Bên cạnh thiết kế nhỏ gọn, cơ động thì “bộ ba” Samsung NX1000, Sony Alpha NEX-3N và Fujifilm X100S đều thể hiện là những sản phẩm đa năng với chất lượng hình ảnh cao. Thiết kế, cấu tạo Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì thật khó phân biệt Samsung NX1000 với đàn anh NX210 bởi sự tương đồng cả trong cân nặng cũng như kích thước. Nếu NX210 có thiết kế với lớp vỏ kim loại thì NX1000 sử dụng vỏ nhựa. NX1000 với báng cầm tay bọc cao su nhô cao giúp người dùng cảm thấy chắc chắn. Các nút điều khiển được phân bố tiện lợi cho những người bắt đầu tiếp xúc với nhiếp ảnh. Hướng tới dòng máy ảnh thông minh và nhu cầu chia sẻ ảnh trực tuyến nên mặt trên của máy được bố trí nút chia sẻ nhanh trực tiếp đến MobileLink khá hữu ích. Để có phần thân nhỏ gọn, NX1000 không tích hợp flash mà hỗ trợ gắn ngoài (được bán kèm trong hộp). Ngoài ra vì không gian hạn chế nên một số nút bấm, vòng điều khiển được thiết kế hơi nhỏ đôi lúc gây phiền phức khi chưa thực sự quen. NX1000 sử dụng pin Lithium-Ion BC1030, quá trình thử nghiệm thì máy chụp được gần 300 tấm cho 1 lần sạc đầy. Xếp hạng Samsung NX1000: Sony Alpha NEX-3N: Fujifilm X100S: Thiết kế của Sony Alpha NEX-3N khá tối giản, mặt trước báng cầm tay bằng nhựa cứng hơi mỏng nên tạo cảm giác thiếu chắc chắn khi cầm. Các thế hệ máy NEX-Series gần đây không thống nhất cách thiết kế, nên việc bố trí các bộ phận, nút điều khiển và NEX-3N cũng có những sự khác biệt so với các đàn anh. Tổ hợp nút chụp và nút nguồn tương tự như NEX-C3, mặt trước của máy đơn giản như NEX-5R, các góc cạnh mềm mại như NEX-6. Điểm nổi bật nhất ở NEX-3N là cần điều khiển zoom điển hình của dòng máy du lịch được thêm vào quanh nút chụp. Khi ống zoom được gắn vào thì bộ phận này có thể điều khiển ống kính mà không cần dùng tay. NEX-3N không sử dụng kính ngắm và loại bỏ cổng hotshoe, nên người dùng không thể sử dụng các bộ phận gắn ngoài như kính ngắm điện tử hay đèn flash rời. Việc loại bỏ vòng chuyển chức năng (Mode Dial) không phải là ý kiến hay bởi khi muốn thay đổi nhanh các chế độ chụp khác nhau, người dùng phải thông qua nút ảo trên màn hình nên khá bất tiện. Thời lượng pin của NEX-3N khá tốt, với 1 lần sạc đầy người dùng có thể chụp được khoảng hơn 450 kiểu. Fujifilm X100S không có nhiều đột phá trong thiết kế so với đàn anh X100. Vẫn là vỏ hợp kim ma-giê chất lượng cao và một phong cách hoài cổ. Cách bố trí nút bấm và các bộ phận điều khiển tương tự với các phiên bản cũ. Ở mặt sau, nút RAW của X100 được thay bằng nút Q, cho phép người dùng truy cập nhanh vào Quick Menu như trên dòng X-Pro1. Máy hỗ trợ thẻ nhớ kết nối Wi-Fi (Eye-Fi) nên dễ dàng sử dụng các tính năng không dây như tải vào smartphone, kết nối thẳng vào mạng Wi-Fi, sao lưu và chuyển file RAW. Fujifilm sử dụng pin Lithium-Ion NP-95, trong quá trình thử nghiệm thì chụp được khoảng 300 kiểu cho 1 lần sạc đầy. Cân bằng trắng và màu sắc Với chế độ màu được thiết lập mặc định, màu sắc NX1000 thu được không thực sự sống động. File JPEG gây cảm giác giống file RAW chưa chỉnh sửa, màu sắc hơi nhạt và thiếu tự nhiên. Người dùng có thể sử dụng các chế độ thiết lập trong Picture Wizard, để phù hợp với môi trường hay để tạo điểm nhấn cho bức ảnh. Xếp hạng Samsung NX1000: Sony Alpha NEX-3N: Fujifilm X100S: Cân bằng trắng tự động của NX1000 hoạt động tốt dưới ánh đèn vàng và huỳnh quang, hình ảnh thu được cho màu sắc ấm. Lựa chọn cân bằng trắng ở chế độ đèn vàng thì ảnh phủ màu xanh nhẹ còn ảnh ở chế độ đèn huỳnh quanh thì ảnh phủ màu cam nhẹ. Trong điều kiện ánh sáng hợp lý, Sony Alpha NEX-3N cho màu sắc tươi và sinh động, ảnh có độ mịn cao. Tuy nhiên tại một số tình huống có ánh sáng yếu hay phức tạp thì NEX-3N chưa thể hiện tốt như các đàn anh. Với chế độ Vivid, màu sắc tương phản có phần hơi rực rỡ, nhưng với chế độ đơn sắc thì chất lượng ảnh rất tốt. Cân bằng trắng tự động của NEX-3N hoạt động tương đối ổn định, không làm giảm quá nhiều màu sắc tự nhiên, tại chế độ này ảnh có phủ lớp màu vàng cam nhưng không quá ảnh hưởng nhiều đến chất lượng. Trong mọi điều kiện ánh sáng, chế độ AWB của Fujifilm X100S đều cho chất lượng màu sắc rất tốt. Với ảnh phong cảnh Fujifilm X100S thể hiện màu sắc tươi, rực rỡ, màu xanh da trời và màu xanh lá cây thể hiện khá trung thực. Máy có khoảng 10 chế độ màu được tích hợp sẵn. Thực tế thử nghiệm với một số thiết lập có kết quả khá tốt, với thiết lập Velvia cho nước ảnh rực rỡ, thiết lập Frovia cho màu sắc trung tính và ảnh khá mềm với Astia. Đo sáng Tính năng đo sáng của NX1000 tương tự như hệ thống đo sáng kỹ càng thông qua 221 phân đoạn được sử dụng trên NX210 và NX20. Trong quá trình thử nghiệm với các luồng ánh sáng mạnh, vài thời điểm phải giảm phơi sáng xuống khoảng 0.3EV để có thể giữ được các chi tiết. Xếp hạng Samsung NX1000: Sony Alpha NEX-3N: Fujifilm X100S: Đo sáng của Sony Aphal NEX-3N tương tự như các dòng NEX khác. Hệ thống đo sáng 1200 vùng đưa ra kết quả phơi sáng chính xác và khả năng xử lý các khu vực nhiều ánh sáng rất tốt ngoại trừ một số khung cảnh có độ tương phản quá cao. Hệ thống đo sáng 256 vùng của Fujifilm X100S xử lý tốt trong nhiều hoàn cảnh, chế độ sáng trung bình (Average Mode) cho kết quả phơi sáng khá tốt, còn chế độ đa năng (Multi Mode) thường phải giảm khoảng 2/3 stop để tránh mất chi tiết trong vùng quá sáng. ISO và video Samsung NX1000 sử dụng cảm biến CMOS APS-C tương đương với nhiều dòng máy DSLR phổ thông khác, dải ISO khá lớn 100-12800 và chất lượng hình ảnh ở các mức độ khác nhau cũng rất khả quan. Qua thực tế trải nghiệm tại các độ phân giải, ảnh thu được khá mềm, không thực sự quá sắc nét, điều này có thể ảnh hưởng nhiều từ ống kính. Tại mức ISO 100- 800, độ nhiễu sáng tương đối ổn định và ảnh khá mịn. Độ nhiễu sáng tăng dần từ ISO 1600- 6400, các chi tiết ảnh giảm dần và màu sắc hạn chế dần. Tại mức ISO 12.800, màu sắc vẫn duy trì được, chất lượng ảnh không được tốt nhưng vẫn có thể dùng được. NX1000 có khả năng quay video chuẩn Full HD tốc độ 24 fps, nhưng chất lượng hình ảnh thu được không mấy nổi bật. Bù lại, NX1000 tích hợp tính năng bổ sung như quay HD tỉ lệ cổ điển 2.35:1, máy có thể giúp người dùng có các đoạn quay Cinema với tốc độ 24fps. Xếp hạng Samsung NX1000: Sony Alpha NEX-3N: Fujifilm X100S: NEX-3N có cảm biến điểm ảnh và bộ xử lý tương tự Sony NEX-5N, có dải ISO ngắn hơn 100-16000 nhưng vẫn cho chất lượng ảnh tương đối tốt. Qua trải nghiệm, khả năng kiểm soát nhiễu của NEX-3N rất tốt trong cùng phân khúc, trong dải ISO 100-800 ảnh cho kết quả ổn định. Tại các ISO cao hơn, người dùng có thể dễ dàng nhận ra độ nhiễu ở các vùng bóng, màu sắc vẫn tươi nhưng có xu hướng bết màu khi ISO lên cao. Chất lượng video không quá nổi bật, thử nghiệm ở nhiều điều kiện ánh sáng, Sony Alpha NEX-3N đôi lúc thiếu độ tương phản nhất định khiến màu sắc bị bão hòa khá nặng. Ngoài ra, ống kính còn gây ồn khá nhiều trong lúc quay phim. X100S trang bị cảm biến APS-C X-Trans CMOS II 16 triệu điểm ảnh với bộ lọc màu mới, cho phép hấp thu tối đa lượng ánh sáng trực tiếp. Ảnh thể hiện chi tiết rõ ràng hơn và tối ưu mức độ phân giải hơn so với X-Pro1 và X-E1. Dải ISO 200-6400 không quá đặc biệt trong thời điểm hiện tại. Ở mức ISO 1600, độ nhiễu được khử rất tốt, giống mọi máy ảnh hiện nay, độ bão hòa và sắc nét giảm dần khi ISO tăng cao. Theo Fujifilm, bộ xử lý EXR Processor II giúp làm giảm độ nhiễu (noise) xuống hơn 30% so với bộ xử lý trước đó. Thực tế thì khả năng giảm nhiễu tốt hơn khá nhiều và ảnh vẫn giữ độ sắc nét tương đối khi so sáng giữa X100 và X100S ở ISO 3200. Chế độ quay phim Full HD 1080p của X100S có khung hình lên đến 60fps cho chất lượng mượt mà. Khả năng làm giảm nhiễu và tăng cường hình ảnh giúp video kiểm soát tốt những chi tiết nhỏ nhất. Samsung NX1000 Đánh giá tổng thể Giá tham khảo: 17 triệu đồng Website: www.samsung.com.vn Cảm biến: CMOS; APS-C (23,5x15,7mm) Màn hình: 3 inch TFT LCD Kính ngắm: LCD Định dạng ảnh: JPEG, RAW Kết nối: USB 2.0, HDMI, Wi-Fi Pin: Lithium-Ion BC1030 Kích thước: 114x63x38mm Cân nặng: 222g Ưu: • Khả năng chia sẻ, kết nối thông minh. • Thiết kế nhỏ gọn. • Kho ống kính phong phú. • Tính năng bộ lọc rất tốt. Khuyết: • Khả năng xử lý hơi chậm. Nhận xét chung: Một mẫu máy ảnh thông minh hỗ trợ nhiều tính năng di động. Với thiết kế nhỏ gọn, đây là lựa chọn đáng để xem xét khi người dùng muốn bắt đầu với nhiếp ảnh. Đánh giá: Quét QR code để đọc thêm bài đánh giá chi tiết trên sohoa.vnexpress.net. Sony Alpha NEX-3N Đánh giá tổng thể Giá tham khảo: 12 triệu đồng Website: www.sony.com.vn Cảm biến: CMOS; APS-C (23,5x15,6mm) Bộ xử lý: BIONZ Màn hình: 3 inch TFT LCD Kính ngắm: LCD Định dạng ảnh: JPEG, RAW Kết nối: USB 2.0, HDMI Pin: Lithium NP-FW50 Kích thước: 109,9x62x34,6mm Cân nặng: 269g Ưu: • Đo sáng và lấy nét nhanh, chính xác. • Chất lượng hình ảnh đẹp. • Xử lý nhiễu tốt. • Thiết kế nhỏ gọn. Khuyết: • Không kính ngắm và đèn flash. • Tốc độ chụp liên tiếp chậm. Nhận xét chung: Nhỏ gọn và nhiều chức năng. Tuy còn một số điểm hạn chế nhưng đây là mẫu máy ảnh đáng để bạn đầu tư.Đánh giá: Nguồn PC World VN