Khoa học không nên trả lương theo cách cào bằng

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jan 25, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 488)

    Thứ sáu, 25/1/2013, 15:41 GMT+7
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    Anh Lục Trí Tuyên.
    Thạc sĩ Lục Trí Tuyên, làm việc tại Viện công nghệ thông tin, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam có bài viết tham giag diễn đàn "Vì sao các nhà khoa học làm việc trong nước lại ít có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài", trong đó chỉ ra tồn tại trong khoa học Việt Nam như chưa khuyến khích giới nghiên cứu khi có bài đăng trên tạp chí quốc tế, liên kết hợp tác giữa các ngành còn yếu:
    "Là một người từng có thời gian dạy trung học phổ thông, hiện tôi đang làm công việc nghiên cứu trong Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, có thể nói tôi là người "trong cuộc" đối với hoạt động khoa học trong nước.
    Tôi làm nghiên cứu được hai năm sau khi dạy toán ở một trường chuyên của tỉnh. So sánh với thu nhập trước khi chuyển đổi công việc, mọi người khuyên tôi không nên đi làm nghiên cứu vừa tốn sức lại "bèo bọt". Tuy nhiên, sau khi học xong thạc sĩ trong nước, tiếp xúc với cách tự nghiên cứu, tìm hiểu khoa học, tôi nhận ra sự yêu thích của mình với khoa học khi thấy ứng dụng của khoa học (ngành của tôi là toán thống kê ứng dụng) được áp dụng trực tiếp vào nhiều lĩnh vực đời sống mà các nước phát triển đang sử dụng.
    Tôi nhận thấy chương trình đại học, thạc sĩ hiện quá cách xa vấn đề ngày nay người ta áp dụng. Tôi bắt đầu suy nghĩ rằng, người làm khoa học nếu chưa nghĩ ra cái mới thì ít nhất phải cập nhật cái mới, mang công nghệ, kỹ thuật, mô hình… mà người ta sử dụng về phục vụ đất nước mình.
    Sau hai năm trong môi trường nghiên cứu ở tuổi 30, tôi có một bài báo trong nước, hai báo cáo hội nghị quốc tế, mới đây là một bài báo quốc tế (dù không thuộc hệ thống Viện khoa học thông tin ISI), lúc này tôi chưa phải là tiến sĩ hay nghiên cứu sinh. Một kết quả quá ít ỏi cho người làm nghiên cứu hai năm, nhưng nếu tính điểm xuất phát là giáo viên trung học phổ thông, tôi còn vừa làm gia sư trang trải cuộc sống vừa nghiên cứu khoa học, không thầy hướng dẫn, tôi thấy kết quả như vậy là may mắn. Con đường đến với nghiên cứu của tôi phần nào khẳng định cho những nhận định sau của tôi.
    Trước hết, về nhân lực nhà khoa học Việt Nam, tôi khẳng định người làm khoa học trong nước không hề kém cỏi hay "không đủ tầm" quốc tế, vì thực tế người làm trong nước sau khi đi học ở nước ngoài đều làm rất tốt (một số không quay về). Vậy tại sao vẫn con người đó, họ không phát triển được ở trong nước? Rất nhiều người trả lời do "cơm, áo, gạo, tiền", lương của họ chưa đủ thuê nhà. Điều đó là đúng, nhưng hiện Việt Nam chưa thể đáp ứng được vấn đề này. Chúng ta chưa thể trả lương thật cao, khác biệt cho tất cả thạc sĩ, tiến sĩ và theo tôi cũng không nên như vậy.
    Tôi cho rằng, không nên cào bằng như thế vì chưa biết hiệu quả công việc của họ đến đâu, chưa kể việc kèm theo những hệ lụy làm thuê luận án, mua bán bằng cấp có thể xảy ra. Vậy tại sao Việt Nam không đánh giá và trả công sức cho khoa học hay bất cứ cá nhân tập thể nào theo thực tế thành quả lao động thông qua các công trình, bài báo đăng tạp chí quốc tế hay trong nước được xếp hạng khác nhau theo một tổ chức riêng của Việt Nam (tôi được biết Australia có tổ chức xếp hạng báo quốc tế riêng để đánh giá các bài viết của họ). Đây sẽ là động lực giúp nhà nghiên cứu làm việc vì lợi ích thiết thực, từ đó phong trào nghiên cứu khoa học đi lên. Sự phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật chính là nằm trong các sản phẩm đó.
    Thứ hai, tôi xin nêu ra ý kiến chủ quan về đào tạo ở trong nước qua kinh nghiệm bản thân. Về bậc trung học phổ thông, nội dung của ta (môn toán) tương đối nặng so với nước ngoài (tôi có dạy cho học sinh học trường quốc tế ở Hà Nội cũng như ở Singapore khi các em được nghỉ về nước). Một em học sinh trung học phổ thông học khá ở Việt Nam dễ dàng theo tốt chương trình tương ứng ở nước ngoài. Nhưng học sinh của ta không duy trì được lâu dài bởi chương trình của ta tương đối rời rạc, làm cho học sinh học đến phần này quên phần kia. Trong khi đối chiếu với chương trình nước ngoài mà tôi biết, họ đưa ra các khái niệm từ sớm, vẫn nội dung đó nhưng sâu dần lên.
    Vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là đào tạo đại học và thạc sĩ. Sau khi học xong, bắt đầu làm nghiên cứu, gần như bạn sẽ phải bắt đầu từ số 0 cho việc nghiên cứu từ cách viết bài, danh mục tham khảo cho đến học lập trình, sử dụng công cụ phần mềm tính toán như Mathlab, R, SPSS, Eviews… Tại sao chúng ta không cho sinh viên làm quen nhiều với nghiên cứu từ đại học, cũng như bổ sung, đổi các loại môn học có từ mấy chục năm trước. Tại sao vẫn phải cộng trừ vài số liệu bằng tay trong khi máy móc đã có phần mềm chạy được cả nghìn? Cũng vậy ở bậc cao học, tại sao không cho học viên làm quen với viết bài và nên chăng điều kiện tốt nghiệp là ít nhất có bài báo trong nước? Tất nhiên điều này phụ thuộc vào thầy hướng dẫn, nhưng khi thầy hướng dẫn (những người làm nghiên cứu) có động lực viết bài (như tôi đã nêu trên) thì không khó để hướng dẫn học viên thực hiện điều này.
    Thứ ba, tôi muốn đề cập đến môi trường nghiên cứu trong nước. Với điều kiện vật chất như hiện nay rất khó kích thích người tham gia nghiên cứu, chưa nói đến sản phẩm nghiên cứu. Nhưng điều đó là công việc của các nhà quản lý. Điều tôi muốn nói là cách nghiên cứu của giới khoa học. Lại theo chủ quan, tôi cảm thấy nghiên cứu trong nước dường như không có sự gắn kết, mạnh ai nấy làm. Với cách làm đó, sản phẩm khoa học khó có giá trị lâu dài cũng như ứng dụng rộng rãi vào các vấn đề xã hội. Nếu làm theo kiểu ông này đăng bài A, tôi phát triển thêm một chút thành bài A' thì giống như việc cuốc mãi một luống đất hoặc tưới mãi một gốc cây. Theo hình dung như vậy, anh muốn cuốc sang mảnh bên cạnh có khi lại cuốc vào vườn người khác, mà cái vườn đó có khi cỏ mọc đầy. Nghĩa là, chẳng hạn các ngành sinh, lý, hóa đang vướng vấn đề liên quan toán học hay tin học nhưng không muốn hợp tác với "ông" toán để tháo gỡ, trong khi luôn cho rằng tôi giỏi tất cả các chuyên ngành.
    Ngược lại, "ông" làm toán suốt ngày đi giải phương trình này, mở rộng phương trình kia, mô hình này, mô hình kia, rồi chẳng biết cái đó là thứ mà "vườn" bên kia đang cần. Những cái mới thường nảy sinh từ nhu cầu thực tế thông qua nhiều ngành, còn việc ngồi cố nghĩ ra cái mới trong phạm vi hiểu biết riêng mình thì rất hạn chế. Vậy tại sao các nhà khoa học trong nước không cùng hợp tác bổ sung điểm yếu điểm mạnh cho nhau? Hiện nay trên Internet xuất hiện trang mạng xã hội Reseach Gate, được ví như facebook của giới khoa học. Chúng ta có thể dùng nó để hợp tác không chỉ với nhà khoa học trong nước mà còn cả nước ngoài.
    Cuối cùng, tôi thấy có sự chồng chéo về hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học trong nước. Hiện Viện khoa học công nghệ Việt Nam cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ liệu có thống nhất vai trò chức năng? Chưa kể có kế hoạch lập viện cao cấp này, cao cấp khác, trong khi hiệu quả mang lại chưa xác định cụ thể. Vấn đề nhân lực cho các viện mới thành lập thực hiện nhấc chỗ này đặt chỗ kia, liệu tính hiệu quả và tích cực của nó ra sao? Tại sao không tập trung phát triển nguồn nhân lực hiện có thay vì cấp thêm chi phí nuôi một cơ sở mới với vẫn những con người cũ? Liệu đó có là nhân tố chính để thúc đẩy nền khoa học nước nhà đi lên? Cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay đang là một bài học cho hiện tượng "ăn xổi" của một số nhà đầu tư. Trong khoa học, chúng ta không thể làm theo kiểu "ăn xổi". Có rất nhiều bài toán lớn trong mọi mặt của đời sống xã hội nên được giao cho những cơ sở, phòng ban, nhà nghiên cứu khoa học tương ứng với vấn đề đó giải quyết thay vì một nhóm người để nhà khoa học bớt đi việc ngồi tự nghĩ ra để làm.
    Đây là vấn đề có tính quy mô và hệ thống lớn, có thể nằm ngoài khả năng nhận thức của bản thân tôi, nên đó chỉ là những suy nghĩ cá nhân đặt nghi vấn cho đóng góp của mọi người.
    Trên đây là những ý kiến mang tính chủ quan, đôi khi có phần "nông nổi" của người mới làm nghiên cứu. Tôi chỉ hy vọng rằng trong số những ý kiến nêu trên, phần nào góp ích cho khoa học nước nhà phát triển nhanh hơn, góp phần vào sự phát triển lâu dài và bền vững của đất nước.
    Lục Trí Tuyên
    Mời độc giả tham gia diễn đàn "Vì sao các nhà khoa học làm việc trong nước lại ít có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài", bằng cách dùng box "Ý kiến của bạn" hoặc gửi thư tới [email protected].
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Khoa học không nên trả lương theo cách cào bằng

Share This Page