Xử trí hôn mê do đái tháo đường

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Jun 19, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 394)

    Bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt nhưng có dấu hiệu hạ đường huyết như mệt mỏi, hoa mắt, vã mồ hôi, lạnh, ý thức suy giảm… thì phải nhanh chóng bổ sung đường bằng cách ăn bánh kẹo, uống nước đường.


    Ông Hà, một cán bộ về hưu tại TP HCM kể lại lần ông suýt ngất xỉu khi tự chạy xe máy từ Biên Hòa về TP HCM. Lúc đó trời nắng gắt, chạy xe tới gần đoạn cầu Đồng Nai thì ông có dấu hiệu choáng váng, vã mồ hôi, khó thở phải tấp vào quán ven đường uống nước ngọt, ăn bánh ngọt nghỉ ngơi lấy sức rồi mới đi tiếp được.

    "May mà tôi dừng lại bổ sung đường kịp thời chứ không chẳng biết chuyện gì xảy ra. Sau lần đó con cái không dám để tôi đi đâu một mình. Bác sĩ điều trị bệnh tiểu đường khuyên tôi đi đâu nên bỏ theo ít bánh kẹo trong túi, đề phòng trường hợp tụt đường huyết khẩn cấp", ông Hà chia sẻ.

    Bố mất vì tiểu đường, mẹ cũng đang mang bệnh này nên anh Kha, quận 11, TP HCM, hết sức lo lắng cho sức khỏe của mẹ. Ngặt nỗi cụ bà mắc thêm bệnh đãng trí, uống thuốc khi nhớ khi quên. Sau lần mẹ phải nhập viện cấp cứu vì tăng đường huyết đột ngột do không tuân thủ điều trị, anh Kha thường dặn dò mọi người nhắc nhở lịch uống thuốc của mẹ cẩn thận.

    [​IMG]
    Hôn mê do tiểu đường là một biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa.

    Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Đình Thắng, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, hôn mê do tiểu đường là một biến chứng nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

    Theo bác sĩ Thắng, trong cơ thể đường được chuyển hóa bằng hormon insulin, khi insulin có vấn đề (giảm bài tiết hoặc cơ thể kháng insulin), quá trình chuyển hóa bị rối loạn sẽ dẫn đến bệnh đái tháo đường. Có 2 thể bệnh chính là tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2.

    Tiểu đường tuýp 1 là cơ thể người bệnh khi sinh ra đã thiếu hụt insulin, thường gặp ở người trẻ tuổi. Tiểu đường tuýp 2 là người sinh ra có hormon insulin bình thường, vì một số lý do nào đó trong lối sống, chế độ ăn uống, bệnh tật… mà insulin bị trục trặc, do đó thể bệnh này thường gặp ở người trưởng thành, người lớn tuổi hơn.

    Thường có 3 trường hợp dẫn đến hôn mê:

    - Hôn mê do nhiễm toan ceton. Đây là một biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được xử trí kịp thời, phần lớn gặp ở tiểu đường tuýp 1.

    - Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, do đường máu cao, thường hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2.

    - Hôn mê do hạ đường huyết đột ngột.

    Triệu chứng chung là người bệnh thường là mệt đột ngột, vã mồ hôi, khó thở, nhịp tim nhanh, chóng mặt, nhìn mờ, kiệt sức, lả đi rồi ngất, đi vào hôn mê. Với hôn mê do nhiễm toan ceton và tăng áp lực thẩm thấu, bệnh nhân có thể có triệu chứng buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy, mất nước nặng do tiểu nhiều, khát nhiều, da nhăn nheo, mắt trũng, có thể dẫn đến máu cô đặc gây tắc mạch.

    Một số nguyên nhân dẫn đến hôn mê

    - Thiếu insulin, bệnh nhân bị đái tháo đường nhưng không được điều trị hoặc bệnh nhân không biết mình bị đái tháo đường.

    - Sai lầm trong điều trị, điều trị không đúng liều, không điều chỉnh liều kịp thời hoặc đang điều trị tự động ngừng thuốc đột ngột.

    - Không tuân thủ chế độ ăn uống, vận động dành riêng cho bệnh nhân đái tháo đường.

    - Bị một số bệnh lý kèm theo như nhiễm trùng, tai biến mạch máu não, mất ý thức, suy thận, mất nước, tiêu chảy… hoặc do phẫu thuật, chấn thương, mang thai, sinh nở… Bệnh nhân tiểu đường mắc các bệnh lý mất ý thức, rối loạn thần kinh thường uống nước nhiều nhưng không có ý thức đi tiểu, tuân thủ điều trị kém, không nhớ thời gian uống thuốc… nên rất dễ khiến nồng độ đường bị cô đặc, tăng áp lực thẩm thấu, dẫn đến hôn mê.
    - Do sử dụng các thuốc có tác dụng làm tăng đường máu như corticoid, thuốc lợi tiểu…

    Bác sĩ Thắng lưu ý, bệnh nhân hôn mê cần nhanh chóng đưa vào bệnh viện, cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Với những bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, ăn uống, vận động tốt nhưng có dấu hiệu hạ đường huyết như mệt mỏi, hoa mắt, vã mồ hôi, lạnh, ý thức suy giảm… thì phải nhanh chóng bổ sung đường bằng cách ăn bánh kẹo, uống nước đường, sau đó đo đường huyết để kiểm tra.

    Bệnh nhân hôn mê sẽ được các bác sĩ nhanh chóng dùng các biện pháp điều trị đảm bảo chức năng sống như đặt nội khí quản, cho thở máy…, bổ sung dịch, truyền insulin, điều chỉnh điện giải, chống huyết khối tĩnh mạch…

    Phòng ngừa hôn mê do đái tháo đường

    Cần phải kiểm tra đường huyết định kỳ để phát hiện sớm tiểu đường và điều trị kịp thời. Đặc biệt những người có các triệu chứng như ăn nhiều, khát và uống nhiều, tiểu nhiều, nước tiểu kiến bu, gầy sút cân nhanh, cũng có khi chán ăn, buồn nôn, nôn… cần nhanh chóng đi khám.

    Bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh thì cần kiểm soát đường huyết chặt chẽ, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, dùng thuốc đúng liều, đúng giờ. Không nên vì quá nóng vội mà dùng thuốc quá liều hoặc tự ý đổi liều, sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn, ngưng điều trị đột ngột.

    Cần có chế độ ăn uống, vận động phù hợp. Nên ăn đúng giờ, đúng tiêu chuẩn hợp với chế độ dinh dưỡng dành riêng cho người tiểu đường. Không nên hoạt động thể lực quá mức.

    Lê Phương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Xử trí hôn mê do đái tháo đường

Share This Page