Công ty Phần Lan ZenRobotics vừa cho ra mắt một mẫu robot chuyên tái chế rác mà họ hi vọng có thể giúp giải quyết vấn đề rác thải ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Robot ZenRobotics Recycler (ZRR) là một cỗ máy thông minh biết cách phân loại các vật liệu xây dựng khác nhau ở một bãi rác xây dựng, biết chọn ra những loại rác tái chế được và tự đưa vào các thùng rác tái chế. ZRR được thiết kế để thay thế con người đang làm công việc phân loại này, vốn nguy hiểm, có hại cho sức khỏe nên thường là rất đắt đỏ. Trên toàn thế giới, rác thải từ xây dựng chiếm một phần ba tất cả các loại rác thải. Riêng nước Mỹ thải ra 325 triệu tấn rác thải xây dựng mỗi năm và Anh thêm 125 triệu tấn nữa. Rác thải sinh hoạt và công nghiệp đã giảm trong những năm gần đây ở các nước phát triển, theo Waste Watch, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Anh. Waste Watch cũng nói 80% rác thải con người thải ra có thể tái chế được hiện nay đi thẳng ra bãi rác. Tiến sĩ Harri Valpola của ZenRobotics và một robot ZRR - (Ảnh: CNN) Người sáng lập ZenRobotics Jufo Peltomaa nói vấn đề nghiêm trọng không kém ở châu Âu: “Ở EU (Liên minh châu Âu), mỗi năm có 900 triệu tấn rác thải xây dựng. Nếu đóng hộp nó lại thành một chiếc xe hơi trung bình, lượng rác đó sẽ xếp vòng quanh Trái đất 45 vòng”. Peltomaa và các cộng sự ở ZenRobotics đã chế tạo ZRR để đối phó với vấn đề này. “Đó là một công việc thực sự khó khăn trong ngành chế tạo robot - Peltomaa nói - Hiện không có hệ thống nào như thế trên thế giới, nên hệ thống của chúng tôi là đầu tiên”. ZRR xác định các loại rác thải khác nhau bằng một quy trình được gọi là “cảm ứng hỗn hợp”. Nhờ phân tích thông tin, các bộ cảm biến theo dõi các đồ vật được đặt trên một băng chuyền và đưa chúng vào các cầu trượt đặt xung quanh. Bộ cảm ứng hỗn hợp sử dụng nhiều công nghệ khác nhau bao gồm cân trọng lượng, quét 3-D, cảm nhận bằng xúc giác và phân tích quang phổ, biện pháp đo xem bao nhiêu ánh sáng phản chiếu từ các đồ vật với chất liệu khác nhau. ZenRobotics tin rằng sáng tạo của họ sẽ giúp giảm bớt gánh nặng phân loại rác do con người tiến hành hiện giờ. “Hiện tại, rác thải xây dựng do con người phân loại trực tiếp - Peltomaa nói - Đó là một giải pháp tốt hơn nhiều so với robot, nhưng lại nguy hiểm cho sức khỏe. Có nhiều vật liệu xây dựng độc hại, bén nhọn và dễ gây tổn thương, như kim loại nặng, amiăng…”. Peltomaa nói ý tưởng với robot tái chế đến với ông khi ông thức khuya xem một bộ phim tài liệu trên kênh Discovery về việc đập tan và tái chế một máy bay ném bom B52. Rác từ máy bay được đặt lên một băng chuyền và các công nhân sẽ phân loại chúng. Peltomaa nói ông lập tức chú ý hai điều: “Thứ nhất, rất nguy hiểm vì nhiều chất độc hại. Thứ hai, chúng tôi có công nghệ hoàn hảo để làm việc đó nên chúng tôi đã thử nghiệm với robot”. Nhờ các công nghệ phức hợp, về cơ bản ZRR có một “bộ não” giúp nó phân biệt chất liệu rác, gỗ, kim loại, đá… và quyết định sẽ làm gì. Lệnh sẽ được truyền từ não xuống cánh tay robot, bộ phận nhặt đồ vật và sắp xếp vào các thùng rác tương ứng. Nguồn KhoaHoc.com.vn