công vào các website của các cơ quan nhà nước. Lọc các vụ tấn công trên, có trong đó 541 vụ tin tặc Trung Quốc tấn công và 16 vụ tin tặc Trung Quốc tấn công các cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

    Số lượng này tăng gấp rưỡi so với trung bình hàng tháng, nhưng ít hơn so với vụ tấn công năm ngoái khi có vụ cắt cáp tàu Bình Minh, hàng trăm các trang web nhà nước bị tin tặc Trung Quốc tấn công. Các trang web bị tấn công trong tháng 5 vừa rồi là các website quận, huyện trở xuống. Các đơn vị phòng chống đã cảnh giác cao hơn nhiều, ông Vũ Quốc Khánh cho biết thêm.

    Tuy nhiên, khi phối hợp với các CERT nước ngoài, VNCERT đã tìm hiểu một nguy cơ nữa là có những mạng lưới các mã độc đã tấn công, cài đặt trong các cơ quan nhà nước. VNCERT đã khẩn trương xác minh, phân lập ra các cơ quan nhà nước, các cơ quan quan trọng để lên kế hoạch chuẩn bị chiến dịch gỡ mã độc.

    Thanh Trà (tổng hợp)

    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Nguyễn Hà Đông sẽ kiện các “game nhái”

Share This Page