Trẻ lồng ruột dễ bị cấp cứu muộn 

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Jan 2, 2014.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 876)

    Thấy con trai 11 tháng chốc chốc lại khóc ngằn ngặt, sau đó nôn, đi ngoài ra máu, vợ chồng chị Bích nghĩ con bị lỵ nên mua thuốc cho bé uống. Mấy hôm sau con không đỡ, anh chị đưa con đi viện mới biết bé bị lồng ruột, ruột đã hoại tử.


    "Lúc đầu thấy con cứ sau một hồi gào khóc lại chơi như bình thường mình còn tưởng cháu quấy, bày trò ăn vạ. Sau đó nghĩ con đau bụng, đi kiết lỵ nên cứ tìm cách chữa ở nhà, ngờ đâu khiến con đi chữa muộn, phải cắt một đoạn ruột", chị Bích (Từ Liêm, Hà Nội) kể.

    Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày tại đây tiếp nhận cấp cứu, tháo lồng ruột cho 4-5 trẻ. Nhiều bé vì không được phát hiện bệnh kịp thời khiến tình trạng bệnh nặng, gây biến chứng.

    Trường hợp bé Nam, 13 tháng tuổi ở Bắc Ninh, là một điển hình. Cháu nhập viện trong tình trạng sốt, nôn, đau bụng dữ dội, khóc ngặt từng cơn. Bố mẹ không biết, đưa đến viện muộn khi đoạn ruột lồng đã chui sâu vào nhau gây sưng nề, tắc nghẽn mạch máu. Các bác sĩ phải phẫu thuật để tháo lồng cho bé.

    [​IMG]

    Bệnh nhi đi khám tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: MT.


    Bác sĩ Đặng Thúy Hà, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, lồng ruột là tình trạng quai ruột cuộn vào nhau. Đây là cấp cứu ngoại nhi thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ. Bệnh hay xảy ra với trẻ dưới 2 tuổi, thường gặp ở trẻ trai nhiều hơn gái và ở trẻ bụ bẫm nhiều hơn trẻ nhẹ cân. Trẻ lớn vẫn có thể bị lồng ruột nhưng tỷ lệ ít hơn.

    Theo bác sĩ, cho đến nay, nguyên nhân gây lồng ruột ở trẻ nhỏ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ lồng ruột là do bị tung hứng hay chọc cười quá mức nhưng chưa có nghiên cứu nào xác nhận điều này. Với trẻ 2 tuổi trở lên, lồng ruột thường do có polip đại tràng, khối u... Trong các trường hợp trẻ bị tái đi tái lại nhiều lần, trên 2 tuổi, thầy thuốc thường phải cố gắng tìm nguyên nhân để xử lý.

    Bác sĩ Hà cho hay, lồng ruột ở trẻ hay xảy ra vào mùa lạnh. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là trẻ khóc từng cơn, bụng đau quặn, nôn, ban đầu nôn ra thức ăn, sau là ra dịch vàng, đi ngoài phân máu. Hiện nay, chẩn đoán qua siêu âm cho kết quả gần như tuyệt đối.

    Trẻ bị lồng ruột được điều trị bằng cách đặt xông trong hậu môn, tháo lồng, bơm hơi, theo dõi, nếu ổn định có thể về nhà. Nhiều trường hợp bị lồng ruột phức tạp phải tháo nhiều lần. Có trẻ lồng ruột tái đi tái lại nhiều lần, thậm chí có bé phải nhập viện tháo lồng ruột tới 9 lần. Với những bệnh nhi này, thường bác sĩ chỉ định nội soi đại tràng xem có polip hay vấn đề gì bất thường không, hoặc mổ cố định hồi manh tràng.

    Theo bác sĩ, các bậc phụ huynh thường không có kinh nghiệm về bệnh lồng ruột ở trẻ, nhất là khi thấy các triệu chứng khá mù mờ. Trẻ vẫn ăn, chơi, thi thoảng đau bụng theo cơn như giả vờ...

    Mặt khác, biểu hiện của lồng ruột dễ nhầm với nhiều rối loạn tiêu hóa khác. Nhiều trường hợp trẻ nhỏ quấy khóc, nôn, bố mẹ lại nghĩ con bị tiêu chảy cấp, tiêu chảy do rotavirus, hay khi thấy trẻ đi ngoài ra máu lại nghĩ con bị lỵ hay tắc ruột... Khi trẻ nôn ra dịch vàng là biểu hiện rõ ràng. Những trường hợp đi ngoài ra máu thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Nếu để muộn lồng ruột có thể dẫn tới viêm ruột, hoại tử ruột (vì ruột xoắn lại, không có mạch máu nuôi), khi đó phải mổ, cắt ruột. Khi muộn, trẻ sốc hoại tử ruột, rối loạn huyết động, ly bì, nhiễm trùng huyết động, một số phải hồi sức cấp cứu tích cực, bụng chướng căng phồng.

    "Nên cho con đi khám khi thấy trẻ đau bụng, quấy khóc, nôn (lúc đầu ra thức ăn, lúc sau ra dịch vàng), đi ngoài ra máu (máu đỏ thẫm)... để bác sĩ xác định chính xác bệnh của bé. Nếu lồng ruột phải cấp cứu ngay, tránh các biến chứng đáng tiếc", bác sĩ Hà khuyến cáo.

    Vương Linh

    * Tên một số bệnh nhi trong bài đã được thay đổi.

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Trẻ lồng ruột dễ bị cấp cứu muộn 

Share This Page