Không thể dự báo sốc phản vệ sau tiêm chủng

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Jul 27, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 356)

    Ca tử vong đột ngột, cùng lúc của 3 bé sơ sinh tại Quảng Trị sau tiêm chủng khiến nhiều bậc cha mẹ bức xúc, cho rằng tại sao không cảnh báo trước. Tuy nhiên theo một chuyên gia hồi sức uy tín, bác sĩ không bao giờ tiên liệu được sốc phản vệ.


    Phản ứng phản vệ sau tiêm chủng (hoặc sau tiếp xúc vật lạ) có thể xảy ra tức thì, trong một vài giây hoặc vài giờ. Vì thế, bác sĩ không bao giờ nói trước được bệnh nhân nào đó có thể xảy ra phản ứng phản vệ hay không.

    Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, đơn giản như khi bị muỗi đốt trên da sẽ xuất hiện vết đỏ, bản chất là sung huyết, thoát dịch ra khỏi mạch máu; thấy ngứa. Lý do là vì protein lạ - ở đây là nước dãi của con muỗi vào cơ thể người - gây phản ứng tại chỗ đó. Nếu một chất đưa vào người gây phản ứng mạnh hơn gọi là phản vệ hay dị ứng, bản chất là phản ứng bảo vệ của cơ thể, nhưng nếu mạnh quá dẫn đến sốc.

    Các phản ứng dị ứng này hàng triệu người bị mỗi ngày. Có người bị muỗi hay ong đốt cũng sưng vù lên, có người lại do dùng mỹ phẩm. Dị ứng biểu hiện ở nhiều chỗ, ở da, niêm mạc như: phù mi mắt, sẩn ngứa, nổi mề đay, sưng môi, mắt. Có người lại biểu hiện ở đường tiêu hóa như nôn, đau bụng, ỉa chảy sau khi ăn đồ biển - đây cũng được goi là phản ứng dị ứng nhưng nhẹ. Đa phần nhiều người gặp những phản ứng nhẹ như vậy. Nặng hơn có thể dẫn đến các mạch máu giãn ra và tăng tính thấm - người phù trướng lên.

    [​IMG]
    Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: P.N.

    "Hình dung mạch máu giống như các đường ống cao su có các dòng máu chảy, quả tim bóp máu đi đến cơ quan, sau đó trở về tim, gọi là hệ tuần hoàn. Khi mạch máu đang bình thường đột nhiên giãn ra thì rõ ràng sẽ không có máu hoặc rất ít trở về tim. Như thế tim không thể co bóp đẩy máu đi đâu được, dẫn đến ngừng tuần hoàn, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Trường hợp này gọi là sốc phản vệ", tiến sĩ Bình lý giải.

    Bên cạnh đó, một nguyên nhân dễ gây tử vong là co thắt phế quản, ngạt thở, giống hen, tử vong rất nhanh.

    "Phản ứng phản vệ có thể xảy ra tức thì, trong một vài giây, chậm hơn có thể tới nhiều giờ. Không có con số nhất định nên không bao giờ nói trước được bệnh nhân nào có thể xảy ra phản ứng phản vệ hay không. Cái cần là phát hiện và xử trí phản vệ", tiến sĩ Bình nói.

    Theo ông, hiện nay sốc phản vệ ở Việt Nam không ít. Thi thoảng lại có người đi làm đẹp tử vong. Điều đó khó tránh, vấn đề là cấp cứu như thế nào. Điều này không dễ, bởi nó xảy ra rất nhanh chỉ vài giây. Nhân viên y tế phải có chuyên môn xử trí sốc phản vệ, có kinh nghiệm lâu năm, kèm theo đó là phương tiện, dụng cụ cấp cứu tại chỗ.

    "Ví dụ mới đây tại khoa chúng tôi, có y tá đang làm nhiệm vụ tiêm thuốc cho người bệnh, thế nhưng mới chỉ bẻ ống thuốc, hít phải mùi thuốc là té xỉu luôn dù đeo khẩu trang. Vì thế tôi muốn nhấn mạnh rằng không thể nói trước được một người có bị phản ứng sốc phản vệ nghiêm trọng hay không", tiến sĩ Bình cho biết.

    Theo tiến sĩ Bình, với trường hợp 3 trẻ tử vong sau tiêm văcxin viêm gan B tại Quảng Trị thì việc kết luận sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân là đúng. 3 cháu tử vong cùng lúc, không thể đổ cho bị bệnh tim bẩm sinh được. Ví dụ người lớn tự dưng đau ngực khó thở, lên cơn nhồi máu cơ tim thì chỉ lẻ tẻ, từng trường hợp một. Việc 3 trẻ cùng lúc tử vong sau tiêm thì phải gắn đến chuyện tiêm.

    Ngoài ra, cũng cần loại trừ sốc do giảm thể tích, mất máu, đứt tay, đứt chân hoặc mất nước do ỉa chảy nhiều quá, truyền dịch không kịp… Các hiện tượng viêm tụy cấp, tràn dịch màng phổi có thể gây tử vong thì cũng phải có thời gian, trong giai đoạn sơ sinh không bị. Nguyên nhân sốc do nhiễm trùng, các độc tố của vi khuẩn làm giãn mạch, tụt huyết áp cũng vậy, cần có thời gian. Có nhiễm trùng mới gây ra sốc, nhanh thì sau 6-12h, muộn hơn thì vài ngày.

    [​IMG]
    Chuyên gia giàu kinh nghiệm về hồi sức cấp cứu cho biết rất khó xác định ai sẽ bị sốc phản vệ sau tiêm. Ảnh minh họa: P.N.

    Theo chuyên gia này, dường như 3 trẻ tử vong ở Quảng Trị liên quan đến tình trạng ngạt thở. Tiêm xong trẻ có biểu tím đen, tím tái. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, với tỷ lệ ước tính trên thế giới khoảng 5 trên 100.000 dân. Ở các nước châu Âu, châu Mỹ người ta đều bị, có người ăn một hột lạc, trứng, uống sữa, thậm chí vào vườn hoa thấy mùi bất thường cũng có thể gây ra cái chết đột ngột.

    “Trong trường hợp này mọi người bình tĩnh chờ kết quả điều tra. Còn văcxin, nhà sản xuất cố gắng làm tinh khiết nhất với các công nghệ chế tạo hiện đại, tỷ lệ dị ứng có nhưng ít. Việc tiêm hay không tiêm cần cân nhắc giữa lợi và hại. Ở thời chúng tôi, các bệnh sởi, bạch hầu, ho gà nhiều kinh khủng, chết nhiều. Nhưng từ khi có chương trình tiêm chủng mở rộng, các bệnh này hầu như không có. Các bệnh truyền nhiễm nhờ tiêm chủng mở rộng giảm rất nhiều, giảm cả tỷ lệ tử vong”, tiến sĩ Bình nhấn mạnh.

    Cũng theo chuyên gia, hiện nay không dự báo trước được cơ địa của từng người, vì thế để đề phòng các bác sĩ có thể hỏi tiền sử dị ứng hay với mỹ phẩm thì thường bôi lên tay trước khi bôi lên mặt. Việc thử test có thể được nhưng chỉ thử với một vài loại hay bị dị ứng, có trường hợp thử rồi vẫn xảy ra phản ứng. Hiện nay ước tính có khoảng 7.000 loại hóa chất mỹ phẩm. Tiêm kháng sinh thì vẫn thử nhưng với văcxin thì không phải chuyện dễ.

    Những người dễ có nguy cơ bị dị ứng như bộ đội, kiểm lâm, công an, người du lịch núi thường có ống thuốc pha sẵn đút trong người. Khi bị côn trùng đốt, gây phản ứng phản vệ khó thở thì tiêm xuyên qua quần áo, sau đó gọi cấp cứu.

    Trước đó, ngày 20/7, 3 em bé sơ sinh ở Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đã qua đời chỉ trong khoảng hơn 10 phút sau tiêm văcxin viêm gan B. Nguyên nhân tử vong vẫn chưa được kết luận chính thức, nhưng các chuyên gia Bộ Y tế tạm khẳng định các cháu bị "sốc phản vệ không rõ nguyên nhân".

    Nam Phương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Không thể dự báo sốc phản vệ sau tiêm chủng

Share This Page