Gorilla Glass bảo vệ thiết bị di động

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Oct 9, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 333)

    Các thiết bị di động đời mới như smartphone, tablet hay máy nghe nhạc MP3 được bảo vệ bằng mặt kính rất chắc chắn. Các thiết bị này hầu như đều cùng sử dụng kính Gorilla Glass – một sản phẩm của hãng Corning – nổi tiếng về độ mỏng, khả năng chống trầy xước và siêu bền.


    [​IMG]

    Về lý thuyết, việc sử dụng lớp kính bảo vệ bên ngoài màn hình cho các thiết bị di động dường như là một ý tưởng rất tệ. Nó vừa làm cho thiết bị thêm nặng và việc phải thường xuyên lấy ra cất vào sẽ làm cho lớp kính này dễ trầy, dẫn đến màn hình nhanh chóng bị các vết xước ngang dọc. Ngoài ra, lớp kính bảo vệ thông thường vừa dễ bị bể, đòi hỏi chi phí thay thế cao và lại tiếp tục tình trạng như thế sau khi thay lớp kính mới.

    Corning, nhà sản xuất kính bảo vệ hàng đầu thế giới cho thiết bị di động, đã chế tạo ra công nghệ kính Gorilla Glass siêu bền chịu lực và có khả năng chống trầy xước hiệu quả. Loại kính Gorilla Glass thế hệ mới nhất mà Corning sản xuất có độ dày chỉ khoảng 0,4mm. Vậy điều gì làm nên sự khác biệt của Gorilla Glass so với các loại kính thông thường khác?

    Kính Gorilla Glass của Corning được chế tạo qua hai giai đoạn gồm qui trình phản ứng tổng hợp và qui trình trao đổi ion. Trong đó, qui trình phản ứng tổng hợp tạo ra một tấm kính tinh khiết còn qui trình trao đổi ion nhằm tăng cường khả năng chịu lực cho tấm kính.

    Qui trình phản ứng tổng hợp

    [​IMG]
    Qui trình phản ứng tổng hợp tạo ra những tấm kính tinh khiết.
    Đây một qui trình độc quyền của Corning giúp tạo ra những tấm kính vừa mỏng vừa đặc biệt nguyên chất. Loại kính này được sản xuất từ ba loại nguyên liệu chính. Trước hết đó là cát mà chúng ta thường gọi với tên hóa học là Silic Dioxit (SiO2). Hai loại nguyên liệu còn lại là đá vôi (CaCO3) và Natri Carbonat (Na2CO3). Cả ba nguyên liệu này được trộn với nhau, sau đó nung chảy và sản phẩm thu được ở giai đoạn này chính là một hỗn hợp giữa chất kiềm cân đối và alumino silicat. Nguyên liệu kính này bản thân nó có chất lượng rất cao, tương đối giống như hợp chất của nhôm, silicon và oxy thông thường.
    Trước đây, các hãng chế tạo thường sử dụng qui trình kính nổi trong đó nguyên liệu được rót vào một bề mặt bằng kim loại (thường là thiếc) đun nóng, được làm phẳng dưới sức nặng của chính nó rồi sau đó được làm nguội lại trước khi tạo thành một tấm kính mỏng.

    Trong khi đó, với qui trình phản ứng tổng hợp của Corning, nguyên liệu được đổ vào một máng dài hình chữ V gọi là ống chịu nhiệt. Phần nguyên liệu này tràn ra, chảy xuống hai bên rìa của máng, tập trung lại tại đáy để hình thành nên một tấm kính. Một cánh tay robot tự động cắt tấm kính này bằng một lưỡi dao kim cương. Qui trình đơn giản này giúp giữ cho độ nguyên chất của kính, trong khi sản phẩm từ qui trình kính nổi thường có một lớp oxit thiếc trên bề mặt.

    Qui trình này cũng không cần phải qua công đoạn đánh bóng, vốn là một khâu có thể gây ra những tình trạng lỗi cho kính. Và kết quả là cuối cùng là một sản phẩm kính rất nguyên sơ. Tuy nhiên, đây chỉ là một tấm kính bình thường như các loại kính khác . Để chuyển đổi thành một tấm kính Gorilla Glass có thêm những đặc tính siêu bền và chống trầy thì còn phải trải qua một giai đoạn nữa.

    Qui trình trao đổi ion

    Sau khi hoàn thành quá trình phản ứng tổng hợp, chất liệu vừa tạo ra được cắt thành những miếng nhỏ với kích thước định sẵn và sau đó được đặt vào một bồn chứa đầy muối nóng chảy ở 400 độ C. Đây là một phần của qui trình trao đổi ion, kỹ thuật tinh chế tiêu chuẩn được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp. Tuy nhiên, ở đây Corning sử dụng nhiệt độ cực cao để hút các nguyên tử Natri ra khỏi bề mặt của kính, thay thế chúng bằng các nguyên tử Kali lớn hơn.

    Việc đổi các nguyên tử “nhỏ hơn” thành “lớn hơn” thoạt nghe có vẻ không hợp lý, nhưng qui trình này rõ ràng đã tạo ra một sự khác biệt thật sự. Kết quả là bề mặt kính khi này sẽ được phủ lớp các nguyên tử với mức độ nén dày đặc hơn, giúp cho nó có khả năng chống trầy xước hiệu quả hơn.

    Hơn nữa, trong khi loại kính thông thường hay gặp một vấn đề lớn với tình trạng bị rạn nứt và lây lan phát triển nhanh chóng, thì trạng thái nén vĩnh viễn của kính Gorilla Glass sẽ giúp cho chất liệu luôn luôn được gắn kết với nhau, có nghĩa là nó khó có khả năng bị rạn nứt hơn.

    Dĩ nhiên, điều này không làm cho sản phẩm kính Gorilla Glass trở nên “bất khả chiến bại”. Nếu vô tình va chạm với các vật cứng khác ở một mức độ giới hạn nào đó, màn hình sử dụng kính bảo vệ Gorilla Glass trên thiết bị của bạn cũng chắc chắn sẽ gặp vấn đề. Dù sao đi nữa, cho đến thời điểm này thì kính Gorilla Glass mang lại độ bền cao hơn nhiều so với loại kính thông thường khác.

    Gorilla Glass có mặt khắp nơi

    Corning là hãng chuyên sản xuất kính bảo vệ màn hình cho thiết bị di động mà đặc biệt là loại kính Gorilla Glass nổi tiếng về độ bền. Kính Gorilla Glass hiện đang được sử dụng trên hơn 1,5 tỷ thiết bị di động khắp toàn cầu, trong đó có cả các mẫu smartphone và tablet dòng Galaxy của Samsung, điện thoại iPhone của Apple, các mẫu laptop đến từ các thương hiệu lớn như Acer, Dell, HP và Lenovo, và thậm chí là xuất hiện trên cả những mẫu TV LCD Bravia của Sony.

    Corning hợp tác với các hãng sản xuất OEM khác để cung cấp kính Gorilla Glass cho quá trình sản xuất sản phẩm của họ. Do đó, dĩ nhiên người dùng cá nhân sẽ không thể tìm thấy những loại kính Gorilla Glass được bày bán trên thị trường.

    [​IMG]
    Qui trình trao đổi ion giúp kính Gorilla Glass bền hơn các loại kính khác.
    Gần đây nhất, vào cuối tháng 7/2013 vừa qua, Corning đã giới thiệu một phiên bản mới của loại kính Gorilla Glass dành riêng cho laptop màn hình cảm ứng. Sau khi kính Gorilla Glass được sử dụng rộng rãi trên smartphone và tablet, nhà sản xuất tuyên bố kính Gorilla Glass NBT sẽ mang đến khả năng bảo vệ vượt trội so với lớp kính làm bằng thủy tinh vôi trên laptop hiện tại. Gorilla Glass NBT sẽ cung cấp độ bền chống xước, va đập từ 8 - 10 lần so với kính bình thường. Dell là một trong những đối tác đầu tiên ký kết với Corning để đưa loại kính bền bỉ này vào laptop ra mắt từ mùa thu năm nay. Với mức chi phí hiệu quả hơn từ một đến 2% so với vật liệu truyền thống, Corning hy vọng loại kính này sẽ được sử dụng rộng rãi trên nhiều loại laptop khác trong tương lai.
    Một mục tiêu tương lai mà Corning nhắm đến là sẽ chế tạo ra loại kính siêu bền dùng cho xe ôtô. Loại kính bảo vệ mỏng hơn, bền hơn và khả năng chống trầy xước hiệu quả hơn không chỉ mang lại lợi ích an toàn, mà còn giúp giảm trọng lượng và hạ trọng tâm của xe, đồng thời giúp cải thiện khả năng tiết kiệm xăng cho xe. Corning kỳ vọng loại kính Gorilla Glass đầu tiên dành riêng cho xe ôtô sẽ xuất hiện trong vài năm tới.

    Không chỉ có thuận lợi trong quá trình phát triển, Gorilla Glass hiện đang gặp sự cạnh tranh đến từ những hãng khác. Chẳng hạn như Samsung và LG gần đây đã công bố loại màn hình dẻo có thể uốn cong, gập hay xoắn lại mà không bị vỡ và nhẹ hơn nhiều so với sản phẩm của Corning. Người dùng ngày càng đòi hỏi nhiều giải pháp hơn từ kính Gorilla Glass. Không chỉ là loại kính bảo vệ chịu lực và chống trầy xước, họ còn muốn lớp kính trên thiết bị phải đáp ứng yêu cầu chống chói khi đọc ngoài trời, chống bẩn và thậm chí chống cả vi khuẩn.

    Có thể nói, cho dù chiến thắng trong cuộc chiến này thuộc về hãng nào đi nữa thì rõ ràng người dùng tương lai sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Họ có thể trải nghiệm những thiết bị di động với màn hình rõ nét hơn, ít bị chói hơn và bền hơn bao giờ hết.

    PC World VN, 09/2013

    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Gorilla Glass bảo vệ thiết bị di động

Share This Page