"Nói thì hay nhưng vấn đề là có làm được hay không" là phản ứng đầy hoài nghi của rất nhiều người khi nghe về quyết tâm biến CNTT thành hạ tầng của hạ tầng, là nền tảng của phương thức phát triển mới của Việt Nam hiện nay. Các chuyên gia công nghệ và kinh tế của Việt Nam đang hướng đến một nền kinh tế mà ở đó không cần phải coi nông nghiệp hay công nghiệp là trọng tâm. Thay vào đó, bất cứ ngành, lĩnh vực nào cũng có thể phát triển hiệu quả nhờ công nghệ thông tin (CNTT). Chẳng hạn, Việt Nam vẫn tiếp tục phát huy thế mạnh về nông nghiệp, nhưng CNTT sẽ là nền tảng cho một nền nông nghiệp mới mang lại giá trị gấp nhiều lần hiện nay. Vấn nạn ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện, sự trì trệ trong giáo dục... sẽ được giải quyết bằng các giải pháp công nghệ thông minh. Những giấc mơ lớn về công nghệ có thể thành hiện thực nếu có lòng tin. Trong bối cảnh hiện nay, không ít người cho rằng điều này vẫn chỉ là ước mơ xa vời. Tuy nhiên, PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT kiêm Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) khẳng định ông có niềm tin lớn rằng những tham vọng đó rồi sẽ trở thành hiện thực. Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) năm 2013 diễn ra ngày 20/6 tại khách sạn Melia, Hà Nội với chủ đề "CNTT - nền tảng của phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia". Diễn đàn có sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cựu Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama. Tham khảo: http://ictsummit.vn "Nhìn lại năm 2000, chúng ta chỉ có 6.000 lập trình viên trong khi có tới 75.000 kỹ sư tốt nghiệp tại Ấn Độ mỗi năm. Số người sử dụng máy tính còn ít ỏi. Internet mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Vậy mà, FPT vẫn mơ ước Việt Nam sẽ trở thành trung tâm gia công phần mềm của thế giới. Sau hơn 10 năm với nhiều khó khăn và thất bại, chúng ta đã có những bước tiến vượt trội với nguồn nhân lực CNTT tăng tới 23 lần, sản lượng tăng 46 lần. Việt Nam đã có thể xuất khẩu phần mềm và có tên trên bản đồ gia công phần mềm của thế giới", ông Trương Gia Bình chia sẻ trong cuộc họp chuẩn bị cho Diễn đàn ICT Summit 2013. "Một số người Việt thích 'ném đá', cho rằng gia công thì có gì đáng nói, sao không làm sản phẩm gì so với Microsoft, Google đi… Thực tiễn đây là bức tranh tiến hóa. Khi chưa có thị trường, anh đừng nói đến chuyện bán hàng, và nếu muốn tạo ra thị trường thì anh phải đi theo trình tự". Ông Bình cho rằng, không có việc gì là dễ dàng, nhưng nếu thực sự muốn thay đổi, muốn biến điều tưởng chừng viển vông thành hiện thực thì cần phải có niềm tin và sự quyết tâm. Bài học về niềm tin và lòng quyết tâm ấy từng được thể hiện rất rõ trong hành trình ròng rã thuyết phục mở cửa Internet ở Việt Nam cách đây hơn 15 năm. "Khi lãnh đạo Đảng và Chính phủ lắng nghe đề xuất đầu tiên, nhiều lo ngại được đề cập như nguy cơ lộ bí mật Nhà nước hay liệu có quản được thông tin độc hại trên Internet không. Những lo ngại đó hoàn toàn chính đáng. Chúng ta đã hy sinh, mất mát quá lớn trong chiến tranh nên phải thận trọng. Nhưng chúng tôi đặt vấn đề là không kết nối Internet thì Việt Nam không thể hội nhập. Thế giới đang bước vào thời kỳ mà Internet sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Khi Việt Nam tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 1995, người ta đã bắt đầu nói đến ASEAN điện tử. Việt Nam không mở Internet thì làm sao gia nhập được ASEAN điện tử. Đây là vấn đề cấp bách, không làm không được, không làm thì Việt Nam bị cô lập và lạc hậu", Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, kể lại với VnExpress.net. Sau 15 năm, tầm ảnh hưởng của Internet lên mọi mặt đời sống xã hội đã được thể hiện rõ nét. Số người sử dụng Internet chiếm hơn 30%, thuê bao di động chiếm 130% trên tổng số dân. "Tôi thấy may mắn vì Việt Nam đã không chậm chân trước con tàu Internet, bởi nếu lúc đó chúng ta không mạnh dạn mở cửa với lý do an ninh, nhạy cảm... thì giờ sẽ cảm thấy có lỗi với dân vì đã cản trở sự phát triển của đất nước", ông Trực cho hay. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ chậm chân tương tự, rằng nếu không coi CNTT là nền tảng cho phương thức phát triển mới thì nước ta có thể sẽ tiếp tục tụt hậu và khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2012, Việt Nam nằm ở nhóm thấp nhất, trong khi nhóm các nền kinh tế đứng đầu về năng lực cạnh tranh đều là những nước có sự nhận thức rõ ràng và coi CNTT-TT là nền tảng của sự phát triển nền kinh tế như Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Israel… "Ứng dụng CNTT là con đường ngắn nhất để các nước đi sau như Việt Nam có cơ hội đuổi kịp các quốc gia phát triển", ông Trương Gia Bình khẳng định. Bài học về niềm tin để theo đuổi những giấc mơ lớn Mọi tiến bộ đều xuất phát từ ước mơ và lòng tin. Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc chiến lược cho Tập đoàn FPT, chia sẻ câu chuyện về đôi giày: "Tôi vẫn còn nhớ mình đã sửng sốt như thế nào trong một lần vào siêu thị ở Lyon (Pháp) mua giày. Đôi giày giá rẻ made in China được bán giá 30 eu, đôi giày thứ hai do châu Âu sản xuất có giá 60-80 eu. Đôi giày thứ ba rất đẹp với những đường may tỉ mỉ, tinh xảo và nằm trong kệ hàng "delux" có giá 190 eu. Tôi mở ra và ngạc nhiên khi thấy dòng chữ "made in Vietnam". Một đôi giày đến từ Việt Nam được bày ở vị trí trang trọng nhất về chất lượng tại Pháp. Giấc mơ chất lượng Việt Nam của tôi đã bắt đầu từ đó. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm tốt, chất lượng phù hợp với tố chất của người Việt Nam nhưng quan trọng là chúng ta có tin là chúng ta làm được. Sự ngạc nhiên của tôi chính là vấn đề của tất cả chúng ta: chúng ta chưa tin vào mình. Nhưng sự thật đã chứng minh, đôi giầy đó cho thấy là chúng ta có thể làm được". Những ngày gần đây, người ta nói nhiều về dự án Project Loon của Google. Hầu như ai cũng nghĩ hãng này thật điên rồ khi định phủ sóng Internet toàn bộ thế giới thông qua những chiếc khinh khí cầu. Dự án mới chỉ ở giai đoạn đầu và chưa thể xác định Google có thành công hay không, nhưng họ đã cho thấy họ có niềm tin và sẵn sàng biến những điều viển vông thành hiện thực. Như năm 2006, trong khi nhân loại vẫn quen với bản đồ truyền thống, Google đã triển khai những đội xe đi chụp từng mét những con đường để tạo ra "phiên bản ảo" của thế giới thực. Họ đầu tư những khoản tiền khổng lồ cho tương lai của giao thông thông minh: dự án xe hơi không người lái, trong đó ôtô sẽ lưu thông theo trật tự định sẵn cũng như biết tính toán đường đi để tiết kiệm năng lượng và chi phí. Châu An Nguồn: VNExpress