Người bệnh tâm thần gây bạo lực gấp 5 lần bình thường

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Jul 8, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 448)

    Từ vụ thảm sát 2 bé trai trong chung cư quận 5 xảy ra hồi tháng 6, bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM có bài viết phân tích về vấn đề bạo lực ở bệnh nhân tâm thần, dấu hiệu nhận biết cũng như phương pháp điều trị.

    Theo những nghiên cứu về bạo lực trên thế giới, các tác giả đều khẳng định hậu quả tử vong hoặc tổn thương do hành vi tấn công của bệnh nhân tâm thần cao hơn ở người bình thường. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định phải luôn xác định bệnh nhân tâm thần vừa gây ra bạo lực, vừa là nạn nhân của bạo lực.

    Bạo lực liên quan đến người bệnh tâm thần là một vấn đề toàn cầu. Bệnh nhân tâm thần gây bạo lực tới mức chết người cao gấp 4,9 lần người bình thường, với những vụ việc có cùng hậu quả. Tỷ lệ gây bạo lực ở người nghiện ma túy cao gấp 9 lần; bệnh nhân rối loạn nhân cách là 3,2 lần; bệnh nhân trầm cảm 2,6 lần; người rối loạn lo âu 2,2 lần. Thấp nhất là bạo lực do bệnh nhân tâm thần phân liệt gây ra, ở mức 1,8 lần.

    [​IMG]
    Bé trai 2 tháng tại quận 5, TP HCM, bị người đàn ông "có ý địnn muốn tự tử" đâm liên tục 9 nhát dao gây tổn thương nghiêm trọng nhiều bộ phận trên cơ thể. Bé đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Lê Phương.

    Khoảng 15% người trưởng thành trên thế giới có vấn đề về tâm thần, nói cách khác là có biểu hiện của một bệnh tâm thần nào đó. Tỷ lệ này gia tăng khi dân số già đi và mắc nhiều bệnh mạn tính khác. Nghiên cứu trên 21.557 bệnh nhân tại Australia, Canada, New Zealand, Đài Loan, Anh, Mỹ cho thấy 24,3% người bệnh tâm thần bị lạm dụng tình dục và nguy cơ bị bạo lực gấp 4 lần người bình thường.

    Nhiều trường hợp bệnh nhân tâm thần nữ bị lạm dụng tình dục tới mức mang thai, người bệnh tâm thần phân liệt bị đánh và xua đuổi vì sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Không ít bệnh nhân tâm thần có hành vi tấn công gây chết người, gây tai nạn hoặc tự tử... Nạn nhân của bạo lực do bệnh nhân tâm thần gây ra còn có các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở phòng khám bệnh viện chuyên khoa. Ở các bệnh viện tâm thần, tỷ lệ y bác sĩ là nạn nhân của bệnh nhân chiếm khoảng 7%, so với 1% tại các cơ sở y tế chuyên khoa khác.

    Khi người bệnh tâm thần vẫn bị phân biệt đối xử, bị kỳ thị… thì bạo lực do họ gây ra vẫn còn. Nhiều chiến lược quản lý và điều trị bệnh nhân tâm thần được đặt ra, trong đó có những vấn đề cơ bản chưa được hầu hết các quốc gia giải quyết. Đó là tình trạng nhân lực, thiếu bác sĩ, thiếu điều dưỡng chuyên ngành tâm thần, thiếu đầu tư cơ sở vật chất, thiếu giường bệnh và thường xa cộng đồng…

    Ngày nay, bệnh nhân tâm thần được quản lý và điều trị theo quan điểm “mở”, hay “hệ thống mở”. Người bệnh khám bệnh định kỳ nửa tháng, hoặc mỗi tháng một lần cùng với các sinh hoạt tư vấn cần thiết. Dùng thuốc tại gia đình là giải pháp hợp lý nhất vì người bệnh còn khả năng hòa nhập cộng đồng và sẽ hòa nhập tốt hơn khi sống chung gia đình và cộng đồng. Đây là mô hình phổ biến của các nước có chuyên khoa tâm thần phát triển. Kết quả điều trị chính là khả năng tái hòa nhập cuộc sống gia đình và cộng đồng của người bệnh tâm thần, từ đó giảm bạo lực.

    Các nhà khoa học phát hiện ra nhiều nguyên nhân sinh học (gen di truyền) gây ra bệnh tâm thần đồng thời với các yếu tố môi trường. Họ khẳng định bệnh tâm thần ngày càng xuất hiện nhiều với sự phát triển nóng của xã hội.

    Phát hiện sớm các dấu hiệu gây bạo lực rất quan trọng trong mục tiêu giảm thiểu hậu quả bạo lực. TS Mary E. Muscari đã soạn thảo bản hướng dẫn sàng lọc phát hiện các hành vi bạo lực nguy hiểm với các chữ cái đầu của tình từ DANGEROUS (Nguy hiểm) trong tiếng Anh:

    Chữ D: Tư duy bất thường với ý tưởng tự tử, giết người, hoang tưởng...

    Chữ A: Bị ghét bỏ, bệnh nhân tự cô lập bản thân, hoặc bị ức hiếp…

    Chữ N: Môi trường gia đình đang trong tình trạng tiêu cực, ví dụ có xung đột và giải quyết theo hướng dùng bạo lực…

    Chữ G: Người bệnh tham gia hoặc bị lợi dụng, lôi kéo tham gia băng nhóm…

    Chữ E: Bệnh nhân bị “nhiễm” bạo lực trong gia đình và cộng đồng, bị lạm dụng lúc nhỏ hay đối xử tàn bạo với vật nuôi…

    Chữ R: Người bệnh có biểu hiện chống đối, gây sợ hãi, ức hiếp người khác, đe doạ…

    Chữ O: Người bệnh ám ảnh, quan tâm đến phim, game và dụng cụ gây bạo lực...

    Chữ U: Người bệnh học hành dở dang, trốn học…

    Chữ S: Người bệnh uống rượu, sử dụng ma túy, hàng đá…

    Trước đây ở TP HCM, ngành tâm thần chỉ có khoa Tâm thần trong Bệnh viện Chợ Quán cũ, tại Đồng Nai có Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa với số lượng bác sĩ, điều dưỡng rất ít ỏi. Ngày nay, số lượng bác sĩ, điều dưỡng trong các bệnh viện tâm thần đã nhiều hơn, các quận huyện, trạm y tế phường xã đã có nhân viên y tế phụ trách khám theo dõi phát thuốc cho bệnh nhân tâm thần tại địa bàn.

    Ở các nước có ngành tâm thần phát triển, trong cộng đồng dân cư thường có bệnh viện ban ngày, buổi sáng bệnh nhân khám bệnh, uống thuốc, tham gia sinh hoạt, sản xuất vật dụng thủ công đơn giản, buổi chiều về với gia đình. TP HCM những năm trước đã thực hiện mô hình này tại một số quận nội thành, hiện nay không còn vì nhiều lý do khách quan. Rất có thể - mô hình này, nếu được quan tâm đầu tư thích đáng sẽ mang lại hiệu quả chăm sóc sức khoẻ tâm thần cao hơn và giảm hậu quả bạo lực cho người bệnh tâm thần và cho xã hội.

    Bác sĩ Phạm Văn Trụ
    Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Người bệnh tâm thần gây bạo lực gấp 5 lần bình thường

Share This Page