Để cân bằng dinh dưỡng cho trẻ, bạn nên lưu ý năng lượng khuyến nghị theo lứa tuổi, giới tính và tình trạng sinh lý; cân đối giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao... "Sinh con đã khó, nuôi con càng khó hơn”, đó là tâm lý chung của các bậc phụ huynh có con dưới 6 tuổi tại các đô thị lớn hiện nay. Việc trẻ ăn nhiều loại thực phẩm nhưng vẫn không tăng cân, hoặc tăng cân đến mức có nguy cơ béo phì vì ăn liên tục những món yêu thích khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi và chuyên gia về dinh dưỡng, việc thiếu hay thừa năng lượng đều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi và suy dinh dưỡng thể béo phì. PGS TS Phạm Văn Hoan, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết để xác định cân đối năng lượng phải đảm bảo 4 yếu tố. Trong đó, trẻ cần đủ nhu cầu năng lượng khuyến nghị theo lứa tuổi, giới tính và tình trạng sinh lý. Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, nhu cầu năng lượng cho trẻ 2-3 tuổi (với cân nặng trung bình 14kg) là 1.180Kcal một ngày; trẻ 4-6 tuổi (nặng trung bình 20kg) cần 1.470Kcal và trẻ 7-9 tuổi (nặng trung bình 2kg) cần 1.825Kcal một ngày. Khẩu phần ăn với các loại thực phẩm quá cao về năng lượng có thể làm mức năng lượng cao vượt quá mức khuyến nghị, gây ra tình trạng trẻ thừa cân béo phì hoặc cơ thể không khoẻ do không được cung cấp đa dạng dưỡng chất, vi chất cần thiết. Dung nạp nhiều loại thực phẩm giàu năng lượng như váng sữa vượt mức năng lượng theo khuyến nghị về độ tuổi của trẻ sẽ gây ra tình trạng trẻ thừa cân, béo phì. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên chú ý đối tỷ trọng của 3 chất dinh dưỡng sinh năng lượng P:L:G (Protein:Lipid:Glucid). Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam thì tỷ lệ năng lượng được khuyến cáo cho trẻ (%) giữa Protein:Lipid:Glucid là 15:20-25: 65-60, có nghĩa là nếu khẩu phần ăn có 15% protein cần có tỷ lệ lipid tương ứng từ 20 đến 25% và glucid là 65 hoặc 60%. Để đảm bảo mức cân đối này, bạn nên hạn chế cho trẻ ăn nhiều các loại thực phẩm chế biến sẵn (thường có nhiều chất béo); các loại váng sữa quá giàu năng lượng; không uống các loại nước ngọt có ga; hạn chế bánh kẹo, đường, kem. Thứ 3 là cân đối giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao: Khi năng lượng ăn vào bằng năng lượng tiêu hao (chủ yếu cho các hoạt động thể lực), cơ thể sẽ khỏe mạnh, phát triển bình thường. Khi năng lượng ăn vào thấp hơn năng lượng tiêu hao sẽ dẫn đến hậu quả suy dinh dưỡng. Ngược lại, nếu năng lượng ăn vào vượt mức năng lượng tiêu hao quá nhiều, hậu quả sẽ là thừa cân, béo phì. Điều cuối cùng, cha mẹ nên cân đối năng lượng giữa các bữa ăn và sắp xếp thời gian ăn hợp lý. Theo đó, bạn có thể phân bố năng lượng hợp lý cho các bữa ăn: 30% năng lượng cho bữa sáng, 35% năng lượng cho bữa trưa, 25% năng lượng cho bữa tối và 10% năng lượng cho bữa phụ. Cân đối hợp lý khẩu phần ăn là điều cha mẹ nên làm để con trẻ được phát triển toàn diện. Để giúp trẻ phát triển lành mạnh và toàn diện, cha mẹ cần quan tâm đến sự cân đối năng lượng cung cấp khi cho trẻ ăn với 4 nhóm chất: đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên bổ sung những bữa ăn phụ với thực phẩm như sữa chua mỗi ngày để trẻ tiêu hoá tốt hơn, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Sữa chua trộn hoa quả, hoặc sữa chua có bổ sung chất xơ sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Phương Thảo Nguồn VNExpress