7 phi hành gia trong tàu Columbia thiệt mạng trong thảm họa. Ảnh: NASA.Ngày 1/2/2003, tàu con thoi Columbia nổ tung ở độ cao khoảng 19 km trên bầu trời bang Texas trong lúc trở về trái đất sau chuyến bay 16 ngày khiến 7 nhà du hành thiệt mạng. Thảm họa, xảy ra chỉ 16 phút trước khi tàu đáp xuống Trung tâm Vũ trụ Kennedy theo kế hoạch, là một trong những sự kiện đau thương nhất trong lịch sử của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Hàng trăm người - bao gồm quan chức NASA, thân nhân của 7 phi hành gia thiệt mạng cùng tàu Columbia, học sinh đã tham dự buổi lễ tưởng niệm tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida, Mỹ hôm qua. Kết quả điều tra tai nạn của tàu Columbia cho thấy, một miếng gốm cách nhiệt đã văng ra khỏi thùng nhiên liệu bên ngoài rồi va vào cánh lúc tàu được phóng 16 ngày trước đó. Trong chuyến bay cuối cùng, tàu con thoi Columbia mang theo Ilan Ramon (phi hành gia Israel lần đầu tiên bay vào vũ trụ), Kalpana Chawla (nữ phi hành gia đầu tiên được sinh ra ở Ấn Độ), Rick Husband (chỉ huy tàu), Willie McCool (phi công), Michael P. Anderson, Laurel B. Clark và David M. Brown. Vợ của Rick D. Husband, chỉ huy tàu Columbia trong chuyến bay định mệnh, kể rằng sau khi biết tin về vụ nổ tàu, cảm giác bất ngờ và sốc lớn đến nỗi bà không thể bật ra tiếng khóc. Nhưng một tuần sau đó nước mắt của bà trào ra "như những đợt sóng". Nỗi đau vẫn ám ảnh bà trong nhiều tháng và năm tiếp theo. Các kỹ sư của NASA đã áp dụng những bài học từ vụ nổ tàu Columbia trong quá trình thiết kế và chế tạo Orion, thế hệ phi thuyền tương lai của Mỹ. "Chúng tôi xem xét từng diễn biến trong thảm họa Columbia và giải quyết chúng trong Orion. Mọi người đều cố gắng hết sức để khiến Orion trở nên an toàn hơn. Những bài học từ các vụ tai nạn phi thuyền Mỹ, sự cố phi thuyền Nga và các tai nạn xe hơi đều được mổ xẻ", Dustin Gohmert, một trong những kỹ sư tham gia chương trình chế tạo tàu Orion, nói. Minh LongNguồn VNExpress