OTT kích cầu, nhà mạng đau đầu

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Aug 30, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 369)

    Các dịch vụ liên lạc OTT khai thác hiệu quả băng thông rộng nhưng lại khiến các nhà cung cấp dịch vụ mạng thất thu lớn. Chung sống cùng OTT trở thành xu hướng cũng là bài toán khó cho các công ty viễn thông.


    [​IMG]
    Hiểu về OTT

    OTT – viết tắt của Over-The-Top, nhắm chỉ tới những ứng dụng hay dịch vụ hoạt động trên nền các dịch vụ mạng của các công ty viễn thông hay nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP). Người dùng mạng khi chạy một ứng dụng OTT (trên PC, smartphone, máy tính bảng hay TV nối mạng) nghĩa là đang sử dụng dịch vụ “giá trị gia tăng”, nhưng được cấp miễn phí hoặc phí dịch vụ rất thấp. Các nhà khai thác mạng di động và các ISP trong trường hợp này đóng vai trò của nhà cung cấp dịch vụ kết nối để truyền nội dung OTT bao gồm âm thanh, hình ảnh và dữ liệu trên mạng IP. Hầu hết người dùng Internet đều đã sử dụng dịch vụ OTT mà không để ý. Chẳng hạn, các thuê bao dịch vụ ADSL có thể chạy Skype trên PC để hội thoại với nhau. Người dùng di động sử dụng gói cước 3G với chiếc smartphone cũng có thể điện đàm hay nhắn tin SMS qua Skype thay cho cách gọi hay nhắn tin như truyền thống. Skype là một dịch vụ VoIP – Voice over Internet Protocol (đàm thoại qua giao thức Internet), cũng chính là một dịch vụ OTT.

    Điểm quan trọng của Skype hay bất kỳ dịch vụ VoIP nào hoạt động trên mạng IP là đều miễn phí, hoặc thu phí rất thấp. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng, trên đó đang được sử dụng cho dịch vụ OTT, không có quyền kiểm soát, chịu trách nhiệm hay bất cứ đòi hỏi gì với nội dung OTT. Đó là bởi người dùng có quyền tự do sử dụng Internet theo cách của mình. Các nhà điều hành mạng chỉ chuyển các gói tin IP từ nguồn tới đích, và không thể can thiệp vào quá trình truyền đi.

    VoIP là cuộc cách mạng thành công lớn của ngành CNTT – Viễn thông trong thập kỷ qua. Công nghệ cho phép chuyển tín hiệu thoại thành dữ liệu số, chia thành các gói IP nhỏ để truyền qua mạng Internet, rồi kết hợp lại sau đó và chuyển thành tín hiệu thoại để người nhận nghe trên điện thoại của mình. Chi phí cho các cuộc gọi với cách thức truyền dữ liệu tận dụng hạ tầng mạng Internet rẻ hơn rất nhiều so với việc chiếm dụng kênh truyền riêng theo cách gọi truyền thống thông qua các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Trong thực tế, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ VoIP không tính phí các cuộc gọi giữa những người sử dụng cùng dịch vụ, mà chỉ tính phí với các cuộc gọi chuyển tiếp đến một mạng điện thoại cố định (PSTN) hoặc mạng di động.

    Một dịch vụ OTT khác là truyền hình Internet (IPTV) cũng đang được phát triển nhanh trong những năm gần đây, khi dịch vụ kết nối Internet băng thông rộng đã trở nên phổ biến. Các dịch vụ OTT xem video trực tuyến miễn phí từ Youtube và nhiều trang web khác đã quen thuộc với người dùng Internet.

    Bùng nổ VoIP OTT

    [​IMG]iPad ra đời vào năm 2010, đạo quân máy tính bảng Android xuất hiện ngay sau đó và nhanh chóng trở nên hùng hậu. Điện thoại thông minh liên tục được cải tiến và giảm giá khiến số người dùng smartphone, máy tính bảng tăng nhanh, trong khi đó các nhà mạng để kích cầu đã tung ra nhiều gói cước có giá hấp dẫn là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ 3G. Những thiết bị di động cá nhân đời mới nhiều tính năng, dễ dùng, tiện mang bên mình, kết nối liên tục khiến người dùng hào hứng và dần trở nên “nghiện” sử dụng Internet di động. Thay vì gắn chặt với bàn làm việc cùng những chiếc máy tính cá nhân truyền thống để truy cập Internet, người dùng chuyển sang sử dụng smartphone và máy tính bảng để truy cập mạng xã hội, lướt web, duyệt mail, xem video trực tuyến… vì ưu thế di động của những thiết bị này thông qua kết nối Wi-Fi hay 3G sóng phủ khắp nơi.

    Smartphone trên tay người dùng không ngừng kết nối Internet là cơ hội cho các dịch vụ VoIP di động của các nhà cung cấp dịch vụ OTT nhanh chóng phổ biến. Các dịch vụ này, còn được gọi là dịch vụ VoIP OTT, bao gồm Skype, FaceTime, Viber, WhatsApp, KakaoTalk, Zalo, Line... cho phép người dùng di động nhắn tin, gọi điện miễn phí hoặc giá rất rẻ qua kết nối mạng IP không dây (Wi-Fi, GPRS, EDGE, 3G). Theo hãng nghiên cứu Infonetics Research, số lượng thuê bao các dịch vụ VoIP OTT di động đã tăng vọt lên 640 triệu, với mức tăng trưởng 550% trong năm 2012. Infonetics Research dự báo số lượng thuê bao các dịch vụ này sẽ nhanh chóng đạt con số 1 tỷ ngay trong năm nay.

    Tuy nhiên, có một thực tế tồn tại là doanh thu dịch vụ VoIP OTT còn thấp. Infonetics Research cho biết, trong năm 2012, doanh thu trung bình hàng năm cho mỗi thuê bao VoIP OTT di động chỉ đạt con số khiêm tốn 7,13 USD. Vì đây là một mô hình kinh doanh không bền vững nên hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ OTT chuyển sang tìm kiếm lợi nhuận từ quảng cáo, và nhiều nhà cung cấp còn hướng tới các hoạt động khác thông qua phát triển cộng đồng người dùng bằng cách thêm nhiều tính năng cho ứng dụng của mình như tải nhạc, xem phim trực tuyến, đính kèm tập tin gửi dung lượng lớn. Những tính năng này nhanh chóng “ngốn” tài nguyên băng thông rộng không dây, trong đó 3G gánh “nặng” nhất. Các mạng GPRS, EDGE ít được dùng do không đảm bảo cho chất lượng thoại theo thời gian thực, còn Wi-Fi có hạn chế vùng phủ sóng.

    Bài toán khó cho nhà mạng[​IMG]

    Lưu lượng 3G tăng nhanh, nhưng người dùng ngày càng ưa thích sử dụng các dịch vụ VoiIP OTT miễn phí đã gây thất thu cho các dịch vụ nhắn tin SMS và gọi điện truyền thống vốn mang lại 80% doanh thu cho các nhà mạng. Theo công ty tư vấn viễn thông Ovum, các dịch vụ VoIP OTT sẽ khiến các nhà mạng trên toàn cầu bị tổn thất lên tới 479 tỷ USD trong khoảng 8 năm, từ 2012 đến 2020. Đó là chưa tính đến video và các dịch vụ OTT khác. Tại Việt Nam, các nhà mạng cũng “than trời” về VoIP OTT. Đại diện Viettel cho biết, chỉ trong nửa đầu năm 2012, người dùng Viber đã làm Viettel giảm doanh thu 1.500 tỷ đồng. MobiFone cũng đưa ra con số tổn thất trên 1.000 tỷ đồng đối với nhà mạng Việt Nam trước cơn “bão” OTT, trong khi doanh thu từ dịch vụ dữ liệu là không đáng kể.

    OTT làm tổn hại cho các nhà mạng, trong khi các nhà mạng đang đứng trước khó khăn vì nhu cầu về băng rộng di động bùng nổ trước làn sóng smartphone buộc họ phải đầu tư nhiều tiền để nâng cấp hạ tầng mạng, đáp ứng lưu lượng truyền tăng cao, làm hài lòng người dùng trong nỗ lực cạnh tranh dành dật thị phần. Tuy nhiên, cuộc chiến mới với các nhà cung cấp dịch vụ OTT xem ra khốc liệt hơn nhiều cho các nhà mạng trước sức phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ giá trị gia tăng trên môi trường mạng Internet. Các nhà cung cấp dịch vụ OTT đang kiếm lợi từ các ứng dụng chạy trên nền dịch vụ mạng IP sẵn có mà không phải trả tiền cho lưu lượng truyền sẽ khiến nhà mạng khó có thể vui lòng thực hiện đầu tư tốt hơn. Kết quả, chính các dịch vụ OTT sẽ bị giảm chất lượng, và người dùng phải gánh chịu hậu quả sẽ có xu hướng rời mạng là điều có thể hình dung được. Hơn nữa người dùng di động rất dễ thoát ra khỏi tầm với của các nhà mạng. Với một mạng Wi-Fi miễn phí, người dùng có thể thực hiện các cuộc gọi, gửi tin nhắn văn bản và xem video trực tuyến mà không tốn tiền.

    Trước tình thế đó không lấy gì làm ngạc nhiên khi các nhà mạng đã có những phản ứng nhất định. Chẳng hạn, AT&T đã từng ngăn không cho các dịch vụ VoIP hoạt động trên iPhone qua mạng 3G của họ, nhưng rồi sau đó đã phải gỡ bỏ hạn chế này trước áp lực của người sử dụng và FCC (Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ). Điều may mắn là những hạn chế như vậy khá hiếm hoi. Các nhà mạng dường như đã nhận ra rằng cấm không phải là điều tốt cho hoạt động kinh doanh của họ, và nên bằng lòng với những lợi ích có được trong việc cung cấp kết nối 3G và 4G có chất lượng cho người dùng sử dụng các dịch vụ OTT. Thậm chí một số nhà cung cấp dịch vụ mạng cung cấp cả dịch vụ OTT của riêng mình (thực ra chỉ là thay thế chứ chưa hẳn là OTT thực sự), kèm theo ưu đãi cho các thuê bao.

    Nhà mạng cấm hay bóp băng thông đối với dịch vụ OTT, người dùng sẽ phản ứng, thậm chí là rời bỏ mạng, vì đây là nhu cầu chính yếu của họ. Nhưng bắt các nhà cung cấp dịch vụ OTT trả tiền cho lưu lượng truyền qua mạng cũng không khả thi. Làm sao để đối phó với các dịch vụ OTT vẫn là bài toán khó cho các nhà mạng. Hiện tại các nhà mạng tại Việt Nam chọn phương án tăng giá cước 3G.

    VoLTE sẽ là lời giải?
    Công[​IMG] nghệ Voice-over-LTE (VoLTE) đang hình thành nhằm đem đến giải pháp thoại và nhắn tin SMS cho các mạng LTE (Long Term Evolution) được xây dựng ngay từ đầu cho mục đích truyền dữ liệu IP di động tốc độ cao. Dịch vụ VoLTE là cần thiết để khai thác thế mạnh của hạ tầng mạng LTE, và đây chính là vũ khí để các nhà mạng cạnh tranh với các dịch vụ VoIP OTT. Dù vậy, theo nhận định của Infonetics Research, VoLTE sẽ khó được triển khai rộng trước năm 2015. Đó là bởi định hướng kinh doanh và còn một số vấn đề liên quan đến kỹ thuật như tích hợp với các hoạt động hiện có và các hệ thống hỗ trợ kinh doanh. LTE không tương thích với các dịch vụ thoại đang hoạt động trên nền các mạng di động 2G/3G.

    Tại Hàn Quốc, dịch vụ VoLTE của nhà mạng SK Telecom đã có 3,6 triệu thuê bao tính đến tháng 4 vừa qua. Infonetics Research dự báo tới cuối năm nay sẽ có 12 mạng VoLTE được thương mại hóa với 8 triệu thuê bao, 3/4 trong số đó thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Per Narvinger, trưởng bộ phận sản phẩm LTE của nhà sản xuất thiết bị Ericsson nhìn nhận các nhà khai thác Hàn Quốc có lợi thế dựa trên mạng phủ sóng toàn quốc, nghĩa là họ không phải dựa trên các giao thức SRVCC (Single Radio Voice Call Continuity) để chuyển cuộc gọi giữa mạng 4G và các mạng 2G/3G.

    Những công nghệ thay thế cũng sẽ cho phép gọi điện thoại trên các mạng cũ hơn để cùng tồn tại với mạng dữ liệu LTE. Giải pháp VoLTE đòi hỏi phải có mạng di động IMS (IP Multimedia Subsystem – phân hệ đa phương tiện IP). Nhiều nhà khai thác mạng chưa triển khai IMS đang sử dụng một giải pháp gọi là chuyển mạch dự phòng CSFB (circuit-switched fallback). Giải pháp CSFB cho phép smartphone tắt sóng GSM cũng như 3G để tiết kiệm pin trong khi vẫn tiếp sóng mạng 4G để duyệt Internet, và như vậy luôn sẵn sàng nhận cuộc gọi đến trên mạng 4G.

    Các nhà khai thác mạng di động đang hy vọng sự kết hợp của VoLTE, HD Voice, và RCS (Rich Communications Suite – bộ giải pháp truyền thông phong phú) sẽ hấp dẫn người tiêu dùng hơn so với chỉ có dịch vụ thoại. RCS được công bố vào tháng 2/2008, với mục đích chuyển IMS, cũng là cơ sở cho VoLTE, thành các dịch vụ được chuẩn hóa. Hiện đã có nhiều nhà mạng triển khai các dịch vụ RCS, bao gồm tin nhắn tức thời, thoại có hình, và chia sẻ nội dung. Dịch vụ đã được cung cấp tại nhiều nước: Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, và Mỹ từ các nhà mạng Orange, Vodafone và Deutsche Telekom.

    Dù vậy theo một số chuyên gia, để RCS mở ra thời của VoLTE và giúp các nhà khai thác mạng di động cạnh tranh với các dịch vụ OTT thì giải pháp RCS phải được xây dựng hoàn hảo cho mạng viễn thông. Đó là một thách thức đầy cam go.

    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - OTT kích cầu, nhà mạng đau đầu

Share This Page