Bánh màu trắng ngà, khi ăn có vị ngọt của đường, cay nhẹ của hương gừng, béo bùi của trứng cáy, dẻo thơm của nếp và cốm non. Con cáy là đặc sản của nhiều vùng quê ở miền Bắc, hình dáng tương tự con ba khía ở miền Nam. Cáy được chế biến thành những món ăn ngon như làm mắm, nấu canh, chiên vàng... và làm bánh. Tên gọi của bánh bắt nguồn từ nguyên liệu chính làm nên hương vị của bánh là trứng con cáy. Ngày xưa, bánh cáy được người nông dân làm ra để tiến vua nhà Nguyễn và được vua khen ngợi. Bánh cáy là một đặc sản nổi tiếng của người dân Thái Bình. Ảnh: D.L. Trứng cáy là nguyên liệu chính để làm nên bánh cáy. Cuối xuân sang hè là lúc cáy bắt đầu mang trứng, những đêm trăng sáng mùa thu là lúc dễ dàng bắt được cáy trưởng thành nhất, lúc đó cáy thường kéo nhau đi hàng bầy, chỉ dùng lưới giăng là dễ dàng bắt được… Sau khi bắt cáy về, người ta đem luộc cáy lấy phần trứng đem sấy khô. Trứng cáy khi ấy có màu vàng cam, mùi thơm gợi sự béo bùi. Những đặc tính này vẫn giữ nguyên và tạo nên màu sắc cũng như hương vị đặc trưng cho món bánh. Để làm ra những chiếc bánh đẹp và ngon, còn có thêm các nguyên liệu như nếp cái hoa vàng, quả gấc chín đỏ, lạc, vừng rang vàng, mỡ phần, cơm dừa xắt lát ướp đường, mứt bí, mạch nha, và hương hoa bưởi. Gạo nếp cái hoa vàng được đem rang lên vừa chín tới thì đổ ra. Đường được thắng lên vừa đủ độ kẹo, cho hỗn hợp gạo rang cùng với ít gừng non thắt mỏng, đậu phộng rồi trộn đều. Sau cùng mới cho trứng cáy vào đảo đều rồi đưa ra rồi đổ vào khuôn, rắc phía dưới và trên khuôn một lớp vừng mỏng rồi cán bánh tùy theo kích thức to nhỏ, dày mỏng khác nhau. Sau cùng mới rắc lên một lớp bột nếp khô để chống dính. Trong không khí se lạnh của những ngày Tết cổ truyền, ăn bánh cáy và uống nước chè thì thật không còn gì bằng. Sự kết hợp giữa nhiều nguyên liệu ấy đem đến cho bánh cáy một hương vị rất lạ, kết hợp vị ngọt thanh từ đường mía, vị cay nhẹ của hương gừng, sự béo bùi của trứng cáy, vừng, lạc, vị giòn tan hay deo dẻo của gạo nếp rang và cốm non… Vũ Hào Nguồn VNExpress