Những cái chết tức tưởi vì bị chó dại cắn

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Jun 18, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 324)

    Chỉ sau vài ngày có biểu hiện bệnh dại: sợ nước, sợ gió, 2 ngày liền không ngủ, bé Hường 9 tuổi, Cẩm Khê, Phú Thọ đã qua đời. Trong khi đó, nếu được tiêm phòng sớm, tính mạng cô bé hoàn toàn có thể cứu được.


    Cô bé được chuyển đến bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) trong tình trạng khó thở, co thắt thanh quản. Tuy nhiên, tại đây các bác sĩ cũng đành bất lực một khi bệnh nhân đã lên cơn dại. Theo các bác sĩ, từ khi bệnh nhi khởi phát bệnh đến lúc chết chỉ vẻn vẹn trong 3 ngày. Trước đó, bé bị chó cắn vào mặt trong đùi nhưng không hề được tiêm phòng.

    Ông Cần, 59 tuổi, ở Việt Trì, Phú Thọ không hề nghĩ mình có thể mắc bệnh dại khi cho chó uống thuốc. Theo lời kể của gia đình, trước khi qua đời vài ngày, ông có biểu hiện bị sốt, tê bì chân tay, sợ nước, sợ gió, khó thở và vật vã. Đưa ông đi khám, cả gia đình mới ngã ngửa khi bác sĩ kết luận ông mắc dại. Chính bàn tay có vết xước của ông tiếp xúc với nước dãi của chó trước khi nó chết là nguyên nhân gây bệnh.

    “Vì chó còn nhỏ nên chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện tiêm phòng. Không ngờ nó lại mắc bệnh dại. Mà ông ấy không bị chó cắn thì làm sao mà chúng tôi nghĩ đến chuyện đưa ông ấy đi tiêm được”, bà Cầu - vợ ông buồn bã nói.

    [​IMG]
    Bệnh dại hoàn toàn có thể tránh được nếu người bị chó dại cắn được tiêm phòng đúng phác đồ. Ảnh minh họa: P.N.

    Những trường hợp tử vong đáng tiếc vì bệnh dại như trên tại Việt Nam không phải là hiếm. Dại được xếp vào nhóm bệnh đang bị lãng quên tại nước ta. Đầu những năm 2000, khi phòng chống bệnh dại còn là chương trình mục tiêu quốc gia thì Việt Nam tưởng như đã thanh toán được bệnh này. Nhưng khi chương trình kết thúc, các ca bệnh dại lại có chiều hướng tăng rõ rệt, nhất là từ năm 2007 đến nay.

    Số người tử vong do dại luôn ở mức 100 ca mỗi năm. Số tử vong này đứng hàng đầu trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở nước ta. Miền Bắc là nơi có số người chết cao nhất.

    Nếu không có bệnh dại trên động vật, trên đàn chó thì sẽ không có bệnh dại trên người. Vì thế, việc khống chế, kiểm soát tốt ở đàn chó thì sẽ làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh dại trên người.

    Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc quản lý và tiêm phòng cho đàn chó rất khó khăn. Năm ngoái, Bộ ban hành kế hoạch khống chế bệnh dại. Trong đó, yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cần tới đăng ký với chính quyền xã, phường để được cấp số cho vật nuôi. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo thành lập những đội chuyên bắt giữ vật nuôi thả rông - nếu sau 3 ngày không có người tới nhận thì trạm thú y huyện sẽ tiêu hủy số chó, mèo bắt được. Quy định này chưa kịp thực hiện thì đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận vì cho rằng khó khả thi.

    Trong khi đó, việc tiêm phòng cho đàn chó 6 năm qua đạt tỷ lệ rất thấp. Theo báo cáo của các tỉnh, thành thì trung bình cả nước chỉ đạt gần 50% đến 64%. Nhưng theo bà Thủy số liệu này chưa chính xác. Lấy ví dụ tại Phú Thọ, tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt 24 đến 25%.

    Dại là bệnh lây từ động vật sang người. Bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được và kể cả người sau khi bị chó dại cắn mà được tiêm phòng đúng phác đồ thì vẫn tránh được tử vong. Khi bệnh dại khởi phát, có nghĩa là cơ hội sống của bệnh nhân đã khép lại vì bệnh này không có thuốc chữa và tử vong rất nhanh.

    Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất cũng phải nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người kéo dài đến vài năm. Nó phụ thuộc vào vị trí cắn, càng gần thần kinh trung ương càng phát bệnh nhanh. Vì thế, những người bị cắn ở vùng đầu mặt cổ thì cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt trong vòng 12h sau khi bị cắn.

    Ngoài ra trong trường hợp biết chính xác con chó bị dại, bị ốm hoặc chó cắn xong một ngày thì chết cũng thuộc nhóm nguy cơ cao cần tiêm huyết thanh trước, sau đó tiêm văcxin. Huyết thanh là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào để trung hòa virus dại, còn văcxin là để củng cố miễn dịch lâu dài về sau.

    Cũng theo thạc sĩ Hà, có người cho rằng tiêm văcxin dại sẽ lên cơn dại là không đúng. Tiêm văcxin dại sống thì sẽ có tác dụng không mong muốn, điều này không thể tránh khỏi nhưng khi đó cần cân nhắc với khả năng mắc dại. Một khi người bệnh đã lên cơn dại thì không thể có loại thuốc nào cứu được. Việc các bác sĩ có thể làm chỉ đơn giản là kéo dài sự sống.

    "Y học hiện nay chưa thể chẩn đoán được liệu một người bị chó cắn thì có bị dại hay không. Vì thế, nếu bị cắn mà không biết chắc con chó có bị dại không thì bao giờ bác sĩ cũng khuyên tiêm phòng rồi theo dõi nó trong khoảng 10 ngày. Nếu đến lúc đấy mà con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm", thạc sĩ Hà nói.

    Khi đã bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, người bệnh phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn... Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virus dại tán phát càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng.

    Phương Trang

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Những cái chết tức tưởi vì bị chó dại cắn

Share This Page