Mạng xã hội lớn nhất thế giới trở thành công ty Internet đầu tiên công khai các yêu cầu chia sẻ thông tin về thành viên mà họ nhận được từ các tổ chức chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, Google và Twitter cho rằng hành động này là "sai lầm". Sau bức xúc của Facebook và Google, Bộ Tư pháp Mỹ đã đồng ý cho các hãng Internet (được nhắc đến trong chương trình PRISM bị lộ đầu tháng này) đăng tất cả những lệnh liên quan đến việc khai thác dữ liệu người dùng mà họ nhận được. Tổng cộng, Facebook nhận 9.000-10.000 lệnh cung cấp thông tin của khoảng 18.000 tài khoản (tức trung bình mỗi lệnh yêu cầu theo dõi 2 tài khoản) trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2012. Luật sư Ted Ullyot của Facebook cho hay đây là một trong những động thái của họ nhằm chứng minh sự trong sạchtrước những cáo buộc không đúng. Trước đó, báo Washington Post và Guardian đưa tin chương trình PRISM cho phép Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA có quyền "truy cập trực tiếp" vào máy chủ của các công ty Internet hàng đầu nước Mỹ. Các bên lần lượt lên tiếng rằng họ chỉ chia sẻ thông tin khi có lệnh hợp pháp chứ không tổ chức nào được phép lục lọi máy chủ của họ. Tuy nhiên, cả Google và Twitter cho rằng Facebook nên rành mạch hơn về số liệu. Họ chỉ cần khai báo số lệnh liên quan vấn đề an ninh quốc gia, trong đó có cả của Cơ quan Giám sát tình báo nước ngoài FISA, thay vì liệt kê tất cả. Bởi vì, trong số các lệnh mà Facebook, Microsoft, Google... nhận được có rất nhiều yêu cầu của cánh sát địa phương liên quan đến việc tìm một đứa trẻ bị mất tích, lần theo một vụ trộm cắp... Ngay sau Facebook, Microsoft cũng cho hay họ nhận được 6.000-7.000 lệnh từ các tổ chức cấp địa phương, cấp bang và liên bang về 31.000-32.000 tài khoản người dùng, trải rộng từ hòm thư Outlook, kho lưu trữ SkyDrive, tài khoản game Xbox Live, tin nhắn Messenger, ứng dụng văn phòng Office 365, ứng dụng Skype... Châu An Nguồn: VNExpress