Card đồ họa: GeForce GTX 770 – Bản nâng cấp mạnh mẽ

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Jul 18, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 418)

    GTX 770 tuy chưa tạo được cách biệt hiệu năng so với GTX 680 nhưng được trang bị nhân đồ họa mạnh hơn, xung nhịp và băng thông bộ nhớ cao hơn, thích hợp cho việc xử lý đồ họa và chơi game “khủng”. Test Lab đánh giá 3 sản phẩm Asus GTX 770-DC2OC-2GD5, Gigabyte GV-N770OC-2G và Zotac GTX 770 AMP! Edition.


    Thiết kế
    Ba sản phẩm của Asus, Gigabyte và Zotac cùng dựa trên bộ xử lý đồ họa (GPU) GeForce GTX 770 (tên mã Kepler GK104-425) của Nvidia. Cả 3 mẫu card đồ họa đều mang những nét đặc trưng của hãng, kích cỡ full size và chiếm 2 khe gắn card mở rộng trên bo mạch chủ khi lắp ráp. Vì vậy những mẫu card này chỉ thích hợp với thùng máy chuẩn mid-tower (thùng đứng, cỡ trung) trở lên hoặc tốt nhất là full-tower với cấu hình đa card đồ họa 3 way-SLI.

    Lưu ý là cả 3 mẫu card đồ họa trên đều được nhà sản xuất ép xung sẵn nên sẽ cần đến 2 đường cấp nguồn +12V PCIe 6 chân và 8 chân công suất đạt mức 300W cùng bộ nguồn 600W hoặc cao hơn nhằm đảm bảo công suất cho toàn hệ thống.

    Asus GTX 770-DC2OC-2GD5 (Asus GTX 770OC) thuộc dòng card đồ họa được nhà sản xuất ép xung sẵn nên GPU hoạt động ở xung nhịp 1.058MHz và 1.110MHz ở chế độ Boost trong khi giữ nguyên xung nhịp RAM. Công nghệ DirectCU II với 2 quạt làm mát 80mm cùng 3 ống dẫn nhiệt (heatpipe) bằng đồng cỡ lớn tiếp xúc trực tiếp bề mặt GPU để tăng khả năng tản nhiệt, hiệu suất làm mát tốt hơn khoảng 20% so với bộ tản nhiệt thông thường. Card còn được trang bị tính năng VGA Hotwire giúp việc ép xung đơn giản và an toàn hơn khi sử dụng với dòng bo mạch chủ ROG (Republic Of Gamers).

    Cấu hình thử nghiệm
    Mainboard Gigabyte Z77X-UD3H, CPU Intel Core i7-3770K, RAM Corsair Dominator Platinum kit 8GB, bus 2133MHz; SSD Kingston HyperX 120GB, bộ nguồn Cooler Master Real Power Pro 1250W, Windows 8 Pro 64bit.

    Gigabyte GV-N770OC-2GD (Gigabyte GV-N770OC) được nhà sản xuất tăng xung nhịp GPU lên mức 1.137MHz và có thể đạt mức 1.189MHz khi tăng tốc; cao hơn lần lượt là 8,7% và 9,6% so với xung nhịp chuẩn Nvidia công bố và cao hơn Asus GTX 770OC một chút. Hệ thống tản nhiệt WindForce 3x 2 slot 450W với 6 heatpipe gồm 2 ống cỡ 8mm và 4 ống cỡ 6mm kết hợp cùng 3 quạt làm mát 80 mm công nghệ “Triangle Cool” đảm bảo khả năng tản nhiệt hiệu quả cả khi ép xung. Gigabyte cho biết thiết kế mới của bộ tản nhiệt này có khả năng xử lý lượng nhiệt tỏa ra khi công suất card đạt mức 450W trong khi mẫu card đồ họa đa nhân GeForce GTX 690 và Radeon HD 7990 có mức TDP cao nhất lần lượt là 300W và 375W.

    Khác với 2 card đồ họa trên, Zotac GTX 770 AMP! Edition (Zotac GTX 770 AMP) không chỉ được nhà sản xuất ép xung GPU mà còn tăng cả xung nhịp bộ nhớ (memory clock) lên mức 1.800MHz. Vì vậy kết quả thử nghiệm của card cao hơn trong phần lớn các phép đánh giá hiệu năng đồng thời cũng tiêu thụ điện năng nhiều hơn. Hệ thống tản nhiệt ứng dụng công nghệ Dual Silencer kết hợp cùng 2 quạt làm mát loại 80mm đảm bảo tản nhiệt hiệu quả cũng như giảm thiểu tiếng ồn phát sinh khi hoạt động. Theo Zotac cho biết so với bộ tản nhiệt thông thường thì bộ tản nhiệt ứng dụng công nghệ Dual Silencer giúp giảm khoảng 10 độ C và 10dB mức độ ồn trong quá trình hoạt động.
    Hiệu năng

    Để đánh giá sức mạnh 3 mẫu card GTX 770, Test Lab sử dụng cấu hình thử nghiệm xây dựng trên nền tảng bo mạch chủ Gigabyte Z77X-UD3H, bộ xử lý Intel Core i7-3770K, HĐH Windows 8 Pro 64 bit và trình điều khiển (driver) GeForce 320.18. Ngoài những công cụ quy chuẩn đánh giá tổng thể hiệu năng là 3DMark 11 và Heaven DX11 Benchmark 4.0, Test Lab cũng sử dụng một số game DirectX 11 như DiRT 3, Alien vs. Predator và Crysis 2 để kiểm thử khả năng “chiến” game của card đồ họa ở độ phân giải 1280x720 pixel (HD 720p) và 1920x1080 pixel (full HD 1080p).

    Xét tổng thể, kết quả thử nghiệm cho thấy 3 mẫu card đồ họa đều nhẹ nhàng vượt qua các phép thử của Test Lab với những điểm số “đáng nể” cả ở độ phân giải 1920x1080 pixel cùng chất lượng đồ họa được đẩy lên mức cao nhất. Điểm cần lưu ý là cả 3 card đồ họa đều được hãng gia tăng xung nhịp GPU (GPU clock) và cả xung nhịp bộ nhớ (memory clock) với những giá trị khác nhau và chúng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thử nghiệm của mỗi card. Tuy nhiên trong cùng phép thử, điểm số đạt được giữa các card không có sự chênh lệch đáng kể vì chúng cùng dựa trên mẫu chung GeForce GTX 770.

    Gigabyte GV-N770OC nhỉnh hơn trong phép thử 3DMark 11 với 10.466 điểm ở chế độ Performance (độ phân giải 1280x720 pixel) thì Asus GTX 770OC cho kết quả tốt hơn ở chế độ Extreme (độ phân giải 1920x1080 pixel) với 3.876 điểm. Zotac GTX 770 AMP có ưu thế trong Heaven DX11 Benchmark v4.0, phép thử đồ họa có nhiều nét tương đồng với 3DMark 11 nhưng nhấn mạnh về Tessellation – một trong những công nghệ nổi bật của thư viện đồ họa DirectX 11.

    Tương tự với các game thử nghiệm là DiRT 3, Alien vs. Predator 1.03 và Crysis 2, cả 3 card đồ họa cũng đạt kết quả khá tốt, khả năng xử lý hình ảnh trong game vượt xa mốc 30 fps ở độ phân giải full HD với chất lượng đồ họa được đẩy lên mức cao nhất. Cụ thể với Alien vs. Predator, 3 card đồ họa Asus, Gigabyte và Zotac dao động ở mức 66,1 – 66,5 fps. Sức mạnh “động cơ” GeForce GTX 770 tiếp tục thể hiện trong DiRT 3 khi kết quả thử nghiệm của 3 card đồ đều cao hơn 100 fps. Với Crysis 2 của Crytek - một “tượng đài” thể loại game FPS, kết quả thử nghiệm của card ở độ phân giải full HD, chất lượng đồ họa Extreme vẫn cao hơn gấp đôi so với mốc 30 fps, trong đó Zotac GTX 770 AMP đạt 54 fps và cao nhất là Gigabyte GV-N770OC với 64,2 fps. Tham khảo chi tiết trong bảng kết quả bên dưới.

    Nhiệt độ, công suất tiêu thụ
    Kiểm tra khả năng tản nhiệt card đồ họa và công suất tiêu thụ của cấu hình thử nghiệm (không bao gồm màn hình) qua phép thử đồ họa 3DMark 11, nhiệt độ và công suất hệ thống được ghi nhận qua phần mềm GPU-z và Logger Lite trong môi trường bình thường (khoảng 29 – 30 độ C).

    Ở chế độ không tải, các mẫu card hoạt động êm, nhiệt độ GPU chênh lệch khoảng 3 độ C. Thấp nhất là Zotac GTX 770 AMP với 37 độ C, công suất cấu hình thử nghiệm tương ứng là 104,9 W (lấy trị số trung bình). Gigabyte GV-N770OC có nhiệt độ GPU cao nhất (40 độ C) nhưng đặc biệt công suất tiêu thụ chỉ 82,2 W, thấp hơn 26,5% so với Asus GTX 770OC (111,8 W).

    Với phép thử đồ họa 3DMark 11, nhiệt độ các GPU dao động ở mức 80 – 81 độ C, chênh lệch không đáng kể. Hệ thống tản nhiệt vẫn hoạt động khá êm, trong khi công suất cấu hình thử nghiệm cao nhất của Zotac GTX 770 AMP là 348,3 W (tính theo trị số cao nhất). Việc chỉ tăng xung nhịp GPU và giữ nguyên xung RAM lại là “ưu thế” của 2 card đồ họa Asus và Gigabyte khi công suất tiêu thụ tương ứng là 331,9 và 327,5 W, thấp hơn so với mẫu card Zotac từ 16,4 đến 20,8 W.

    Nhìn chung, những mẫu card đồ họa GTX 770 tuy chưa tạo được cách biệt hiệu năng so với GTX 680 nhưng với nhân đồ họa mạnh hơn, xung nhịp và băng thông bộ nhớ cao hơn khoảng 16% so với GTX 680 đã mang lại một sức mạnh mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dùng.

    Tổng quan GTX 770

    GPU kiến trúc Kepler được nVidia kỳ vọng sẽ tạo được sự đột phá mạnh trong công nghệ xử lý đồ họa so với Fermi thế hệ trước. Ngoài công nghệ GPU Boost 2.0 với khả năng tăng tốc xung nhịp GPU theo thời gian thực thì GTX 770 còn được tích hợp cơ chế khử răng cưa mới FXAA (fast approximate anti-aliasing) và TXAA (temporal anti-aliasing) đạt hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần so với cơ chế khử răng cưa truyền thống MSAA (multi-sample anti-aliasing).

    Về bản chất, GTX 770 được xem là phiên bản làm mới từ GTX 680, cùng sử dụng nhân đồ họa Kepler GK104 nên thông số kỹ thuật không có sự khác biệt trừ mức xung nhân (core clock) và băng thông bộ nhớ cao hơn. Cụ thể GTX 770 tích hợp 1536 nhân CUDA được bố trí thành 4 cụm xử lý (Graphics Processing Cluster - GPC) và chia sẻ chung bộ nhớ đệm cấp 2 (L2 cache). Mặc định, core clock hoạt động ở mức xung 1.046MHz (so với GTX 680 là 1.006MHz) và có thể tăng tốc đạt mức 1.085MHz khi cần thiết nhờ công nghệ Nvidia Boost 2.0. Điểm nổi bật của GTX 770 là xung nhịp bộ nhớ (memory clock) được đẩy lên mức 1.753MHz với băng thông bộ nhớ (memory bandwith) đạt 224GB/s, cao hơn khoảng 16% so với GTX 680.

    Bên cạnh đó, GTX 770 còn có khả năng hiển thị hình ảnh 3D theo công nghệ 3D Vision Ready. Ngõ xuất tín hiệu DVI-I, DVI-D, DisplayPort lẫn HDMI và công nghệ nVidia Surround cho phép ghép nối đến 4 màn hình chỉ với card đơn để hiển thị những hình ảnh có độ phân giải lớn khi chơi game, trình chiếu phim ảnh hoặc làm việc với nhiều ứng dụng cùng lúc.

    [​IMG]
    Asus GTX 770-DC2OC-2GD5
    [​IMG]
    Gigabyte GV-N770OC-2GD
    [​IMG]
    Zotac GTX 770 AMP! Edition
    [​IMG]
    [​IMG]
    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Card đồ họa: GeForce GTX 770 – Bản nâng cấp mạnh mẽ

Share This Page