Khi nào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt trong lĩnh vực CNTT-TT?

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Jan 4, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 419)

    Trong những năm qua, ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam không ngừng phát triển, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đồng thời góp phần thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác. Riêng trong giai đoạn 2010 – 2012, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của ngành CNTT luôn đạt trên 80%, đưa tổng doanh thu toàn ngành năm 2012 đạt 25,5 tỷ USD.


    Hiện ngành CNTT là một trong 3 nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước. Thị trường CNTT trong nước cũng phát triển mạnh, theo báo cáo của tập đoàn IDC, dự kiến tổng chi tiêu cho CNTT của cả nước năm 2013 ước đạt 4,2 tỷ USD. Thị trường CNTT Việt Nam được đánh giá là năng động và có tốc độ phát triển nhanh.

    [​IMG]

    Bên cạnh việc tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, ngành CNTT Việt Nam cũng chứng kiến sự thay đổi trong các doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Nếu như trước đây, đa số các doanh nghiệp CNTT trong nước chỉ tập trung vào gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp nước ngoài hoặc làm mạng lưới phân phối lại sản phẩm. Thì nay, nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, cho ra nhiều sản phẩm và dịch vụ mới. Các sản phẩm và dịch vụ CNTT mang thương hiệu Việt xuất hiện ngày càng nhiều, đa dạng về chủng loại, từ các sản phẩm phần mềm tiện ích như: diệt virus, nghe nhạc, xem phim, tới các sản phẩm chuyên dụng như quản lý bệnh viện, quản lý dự án xây dựng... các sản phẩm phần cứng cũng xuất hiện ngày một nhiều, với tỉ lệ nội địa hóa ngày một cao, trên thị trường đã xuất hiện các thương hiệu máy tính để bàn, máy tính sách tay, điện thoại di động, điện thoại thông minh, robot... Các sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt có những ưu thế nhất định so với các sản phẩm ngoại nhập như: giá thành cạnh tranh, sản phẩm có những tính năng, thiết kế phù hợp hơn với thói quen sử dụng của người Việt, khả năng tùy biến cao tùy vào nhu cầu của người dùng. Ngoài ra, một ưu điểm quan trọng của các sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt là hệ thống dịch vụ sau bán hàng, bảo trì, bảo hành đều ở trong nước và người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận. Đây là một ưu điểm quan trọng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, khi sử dụng các sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt sẽ có thể yên tâm hơn về hệ thống CNTT của doanh nghiệp mình.

    Yếu điểm lớn nhất của các sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt chính là việc quảng bá hình ảnh, cung cấp thông tin tới người tiêu dùng còn yếu. Lý do chính là do các doanh nghiệp CNTT Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh phí đầu tư cho truyền thông, quảng bá còn yếu trong khi đó chi phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện tại rất cao. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, cũng như truyền thông về sản phẩm của doanh nghiệp mình. Do đó dẫn tới việc người dùng không tiếp cận được với thông tin về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam, hoặc hiểu không đúng và đầy đủ về sản phẩm dẫn tới những định kiến, quan niệm sai lầm về sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt. Hiện nay, CNTT đang được coi là 1 trong 10 hạ tầng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

    Bên cạnh đó, cùng với làn sóng ủng hộ sử dụng sản phẩm trong nước trong đó bao gồm cả lĩnh vực CNTT, sẽ là cơ hội tốt cho các sản phẩm và dịch vụ CNTT Việt Nam. Tuy nhiên, cũng đồng thời với sự phát triển của thị trường CNTT tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia đã coi Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm và tập trung đầu tư, quảng bá hình ảnh sản phẩm của họ tại Việt Nam, đây là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước.

    Trong các năm gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Chương trình Sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt. Đây là chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư dành riêng cho các sản phẩm và dịch vụ CNTT Việt Nam. Chương trình bước đầu đã để lại nhiều dấu ấn tích cực, với nhiều hoạt động như: Hội thảo nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các doanh nghiệp về tầm quan trọng cảu việc xây dựng, phát triển thương hiệu; triển lãm các sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt tiêu biểu; xây dựng ấn phẩm danh mục sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt,...

    Được biết, sắp tới Chương trình Sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt sẽ có nhiều hoạt động phối hợp cùng Chương trình Thương hiệu quốc gia để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm và dịch vụ CNTT Việt Nam. Hiện nay, Bộ Công thương cũng đang chủ trì, xây dựng kế hoạch nhiều năm hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, theo đó sẽ có nhiều giải pháp, hành động cụ thể nhằm trợ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm của doanh nghiệp mình. Từ những lý do trên, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường nội lực, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển để sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ CNTT với chất lượng ngày một cao hơn. Chính phủ cũng cần phải quan tâm, hỗ trợ, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về các sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt, và xây dựng các giải pháp giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận được các công cụ truyền thông, quảng cáo với giá thành ưu đãi hơn.

    Sơn Tùng

    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - Khi nào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt trong lĩnh vực CNTT-TT?

Share This Page