Kỹ sư của Không quân Mỹ: Máy bay Malaysia Airlines bị không tặc

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Mar 11, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 312)

    (XHTT) Máy bay Boeing 777 của Malaysia mất tích bí ẩn nay đã sang ngày thứ 4. Nhiều manh mối đã được các nhà chức trách để mắt đến trong ngày 9 và 10/3. Ở đây, ngoài những thông tin tổng hợp được, Xã Hội Thông Tin cập nhật một thông tin rất mới, từ nhận định của một kỹ sư máy bay của lực lượng Không quân Hoa Kỳ…


    Khả năng bị không tặc tấn công?

    Trả lời BBC ngày 11/3, ông Long Nguyễn - Một kỹ sư máy bay đang phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ cho rằng, việc các đội tìm kiếm cứu hộ không phát hiện ra mảnh vỡ nào của máy bay trên mặt biển nhiều ngày qua là điều vô lý.

    "Ngay cả trong trường hợp xấu nhất, nếu máy bay bị nổ trên không trung, chúng ta sẽ nhìn thấy các mảnh vỡ trải dài nhiều dặm trên mặt biển," ông Long nói.

    "Gần 250 ghế trên máy bay được thiết kế để có thể nổi trên mặt biển và hành khách có thể bám vào đó nếu gặp nạn, đó là chưa kể vô số những bộ phận được làm từ vật liệu dễ nổi khác trong máy bay."

    "Nếu như chiếc máy bay không bị nổ trên không trung mà lại rơi xuống biển thì cho đến thời điểm này, thân máy bay đã chạm đến đáy biển và đã bị nghiền nát, khiến các mảnh vỡ trồi lên mặt biển."

    Ông Long cho rằng, việc chiếc máy bay Boeing 777 đột ngột biến mất khỏi radar cần có sự can thiệp của bàn tay con người.

    "Nếu muốn tắt máy phát tín hiệu của máy bay, bạn phải vượt qua hàng loạt cầu dao tự động và sau đó phải chui xuống bên dưới khoang máy để tháo gỡ một thứ giống như một tấm thẻ điện tử ra.", ông Long nói.

    "Nó không phải một cái nút mà có thể được bật hoặc tắt một cách đơn giản". "Đây là một quy trình rất tốn thời gian và đòi hỏi người thực hiện biết rõ mình đang làm gì."

    Ông Long cũng đặt nghi vấn trước việc không một tín hiệu khẩn cấp nào được gửi đi trước và sau khi mất tích.

    "Trong trường hợp máy bay bị rơi, máy phát định vị khẩn cấp (ELT) có thể gửi tín hiệu để báo khu vực nằm trong bán kính 300-400 dặm xung quanh vị trí của hộp đen."

    "Hệ thống ELT được thiết kế để dù bất cứ điều gì có xảy ra với máy bay đi nữa, người ta vẫn có thể điều tra ra nguyên nhân."

    "Theo tôi biết thì những chiếc Boeing 777 có đến hai máy ELT để đề phòng trường hợp một máy bị hỏng".

    "Các phi công trên máy bay là những người có nhiều kinh nghiệm, cơ trưởng có đến hơn 18.000 giờ bay mà Malaysia Airlines lại không nhận được bất cứ tín hiệu báo nguy nào từ anh ta thì đó là điều vô lý."

    "Tôi tin rằng đây là một vụ không tặc", ông khẳng định. Đồng thời ông còn cho rằng, các nhà điều tra nên nhanh chóng xem xét hồ sơ lý lịch của hai hành khách lên máy bay bằng passport giả để xem họ có bất cứ sự hiểu biết nào về máy bay hay không.

    Những giả định trên đây của Long Nguyễn được cộng đồng mạng đánh giá là có sơ sở.

    Diễn tiến việc tìm kiếm ngày 10/3

    Một máy bay Singapore đã phát hiện một vật thể lạ được cho là mảnh vỡ máy bay. Ngay khi nhận được thông tin, Việt Nam đã triển khai lực lượng đi trục vớt. Tuy nhiên, vật thể này không liên quan đến máy bay Malaysia.

    Trưa 10/3, máy bay tuần thám của Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục phát hiện một vật thể lạ màu vàng cam ở vị trí cách đảo Thổ Chu (Kiên Giang) 177km về phía Tây Nam (tọa độ 07 độ 47'30''N - 102 độ 57'12''E). Nhìn từ máy bay, vật thể có hình vuông, màu da cam, nghi là phao cứu sinh.

    Đầu buổi chiều, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia thông báo, máy bay R65 của Singapore cũng phát hiện một vật thể màu vàng, trông giống máng cứu sinh (máng trượt của máy bay) tại 08 độ 16'05''N - 102 độ 51'11'' E (cách đảo Thổ Chu 140 km về phía Tây Nam) và yêu cầu Việt Nam hỗ trợ phương tiện đến xác minh.

    Khoảng 15h chiều, tàu HQ 637 đã vớt đươc vật thể màu vàng mà Malaysia đã thông báo, tuy nhiên vật này được xác định là nắp cuộn cáp đã đóng rêu.

    Cuối giờ chiều, máy bay thương mại Hong Kong báo tin phát hiện nhiều mảnh vỡ gần vùng biển Vũng Tàu. Các phương tiện Việt Nam phối hợp với tàu ngư dân đến tọa độ nghi vấn để xác minh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu trong buổi họp báo tối qua cho biết, "máy bay khó có thể bay đến khu vực đó".

    Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam cho biết Việt Nam đang nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình. Khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, lực lượng chức năng sẽ tập trung làm nhiệm vụ, tất cả vì sinh mạng con người.

    Đến thời điểm này, Việt Nam đã cấp phép cho máy bay và tàu của 4 nước được vào lãnh hải Việt Nam tham gia tìm kiếm, gồm: Malaysia, Singapore, Mỹ và Trung Quốc. Tổng cộng đã có 34 tàu bay, 40 tàu thủy các loại của các nước tham gia tìm kiếm, chưa kể các tàu của ngư dân tham gia cứu hộ.

    Mở rộng việc tìm kiếm máy bay mất tích ra phía Tây Côn Đảo

    Hôm nay, 11/3, các lực lượng tìm kiếm và cứu hộ dự kiến sẽ chia làm 2 khu vực, mở rộng vùng tìm kiếm máy bay Malaysia lên 20.000 km2, trong đó, không quân Việt Nam sẽ rà tìm từ Bãi Cạn Cà Mau đến phía tây của Côn Đảo - Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân tại sân bay Tân Sơn Nhất cho biết sáng sớm hôm nay.

    Trước đó, vào chiều qua (10/3), có thêm 2 chiếc Casa 212 nữa được huy động, nâng tổng số máy bay của lực lượng Không quân Việt Nam lên 12 chiếc, chưa tính số dự bị. Casa là máy bay tuần tra hiện đại nhất Việt Nam hiện thời, được trang bị hệ thống tuần thám biển, có thể làm nhiệm vụ liên tục trong 5 giờ, chuyên phục vụ công tác tuần tra biên giới, quan sát, phát hiện dầu loang, dầu tràn trên biển, phòng cháy rừng... Casa 212 có thể hạ độ cao xuống 100m so với mặt biển và được trang bị camera quan sát từ xa ở cự ly 3.000m.

    [​IMG]

    Casa 212 của Việt Nam.

    VNREDSAT-1 của Việt Nam sẽ chụp ảnh khu vực nghi máy bay mất tích

    Chiều 10/3, ông Chu Xuân Huy, trưởng phòng Quản lý và khai thác dữ liệu ảnh vệ tinh thuộc Trung tâm Điều khiển và Khai thác vệ tinh nhỏ, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, sau khi được tin về vụ mất tích máy bay MH-370 của hãng hàng không Malaysia Airline tại khu vực gần đảo Thổ Chu của VN, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Cục Viễn thám (Bộ Tài nguyên Môi trường) - Đơn vị được giao khai thác vệ tinh VNREDSAT-1 (vệ tinh nhỏ) phục vụ nghiên cứu khoa học về môi trường, yêu cầu Trung tâm chụp ảnh toàn bộ khu vực được nghi máy bay mất tích.

    Theo đó, trong khoảng 1 giờ (từ 10h30 đến 11h30) ngày 11/3, vệ tinh VNREDSAT-1 sẽ bay qua khu vực đảo Thổ Chu, Trung tâm Điều khiển và Khai thác vệ tinh nhỏ sẽ chụp những bức ảnh từ vệ tinh khu vực này.

    Tầm bao quát của vệ tinh VNREDSAT-1 có khả năng chụp ảnh tới 400km chiều dài và khoảng 17m chiều rộng, độ phân giải lên tới 2,5m.

    Ông Huy cho biết, sau khi có kết quả chụp từ vệ tinh, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam sẽ công bố sớm nhất để các cơ quan tham gia tìm kiếm cứu nạn có thêm dữ liệu làm cơ sở tiếp tục tìm kiếm.

    Có 5 khách ký gửi hành lý nhưng không lên máy bay

    Ông Azharuddin Abdul Rahman, lãnh đạo Cục Hàng không Dân dụng Malaysia vừa xác nhận với các báo rằng, có tới 5 hành khách dù đã mua vé và hoàn tất thủ tục ký gửi hành lý nhưng không lên chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines.

    Hãng Malaysia Airlines đã rút hành lý của các hành khách này ngay khi biết họ không lên máy bay. Việc này phù hợp với quy trình chuẩn. "Chúng tôi đã phải rút những hành lý mà họ đã ký gửi", AFP dẫn lời ông.

    Đã tìm ra người dùng hộ chiếu giả, nhưng họ không đến từ Tân Cương

    Theo quyền Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Malaysia, ông Datuk Seri Hishammuddin Hussein, hệ thống máy quay giám sát an ninh của sân bay đã ghi lại hình ảnh của hai người sử dụng hộ chiếu giả để lên chuyến bay MH370 của hãng hàng không quốc gia Malaysia, Malaysia Airlines.

    Theo ông Hussein, hình ảnh về hai người này sẽ giúp cơ quan tình báo trong nước và quốc tế có thêm dữ liệu để điều tra vụ mất tích đột ngột của chiếc Boeing 777 cùng 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn. Trong khuôn khổ cuộc họp báo ngày 10/3, ông Hussein khẳng định: “Chúng tôi sẽ cung cấp cho giới truyền thông bản sao chân dung hai hành khách bí ẩn”.

    Cũng trong ngày 10/3, Ông Khalid Abu Bakar, Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia cho biết, đã xác định được nhân dạng của một trong hai người lên máy bay mất tích bằng hộ chiếu ăn cắp và người đó không phải đến từ Tân Cương, Trung Quốc như các thông tin đồn đoán. "Tôi có thể xác nhận rằng hắn không phải là người Malaysia, nhưng chưa thể tiết lộ hắn đến từ nước nào", AFP dẫn lời ông Khalid.

    Khi được hỏi liệu cả hai người đàn ông có lý lịch nhập cảnh vào đất nước hay không, ông Khalid chỉ nói giới chức vẫn đang điều tra vụ việc.

    "Người đàn ông đó không phải từ Tân Cương, Trung Quốc", ông nói và cho biết người này được nhận dạng thông qua máy camera của Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur.

    Tổng thanh tra cảnh sát cũng tuyên bố Malaysia chưa xác thực được việc một nhóm phiến quân Trung Quốc nhận trách nhiệm với chiếc máy bay mất tích. "Hãy để chúng tôi điều tra vấn đề một cách toàn diện", ông cũng đề nghị công chúng không đồn đoán thêm về vụ việc.

    Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia không xác nhận thông tin của Bộ trưởng Nội vụ rằng những hành khách đi bằng hộ chiếu ăn cắp trên máy bay mất tích "có đặc điểm châu Á".

    Tìm ra người đã đặt vé cho 2 kẻ giả mạo trên máy bay mất tích

    Công ty du lịch Grand Horizon ở Pattaya, Thái Lan cho biết, một doanh nhân Iran tên là “Ali” đã yêu cầu đặt vé giá rẻ đến châu Âu cho 2 người đàn ông vào ngày 1/3. Người này dùng tiền mặt để mua vé chuyến bay MH370.

    Hãng tin Financial Times dẫn lời nhân viên Grand Horizon, cho biết nhân viên này không nghĩ “ông Ali” có liên quan đến khủng bố.

    Trước đó, Bộ ngoại giao Ý cho biết không có hành khách người Ý nào trên chuyến bay mất tích như trong thông báo của Malaysia Airlines. Hành khách Ý có tên trong chuyến bay MH370, Luigi Marldi, 37 tuổi, hiện vẫn sống an toàn, và hộ chiếu của anh ta đã bị mất cắp khi tới Thái Lan tháng 8 năm ngoái.

    Tương tự, tên của một người Áo cũng xuất hiện trong danh sách hành khách trên chuyến bay, song người này thực tế vẫn sống ở Áo và hộ chiếu cũng bị mất trong một chuyến đi Thái Lan 2 năm trước.

    Mỹ điều khu trục hạm thứ 2 đến Biển Đông tìm phi cơ mất tích

    Theo Malay Mail, tàu khu trục USS Kidd của Mỹ cũng tham gia nhiệm vụ cùng với một khu trục hạm khác, USS Pinckney, trong bối cảnh giới chức Malaysia tuyên bố mở rộng gấp đôi diện tích tìm kiếm phi cơ chở 239 người mất tích hôm 8/3.

    Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steven Warren cho hay, “Mỹ đang tiếp tục hỗ trợ chính phủ Malaysia trong các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn máy bay Boeing 777”.
    Theo người phát ngôn này, hai tàu chiến của hải quân Mỹ chở theo các máy bay trực thăng Sea Hawk MH-60 được trang bị camera hồng ngoại, có thể thực hiện các chuyến tìm kiếm ban đêm.

    Mỹ điều tàu khu trục thứ 2 đến hỗ trợ công tác tìm kiếm. Ảnh: Malaysia Insider.

    Trước đó, hôm 9/3, tàu khu trục Pinckney đã phát hiện vật thể lạ nhưng giới chức sau đó xác nhận nó không thuộc máy bay mất tích mà chỉ là một mảnh vỡ tàu cũ. Máy bay tuần tra biển P-3C Orion cũng đã thực hiện các chuyến bay kéo dài 9 tiếng từ căn cứ Subang Jaya, Malaysia để hỗ trợ tìm kiếm.

    Trung Quốc, Malaysia bác tin khủng bố trên chuyến bay MH370

    Sự biến mất bí ẩn của chuyến bay MH370 khiến cộng đồng mạng Trung Quốc đồn đoán về khả năng những phần tử cực đoan người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã gây nên thảm kịch. 154 trong tổng số 227 hành khách trên chuyến bay trên mất tích là người Trung Quốc. "Tôi sợ rằng những người ở Tân Cương đã khiến máy bay mất tích", Chen Lei, một người Trung Quốc, phán đoán như vậy trên mạng xã hội Tencent.

    [​IMG]

    Thân nhân (người Trung Quốc) của các hành khách trên chuyến bay mất tích đang ngóng tin.

    Hôm qua, 10/3, ông Tần Cương, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo người dân rằng, không nên đồn đại tùy tiện về khả năng khủng bố trên máy bay mất tích. Christian Science Monitor đưa tin. "Cuộc điều tra đang tiếp tục. Đưa ra kết luận bây giờ là hành động vội vàng. Mọi người nên bình tĩnh và không đồn thổi những thông tin mà nhà chức trách chưa kiểm chứng", ông Tần Cương nói.

    Tổng giám đốc Cục Hàng không dân dụng Malaysia, ông Azharuddin Abdul Rahman, cũng tỏ ra thận trọng như ông Tần Cương trong cuộc họp báo hôm 10/3. "Để kết luận việc đã xảy ra trên phi cơ xấu số, chúng ta cần bằng chứng cụ thể và xác đáng. Vụ mất tích máy bay này là một bí ẩn mà chúng tôi chưa từng gặp", ông này nói.

    Thanh Trà (tổng hợp)

    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - Kỹ sư của Không quân Mỹ: Máy bay Malaysia Airlines bị không tặc

Share This Page