Bé hóc dị vật tưởng nhầm hen suyễn, viêm phổi

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Jul 24, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 360)

    Thấy con ho khò khè, mẹ của bé gái 2 tuổi tại Đắc Lắc đưa con đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán là suyễn. 2 tháng trước đó bé đang ăn đậu phộng trên võng thì bị té xuống đất và sặc.


    Do bé vẫn khó thở kéo dài sau một thời gian điều trị suyễn, gia đình đưa bé xuống TP HCM. Kết quả chụp Xquang phổi thẳng dù không phát hiện dị vật nhưng có dấu hiệu ứ khí trên phim. Khi nội soi đường thở, các bác sĩ phát hiện có nửa hạt đậu phộng nằm dưới thanh môn kích thước 4cm. Sau khi được các bác sĩ gắp dị vật ra, sức khỏe của bé dần ổn định.

    Mới đây, bé trai 13 tháng tuổi ngụ tại Bạc Liêu cũng nhập viện tại bệnh viện nhi đồng vì ho, sốt nhiều. Bé được chẩn đoán viêm phổi và dù đã được điều trị nhiều lần nhưng vẫn tái phát liên tục. Kết quả chụp CT scan lồng ngực cho thấy có dị vật dạng xương ở phế quản trung gian phải, gây xẹp thùy giữa phổi phải. Các bác sĩ phải phối hợp nội soi phế quản và gắp được mảnh xương có kích thước 0,3 x 0,5 cm.

    Trước đó bé trai 3 tuổi ở Biên Hòa, Đồng Nai cũng từng nhập viện vì ho, khò khè kéo dài cả tháng mà điều trị mãi không hết. Khoảng 1 tháng trước đó, trong lúc đang chơi với cây kèn nhựa, bé đột ngột bị ho sặc sụa, cây kèn đã bị mất một mẩu nhỏ ở đầu kèn nhưng người nhà không để ý. Phim Xquang chụp hình phổi không thấy gì đặc biệt nhưng khi khám phổi cho bé các bác sĩ cũng đã nghe được một âm thanh rất đặc biệt như tiếng “te te” của không khí khi thổi qua một ống hẹp và rỗng. Sau khi đã điều trị kháng sinh và kháng viêm tích cực, các bác sĩ đã quyết định nội soi phế quản và gắp khỏi đường thở của bé một mẩu nhựa trắng hình ống dính rất nhiều đàm nhớt.

    Cách đây không lâu, một bé trai nhập viện trong tình trạng khá nặng, xẹp một bên phổi phải kèm suy dinh dưỡng trầm trọng, hơn 1 tuổi nhưng cân nặng chỉ 8 kg. Cách thời điểm nhập viện khoảng 1,5 tháng, bé đang chơi một mình đột nhiên ho sặc sụa, tím tái và được cha mẹ đưa đi bệnh viện. Sau 1 tháng điều trị nhưng không cải thiện, bé được chuyển từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện Nhi đồng. Tại đây, các bác sĩ đã gắp ra được 1 hạt mãng cầu gai có kích thước khoảng 1x1cm nằm ngay giữa ngã ba chỗ nối khí-phế quản, làm bít tắc gần như đường thông khí phổi bên phải của bé.

    [​IMG]
    Hình ảnh hạt mãng cầu nằm bít tắc đường phế quản của bé. Ảnh: BVCC.

    Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, không ít trường hợp dị vật đường thở của trẻ dễ bị tưởng nhầm thành viêm phổi, hen suyễn. Nhiều trẻ được cho dùng kháng sinh kéo dài dẫn đến những biến chứng nặng nề như như xẹp phổi, làm mủ trong phổi, hoại tử, áp xe phổi, tràn khí màng phổi...Có những trường hợp để lại di chứng não suốt đời cho trẻ.

    Một số dị vật đường thở thường gặp là các loại hạt thực vật như đậu phộng, hạt dưa, hạt me, mãng cầu..., các loại xương cá, xương heo, lươn... các loại đồ chơi có kích thước nhỏ, một số vật dụng sinh hoạt hằng ngày, các loại pin... Nhiều loại dị vật rất trơn, rất dễ tuột sâu vào lòng phế quản, đi sâu vào trong và gây tổn thương phổi.

    "Gần đây xuất hiện một số trường hợp trẻ hóc thạch dừa, rau câu. Đây là dị vật nguy hiểm vì thường mềm, trơn tuột, dễ nát nên khiến các bác sĩ gặp nhiều khó khăn khi lấy ra", bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

    Theo bác sĩ Tuấn, phải biết cách phát hiện kịp thời khi trẻ có khả năng bị dị vật đường thở, tránh để quá lâu, dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc. Phải nghĩ tới dị vật khi trẻ đang chơi đang ăn đột nhiên ho, sặc sụa, tím tái, khó thở, ngạt thở có khi rất đột ngột. Nhiều trẻ có thói quen ngậm đồ chơi, nhặt các đồ vật lạ, thức ăn rơi vãi cho vào miệng rất dễ khiến dị vật lọt sâu vào đường thở mà bố mẹ không biết. Cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa khi có biểu hiện ho khò khè lâu ngày, khó thở.

    [​IMG]
    Phụ huynh cần đặc biệt cẩn thận khi để trẻ chơi một mình. Ảnh: quiltingboard.

    Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, phụ huynh cần luôn để ý đến con, tránh cho bé ăn các loại thực phẩm dễ gây hóc, nghẹt đường thở như các loại hạt, thạch, những loại trái cây có hạt nhỏ... Thức ăn nên cắt làm nhiều mảnh nhỏ, cẩn thận khi chế biến và cho trẻ ăn các đồ ăn có xương. Tránh các thói quen nguy hiểm như bóp mũi nhét đồ ăn vào khi trẻ khóc, biếng ăn.

    Ngoài ra, không nên cho trẻ chơi đồ chơi quá nhỏ, góc cạnh, có nhiều bộ phận dễ tách rời, chơi mà không có sự giám sát của người lớn. Không để đồ chơi, vật dụng quá nhỏ, có thể nguy hiểm trong tầm tay của trẻ, gần nơi ăn, nơi ngủ...

    "Khi phát hiện trẻ ngậm phải vật lạ trong miệng, cần giữ bình tĩnh, không gây hốt hoảng, sợ hãi cho trẻ. Khi dị vật đã lọt vào đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí đúng đắn, kịp thời để không dẫn đến những hậu quả đáng tiếc", bác sĩ Tuấn lưu ý.

    Lê Phương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Bé hóc dị vật tưởng nhầm hen suyễn, viêm phổi

Share This Page