Năm 2013: Cơ hội tốt cho “làn sóng” OTT

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Jul 3, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 371)

    Các ứng dụng OTT đã nhanh chóng trở thành “đối thủ” bất đắc dĩ của các nhà mạng tại Việt Nam. Hàng tỷ đồng doanh thu từ tin nhắn SMS và thoại đã không thu được vì người dùng điện thoại di động chuyển sang các dịch vụ miễn phí trên Internet.

    [​IMG]
    Mạng xã hội di động đang tăng trưởng nhanh
    “Đất diễn” cho dịch vụ OTT
    Ông Ngô Nguyên Kha, Tổng Giám đốc Công ty Mobile Stars nhận xét: Mạng di động 3G tại Việt Nam đang phát triển và cần có các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng này. Các ứng dụng OTT (Over-The-Top) sẽ trở thành công cụ hữu ích giúp cho người tiêu dùng trải nghiệm tốt hơn thiết bị di động trên mạng 3G.

    Mạng di động 3G đang phát triển mạnh và giá cước 3G tại Việt Nam khá rẻ so với một số quốc gia trên thế giới. Các điểm truy cập Wi-Fi cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong các tỉnh thành, giúp người dùng smartphone kết nối mọi lúc – mọi nơi.

    Đây là điều kiện chín muồi để phát triển thị trường ứng dụng OTT.

    Yahoo! Messenger từng có số lượng người dùng đông đảo nhưng họ chỉ có tính năng nhắn tin – thoại và đánh mất dần người dùng về tay Facebook. Trong khi đó, Viber lại có tốc độ phát triển rất nhanh khi họ chỉ khai thác công cụ nhắn tin – thoại. Các ứng dụng OTT khác như Whatsapp, Skype… cũng tập trung làm tốt 2 tính năng cơ bản này.

    Hiện tại, bên cạnh các ứng dụng ngoại nhập như Viber, KakaoTalk, Line… còn có các ứng dụng nội địa như Zalo và Wala. Cả Zalo và Wala đều là 2 sản phẩm nhắn tin miễn phí chính thức ra mắt từ năm ngoái. Wala đang nằm trong tình trạng “án binh” chờ cơ hội tốt nên vẫn chưa có chỉ số kinh doanh tốt về số người dùng, lượt tải tin nhắn…

    Sức trẻ và lợi thế sân nhà đã giúp cho Zalo nhanh chóng có được 2 triệu người dùng chỉ trong vòng 10 tháng (tháng 5/2013). VNG chính thức giới thiệu Zalo vào tháng 8/2012, nhưng đến cuối năm 2012 sản phẩm này được cải tổ lại toàn diện.

    Đây cũng là sản phẩm nội địa có khả năng cạnh tranh với các ứng dụng OTT “ngoại” như KakaoTalk, Line… Cho đến thời điểm này, tuy vẫn có một vài nhà phát triển ứng dụng OTT nhưng hầu hết không có cơ hội cạnh tranh cùng OTT ngoại.

    Sự đa dạng về sản phẩm, hệ thống thanh toán trực tuyến… sẽ giúp cho người sử dụng Zalo cảm thấy thoải mái hơn. KakaoTalk cũng nhanh chóng dựa vào đối tác địa phương là VTC Online để có thể tiếp cận người dùng tốt hơn. VTC Online có hệ sinh thái sản phẩm phong phú + công cụ thanh toán tiện dụng.

    Bài toán dữ liệu 3G

    Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng: Các nhà cung cấp dịch vụ di động cần chuẩn bị kế hoạch tăng băng thông đón đầu sự gia tăng dữ liệu di động trong những năm tới. Thuê bao 3G tăng nhanh cùng với nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G sẽ dẫn đến sự gia tăng rất nhanh dữ liệu di động.

    Với sự phát triển vượt bậc của thiết bị di động (smartphone, máy tính bảng…), trong những năm tới lưu lượng dữ liệu di động có khả năng sẽ tăng đến 1.000 lần. Chỉ tính riêng ở khu vực ASEAN, theo dự báo đến năm 2016 số lượng thuê bao 3G sẽ tăng trưởng 226%.

    Viettel Telecom cũng xác nhận số thuê bao 3G năm 2012 đã tăng gấp 5 lần so với năm 2011. Đồng thời, nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G ngày càng gia tăng cùng với tốc độ tăng trưởng smartphone.

    Thuê bao 3G trên toàn cầu tăng nhanh và đi theo nó là làn sóng ứng dụng như nhắn tin, thoại miễn phí… trên Internet di động. Các ứng dụng OTT cũng góp phần đáng kể trong việc gia tăng dữ liệu di động. Ước tính, mỗi ngày có đến hàng chục tỷ tin nhắn xuất phát từ các ứng dụng nhắn tin miễn phí OTT trên thế giới.

    Nhà mạng thiệt hại!

    Viber vẫn đang đứng đầu bảng OTT
    + Viber: Đến thời điểm tháng 5/2013 đã có được 200 triệu người dùng trên toàn cầu – tại Việt Nam có 3,5 triệu người dùng (tháng 3/2013).
    + Line: 150 triệu người dùng trên toàn cầu – tại Việt Nam có hơn 1 triệu người dùng (tháng 3/2013).
    + KakaoTalk: 100 triệu người dùng trên toàn cầu – tại Việt Nam có 1 triệu người dùng (tháng 3/2013).
    + Zalo: Có 2 triệu người dùng vào thời điểm tháng 5/2013 (có một số người dùng ở nước ngoài).
    (Nguồn: Các trang tin công nghệ ZDNet, Forbes, TechInASIA…)


    Theo một số mạng di động, chỉ tính riêng hàng trăm ngàn cuộc gọi cùng hàng triệu lượt nhắn tin miễn phí của Viber đã làm họ thiệt hại không ít. Doanh thu “khủng” từ nhắn tin SMS của nhà mạng đang sụt giảm nhanh chóng với sự xuất hiện của ứng dụng OTT.

    Có lẽ “thiệt hại doanh thu” là một trong những nguyên nhân khiến cho 2 mạng di động MobiFone và Vinaphone tăng giá cước 3G. Từ đầu tháng 4/2013, gói cước 3G 40.000 đồng/tháng đã bất ngờ tăng lên 50.000 đồng/tháng.

    Bộ Thông tin & Truyền thông cũng quan tâm đến vấn đề này và cho biết sẽ tiến hành quản lý cước viễn thông. Các gói cước viễn thông như 3G sẽ được tính toán hợp lý dựa trên giá thành do doanh nghiệp cung cấp.

    Các đơn vị cung cấp ứng dụng OTT như Viber, KakaoTalk… cho rằng họ mong muốn hợp tác với các mạng di động tại Việt Nam. Bản thân đơn vị phát triển ứng dụng Zalo (VNG) cũng chủ động liên hệ với các mạng di động nhưng “chưa có hồi âm”.

    Có vẻ như các mạng di động vẫn chờ các cơ quan quản lý chỉ đạo việc hợp tác với các đơn vị cung cấp OTT. Gần đây, đã xuất hiện thông tin về việc các mạng di động có khả năng ra mắt gói cước dành riêng cho ứng dụng OTT (mức cước phí khác).

    Mạng xã hội di động

    [​IMG]
    Nhắn tin miễn phí đang trở thành nhu cầu của người dùng điện thoại di động.
    Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc Công ty VNG cho biết: Zalo không chỉ cung cấp thuần túy các tính năng cơ bản như nhắn tin – thoại miễn phí mà tập trung xây dựng mạng xã hội trên nền tảng mobile.
    Đây cũng là mục tiêu của KakaoTalk và Line khi họ tích hợp các tính năng gửi ảnh động, chia sẻ ảnh qua các mạng xã hội khác như Facebook… Phát triển ứng dụng OTT trên di động như một mạng xã hội đã trở thành xu hướng.

    Ông Nguyễn Quốc Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Wala (sở hữu ứng dụng Wala) nhận định: “Xây dựng Wala để nhằm đến mạng xã hội di động với cộng đồng người dùng đông đảo. Từ cộng đồng này có thể phát triển các dịch vụ tiện ích khác như tìm kiếm, mua sắm trực tuyến…

    Các nhà cung cấp ứng dụng sẽ hợp tác với các đơn vị phát triển game - tiện ích và chia sẻ lợi nhuận. Người dùng trả tiền hoặc tải game miễn phí để chơi ngay trên ứng dụng.

    Mới đây, KakaoTalk đã công bố việc KakaoTalk sẽ hiện diện cùng với Facebook Home trên điện thoại Android. Theo ông Sirgoo Lee, Tổng Giám đốc KakaoTalk, sẽ có khoảng 100 game dành cho người dùng KakaoTalk Hiện đã có một số game Việt hoá.

    Trên thực tế, các đơn vị phát triển ứng dụng OTT có nguồn thu là quảng cáo cùng với một số dịch vụ gia tăng (bán vật phẩm game, bộ sưu tập ảnh động…). Các dịch vụ cơ bản của OTT như nhắn tin – thoại được miễn phí.

    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Năm 2013: Cơ hội tốt cho “làn sóng” OTT

Share This Page