Máy ảnh số: DSLR bình dân cho người mới bắt đầu

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Jul 17, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 363)

    Những sản phẩm máy ảnh số DSLR dành cho người mới bắt đầu làm quen với mức giá vừa phải và chất lượng ảnh lẫn tính năng đều được cải tiến mạnh. Canon EOS 100D, Nikon D5200 và Sony Alpha SLT-A58 mà Test Lab thử nghiệm là ba sản phẩm thuộc phân khúc này.


    Thiết kế, cấu tạo
    Hiện tại, Canon EOS 100D là chiếc máy DSLR có cảm biến APS-C nhỏ gọn nhất thế giới. EOS 100D được coi là sản phẩm có kích thước, tính năng và giá thành có thể cạnh tranh với các dòng mirrorless (máy ảnh không gương lật). Máy được thiết kế từ hợp kim nhôm và chất liệu polycarbonate nên thực sự chắc chắn và cứng cáp. Nhờ kích thước khá nhỏ gọn (117x91x69 mm) và cân nặng chỉ 407 gram (bao gồm pin và thẻ nhớ) nên dễ dàng cầm nắm và điều khiển máy. Tuy nhiên điều quan trọng ở 100D là việc đưa vào sử dụng thế hệ ống kính STM giúp cho máy thực hiện việc lấy nét liên tục khi quay phim hay chế độ Live View dễ dàng và chính xác hơn rất nhiều. Máy không được tích hợp kết nối Wi-Fi hay GPS nhưng bù vào đó là hỗ trợ thẻ Eye-Fi để truyền hình ảnh qua kết nối không dây. Về tổng quan, nền tảng phần cứng cũng như các tính năng của EOS 100D không khác nhiều so với EOS M, dòng máy này có thể mở đầu một xu hướng DSLR thời trang và gọn nhẹ.

    Xếp hạng
    Canon EOS 100D:
    [​IMG]
    Sony Alpha SLT-A58:
    [​IMG]
    Nikon D5200:
    [​IMG]

    Sony Alpha SLT-A58 là mẫu máy ảnh DSLT (Single-Lens Translucent - ống kính rời công nghệ gương mờ) phân khúc dành cho người mới bắt đầu. Đây là sự kết hợp của 2 dòng sản phẩm cơ bản A37 và A57. Không giống như các máy DSLR thông thường, trên dòng máy này ánh sáng đi trực tiếp thông qua gương, qua gương lật và thấu kính. Điều này có nghĩa rằng A58 cho tốc độ chuyển khung hình và tốc độ lấy nét tự động nhanh hơn dòng DSLR truyền thống. Ngoài ra, khả năng chụp ảnh trong chế độ video cũng là bước tiến của công nghệ gương mờ. Tuy thân máy khá nặng, nhưng thiết kế tay cầm rộng và được bọc da giúp dễ dàng cầm bằng một tay. Hệ thống điều khiển và các nút bấm được bố trí hợp lý và tiện lợi không khác gì đàn anh A57. Máy được bổ sung chân kết nối phụ kiện đa năng (hotshoe) dựa theo chuẩn ISO 518:2006 cho phép sử dụng được nhiều đèn flash của các hãng phổ biến. Nhìn chung, đây là dòng máy tập trung nhiều tính năng cơ bản, giá cả mềm và trong tương lai A58 sẽ thay thế cho dòng phổ thông hiện nay của Sony.

    Nikon D5200 không có nhiều thay đổi so với đàn anh D5100. Máy cũng tương đối nhỏ gọn, chắc chắn như những dòng Nikon khác. Điểm thay đổi nhỏ so với D5100 là nút xoay chức năng hay màn hình xoay cơ động và hiển thị tốt hơn. Thay đổi lớn nhất so với các thế hệ máy cũ cùng phân khúc là cảm biến CMOS độ phân giải 24,1 megapixel mà Nikon D5200 sử dụng là do Toshiba cung cấp. Đây là lần đầu tiên Nikon sử dụng bộ cảm biến có tên mã HEZ1 này. Nikon D5200 có thể sử dụng với phụ kiện WU-1a Wireless Mobile Adapter. Thiết bị này thông qua giao tiếp Wi-Fi cho phép điều khiển máy từ xa, chia sẻ và chuyển hình ảnh đến các thiết bị cầm tay Android hay iOS. Nikon D5200 không trang bị motor lấy nét, do đó người dùng sẽ phải sử dụng các ống kính AF-S để có thể lấy nét tự động.

    Cân bằng trắng và màu sắc
    Tại chế độ mặc định, Canon 100D thể hiện màu sắc khá trung thực, tươi sáng và sống động. Trong một số trường hợp ánh sáng yếu thì độ bão hòa và độ tương phản nhiều hơn so với khung hình thực tế. Trong điều kiện thời tiết u ám, chế độ AWB cho màu sắc lạnh nhưng khá ấn tượng. Trong điều kiện ánh sáng tốt, AWB cho nhiệt độ màu chính xác, độ ấm của màu được duy trì ổn định. Ngoài những màu cơ bản thì chế độ AWB cũng thể hiện tốt màu xanh da trời và màu da cam.

    Xếp hạng
    Canon EOS 100D:
    [​IMG]
    Sony Alpha SLT-A58:
    [​IMG]
    Nikon D5200:
    [​IMG]

    Chế độ tự động cân bằng trắng (Auto White Blance) của Alpha SLT-A58 hoạt động chính xác trong mọi điều kiện ánh sáng, nhất là trong việc thể hiện màu da trung thực. Cũng ở chế độ này, màu sắc khá ấm dưới ánh đèn vàng và nếu chuyển sang chế độ chụp Tungsten thì sẽ cho kết quả chính xác hơn. Dưới đèn huỳnh quang, chế độ tự động cân bằng trắng hay chế độ Fluorescent đều cho ánh sáng khá lạnh. Trong 6 chế độ màu: Standard, Vivid, Portrait, Landscape, Sunset và Black & white, tất cả đều có thể tùy chỉnh +/-3 độ tương phản, độ bão hòa và độ sắc nét. Màu sắc thu được khá đẹp, không kém phần trung thực.

    Nikon D5200 cho màu sắc chính xác và khá rực rỡ trong điều kiện ánh sáng tối. Cùng chụp một khung hình nhưng ảnh JPEG thường bị bão hòa màu so với ảnh RAW. Trong điều kiện ánh sáng yếu thì màu sắc cần thêm một chút bão hòa, người dùng có thể sử dụng hệ thống màu được thiết lập sẵn để có chất lượng tốt hơn. Hệ thống chế độ màu bao gồm Standard, Neutral, Vivid, Monochrome, Portrait và Landscape. Qua thử nghiệm thì chế độ Standard và Neutral cho màu sắc khá chuẩn mực và trung tính.

    Đo sáng
    Canon EOS 100D sử dụng các chế độ đo sáng như đo sáng dạng ma trận (evaluative), đo sáng điểm (spot), đo sáng trung tâm (centreweighted), đo sáng một phần của khung ngắm (partial) tương tự như các đàn anh DSLR khác của Canon. Dạng đo sáng ma trận hoạt động tốt trên 100D, hệ thống đo sáng lúc này sẽ ưu tiên khá nhiều đến các điểm lấy nét. Thử nghiệm trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau, việc lựa chọn đo sáng trung tâm và tùy chỉnh bù trừ sáng cho kết quả khả quan và có tính linh động cao, hữu dụng với việc người dùng muốn trong cùng một cảnh chụp nhưng mức độ ánh sáng thu vào khác nhau. Việc lựa chọn hệ thống đo sáng ma trận hiệu quả nhất khi thao tác trên màn hình cảm ứng. Cơ chế hoạt động là đo sáng ở các điểm lấy nét và dùng nút khóa AEL để giữ lại kết quả phơi sáng tại từng điểm. Lúc này có thể xác định lại chủ thể mà không cần quan tâm đến đo sáng, các điểm lấy nét mới vẫn giữ nguyên kết quả đã được khóa ở trên.

    Xếp hạng
    Canon EOS 100D:
    [​IMG]
    Sony Alpha SLT-A58:
    [​IMG]
    Nikon D5200:
    [​IMG]

    Tất cả các máy SLT của Sony bao gồm cả SLT-A58 đều sử dụng hệ thống đo sáng 1200 vùng với các chế độ như multi segment (một kiểu tương tự lấy đo sáng ma trận), đo sáng trung tâm và đo sáng điểm. Chế độ đo sáng điểm bị giới hạn trong 15 điểm lấy nét và phần lớn được đặt ở trung tâm của khung hình. Điều này cũng gây ra phiền toái khi mà chủ thể nằm ngoài trung tâm, tuy nhiên trong quá trình thử nghiệm thì chế độ đo sáng multi segment được sử dụng nhiều nhất, một phần vì nó phục vụ được phần lớn mục đích sử dụng của người dùng. Hình ảnh thu được khá tươi sáng và độ chi tiết thể hiện khá tốt. Trong điều kiện ánh sáng có độ tương phản cao, hệ thống đo sáng multi segment thiên về vùng ánh sáng yếu, để đảm bảo các chi tiết ở vùng sáng thì người dùng phải điều chỉnh thiết lập các thông số về ống kính hoặc tốc độ hay giảm khoảng 0,7-1 EV.

    Nikon D5200 sử dụng cảm biến đo sáng 2.016 điểm tương tự như đàn anh D7000, trên lý thuyết thì hệ thống này phức tạp hơn, dày đặc hơn D3200 với 420 điểm ảnh. Tuy nhiên trên thực tế trải nghiệm khó có thể phân biệt được sự khác nhau này. Cả D5200 và D3200 đều tích hợp hệ thống nhận biết cảnh chụp (Scene Recognition System) giúp tự động tối ưu độ phơi sáng, tầm lấy nét và cân bằng trắng ngay trước khi chụp. Trong khung hình ở điều kiện thời tiết âm u, hệ thống đo sáng tự động có thể làm cho bức ảnh sáng hơn bình thường một chút ở phía đường chân trời, phần bầu trời có thể bị “cháy”. Trong chế độ Live View, hệ thống đo sáng có thể liên kết với các điểm lấy nét. Điều này rất hữu ích khi chụp chân dung, bởi khả năng tính toán chính xác của phơi sáng và lấy nét khi tiếp xúc với chủ thể.

    Chất lượng ảnh và video
    Canon EOS 100D sử dụng cảm biến 18 MP tương tự như máy ảnh mirrorless EOS M. Máy cũng được trang bị cảm biến CMOS APS-C kích thước 22,3 x 14,9 mm và chip xử lý hình ảnh Digic 5. cho dòng máy DSLR phổ thông này. Máy cũng sử dụng hệ thống lấy nét lai AF Hybrid II kết hợp giữa lấy nét theo pha và tương phản. Tốc độ chụp liên tiếp của máy là 4 khung hình mỗi giây. Độ nhiễu màu sắc trong chế độ chụp ảnh RAW được 100D xử lý rất tốt trong dải ISO 100-6400. Với ISO trên 6400, độ nhiễu màu sắc tăng dần, độ chi tiết hình ảnh có giảm đôi chút, vì vậy chỉ nên sử dụng chỉ số ISO này trong trường hợp cần thiết. Với chế độ chụp ảnh JPEG, độ nhiễu ánh sáng được kiểm soát hiệu quả, mặc dù có thể thấy được độ nhiễu tăng dần ở ISO 800, nhưng tại đây độ chi tiết và bão hòa màu sắc thể hiện cũng rất tốt. Tại ISO 3200, độ nhiễu xuất hiện nhiều là điều dễ hiểu nhưng so với phần lớn các máy cùng phân khúc thì 100D vượt trội hơn hẳn về độ chi tiết và màu sắc.

    Canon EOS 100D hỗ trợ quay video độ phân giải Full HD 1920x1080 pixel với 3 lựa chọn khung hình là 24 fps, 25 fps hoặc 30 fps cho chất lượng khá tốt. Đoạn video thu được sử dụng chuẩn nén H.264 và âm thanh stereo được thu qua micro tích hợp ở cạnh bên của máy, hoặc thông qua micro bên ngoài (bán riêng) kết nối thông qua jack cắm 3,5mm.

    Sony Alpha SLT-A58 tại dải ISO 100-400, độ nhiễu sáng được xử lý rất tốt và chỉ có thể nhận thấy từ ISO 800 trở lên. Tại ISO 1600 có thể nhìn thấy sự giảm nhẹ độ chi tiết trong ảnh mặc dù độ nhiễu sáng chưa thực sự cao. Mức độ tăng dần cho đến tại ISO 6400, độ nhiễu có thể thấy rõ, độ chi tiết giảm dần kéo theo đó là màu sắc bị bệt, nhưng đối với ảnh sử dụng trên web hay mang tính lưu trữ thì vẫn được. Người dùng cũng nên tránh việc sử dụng ISO cao trên 6400, giảm kích thước ảnh có phần nào điều chỉnh được chất lượng nhưng hình ảnh lúc này chỉ mang tính chất tham khảo mà thôi.

    Sony Alpha SLT-A58 có thể quay phim Full HD với khả năng giảm độ ồn xung quanh và ổn định hình ảnh. Ngoài ra còn có một số tùy chọn nén bao gồm cả AVCHD, MP4, 50i và 25p, đây là bước thụt lùi so với đàn anh A57, chế độ quay 1080-50p bị loại bỏ trên A58. Mặc dù vậy, nó cũng không quá ảnh hưởng đến chất lượng video, đây vẫn là chiếc máy chất lượng với các tính năng tự động lấy nét toàn thời gian, tùy chỉnh kiểm soát phơi sáng, tuy nhiên 2 tính năng này không thể đồng thời cùng hoạt động.

    Xếp hạng
    Canon EOS 100D:
    [​IMG]
    Sony Alpha SLT-A58:
    [​IMG]
    Nikon D5200:
    [​IMG]

    Nikon D5200 được thử nghiệm với ống kính kit đi kèm 18-55mm f/3.5-5.6, ảnh thu được crop 100%. Chất lượng hình thu được tạm ổn, ảnh có chút mềm và hơi thiếu sắc nét. Ngoài ra, hệ thống kiểm soát hình ảnh trong chế độ màu được thiết lập người dùng có thể tùy chỉnh độ sắc nét theo mức độ. Tại ISO thấp từ 100-800, chất lượng hình ảnh và độ nhiễu chưa thực sự vượt trội so với đàn anh D5100. Nhưng khi ở ISO cao hơn, ví dụ như ISO 6400 cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa 2 thế hệ, ảnh của D5200 mượt hơn và độ nhiễu được khắc phục tốt hơn. Trong chế độ chụp RAW, ảnh thu được của D5200 cho thấy rõ sự khác biệt khá nhiều so với Nikon D5100 hay EOS 650D. Sự khác biệt mạnh mẽ ở đây là tại ISO 12800, sự khử nhiễu của D5200 không bằng một số máy cùng phân khúc nhưng bù lại độ chi tiết vẫn vượt trội hơn hẳn. Tuy nhiên, hầu như các dòng máy ở phân khúc này, độ nhiễu sáng càng tăng thì độ chi tiết càng giảm xuống và D5200 có xu hướng bệt màu, giảm chi tiết và bị tái khi đẩy ISO quá 3200. Nikon D5200 hỗ trợ quay video Full HD 1080p với tốc độ tùy chọn 60fps, 50fps, 30fps, 25fps và 24fps. Hệ thống ghi âm được cải thiện với micro đặt trên đỉnh máy nhưng chất lượng quay video chưa được tốt lắm.

    Khả năng lấy nét
    Canon EOS 100D được trang bị hệ thống lấy nét lai AF Hybrid kết hợp giữa lấy nét theo pha và tương phản. Đây là thế hệ máy DSLR thứ 3 của Canon sử dụng hệ thống lấy nét lai này, trước đó là EOS 650D và EOS 700D, có thể nó cũng xuất hiện trên máy mirrorless EOS M. EOS 100D sử dụng lấy nét theo pha để hỗ trợ lấy nét toàn thời gian trong chế độ Live View và quay video. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn của thế hệ AF Hybrid II được trang bị trên EOS 100D là vùng diện tích lấy nét pha của EOS 100D chiếm xấp xỉ 80% diện tích cảm biến hình ảnh (so với 700D xấp xỉ 32%), vì thế người dùng dễ dàng lấy nét ở các vùng rìa của ảnh. Canon EOS 100D với với hệ thống lấy nét 9 điểm (1 điểm trung tâm lấy nét chéo - cross-type) giống như đàn anhEOS 600D. Khi thử nghiệm, khó có thể nhận ra sự khác biệt khi chụp ảnh tĩnh vật, nhưng trong điều kiện ánh sáng yếu thì tốc độ của 100D nổi trội hơn thấy rõ. Trong một số trường hợp nhất định, điểm lấy nét chưa thực sự tốt, nhất là khi máy vừa khởi động hay bố cục lại bức ảnh trước khi chụp. Hầu hết các máy ảnh sử dụng hệ thống lấy nét lai đều gặp tình trạng này. Khả năng lấy nét đơn điểm trên màn hình cảm ứng là điều thú vị của 100D, cho phép người dùng có thế lấy nét bất kì đâu trên khung hình. Dòng máy ảnh này còn có một điểm mới là ống kính đi kèm có công nghệ STM (Stepping Motor) cho khả năng lấy nét êm, nhanh và chính xác hơn khi kết hợp với hệ thống lấy nét lai.

    Xếp hạng
    Canon EOS 100D:
    [​IMG]
    Sony Alpha SLT-A58:
    [​IMG]
    Nikon D5200:
    [​IMG]

    Sony Alpha SLT-A58 sử dụng hệ thống lấy nét tự động theo pha (phase-detection) 15 điểm, các điểm được sắp xếp theo 3 khu vực và mỗi khu vực có chứa một điểm cross-type. Con số điểm lấy nét lớn ảnh hưởng nhiều đối với chụp ảnh thể thao, động vật – những tình huống chụp đòi hỏi phải khóa nét nhanh đối tượng. Trong phân khúc này số điểm lấy nét lớn như D5200 là rất hiếm và con số 15 điểm cũng đã đảm bảo được nhu cầu người dùng mới bắt đầu. Khả năng lấy nét của A58 nhanh, ngay cả trong điều kiện ánh sáng thấp. Chế độ quay video, chụp ảnh tốc độ cao cũng được hỗ trợ khả năng lấy nét liên tục toàn thời gian, cho hiệu suất và khả năng chính xác rất cao. Có một số tùy chọn và công cụ hữu ích trong việc lấy nét, như theo sát đối tượng, khóa đối tượng gần trung tâm khung hình nhất và nhận diện khuôn mặt, lưu giữ khuôn mặt. Những khuôn mặt được ghi nhận ở các khung hình khác sẽ được ưu tiên hơn trong việc lấy nét. A58 có thể sử dụng tính năng Eye-Start AF, sử dụng các cảm biến mắt dưới kính ngắm để cảm nhận hình ảnh như là nếu nhìn qua kính ngắm và khởi động lấy nét tự động. Điều này cho phép kiểm tra ảnh được lấy nét ngắn nhất sau khi xác định các thành phần thông qua kính ngắm.

    Nikon D5200 kế thừa hệ thống lấy nét 39 điểm của đàn anh D7000, vượt qua hầu hết các đối thủ cùng phân khúc dành cho người mới bắt đầu. Tất cả những điểm lấy nét này nằm ở trung tâm của khung hình. Khi sử dụng chế độ lấy nét 39 điểm trong điều kiện ánh sáng tốt, máy lấy nét rất nhanh và chính xác. Trong điều kiện ánh sáng yếu, độ tương phản thấp, máy vẫn cho độ chính xác cao mặc dù quá trình chậm lại một chút. Người dùng có thể lựa chọn 11 điểm lấy nét thay vì 39, tốc độ lấy nét sẽ nhanh hơn nhiều vì máy sẽ xử lý dữ liệu ít hơn. Ngoài ra, chế độ AF-area trong thực đơn cho các tùy chọn lấy nét như đơn điểm, tự động, 9 điểm, 21 điểm, 39 điểm và 3D tracking (theo dõi chủ thể 3D). Trong đó lấy nét đơn điểm là chế độ duy nhất có thể tùy chỉnh. Trong điều kiện vật thể chuyển động, nhìn chung D5200 có thể bắt nét khá tốt ở chế độ 3D tracking, nhưng điều đó không có nghĩa là nó thiết kế dành cho tình huống chuyển động nhanh.

    Trong chế độ Live View, AF-area có thể lựa chọn khu vực lấy nét trên khung hình khá tiện dụng khi mà đối tượng không nằm ở khu vực trung tâm. Ưu tiên nhận diện khuôn mặt và bám sát đối tượng là một điểm mạnh khi quay video. Cũng trong chế độ Live View, khả năng lấy nét tương phản kém hơn lấy nét theo pha. Tuy nhiên, với chức năng Mirror Lock-up (nâng gương phản chiếu nhằm giảm rung động tăng độ nét) thì lấy nét tương phản cho độ chính xác và sắc nét hơn khi sử dụng kính ngắm, khả năng này rất tiện đối với việc chụp ảnh phong cảnh.



    [​IMG] [​IMG]
    Canon EOS 100D Đánh giá tổng thể
    Tham khảo: www.canon.com.vn
    Giá: 12.990.000 đồng
    Độ phân giải: 18 megapixel, DIGIC 5
    Ống kính: ngàm EF
    Màn hình: cảm ứng 3 inch, 1.040.000 điểm ảnh
    Kính ngắm: quang học
    Quay phim: Full HD
    ISO: 100-6400
    Tốc độ chụp: 4 fps
    Kích thước: 117 x 91 x 69mm
    Khối lượng: 407g
    Ưu:

    • Thiết kế đẹp, nhỏ gọn
    • Màn hình cảm ứng hiệu quả.
    • Hệ thống lấy nét tốt.
    • Chất lượng hình ảnh cao và đẹp.

    Khuyết:

    • Lấy nét trong chế độ Live View chậm.
    • Bộ lọc chỉ sử dụng được ở chế độ Live View.

    Nhận xét chung:
    Canon 100D là chiếc máy ảnh DSLR nhỏ gọn nhất hiện nay cho chất lượng ảnh cao phù hợp với nhiều đối tượng và là chiếc máy ảnh tốt đối với những người mới bắt đầu.Đánh giá:

    [​IMG]
    [​IMG] [​IMG]
    Sony Alpha SLT-A58 Đánh giá tổng thể
    Tham khảo: www.sony.com.vn
    Giá: 12.9 00.000 đồng
    Độ phân giải: 20,1 megapixel, Exmor R
    Ống kính: ngàm A
    Tốc độ chụp: liên tiếp 10fps
    Kính ngắm: điện tử
    Màn hình LCD: 2,7 inch độ phân giải 460.000 điểm ảnh
    Quay phim: Full HD
    ISO: 100-6400
    Kích thước: 129,6x93,2x103,2mm
    khối lượng: 650g
    Ưu:

    • Chất lượng hình ảnh cao.
    • Độ bão hòa màu sắc tốt.
    • Hệ thống lấy nét hiệu quả.
    • Hệ thống ổn định hình ảnh tốt.
    Khuyết:
    • Màn hình nhỏ.
    • Độ phân giải thấp khi chụp ảnh liên tiếp
    Nhận xét chung:
    Đây là sản phẩm tập trung nhiều tính năng cơ bản và kèm theo đó là chất lượng ảnh tốt. Với người dùng phổ thông, A58 thỏa mãn được hết mọi nhu cầu và sẽ là sự lựa chọn hàng đầu.
    Đánh giá:
    [​IMG]
    [​IMG] [​IMG]
    Nikon D5200 Đánh giá tổng thể
    Tham khảo: www.nikon.com.vn
    Giá: 15.790.000 đồng
    Độ phân giải: 20.1 MP, EXPEED 3
    Ống kính: ngàm F
    Màn hình: LCD 3inch, 910.000 điểm ảnh
    Kính ngắm: quang học
    39 điểm lấy nét tự động
    Quay phim: Full HD
    ISO: 100-12800
    Kết nối: USB 2.0; Wi-Fi
    Kích thước: 129 x 98 x 78 mm
    khối lượng: 555g
    Ưu:

    • ISO cho chất lượng cao.
    • Cân bằng trắng tốt.
    • Ảnh định dạng JPEG chất lượng.
    • Kết nối Wi-Fi.
    Khuyết:
    • Lấy nét chậm khi quay video.
    • Chế độ Live view không hiển thị thời gian thực khi điều chỉnh khẩu độ.
    Nhận xét chung:
    Chất lượng hình ảnh và công nghệ của Nikon D5200 có thể đáp ứng, thỏa mãn lâu dài đối với người mới bắt đầu chơi ảnh. Tuy còn một số hạn chế trong điều khiển nhưng đây là một chiếc máy đáng giá để bắt đầu.Đánh giá:
    [​IMG]
    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Máy ảnh số: DSLR bình dân cho người mới bắt đầu

Share This Page