Sợ nhiễm HIV sau khi sơ cứu người bị tai nạn

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Jul 26, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 306)

    Tôi mới sơ cấp cứu cho một thanh niên bị tai nạn giao thông. Lúc đó tôi không nghĩ gì, nhưng khi về nhà, thấy máu của anh ta dính ở ngực và tay tôi. Vậy nếu người đó bị HIV, tôi có lây không? Nếu máu bắn vào mắt thì sao? - (Tùng).

    [​IMG]
    Ảnh minh họa: HCTĐ.

    Trả lời:

    Chào anh,

    Trước tiên, tôi rất cảm phục trước nghĩa cử của anh. Trong các tình huống cấp cứu như tai nạn giao thông, sơ cứu ban đầu kịp thời và đúng cách đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Việc này không chỉ giúp bảo vệ tính mạng của nạn nhân mà còn góp phần giảm nhẹ tình trạng nguy kịch, giúp cho các chăm sóc tiếp sau đó của đội ngũ y tế có hiệu quả cao hơn, giảm nhẹ biến chứng và di chứng về sau.

    Ở đây, anh đặt ra tình huống người mà anh cứu là người nhiễm, và máu của nạn nhân dây sang người mình (trên ngực và tay), và băn khoăn liệu mình có khả năng bị lây nhiễm HIV hay không?

    Để trả lời câu hỏi này, nếu xét cho đến kỳ cùng, tôi không thể nói là không có khả năng, cũng như khả năng này chính xác là bao nhiêu!? Tôi chỉ có thể nói, khả năng này là “không cao” bởi nó có rất nhiều chữ “nếu”.

    Chữ “nếu” thứ nhất: người mà anh cứu bị nhiễm HIV. Tính đến thời điểm này, ở nước ta ước tính có khoảng 250.000 người sống chung với HIV, chiếm khoảng 0,4% dân số chung. Nói cách khác, xác suất anh gặp một người nhiễm trong tình huống này vào khoảng 0,4%.

    Chữ “nếu” thứ hai, như chúng ta đều biết, để được gọi là phơi nhiễm với HIV, cần hội đủ đồng thời 2 điều kiện: Tiếp xúc có ý nghĩa với dịch tiết có nguy cơ, cụ thể trong trường hợp này, anh cần tiếp xúc với máu và thông qua một vết thương hở trên da. HIV không lây nhiễm qua vùng da nguyên vẹn là nhận định có bằng chứng khoa học rõ ràng.

    Chữ "nếu" thứ ba, tôi xin làm rõ mối liên hệ từ phơi nhiễm đến nhiễm. Trong bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào nói chung, phơi nhiễm (exposure) không có nghĩa là chắc chắn sẽ nhiễm (infection) mà luôn có tỷ lệ nhất định. Khả năng lây nhiễm HIV phụ thuộc vào nồng độ virus (loại dịch, tải lượng virus trong máu của nguồn gây phơi nhiễm), tình huống tiếp xúc (diện tích tiếp xúc, thời gian). Theo nghiên cứu, tỷ lệ nhiễm HIV sau một lần phơi nhiễm với máu qua vết thương hở hay do máu bắn vào mắt, không quá 1% (vào khoảng 0,3-0,05%).

    Nói tóm lại, rất nhiều chữ “nếu như’ ở trên khiến cho khả năng lây nhiễm HIV của anh giảm đi đáng kể, có thể nói là cực kỳ thấp.

    Để xác định trạng của mình, tránh lo lắng bất an, anh có thể đến các cơ sở y tế hay khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng để được tham vấn và xét nghiệm kiểm tra.

    Thân ái.

    BS Nguyễn Tấn Thủ
    Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khỏe Nam giới

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Sợ nhiễm HIV sau khi sơ cứu người bị tai nạn

Share This Page