Thai nhi hay đạp, tăng trưởng đều, nhịp tim ổn định, đổi đầu trước thời điểm sinh là 4 dấu hiệu cơ bản nhất chứng tỏ một thai nhi khỏe mạnh. Khi một phụ nữ mang thai, em bé sẽ bắt đầu phát triển từ trứng và đạt cân nặng tiêu chuẩn trên 3 kg vào thời điểm sinh. Từ tuần thứ 10 của thai kỳ, phôi sẽ phát triển thành thai nhi. Từ lúc này, thai nhi sẽ phát triển nhanh. Do vậy, các bà bầu cần được đi kiểm tra thường xuyên. Lúc còn trong bụng mẹ, nếu thai nhi không đạt các chỉ số tăng trưởng dự kiến thì có thể sẽ dẫn đến một số biến chứng trong thời kỳ mang thai hoặc cho trẻ sau sinh. Dưới đây là 4 dấu hiệu nhận biết em bé của bạn có khỏe mạnh hay không. 1. Thai nhi hiếu động Sau 5 tháng của thai kỳ, em bé bắt đầu hoạt động trong tử cung. Các hoạt động đầu tiên của bé dễ nhận biết là thai nhi bắt đầu đạp trong bụng mẹ. Đến tháng thứ 6, em bé bắt đầu có phản ứng với các âm thanh bên ngoài bằng các cử động, đôi khi người mẹ sẽ cảm giác như em bé đang nấc. Sang tháng thứ 7, bé yêu sẽ phản ứng được với các kích thích như ánh sáng hay tiếng ồn và đau. Em bé bắt đầu thay đổi vị trí ở tháng thứ 8 và đạp vào bụng mẹ rất nhiều. Các bác sĩ khuyến cáo các bà mẹ nên để ý cử động của bé, lý tưởng nhất là khoảng 10 cái đá, nhúc nhích, sột soạt hay lăn trong vòng 2 giờ. Mức độ này chứng tỏ bé đang rất khỏe mạnh. Những cử động của bé sẽ giảm khi sang tháng thứ 9. Lúc này thai nhi đã trưởng thành đầy đủ trong tử cung và không còn chỗ trống nào cho bé quẫy đạp. Bạn có thể căn cứ vào những điều này và thông báo cho bác sĩ kịp thời khi thấy những bất thường. Ảnh: visualphotos.com. 2. Tăng trưởng và phát triển Bằng việc siêu âm, các bác sĩ sẽ xác định được sự phát triển của thai nhi. Thông thường từ tháng thứ 5, em bé sẽ tăng trưởng ổn định, đạt chiều dài 25 cm, và tăng 5 cm vào mỗi tháng tiếp theo. Đến tháng thứ 7, thai nhi đạt 30 cm và đến tháng thứ 9 dao động trên 40 cm đến 50 cm. 3. Nhịp tim Theo dõi nhịp tim cũng là một cách nhận biết thai nhi khỏe mạnh. Các bác sĩ theo dõi bằng cách chạm vào bụng của bà mẹ để lắng nghe nhịp đập của thai nhi. Vào tháng thứ 9, nhịp tim của bé yêu dao động từ 110 đến 160 nhịp đập/phút. 4. Đổi vị trí khi đau đẻ Mặc dù sự chuyển động của thai nhi kết thúc vào tháng thứ 9 nhưng chắc chắn bé yêu sẽ thay đổi vị trí để sẵn sàng đến thế giới này. Đến cuối thai kỳ, em bé sẽ rơi vào khung xương chậu. Nằm như vậy, bé sẽ thấy thoải mái ngay cả trước cũng như vào thời điểm chúng chào đời (bởi vì những phần lớn nhất của cơ thể là đầu và vai đã được đặt ở nơi rộng nhất là phần dưới của tử cung). Trong quá trình sinh, đầu thai nhi lọt vào khung chậu của mẹ, phần gáy đi qua toàn bộ bề mặt xương chậu, sau đó xoay lại về phía bụng mẹ, thai nhi “ổn định vị trí” dưới khớp xương mu và chờ cơn chuyển dạ để ra ngoài. Thanh Thu (theo ladycarehealth.com) Nguồn VNExpress