DIY: Cấu hình PC chơi game dưới 20 triệu đồng

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Jul 2, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 406)

    Xây dựng một bộ máy tính chơi game cấu hình mạnh không khó, nhất là với sự đa dạng của phần cứng máy tính hiện nay. Dù lựa chọn của mỗi người khác nhau nhưng hẳn chúng ta đều muốn “tậu” được bộ máy tính tối ưu theo nhu cầu cá nhân mà không làm “cháy túi”.

    [​IMG]
    CẤU HÌNH PHẦN CỨNG
    Có nhiều lựa chọn khởi đầu cho việc xây dựng một bộ máy tính tốt nhất theo mục đích cá nhân. Mạnh mẽ nhưng không ồn ào. Kiểu dáng nhỏ gọn phù hợp với không gian làm việc mà vẫn đáp ứng khả năng nâng cấp phần cứng khi cần. Cấu hình mạnh đối đầu cùng những game đỉnh hiện nay nhưng vẫn có mức tiêu thụ điện năng hiệu quả... Cần lưu ý dù lựa chọn của bạn như thế nào đi nữa thì việc xác định mục đích sử dụng và chi phí mua sắm vẫn là hai tiêu chí quan trọng nhất để tránh việc “vung tay quá trán”, cấu hình quá mạnh (hoặc quá yếu) so với nhu cầu thực tế.
    Để bạn đọc dễ dàng tham khảo, chúng tôi đề xuất cấu hình phần cứng có thể chơi tốt các game “hạng nặng” hiện nay ở độ phân giải 1920x1080 pixel (full HD) với chi phí dưới 1.000 USD (khoảng 21 triệu đồng). Bên cạnh đó, bộ máy này phải đảm bảo mức tiêu thụ điện năng hiệu quả và ít ồn ào khi hoạt động.
    Nền tảng phần cứng
    Việc xác định nền tảng phần cứng máy tính có tương quan trực tiếp đến lựa chọn bo mạch chủ, bộ xử lý và cả RAM. Dù muốn dù không thì bộ xử lý Intel vẫn là lựa chọn của đa số người dùng; từ học tập, công việc văn phòng, giải trí cho đến những nhu cầu cao cấp. Tuy nhiên xét trên tỷ lệ hiệu năng và giá, bộ xử lý AMD lại là lựa chọn hiệu quả ở phân khúc thị trường tầm trung và phổ thông. Sức mạnh đồ họa tích hợp của các APU (bộ xử lý tăng tốc đồ họa) thế hệ mới có sự cải thiện đáng kể. Thử nghiệm thực tế cho thấy đồ họa tích hợp của APU AMD đủ để người dùng thưởng thức các bộ phim chuẩn “full HD” cũng như đáp ứng được khá nhiều game không đòi hỏi cấu hình cao.
    Dù vậy với tiêu chí bài viết, chúng tôi sẽ chọn bộ xử lý Intel Core i5-3570K xung nhịp 3,4GHz và có khả năng tự động ép xung lên mức 3,8GHz nhờ công nghệ Turbo Boost. Core i5-3570K thuộc thế hệ Core i thứ ba (Ivy Bridge) socket 1155LGA, được sản xuất theo công nghệ 22nm với bóng bán dẫn 3 chiều (3D transistor), mang lại hiệu suất cao hơn, tiêu thụ điện năng thấp hơn và mát hơn khi hoạt động so với bộ xử lý Sandy Bridge cũ.
    Như đề cập trên, việc lựa chọn bo mạch chủ phải đảm bảo tính tương thích với bộ xử lý; cụ thể bo mạch chủ phải hỗ trợ socket 1155LGA. Một bo mạch chủ cao cấp luôn là lựa chọn tốt cho việc “lên” một cấu hình hiệu năng cao và có khả năng ép xung mạnh. Tuy nhiên với chi phí giới hạn, chúng ta tạm hài lòng với bo mạch chủ tầm trung Gigabyte GA-Z77X-UP4 TH, chipset Intel Z77. Không chỉ được đánh giá cao về khả năng sử dụng điện năng, hỗ trợ ép xung hiệu quả, GA-Z77-UP4 TH còn trang bị đầy đủ các cổng kết nối, giao tiếp tốc độ cao như USB 3.0, SATA 6Gb/s, eSATA 6Gb/s và cả giao tiếp thế hệ mới Thunderbolt.
    Sau bộ xử lý và bo mạch chủ, việc chọn RAM cũng không kém phần quan trọng. Với cấu hình dùng trong văn phòng hoặc gia đình, bạn nên chọn các dòng RAM phổ thông như Corsair Value Select, Kingston ValueRAM, OCZ Value VX hoặc của một số thương hiệu quen thuộc trên thị trường Việt Nam như Adata, Apacer, Kingmax. Với cấu hình hiệu năng cao hoặc chơi game, thì các hãng cũng có sẵn những bộ kit 2 thanh (Dual Channel) và 3 thanh (Triple Channel). Đây là những cặp RAM đồng nhất về chất lượng, cùng số lượng chip nhớ, thông số kỹ thuật được tối ưu cho một hệ thống mạnh mẽ hiệu năng cao và ổn định lâu dài.

    Đồ họa
    Card đồ họa mạnh sẽ cải thiện đáng kể khả năng xử lý đồ họa của hệ thống, nhất là với game thủ, có thể “phá băng” được nhiều game hơn. Tuy nhiên card đồ họa lại là một trong những phần cứng có tốc độ “đề mốt” nhanh. Những dòng card đồ họa tầm trung của AMD và nVidia hiện nay đã hỗ trợ đầy đủ thư viện đồ họa DirectX 11, bổ sung những công nghệ xử lý đồ họa mới và có hiệu năng tốt hơn. Kết quả thử nghiệm tại Test Lab cho thấy card tầm trung (giá từ 200 – 300 USD, khoảng 4 – 6 triệu đồng) có sức mạnh tương đương hoặc cao hơn so với một số card dòng cao cấp (giá 500 USD, khoảng 10 triệu đồng) xuất hiện cách đây 1 – 2 năm.
    Với cấu hình trên, chúng ta có thể chọn card đồ họa XFX Radeon HD 7870 Core Edition, giá khoảng 6 triệu đồng. Thiết kế card dựa trên GPU tầm trung AMD Radeon HD 7870 chạy ở xung nhịp 1GHz, sử dụng kiến trúc đồ họa Graphics Core Next (GCN Architecture) như hai mẫu GPU cao cấp Radeon HD 7970 và 7950. Radeon HD 7870 có 20 đơn vị xử lý (compute unit) với tổng cộng 1.280 đơn vị xử lý dòng (stream processing unit), 80 đơn vị phủ vân bề mặt hình ảnh (texture unit) và 32 đơn vị ROP màu (color ROP unit). Bên cạnh đó, card còn trang bị bộ nhớ 2GB GDDR5, xung nhịp (mem clock) 1.200MHz và giao tiếp bộ nhớ 256bit.
    Ngoài XFX Radeon HD 7870 Core Edition, tùy khả năng tài chính mà bạn có thể chọn mẫu card đồ họa có hiệu năng thấp hoặc cao hơn một chút, chẳng hạn Gigabyte GV-N660WF2-2GD (Geforce GTX 650) giá khoảng 5,6 triệu đồng hoặc Gigabyte GV-N66TWF3-3GD (Geforce GTX 660 Ti) giá khoảng 7,4 triệu đồng.

    Thiết bị lưu trữ
    Hệ thống lưu trữ tốt nhất cho cấu hình chuyên game là kết hợp giữa ổ thể rắn (SSD) và ổ cứng truyền thống (HDD); trong đó SSD dùng làm phân vùng hệ thống, cài đặt hệ điều hành và những ứng dụng cần thiết, còn HDD để lưu trữ dữ liệu. Xét về dung lượng và chi phí thì ổ cứng truyền thống (HDD) vẫn là lựa chọn hàng đầu trong khi ổ thể rắn (SSD) có ưu thế vượt trội về tốc độ truy xuất (đọc/ghi) dữ liệu, khả năng chống sốc tốt hơn, êm và mát hơn khi hoạt động vì không có bộ phận chuyển động. Tuy nhiên do giới hạn tài chính, chúng ta chỉ chọn HDD Western Digital Caviar Black WD1002FAEX 1TB (7200rpm, 64MB cache, SATA 6.0Gbps) cho cả việc cài đặt hệ điều hành lẫn lưu trữ dữ liệu và “để dành” SSD cho lần nâng cấp về sau khi khả năng tài chính cho phép.
    Xu hướng chia sẻ và tải dữ liệu qua mạng hoặc qua thiết bị lưu trữ gắn ngoài làm cho ổ quang đã không còn cần thiết trong cấu hình máy tính. Tùy nhu cầu thực tế mà bạn có thể chọn ổ quang (DVD, DVD-RW) gắn trong hoặc gắn ngoài hoặc thậm chí bỏ hẳn.

    Thùng máy và bộ nguồn
    Ngoài chức năng bảo vệ các linh kiện phần cứng, thùng máy còn đóng vai trò như 1 thiết bị tản nhiệt lớn và hạn chế tiếng ồn khi hoạt động. Một thùng máy tốt ngoài kiểu dáng hấp dẫn người dùng, thiết kế đủ “kín” để giảm thiểu tiếng ồn đồng thời vẫn phải “mở” để đảm bảo khả năng tản nhiệt. Chúng ta chọn thùng máy Antec The One (giá khoảng 900 ngàn đồng) dòng mid-tower, kích thước 45x20x47cm, tương thích với BMC chuẩn ATX và micro ATX. Điểm cần lưu ý là hệ thống tản nhiệt mặc định chỉ gồm 2 quạt làm mát 120 mm ở phía sau và trên nóc thùng máy. Do đó bạn nên gắn thêm quạt ở mặt trước để tăng cường khả năng làm mát cho các phần cứng bên trong.
    Để chọn bộ nguồn phù hợp, bạn cần tính tổng công suất tiêu thụ của toàn hệ thống và tiện ích, website http://www.extreme.outervision.com/index.jsp sẽ giúp bạn giải quyết bài toán này. Với cấu hình trên, chúng ta sẽ chọn bộ nguồn Cooler Master GX-650 (công suất 650W) có thiết kế dạng “single rail”, chỉ cấp 1 đường +12V công suất lớn nhằm đáp ứng những cấu hình đồ họa, chơi game hoặc thiết kế. GX-650 còn tích hợp mạch Active PFC có khả năng tự điều chỉnh hệ số công suất tùy theo nhu cầu hệ thống, cùng bộ lọc nhiễu kép EMI tăng chất lượng, ổn định dòng điện cung cấp cho thiết bị phần cứng.

    [​IMG]

    LẮP RÁP
    Việc lắp ráp không đòi hỏi những kỹ năng hoặc thiết bị đặc biệt do các linh kiện phần cứng thường được thiết kế dạng khối, tương tự trò chơi Lego, bạn chỉ việc tìm và gắn chúng vào vị trí cần thiết trong thùng máy (hoặc trên bo mạch chủ) và cố định chúng bằng chốt gài hoặc ốc, vít.
    Công cụ chuẩn bị: tuốc-nơ-vít đầu chữ thập, dao rọc giấy (hoặc kềm cắt), dây rút nhựa (để bó gọn cáp), vòng khử tĩnh điện (nếu có) hoặc chạm vào thùng máy để cân bằng tĩnh điện trong người khi lắp. Bạn cũng lưu ý giữ thiết bị phần cứng an toàn trong túi bảo vệ cho đến khi cần sử dụng.
    Thùng máy. Tháo 2 nắp hông, lấy phụ kiện đi kèm ra khỏi thùng máy. Tháo mặt nạ bảo vệ các ngõ giao tiếp (I/O shield) ở mặt sau thùng máy và thay bằng mặt nạ đi kèm bo mạch chủ. Kế tiếp, gắn các đế đỡ vào các vị trí tương ứng trên bo mạch chủ; hãy "ướm" thử để xác định vị trí chính xác.
    Bo mạch chủ. Đặt BMC vào thùng máy, điều chỉnh để các ngõ giao tiếp của BMC khớp vị trí với mặt nạ, các vị trí gắn vít của BMC khớp với đế đỡ và gắn chặt bằng ốc vít.
    Bộ xử lý. Tháo nắp nhựa bảo vệ đế cắm bộ xử lý trên bo mạch chủ, mở chốt giữ phiến đậy và gỡ miếng nhựa bảo vệ bộ xử lý. Nhẹ nhàng đặt bộ xử lý vào đế cắm sao cho chân 1 đúng vị trí với chân 1 của đế cắm, đóng phiến và gài chốt giữ chặt.
    Kế tiếp, đặt quạt tản nhiệt bên trên bộ xử lý, điều chỉnh 4 chốt khớp với 4 lỗ tương ứng của bo mạch chủ. Để giữ cố định quạt tản nhiệt, nhấn mạnh các chốt giữ từ trên xuống đến khi nghe tiếng "tách". Hãy kiểm tra lại để chắc chắn các chốt giữ đã được gắn chặt bằng cách thử kéo các chốt cố định lên. Gắn cáp nguồn cho quạt vào đầu nối thích hợp của bo mạch chủ.
    Bộ nhớ (RAM). Đẩy chốt gài ở hai đầu khe cắm ra, đặt thanh RAM sao cho vị trí rãnh của thanh RAM ứng với khe cắm và ấn chặt xuống cho đến khi nghe tiếng "tách" hoặc chốt gài ở hai đầu khe cắm "bập" vào vị trí cũ.
    Card đồ họa. Ấn chặt card vào khe PCI Express x16, bảo đảm các chân giao tiếp của card nằm hoàn toàn trong khe cắm trên BMC, sử dụng vít hoặc chốt gài để giữ card chặt vào thùng máy.
    Ổ cứng. Bên trong thùng máy, kéo chốt gài khe gắn ổ cứng 3,5” về phía trước (theo hướng mũi tên). Đẩy ổ cứng vào khe và gài chốt theo hướng ngược lại; có thể sử dụng ốc vít để giữ chặt ổ đĩa nếu cần thiết nhưng đừng cố xiết vít quá chặt.
    [​IMG]
    Ổ quang. Tương tự việc gắn ổ cứng, mở chốt gài khe gắn ổ đĩa 5,25, đẩy ổ quang vào đúng vị trí, khóa lại hoặc dùng ốc vít để giữ chặt nếu cần thiết.
    Bộ nguồn. Đặt bộ nguồn vào vị trí tương ứng của thùng máy và giữ chặt bằng ốc vít. Tương tự, cáp cấp nguồn cho các thiết bị phần cứng sẽ được gắn sau để tránh vướng víu.
    Gắn cáp. Mặt trước thùng máy thường có các nút như công tắc nguồn (power), khởi động lại (reset) và các đèn hiển thị trạng thái hệ thống. Tham khảo tài liệu đi kèm bo mạch chủ để gắn các cáp của thùng máy vào đúng vị trí trên bo mạch chủ. Kế tiếp, gắn cáp mở rộng các ngõ giao tiếp USB, IEEE 1394, ngõ cắm micro, audio của thùng máy với bo mạch chủ và sử dụng cáp SATA kết nối ổ cứng, ổ quang với cổng SATA trên bo mạch chủ.
    Cấp nguồn. Thông thường, các thiết bị phần cứng gắn vào bo mạch chủ sẽ lấy nguồn qua bo mạch chủ (trừ card đồ họa cần nguồn bổ sung). Các thiết bị gắn trong thùng máy sẽ lấy nguồn trực tiếp từ bộ nguồn (PSU). Gắn cáp cấp nguồn chính (24 chân) và nguồn thứ cấp (8 chân) vào BMC. Ổ cứng, ổ quang cần cấp nguồn SATA (15 chân) trong khi các quạt tản nhiệt của thùng máy cần nguồn Molex (4 chân).
    Trước khi kết thúc quá trình lắp ráp máy tính, hãy kiểm tra lại để đảm bảo cáp nguồn, cáp dữ liệu đã gắn kết đầy đủ. Dùng các dây rút để buộc cáp nguồn gọn gàng, tạo sự thông thoáng bên trong thùng máy.
    Chạy thử. Sau khi hoàn tất việc lắp ráp, cấp nguồn cho hệ thống và màn hình. Nhấn nút Power ở mặt trước thùng máy để khởi động hệ thống, tối ưu các thiết lập, thông số trong BIOS trước khi cài đặt hệ điều hành. Hãy chắc chắn mọi thứ hoạt động tốt trước khi đóng nắp thùng máy.
    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - DIY: Cấu hình PC chơi game dưới 20 triệu đồng

Share This Page