Thị trường máy tính bảng đang phát triển mạnh, nhưng liệu các doanh nhân đã chọn được một model phù hợp chưa? Thực tế cho thấy, máy tính bảng đang trở thành thiết bị tiện dụng nhất cho doanh nhân. Theo Jamie Burgess, thuộc bộ phận Giải pháp Khách hàng của Microsoft, để lựa chọn một máy tính bảng dành cho doanh nghiệp cũng như doanh nhân thì ”cần phải hiểu được nhu cầu của mình”. Một số công việc sẽ dễ dàng hơn với màn hình cảm ứng, kéo thả và kích hoạt ứng dụng, cũng như có nhiều loại hình công việc cần phải gắn chặt với PC hoặc máy tính xách tay như làm báo cáo, thống kê… Vì thế, để chọn cho đúng, cần theo sát yêu cầu thực tiễn của môi trường kinh doanh, từ đó, thiết bị vi tính sẽ phục vụ đủ, đúng và chính xác. Những người thức thời sẽ dễ nhận ra sự nở rộ của điện toán đám mây với các tiện ích di động, chia sẻ mở rộng. Khi đó, máy tính bảng là sự lựa chọn hợp lý. iPad hay Surface không phải là “viên đạn kì diệu”, nhưng sẽ dễ dàng đưa doanh nhân đến với hồng tâm của thành công hơn bất kì thiết bị vi tính thông thường nào khác. iOS, Android hay Windows 8? Một khi đã quyết định mua máy tính bảng, việc quản lý chương trình để tối ưu hóa lợi nhuận và thời gian là điều nên bàn. Adam Griffin, Trưởng bộ phận Máy tính bảng của Dell cho rằng, người dùng nên lựa chọn máy tính bảng có nền tảng quen thuộc với mình để nâng cao hiệu suất. Tuy nhiên trên thực tế tại Việt Nam, đa số người dùng sử dụng nền tảng Microsoft Windows trên máy tính để bàn hoặc xách tay, nhưng lại thành thạo với các máy tính bảng dùng nền tảng của iOS hay Android. iPad đưa đến nhiều thuận lợi với iOS – hệ điều hành phục vụ cá nhân hóa thiết bị và đề cao các ứng dụng quản lý. iOS 6 hỗ trợ hệ thống email an toàn S/MIME, khóa thiết bị bằng ứng dụng đơn, cho phép người dùng xử lý “trên mây” với khả năng kiểm soát an ninh tối đa. iOS tiếp tục hỗ trợ VNPs và phát triển ứng dụng in-house với trình Developer Enterprise. Những công ty nhỏ có thể chỉ cần Apple Configurator để quản lý, còn hệ thống MDM (quản lý di dộng) sẽ mang lại nhiều tiện ích cho các doanh nghiệp lớn hơn. Với Android, người dùng máy tính bảng sẽ gặp chút ít khó khăn từ rủi ro của hệ điều hành mở. Sự can thiệp quá nhiều từ các nhà sản xuất thiết bị Android tuy giúp phân hóa các thiết bị tốt hơn, nhưng cũng tạo ra nhiều lỗ hổng bảo mật. Samsung cho ra đời Samsung’s Approved For Enterprise, Motorola cũng có Business Ready Program để đảm bảo an toàn và đẩy mạnh quản lý di động. Trong khi đó, 3LM – một nhánh phụ của Motorola (hiện đã là sở hữu của Google) cung cấp nền tảng quản lý thiết bị Android từ xa, cho phép cài đặt ứng dụng, nâng cấp firmware qua “mây”. Google cũng song hành với ứng dụng Google Device Policy – gắn chặt tất cả những phương pháp bảo mật vào các thiết bị chạy Android và các tài khoản Google Apps. Người dùng dễ dàng quản lý từ xa, giám sát, khóa và xóa các ứng dụng. Nhưng với mức phí hơn 100.000/tháng, có lẽ không nhiều người dùng sẵn sàng sử dụng tiện ích này. Về lý thuyết, quản lý doanh nghiệp là điểm nhấn nổi bật của Windows 8 với các giải pháp quản lý tập trung. Máy tính bảng Windows 8 cũng có cách sử dụng tương tự như máy tính chạy Windows 8 vì có chung hệ thống quản lý System Center Configuration Manager, cũng như tận dụng chung ưu thế từ Active Directory và Group Policy đã quá quen thuộc với kĩ thuật viên. Máy tính bảng vi xử lý ARM và Windows RT chuyên dành cho ứng dụng trên “mây” với chi phí hàng tháng hơn 300.000 đồng đầy đủ tính năng thì lại không hẳn là thiết bị phù hợp với các môi trường ưa chuộng cách xử lý truyền thống. Bảo mật Máy tính bảng và vi tính thông thường có chung nhiều vấn đề bảo mật về phần cứng lẫn dữ liệu, đặc biệt khi người dùng mang thiết bị ra khỏi công ty. iOS tích hợp bộ giải mã (encryption) phần cứng 256bit, hỗ trợ mở và khóa thiết bị từ xa với mã pin 4 số thay vì mật mã dài dòng. Android 4 cũng cung cấp chức năng tương tự ngay trên thiết bị và hỗ trợ khóa, xóa dữ liệu từ xa qua ứng dụng Google Policy hay MDM. Windows 8 Pro phục vụ người dùng với Bit Locker, App Locker và Boot Lock. “Thiết bị có thể mất, nhưng dữ liệu thì khó bị xâm phạm,” Burgess của Mircosoft từng khẳng định. Dynamic Access Control cho phép người dùng Windows 8 tạo lập các mức độ bảo mật khác nhau, dựa vào thiết bị, vị trí và người dùng. Windows RT có hạn chế hơn khi không hỗ trợ giải mã Bit Locker. Nếu sử dụng USB thường xuyên và hay gửi email quan trọng, nên cân nhắc khả năng quản lý bảo mật trên “mây” của các loại máy tính bảng. Sử dụng hệ thống màn hình ảo (desktop virtualization) cũng là một lựa chọn thay thế, bởi mọi dữ liệu đều để ở server. Tuy vậy, doanh nghiệp cần xem xét kĩ hạ tầng cơ sở để tránh các lỗ hổng bảo mật. Ứng dụng, phần cứng Nên lưu ý so sánh việc trình diễn các chức năng quen thuộc khi chọn mua máy tính bảng. Ví dụ, Microsoft Word có mở và lưu tài liệu mà không format lại định dạng? Hay ứng dụng thuyết trình (presentation) có hỗ trợ nhiều như của PowerPoint? Có nên chọn SkyDrive hoặc Office Apps hay Share Point? Máy tính bảng Windows 8 Pro hẳn sẽ là lựa chọn tốt khi so sánh các chức năng văn phòng bởi khả năng trình diễn tối ưu các ứng dụng Office quen thuộc hiện có trên màn hình cảm ứng. Tuy nhiên người dùng tại Việt Nam còn phải xem xét đến ứng dụng bộ gõ tiếng Việt, trên nền tảng iOS hay Android thì ứng dụng này tương đối hoàn chỉnh còn của Windows 8, RT thì khá mới mẻ, chưa thực sự quen thuộc. Về phần cứng, trên các nền tảng hiện nay máy tính bảng cơ bản đáp ứng được hầu hết các tính năng phục vụ cho một doanh nhân từ cấu hình máy mạnh mẽ, màn hình sắc nét, thời lượng pin cao cho đến kết nối đa dạng… Điều cần xem xét ở đây là tính tiện dụng, cần kiểm tra kĩ bàn phím vật lý và giá đỡ có hiệu quả hay không, đặc biệt, nhiều trường hợp cần các giá đỡ hỗ trợ màn hình ngoài và kết nối tới bàn phím/chuột ngoài để phục vụ các xử lý dữ liệu. Cũng nên cân nhắc về giá thành bởi có khi máy tính bảng kèm giá đỡ có thể đắt hơn một chiếc máy tính xách tay tốt. Nguồn PC World VN