Kết nối trong thế giới HD

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Aug 16, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 318)

    Cổng HDMI, chuẩn giao tiếp MHL, đó là những gì HDTV đời mới cần có để sẵn sàng tiếp nhận nội dung chất lượng cao từ: đầu đĩa Blu-ray, đầu phát HD, set-top box, PC cho đến điện thoại và các thiết bị di động khác thông qua một một sợi cáp duy nhất. Những giao thức truyền nội dung không dây cũng đang vào cuộc đua bủa vây phòng khách.


    [​IMG]

    HDMI thâu tóm phòng khách

    [​IMG]
    3 loại đầu kết nối HDMI thường được dùng trong gia đình: standard, mini, và micro (tính từ trái sang).
    HDMI (High-Definition Multimedia Interface) – Giao diện đa phương tiện độ phân giải cao, là chuẩn kết nối có khả năng truyền tải hình ảnh full HD (1080p) và âm thanh chất lượng cao trên cùng một sợi cáp. So với các cổng thông dụng như S-video, Component thì HDMI đã được cải tiến vượt bậc. HDMI hỗ trợ tới 8 kênh audio không nén, lên tới 24-bit/192kHz, dư sức đáp ứng đòi hỏi của những hệ thống âm thanh chất lượng HD chuẩn mới nhất như Dolby TrueHD và DTS-HD Master Audio. Chính vì lẽ đó, trong thế giới HD ngày nay, từ HDTV cho tới các đầu phát HD, đầu đĩa Blu-ray, máy chơi game cầm tay, kể cả PC đều tích hợp cổng HDMI để đáp ứng nhu cầu giải trí hình ảnh độ nét cao của người dùng. HDMI hoàn toàn tương thích ngược với các thiết bị dùng cổng DVI. Và cũng như DVI, HDMI hỗ trợ đầy đủ HDCP (High-bandwidth Digital Content Protection) cho phép giải mã nội dung số đã được bảo vệ tác quyền trên các đĩa Blu-ray hay HD DVD.
    Những HDTV có tối thiểu 2 cổng HDMI sẵn sàng phục vụ kết nối đồng thời nhiều thiết bị đầu vào hỗ trợ HDMI. Nếu thiếu cổng có thể dùng bộ chia cổng HDMI để tăng cường kết nối. Cổng HDMI gồm 19 chân (pin). Các thiết bị di động dùng cổng mini HDMI nhỏ hơn, và bắt đầu từ phiên bản HDMI 1.4 thì thay bằng cổng micro HDMI nhỏ hơn nữa, kích thước tương đương với giao tiếp chuẩn micro USB. HDMI 1.4 là phiên bản mới nhất, có thêm tính năng kết nối mạng Ethernet (tốc độ 100 mbps) và Audio Return Channel (ARC) cho phép truyền âm thanh hai chiều. HDMI 1.4 đã sẵn sàng cho việc truyền nội dung 3D và có thể hỗ trợ độ phân giải lên tới 4096x2160 pixel (4K).

    [​IMG]
    Hãy chắc chắn cáp HDMI được gán nhãn “High Speed HDMI Cable” nếu bạn muốn trình chiếu video full HD (1080p) từ PC hay đầu đĩa Blu-ray lên HDTV.
    Đặc tả kỹ thuật của HDMI không đặt ra tiêu chuẩn cho độ dài cáp HDMI, cũng không qui định vật liệu sản xuất cáp. Có quan điểm cho rằng chất lượng truyền của các sợi cáp HDMI là như nhau. Trên trang công nghệ CNET đã có loạt bài viết phân tích về vấn đề này và kết luận, chớ dại mà mua cáp HDMI đắt tiền vì chất lượng cũng không hơn gì cáp có giá bán rẻ hơn. Nhiều phản hồi thể hiện sự đồng tình, nhưng cũng không ít người phản đối. Một số dân chơi HD thì lại có quan niệm “hên xui”. Nghĩa là cáp đắt hay rẻ không phải là vấn đề mà cái chính là có “hợp” với thiết bị kết nối hay không. Nhiều khi cáp đắt tiền nhưng kết quả lại cho thấy chất lượng kém hơn cáp có giá rẻ, do vậy những người này đưa ra lời khuyên “hãy dùng thử trước khi trả tiền”.
    Điều mà người dùng có thể bối rối là hiện có tới 4 loại cáp HDMI: cáp HDMI tốc độ cao (High Speed) có hoặc không hỗ trợ Ethernet, và cáp HDMI chuẩn (Standard) có hoặc không hỗ trợ Ethernet. Cáp HDMI tốc độ cao cung cấp băng thông rộng, cho phép truyền tải video full HD hoặc cao hơn (lên đến 4096x2160, nhưng tốc độ làm tươi tối đa chỉ là 24Hz, phù hợp cho xem phim nhưng với game thì chưa đạt yêu cầu). Loại cáp này có khả năng truyền tải video 3D. Trong khi đó, băng thông của cáp HDMI chuẩn chỉ hỗ trợ truyền tải video độ phân giải 720p và 1080i. Như vậy, nếu có ý định xem phim full HD trên TV phát từ các thiết bị hỗ trợ HD, bạn cần dùng cáp HDMI tốc độ cao là loại có gán nhãn HDMI High Speed (hoặc HDMI High Speed with Ethernet nếu có nhu cầu kết nối mạng cho thiết bị mà không cần tới cáp mạng).

    MHL đưa giải trí di động lên TV
    [​IMG]
    MHL (Mobile High-Definition Link) – Liên kết di động độ phân giải cao, là chuẩn công nghệ mới do 5 nhà sản xuất, gồm Nokia, Samsung, Silicon Image, Sony, và Toshiba hợp tác phát triển. Hiện nay chuẩn này đã được nhiều nhà sản xuất tích hợp cho các sản phẩm smartphone, máy tính bảng cũng như HDTV đời mới, cho phép kết nối từ cổng micro USB của các thiết bị di động tới cổng HDMI của HDTV hay màn hình ngoài. Xu hướng thiết kế smartphone và máy tính bảng ngày càng mỏng khiến MHL được ưu ái, bởi cổng kết nối hỗ trợ chuẩn MHL chỉ có 5 chân nên gọn hơn nhiều so với chuẩn HDMI yêu cầu tới 19 chân.

    MHL cho phép truyền tải trọn vẹn video độ phân giải cao full HD và cả âm thanh vòm 7.1 từ thiết bị tương thích MHL tới HDTV mà không cần nén. Không những vậy, TV còn có thể sạc pin cho thiết bị tương thích MHL kết nối tới, kể cả khi TV ở chế độ standby hay đang trình chiếu phim ảnh, phát nhạc chứa trên thiết bị đó. Tính năng này hết sức quan trọng vì khi phát hình ảnh độ nét cao lên màn hình lớn của TV, thiết bị sẽ nhanh chóng cạn pin nếu không được sạc kịp thời.

    Giống như HDMI, MHL tương thích với HDCP cho phép phát nội dung số đã được bảo vệ tác quyền. MHL cũng hỗ trợ công nghệ CEC (Consumer Electronics Control - Điều khiển thiết bị điện tử tiêu dùng) cho phép người dùng sử dụng remote của TV để điều khiển thiết bị MHL được kết nối.

    Câu hỏi đặt ra là, tại sao phải cần tới chuẩn MHL trong khi HDMI đã đảm đương tốt vai trò kết nối để truyền phát nội dung chất lượng cao lên HDTV. Như trên đã nói, câu trả lời nằm ở chỗ cổng kết nối cho chuẩn MHL nhỏ gọn về kích thước (chỉ dùng 5 chân) nên phù hợp cho việc thiết kế các thiết bị di động như smartphone và máy tính bảng mỏng nhất có thể. Hơn nữa, MHL dùng ngay cổng micro USB thường có sẵn nên đỡ tốn chỗ trên thiết bị di động, cũng giúp phần tiết kiệm chi phí sản xuất. Đó là điều HDMI không hỗ trợ.

    Những mẫu HDTV đời mới của Sony, Samsung và LG bên cạnh các cổng HDMI thông thường đã xuất hiện thêm cổng HDMI hỗ trợ chuẩn MHL. Nhiều smartphone, máy tính bảng sản xuất gần đây đã tích hợp MHL. Chủ nhân của những thiết bị này khi kết nối với HDTV qua cổng HDMI hỗ trợ MHL là có thể thoải mái lướt web, xem video trên YouTube, trình chiếu ảnh, phim hay chơi game trên màn hình lớn của chiếc HDTV.

    Nếu màn hình hay HDTV đã có sẵn cổng HDMI tương thích với MHL thì chỉ cần duy nhất 1 sợi cáp kết nối trực tiếp micro USB – HDMI. Cắm đầu micro USB vào điện thoại, đầu HDMI vào TV là xong. Số lượng HDTV hỗ trợ MHL trực tiếp vào cổng HDMI chưa nhiều, nhưng có thể dùng các bộ chuyển đổi (adapter) MHL-HDMI làm trung gian để xuất hình ảnh độ nét cao thông qua cổng HDMI thông thường của TV. Những adapter này có các chip xử lí để chuyển tín hiệu MHL sang tương thích với HDMI. Các adapter MHL-HDMI được nhiều hãng cung cấp và có tính tương thích cao. Người dùng chỉ việc mua về, nối cáp MHL giữa thiết bị di động và adapter, rồi nối adapter với HDTV bằng cáp HDMI là dùng được ngay. Cũng cần lưu ý các cổng HDMI chỉ là giao tiếp kết nối, công việc xử lý tín hiệu là do chip MHL và HDMI tích hợp trong các thiết bị đảm nhiệm.

    Danh sách HDTV, smartphone, và máy tính bảng hỗ trợ MHL có thể tham khảo tại địa chỉ: mhlconsortium.org/productlist. Ngoài ra, trên hộp sản phẩm thường có logo MHL nếu thiết bị hỗ trợ MHL.

    Truyền nội dung không dây – tứ hùng phân tranh

    HDMI hay Mobile High Definition Link (MHL) hỗ trợ thiết bị phát nội dung lên màn hình lớn của HDTV chỉ với một sợi dây cáp, nhưng vẫn là dùng… dây. Truyền nội dung không dây giờ đây không còn xa lạ, và phòng khách đang là nơi “thi thố” của các giao thức AirPlay, DLNA, WiDi và Micarast.

    DLNA được nhiều thiết bị hỗ trợ và linh hoạt trong sử dụng. Vấn đề là việc cài đặt phần mềm và thực hiện các bước thiết lập là quy trình khá phức tạp đối với người dùng ít am hiểu công nghệ. Miracast do tổ chức liên minh Wi-Fi (Wi-Fi Alliance) phát triển mang tính mở, hoạt động dựa trên công nghệ Wi-Fi Direct. Trong khi đó AirPlay và WiDi đều là những giao thức độc quyền. AirPlay của Apple chỉ hỗ trợ các thiết bị chạy iOS và máy Mac, và cần sự hỗ trợ của Apple TV để truyền nội dung tới màn hình ngoài. WiDi thì chỉ có tác dụng với những laptop dùng chip Intel Core (thế hệ thứ 2 trở đi).

    AirPlay [​IMG]

    Giao thức của Apple cho phép người dùng chiếu phim, phát nhạc từ một thiết bị iOS hay máy Mac tới một thiết bị khác hỗ trợ AirPlay. Chẳng hạn bạn có thể xuất video đang xem trên iPad lên HDTV được nối với Apple TV (thiết bị phát phải cùng mạng Wi-Fi với Apple TV), hoặc bật nhạc trên chiếc iPod touch và cho phát ra loa hỗ trợ AirPlay. Nếu loa không tích hợp AirPlay thì nối với bộ AirPort Express. Thiết bị có giá 99 USD này phát sóng Wi-Fi 802.11n hỗ trợ hai băng tần 2.4GHz và 5GHz (xem hướng dẫn sử dụng AirPlay tại “Làm thế nào” trong số này)

    DLNA (Digital Living [​IMG]Network Alliance)

    Dựa trên mạng LAN (có dây hoặc không dây) trong gia đình, người dùng dễ dàng chia sẻ phim, ảnh, âm thanh chất lượng cao giữa các thiết bị số có chứng nhận DLNA. Thật tiện lợi khi có thể dùng một chiếc smartphone có chứng nhận DLNA để chọn một đoạn video trên thiết bị lưu trữ mạng (NAS) có chứng nhận DLNA và phát lên HDTV cũng có chứng nhận DLNA. Tương tự, bạn dễ dàng in ảnh trực tiếp trên chiếc máy ảnh hỗ trợ DLNA hay từ ổ lưu trữ DLNA ra một chiếc máy in có kết nối DLNA mà không cần sự trợ giúp của máy tính (xem thêm DLNA trong tạp chí PCW số 3/2012)

    Miracast
    [​IMG]
    Không cần tới mạng hay bất kì thiết bị hỗ trợ nào khác, thiết bị di động nếu có chứng nhận Miracast sẽ nhanh chóng kết nối được với chiếc HDTV cũng có chứng nhận này. Việc kết nối diễn ra nhanh chóng vì không yêu cầu mật khẩu. Với thiết bị không hỗ trợ Miracast nếu muốn vẫn có thể phát phim hay nhạc nhờ gắn thêm bộ chuyển đổi (adapter) Miracast qua cổng HDMI hay USB. Miracast hỗ trợ phát nội dung có hình ảnh chất lượng 1080p, âm thanh vòm 5.1 dựa trên Wi-Fi Direct – là công nghệ cho phép các thiết bị Wi-Fi kết nối trực tiếp với nhau mà không cần đến điểm truy cập không dây AP (Access Point) hay mạng Wi-Fi truyền thống.

    [​IMG]WiDi (Intel Wireless Display)

    Nhiều laptop sản xuất thời gian gần đây thuộc nhóm giải trí đa phương tiện đã tích hợp WiDi, và công nghệ này của Intel cũng đã được nhiều nhà sản xuất TV hưởng ứng áp dụng cho các HDTV đời mới, sẵn sàng tiếp nhận nội dung phát không dây từ laptop hỗ trợ WiDi. Với những TV không hỗ trợ WiDi có thể sử dụng adapter WiDi để tiếp nhận sóng WiDi. Intel WiDi hiện đã hỗ trợ phát video HD 1080p, âm thanh vòm 5.1. Với tiện ích Intel WiDi Widget được cài thêm vào PC chạy Windows 7, người dùng có thể làm việc bình thường với chiếc máy tính của mình trong khi vẫn đang trình chiếu phim không dây lên TV.

    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Kết nối trong thế giới HD

Share This Page