Chỉ còn là cái bóng mờ trước những “bom tấn” smartphone, máy tính bảng thi nhau đáp xuống thị trường, PC tuy đã mất vị trí trung tâm nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng không thể thiếu trong kỷ nguyên số. “Hậu PC”, thị trường tụt dốc Doanh số bán smartphone đã vượt PC kể từ tháng 2/2012. Doanh số bán PC toàn cầu đang trên đà sụt giảm mạnh, và lần đầu tiên sau 1 thập kỷ, thị trường PC đã tăng trưởng âm. Theo báo cáo của Gartner, lượng tiêu thụ PC trong quí 3 trên toàn thế giới là 87,5 triệu máy, giảm 8,6% so với quí 2, và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Công ty nghiên cứu thị trường IHS iSuppli dự kiến lượng PC xuất xưởng trong năm 2012 đạt khoảng 348,7 triệu máy, giảm 1,2% so với 352,8 triệu máy của năm 2011. Tình hình kinh doanh ảm đạm đang bao phủ toàn ngành công nghiệp PC. Lenovo sau nhiều nỗ lực bám đuổi đã vượt qua HP, trở thành nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới, theo số liệu quí 2/2012 của Gartner. Tuy nhiên báo cáo tài chính quí 3 của Lenovo cho thấy “vua” PC mới chỉ kiếm được vỏn vẹn 162 triệu USD, nhỉnh hơn chút ít so với mức lãi ròng 143,9 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Cũng trong quí 3, HP chịu mức lỗ nặng nề nhất trong lịch sử của hãng, mất 8,9 tỷ USD. Dự kiến tới năm 2014, 27.000 việc làm, tương đương 8% tổng số nhân lực toàn cầu của HP sẽ bị cắt giảm. Dell giảm lợi nhuận tới 47% so với cùng kỳ năm trước… PC, vì đâu nên nỗi? Người dùng không còn nhu cầu cấp thiết nâng cấp phần cứng để “đuổi” theo hệ điều hành và phần mềm mới. PC giờ đây cần được hiểu là Personal Computing (điện toán cá nhân) thay cho Personal Computer (máy tính cá nhân). Tình cảnh thị trường PC hiện nay được giới phân tích ví von như buổi chợ chiều. Nhiều nguyên nhân được dẫn ra, đó thủ phạm chính được “chĩa” tới nhiều nhất là sự bùng nổ của smartphone và máy tính bảng ngày càng ăn lẹm vào miếng bánh thị phần của PC; nền kinh tế toàn cầu suy giảm cũng là một nguyên nhân được nhắc tới nhiều trong các báo cáo. Windows 8 trước khi ra mắt cũng từng bị qui kết khiến thị trường PC sụt giảm do người dùng có tâm lý chờ mua PC nền tảng mới… Có vẻ như mọi phân tích đều có lý, nhưng ẩn chứa phía sau những tác động ngoại cảnh còn nhiều nguyên nhân khác. Nếu như trước đây 3 năm được xem là “chuẩn” vòng đời của một PC, thì giờ đây điều đó đã thay đổi. PC ít hỏng hơn và điều quan trọng là vẫn giúp doanh nghiệp kiếm tiền nên không có lý gì lại bị vứt bỏ trong thời buổi thắt chặt chi tiêu. Người dùng không còn nhu cầu cấp thiết nâng cấp phần cứng như trước đây để “đuổi” theo hệ điều hành và phần mềm mới. PC hiện tại chạy “ngon” các ứng dụng nền web ngày càng phổ biến, trong khi những đám mây điện toán giúp giảm tải lưu trữ và xử lý cho PC nối mạng của người dùng, khỏi lo chuyện tăng RAM, thêm dung lượng ổ cứng, nâng đời CPU. Windows XP dù đã hơn 11 năm tuổi vẫn có sức sống mãnh liệt là minh chứng rõ nét nhất cho thấy xu hướng “chung thủy” của người dùng PC thời nay. Dĩ nhiên người ta vẫn tiếp tục mua PC mới khi có nhu cầu thực sự, nhưng đã có thay đổi về lựa chọn. Qua khảo sát, IHS iSuppli nhận thấy, khách hàng đang có xu hướng chọn mua PC giá rẻ chứ không còn ưu tiên cho hiệu suất cao. Nghĩa là những nền tảng PC mới, cả cứng lẫn mềm, không còn là đích nhắm ưu tiên mua sắm của người dùng nữa, cho dù chúng chạy với chip Intel mới nhất hay hệ điều hành tái sinh Windows 8 của Microsoft. Đã qua rồi cái thời người ta “săm soi” từng chi tiết cấu hình máy mỗi khi chọn mua hay được chuyển giao từ ai đó. PC miễn sao nối mạng và chạy trơn tru các ứng dụng quen thuộc đã là đủ. PC, kỳ vọng vào đâu? Nhưng, liệu có là ảo vọng khi đặt niềm tin ultrabook sẽ đem lại sinh khí mới cho thị trường PC? PC giờ đây cần được hiểu là Personal Computing (điện toán cá nhân) thay cho Personal Computer (máy tính cá nhân). Ở vào thời di động, cái mà người dùng quan tâm chính là một thiết bị luôn bên mình với khả năng kết nối cao để tiện làm việc và giải trí mọi lúc mọi nơi. Vì thế pin khỏe, hình dáng hấp dẫn, có nhiều ứng dụng là những ưu tiên hàng đầu. Smartphone đút túi, máy tính bảng trên tay - những thiết bị di động gọn nhẹ, kết nối liên tục, chạy cả ngày không hết pin, nhiều kiểu thiết kế sành điệu dĩ nhiên “ăn đứt” những cỗ máy truyền thống gắn chặt người dùng vào bàn làm việc, và laptop phần nào vẫn gây khó cho người dùng di động. Các nhà sản xuất PC không chịu đứng yên. Apple sau thành công với Macbook Air lại nỗ lực cải tiến Macbook Pro mỏng hơn nữa, trang bị màn hình Retina, tăng cường các cổng kết nối tốc độ cao Thunderbolt, USB 3.0, pin tăng lên 7 giờ sử dụng sau mỗi lần sạc… Ultrabook ngày càng nhiều biến thể với những dòng “biến hình” lai máy tính bảng, hoặc ít ra là dùng màn hình cảm ứng để phát huy thế mạnh hỗ trợ cảm ứng đa điểm của Windows 8. Giao diện hỗ trợ màn hình cảm ứng Modern UI của Windows 8 được kỳ vọng sẽ là ngòi nổ cho ultrabook tràn ngập thị trường. Và mọi con mắt của giới quan sát lại đổ dồn vào ultrabook. Được Intel khởi xướng từ giữa năm 2011, dòng máy tính xách tay siêu di động ultrabook nhắm tới thiết kế mỏng nhẹ, pin dùng lâu, hiệu năng cao, giá phù hợp cho số đông người dùng, đến nay vẫn chưa thể “cất cánh”. Thách thức đối với các nhà sản xuất ultrabook là phải tạo nên được sản phẩm tiện dụng trong di động mà không phải hy sinh khả năng xử lý, như Apple đã làm tốt với MacBook Air. Vấn đề là Intel chưa có những đột phá trong thiết kế chip tiêu thụ điện năng thấp. Các nhà sản xuất PC đã quay lưng với netbook cho thấy Intel còn nhiều việc phải làm với chip di động. Những con chip Atom đã không tạo đủ sức mạnh cho netbook như laptop truyền thống, lại thua xa chip ARM về mức tiêu thụ điện năng thấp nên netbook dần khuất dạng trước làn sóng máy tính bảng, smartphone dồn dập đổ vào thị trường. Khi lứa ultrabook thứ 2 ra đời với thế hệ chip Ivy Bridge mới của Intel vẫn chưa đủ lực để bơm thị trường đi lên, các báo cáo phân tích lại nhắm tới Windows 8 với kỳ vọng tạo nên bước ngoặt mới cho thị trường PC. Thế nhưng, dù được quảng bá rầm rộ trước khi ra mắt, Windows 8 vẫn không đủ để thổi sức sống mới cho PC. Thực tế là sự quan tâm tới Windows 8 tập trung nhiều vào máy tính bảng chứ không phải là PC. Đó cũng là lý do Surface của Microsoft nhận được nhiều sự chú ý của giới phân tích. Sự ra đời của Surface kết hợp được cả những lợi thế của laptop và máy tính bảng, tuy nhiên không dễ gì làm bùng nổ thị trường vì dòng Surface RT dùng chip ARM có quá ít ứng dụng, trong khi dòng Surface Pro dùng với chip Intel vẫn vướng vấn đề tiêu thụ điện năng, chưa kể là mức giá cao ngất từ 899 USD. Thừa sáng tạo trong thiết kế kiểu dáng, nhưng thiếu yếu tố thị trường, ultrabook xuất hiện nửa cuối 2012 giống như một cuộc trình diễn thời trang của ngành công nghiệp PC. Tất cả đều thể hiện đẳng cấp, nhưng khoảng giá 1000 - 2000 USD của chúng là quá cao so với tầm 600 - 800 USD để có thể kích cầu thị trường như nhận định của giới phân tích. Còn những thiết bị lai với sức nặng được tính theo đơn vị kg thì liệu có ai hứng thú cầm chúng trên tay để dùng như máy tính bảng? Chạm, vuốt trên màn hình laptop thực tế cũng chẳng mấy ý nghĩa cho người dùng máy tính. Về phía máy tính để bàn, dù dòng máy tính All-in-One được các hãng sản xuất cải tiến mạnh mẽ trong thời gian gần đây với thiết kế sexy hơn, cấu hình mạnh hơn, trang bị cả màn hình cảm ứng… nhưng những hạn chế cố hữu khó nâng cấp, sửa chữa khiến nhóm PC này dù đã có từ lâu vẫn không bao giờ cất cánh. Việc được trang bị màn hình cảm ứng cũng không thay đổi điều gì vì với vị trí của máy trên bàn làm việc, bàn phím và chuột vẫn là tiện dụng nhất đối với người dùng. PC vẫn sống, dù thời đã qua Chúng ta đang ở trong thời kỳ hậu PC, đó là điều không còn phải tranh cãi. Nhưng PC không chết mà chỉ mất vị trí trung tâm - Ray Ozzie, người thay Bill Gates đảm nhận vị trí Kiến trúc sư trưởng của Microsoft hồi năm 2006, nghỉ hưu năm 2010. Xem thêm bài “Ultrabook 2013 - thay đổi để phát triển” trên Số Hóa (http://bit.ly/XFxTUg) Cho dù Tim Cook, CEO của Apple, khẳng định chúng ta đã bước sang kỷ nguyên hậu PC, nơi mà iPad, iPhone và các sản phẩm tương tự của các hãng khác đã thay thế vai trò trung tâm của PC, thì PC vẫn có nhiều ưu thế mà các thiết bị di động đời mới chưa dễ gì vượt qua được. Trào lưu BYOD (Bring your own device) - nhân viên dùng thiết bị cá nhân cho công việc, một mặt phản ánh năng lực xử lý của thiết bị di động cá nhân thời nay, mặt khác lại cho thấy PC vẫn chưa bị doanh nghiệp loại bỏ. Nhân viên sử dụng thêm thiết bị cá nhân bên cạnh PC cho công việc là điều được chấp nhận chứ không phải là lựa chọn thay thế của các ông chủ, những người luôn đặt hiệu quả kinh doanh lên hàng đầu. Chưa kể tới rất nhiều công việc mang tính chuyên ngành không thể thiếu PC (bạn có thể hình dung cảnh kỹ sư phần mềm lập trình trên một chiếc máy tính bảng Android hay một kiến trúc sư triển khai bản vẽ chi tiết trên iPad?). Ngay những tác vụ văn phòng quen thuộc như soạn thảo văn bản, tạo lập bảng tính, nhập liệu cho một ứng dụng quản lý… PC vẫn không thể bị thay thế. Vậy thì chúng ta hãy đồng ý với quan điểm của CEO Intel, ông Paul Otellini, về một kỷ nguyên PC mới, thời của PC - điện toán cá nhân (Personal Computing) đang dần thay thế cho PC - máy tính cá nhân (Personal Computer). Và máy tính cá nhân (hay PC như cách gọi từ trước tới giờ) vẫn gắn bó với doanh nghiệp, từng hộ gia đình, là công cụ không thể thiếu để tạo ra và tiêu thụ nội dung số, còn các thiết bị điện toán di động cá nhân khác như smartphone hay máy tính bảng sẽ hỗ trợ PC để đem lại những trải nghiệm lý tưởng nhất cho người dùng. Nguồn PC World VN