Steve Ballmer ra đi, khép lại trang sử PC của Microsoft

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Sep 12, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 324)

    Tuyên bố rời khỏi vị trí CEO của Microsoft trong vòng 12 tháng tới, Steve Ballmer gây sốc cho giới công nghệ, nhưng cũng không ít nhà phân tích ngạc nhiên khi Microsoft để điều này diễn ra quá muộn.

    [​IMG]
    Quá muộn khi đến dự bữa tiệc di động?

    Ở tuổi 57, Steve Ballmer quyết định sẽ nghỉ hưu trong vòng một năm tới, kết thúc sự nghiệp gắn bó của ông cùng Microsoft suốt 33 năm qua, khi ông nhận thấy không còn phù hợp với bước chuyển mình mới sang cung cấp dịch vụ và thiết bị của công ty.

    “Microsoft đã làm một cuộc hành trình lớn trải qua hơn 30 năm, nhưng công ty đã quá trông đợi vào Steve, một người thích hợp với vai trò trợ giúp CEO hơn là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, để đưa Microsoft bước lên cấp độ mới”, Michael Cusumano, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), người đã viết một cuốn sách về công ty vào năm 1995, nhận xét.

    Gia nhập Microsoft vào năm 1980 và trở thành nhà quản lý chuyên nghiệp đầu tiên của công ty, Steve Ballmer dốc sức mình trong hai thập kỷ trên cương vị giám đốc kinh doanh, đưa phần mềm Microsoft có mặt trên 97% máy tính cá nhân trên toàn thế giới. 13 năm tiếp theo là quãng thời gian không thành công của ông ở vị trí CEO do Bill Gates chuyển giao lại vào tháng 1/2000. Vấn đề của Steve Ballmer là ông đã ở Microsoft quá lâu và chỉ lo tập trung vào PC mà không lường trước được tác động mạnh mẽ của xu hướng điện toán di động và thị hiếu của người dùng đã thay đổi, kết quả Microsoft bị các đối thủ năng động hơn vượt qua. Theo Cusumano, Steve Ballmer có tố chất mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng, là một con người nhiệt huyết, có tình yêu sâu sắc với công ty và khả năng truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Nhưng Microsoft kinh doanh trong một thị trường cạnh tranh quyết liệt và tốc độ thay đổi diễn ra rất nhanh, một đấu thủ nếu không dẫn đầu cuộc chơi sẽ có khả năng bị rơi lại phía sau.

    Không ai có thể phủ nhận tài năng của Steve Ballmer và những dấu ấn mà ông đã đặt lên Microsoft, nhiệt huyết theo đuổi mục tiêu và mối quan hệ khăng khít của ông với nhà đồng sáng lập Bill Gates để cặp bài trùng bổ khuyết cho nhau những điểm mạnh yếu giúp Microsoft phát triển nhanh chóng và gặt hái chuỗi thành công lớn trong lịch sử. Ý chí chiến đấu của ông đã bảo toàn cho Microsoft không bị chia tách trước luật chống độc quyền của Mỹ. Nhưng, cũng khó có thể phủ nhận Ballmer trong vai trò CEO chính là người hoàn toàn chịu trách nhiệm về một loạt các cơ hội đã bị bỏ lỡ, như tìm kiếm trực tuyến, điện thoại thông minh và máy tính bảng – những lĩnh vực Microsoft đã sớm tham gia và đều có sản phẩm, nhưng không thể nào tạo được sự bùng nổ tiêu dùng. Nỗ lực mới nhất tham chiến với chiếc máy tính bảng Surface cũng đã thất bại.

    Nhiệm kỳ của Ballmer cũng không đem lại lợi ích cho các cổ đông. Theo số liệu của Bloomberg, một khoản đầu tư 1.000 USD vào thời điểm Ballmer lên nắm quyền đến nay tính cả phần cổ tức được nhận đã bị hao hụt mất 13%. Ngược hẳn với Microsoft từ khi trở thành công ty đại chúng vào năm 1986 cho đến cuối triều đại Bill Gates, 1.000 USD đầu tư đã tăng lên thành 554.464 USD.

    Thắng lớn trong kỷ nguyên PC
    Bill Gates thuyết phục được IBM ký hợp đồng để Microsoft viết phần mềm cho chiếc PC đầu tiên được IBM giới thiệu vào năm 1981. Tận dụng cơ hội hiếm có này, Microsoft đã giành quyền kiểm soát ngành công nghiệp máy tính từ IBM trong những năm 80 với hệ điều hành MS-DOS và tạo ra làn sóng PC chạy Windows tràn khắp thế giới trong những năm 90 của thế kỷ trước. Windows 95 được Microsoft phát hành vào mùa hè năm 1995, với những dòng người xếp hàng chờ mua hệ điều hành mới từ lúc nửa đêm, là một bước ngoặt cho kỷ nguyên PC. 5 năm sau, Windows 2000 ra đời gồm cả phiên bản dành cho PC và máy chủ, giúp Microsoft cạnh tranh với Sun Microsystems và IBM trong các trung tâm dữ liệu.

    Trong suốt nhiệm kỳ của mình, CEO Steve Ballmer đã đưa Windows, một trong những thương hiệu có giá trị nhất thế giới, bước vào kỷ nguyên mới. Hệ điều hành nguồn mở Linux dù được giới công nghệ đặt kỳ vọng sẽ lật đổ vị thế độc quyền của Microsoft, nhưng những chú chim cánh cụt chỉ ló dạng mà mãi không tạo được cuộc cách mạng. Linux chưa bao giờ đủ tầm là đối thủ của Windows. Apple cũng nhanh chóng bị gạt sang một bên dù Macintosh được đánh giá có thiết kế sang trọng và tốt hơn hẳn PC, còn hệ điều hành Mac OS thì được người dùng ca ngợi thanh lịch và chạy ổn định hơn Windows. Apple với hệ thống khép kín đã không thể đấu lại đạo quân máy tính tương thích IBM PC có giá rẻ hơn của rất đông các nhà sản xuất phần cứng, lại được trang bị phần mềm nhiều hơn hẳn. Doanh số bán hàng của Microsoft tăng vọt hàng 10 nghìn lần, từ 7,5 triệu USD khi Steve Ballmer mới gia nhập công ty, lên đến 78 tỷ USD vào năm ngoái. Microsoft nắm giữ lượng tiền mặt nhiều hơn mọi công ty Mỹ không thuộc ngành công nghiệp tài chính, và phải đối mặt với áp lực chi trả cổ tức từ các cổ đông. Ballmer bắt đầu trả cổ tức vào năm 2003, cho thấy công ty đã bước vào thời kỳ kinh doanh ổn định. Năm 2004, số tiền chi trả cho các cổ đông được công bố lên đến 75 tỷ USD.

    Ở buổi bình minh của ngành công nghiệp PC, Bill Gates đã có tầm nhìn về tương lai của máy tính cá nhân hiện diện khắp nơi, thay cho thời của những dàn máy tính kềnh càng hiếm hoi trong những năm 60 và 70. Ông cũng sớm nhận ra giá trị chính của những chiếc PC giá rẻ, cấu thành từ những linh kiện dễ thay thế và sửa chữa là ở phần mềm. Cùng với đối tác Intel đã thống trị thị trường vi xử lý bằng những các thế hệ chip PC, đế chế Wintel hình thành và chiếm phần lớn lợi nhuận của ngành công nghiệp PC. Giá trị thị trường của Microsoft khoảng 600 triệu USD từ khi niêm yết vào năm 1986, đã có lúc đạt trên 600 tỷ USD vào năm 1999.

    Thời thế đổi thay, PC thất thế
    Tuy nhiên, Steve Ballmer không thể chuyển Windows thành một nền tảng di động phổ biến, trong khi Apple đã có những “siêu phẩm” iPhone và iPad tỏa sáng trên nền tảng iOS. Thất bại trong cuộc chiến máy tính cá nhân, nhưng trong cuộc chiến thứ hai chống lại Microsoft, CEO Steve Jobs của Apple đã chơi đúng bài của đối thủ, biến Apple thành trung tâm của hệ sinh thái tạo cơ hội kiếm tiền cho các nhà phát triển phần mềm viết ứng dụng di động cho nền tảng của công ty.

    “Tôi không nghĩ rằng sẽ có bất cứ điều gì thay đổi tại Microsoft dưới triều đại Ballmer”, Jobs nói trong cuốn tiểu sử được Walter Isaacson chắp bút, xuất bản vào năm 2011.

    Vào năm 2000, Steve Ballmer trở thành Giám đốc điều hành, trong khi Microsoft đã đề cập tới thời điện toán sẽ không còn dựa trên PC. Lúc đó ít ai có thể ngờ rằng Microsoft sẽ bị lu mờ trước Apple và Google khi xu hướng điện toán chuyển sang di động với thiết bị tính toán cầm tay và phần mềm trên “mây” thay vì các chương trình được cài trọn vẹn trên PC đã đem lại thời hoàng kim cho Windows và bộ phần mềm văn phòng Office của Microsoft. Nhưng thời điểm Bill Gates chuyển giao chức vụ CEO cho Steve Ballmer vào năm 2000 chính là lúc thời thế sắp thay đổi. Internet đang mở ra những triển vọng mới cho máy tính và các thiết bị cầm tay. Trong khi Steve Ballmer có thiên hướng là người bán hàng với những mục tiêu trước mắt hơn là một thủ lĩnh kỹ thuật hay nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược. Microsoft bắt đầu tách thành những bộ phận hay nhóm sản phẩm riêng rẽ thay vì gắn kết lại với nhau để tạo ra những sản phẩm hàng đầu.

    Một vài thành công không đủ khỏa lấp chuỗi thất bại trong nhiệm kỳ của Steve Ballmer. Máy chơi game Xbox được giới thiệu vào năm 2001 và trở thành một mảng kinh doanh trị giá 7 tỷ USD. Hệ điều hành Windows 7 phát hành vào năm 2009 làm bùng phát việc nâng cấp PC ở thời điểm doanh số bán phần cứng đang giảm sút.

    Những thất bại “để đời”
    Với PC, Windows Vista được thai nghén nhiều năm trời để rồi thất bại thảm hại khi được tung ra thị trường vào năm 2006. Được trang điểm bằng giao diện Aero bóng bẩy, nhưng Vista chậm chạp, đòi hỏi cấu hình máy cao, nhiều chức năng phức tạp gây rối cho người dùng. Ballmer đã phải thú nhận Vista là nỗi ân hận lớn nhất trong sự nghiệp của ông.

    Giống như Microsoft trong những năm 90, Google giờ đây trở thành công ty có ma lực thu hút các kỹ sư máy tính tài năng nhất. Google hiện đang đe dọa công cuộc kinh doanh của Microsoft trên nhiều mặt trận, bao gồm tìm kiếm và quảng cáo trên Web, phần mềm di động, điện toán đám mây và ứng dụng văn phòng. Chi 6,3 tỷ USD mua lại công ty quảng cáo aQuantive không giúp gì cho Microsoft trong việc cạnh tranh với Google trong mảng dịch vụ trực tuyến. Công ty đã phải cắt giảm giá trị trên sổ sách vào năm 2012, coi như mất trắng tiền tỷ trong thương vụ này. Công cụ tìm kiếm Bing mới chỉ có được 18% thị phần tìm kiếm trên Internet, quá nhỏ so với 67% của cỗ máy tìm kiếm khổng lồ Google. Thất bại trong việc chào mua Yahoo với giá 45 tỷ USD vào năm 2008, Microsoft không đủ sức cạnh tranh với Google và Facebook đang làm chủ cuộc chơi trong thế giới người tiêu dùng.

    [​IMG]
    Cú bắt tay lịch sử chưa tạo nên biến động trên thị trường di động. CEO Stephen Elop của Nokia (bên trái) và CEO Steve Ballmer của Microsoft (bên phải)

    Trong lĩnh vực máy tính bảng và điện thoại thông minh, những nỗ lực của Microsoft để bắt kịp Apple và Google đều bất thành. Chiếc máy tính bảng Surface RT có doanh số đáng thất vọng và đem lại khoản lỗ 900 triệu USD, trong khi hệ điều hành Windows RT không nhận được sự hưởng ứng của các nhà sản xuất máy tính bảng khác. Windows Phone hiện chỉ trông mong “phép màu” từ Nokia đang trong cơn túng quẫn. Windows 8 lấy màn hình cảm ứng làm trung tâm với tham vọng một hệ điều hành cho mọi nền tảng, tăng thị phần rất chậm, hiện chỉ mới có được 5,4% miếng bánh thị trường máy tính.

    Nhiệm kỳ của Steve Ballmer sẽ trở thành bài học kinh điển về tầm nhìn kinh doanh, về việc ông đánh giá quá thấp iPhone của Apple, Android của Google, chậm chân trong mảng tìm kiếm cũng như mạng xã hội. Ông đã quá gắn bó với PC khi nhiều dấu hiệu cho thấy kỷ nguyên di động đã tới, bỏ lỡ cơ hội đổi mới của Microsoft dựa trên những thế mạnh sẵn có. Microsoft giờ đây đang tìm người thay thế Steve Ballmer, và kỳ vọng hào quang xưa sẽ trở lại. Cổ phiếu của Microsoft đã tăng giá gần 9% ngay sau khi công ty thông báo quyết định nghỉ hưu trong vòng 1 năm tới của Steve Ballmer. Khép lại trang sử PC, liệu một chương mới có mở ra với công ty phần mềm lớn nhất thế giới? Chúng ta cùng chờ xem!

    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Steve Ballmer ra đi, khép lại trang sử PC của Microsoft

Share This Page