14h ngày 11/6, PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh và PGS-TS Lê Lương Đống sẽ tư vấn trực tuyến trên VnExpress.net về cách phòng trị viêm xoang mãn tính trong mùa hè. Độc giả gửi câu hỏi tại đây hoặc email media@vnexpress.net. Viêm xoang là căn bệnh mãn tính, dễ tái phát thành cơn cấp tính khi gặp các yếu tố bất lợi. Nguy cơ mắc viêm xoang, hoặc tái phát viêm xoang không chỉ xuất hiện vào mùa đông như quan điểm trước đây mà còn gia tăng trong mùa hè và thời điểm giao mùa. PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc bệnh viện Tai-mũi-họng trung ương. Tác nhân gây viêm xoang gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (nấm). Tác nhân này đến từ môi trường sống và làm việc ngày càng ô nhiễm như: đường xá bụi bặm; không khí tại các văn phòng làm việc khép kín, không được luân chuyển đón không khí trong lành; điều hòa lâu ngày không vệ sinh là nơi tập trung tạo môi trường thuận lợi để tác nhân sinh sôi phát triển. Từ đó, sức đề kháng của cơ thể, hệ thống niêm mạc mũi xoang giảm, độ nhạy cảm của niêm mạc với các tác nhân tăng lên khi sử dụng thường xuyên điều hòa (máy lạnh) vào mùa hè. Ngoài ra việc thay đổi nhiệt độ đột ngột từ 20 độ C trong phòng ra môi trường bên ngoài 35 độ C cũng khiến hệ thống mũi xoang với chức năng lọc không khí thường xuyên phải chịu đựng chênh lệch nhiệt độ lớn, làm khô niêm mạc mũi, gây cản trở sự dẫn lưu không khí. PGS-TS Lê Lương Đống, phó Giám đốc Học viện Y dược học Việt Nam. Vào mùa hè, cơ thể dễ bị cảm cúm, dị ứng, phản ứng nhạy cảm với các yếu tố lạ. Bên cạnh đó, khi đi du lịch, việc ăn nhiều đồ biển (tôm) khiến bệnh nhân dễ bị dị ứng, sưng tấy niêm mạc gây nên viêm các xoang. Những hiện tượng đó sẽ gây biến chứng đến tai mũi họng như viêm mũi họng mạn tính, viêm tai giữa, đường hô hấp (viêm thanh quản, viêm phế quản), mắt (viêm kết mạc, viêm bờ mi, viêm túi lệ, viêm thị thần kinh), biến chứng nội sọ: viêm màng não, áp xe não, viêm thận, viêm khớp... Những thắc mắc về phòng và trị bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng của độc giả VnExpress.net sẽ được PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc BV Tai Mũi Họng Trung ương và PGS.TS Lê Lương Đống, Phó giám đốc Học viện y học cổ truyền Việt Nam, giải đáp trong buổi tư vấn trực tuyến chiều 11/6. Phương Thảo Nguồn VNExpress