Wi-Fi (Wireless Fidelity) hay mạng 802.11 là hệ thống mạng không dây sử dụng sóng vô tuyến, giống như điện thoại di động, truyền hình và radio. Hệ thống này hoạt động ở một số sân bay, quán cà phê, thư viện, hoặc khách sạn. Hệ thống cho phép truy cập Internet tại những khu vực có sóng Wi-Fi, hoàn toàn không cần đến cáp nối. Điện thoại thông minh, máy tính bảng và card không dây có thể truy cập tín hiệu Wi-Fi. Ngoài các điểm kết nối (hotspot), các mạng Wi-Fi riêng cũng có thể được thiết lập để cá nhân hoặc doanh nghiệp sử dụng. Chủ nhà sử dụng bộ định tuyến (router) để thiết lập mạng Wi-Fi gia đình (được bảo vệ bằng mật khẩu), cho phép họ thoải mái sử dụng kết nối Internet trong ngôi nhà của mình mà không cần dây dẫn. Tên gọi 802.11 bắt nguồn từ Viện Kỹ thuật Điện và Điện tử IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers). Viện này tạo ra chuẩn cho nhiều giao thức kỹ thuật khác nhau, và sử dụng một hệ thống số nhằm phân loại chúng; 4 chuẩn thông dụng của Wi-Fi hiện nay là 802.11a/b/g/n. Hoạt động Truyền thông qua mạng không dây là truyền thông vô tuyến hai chiều. Cụ thể: - Thiết bị adapter không dây (hay bộ chuyển tín hiệu không dây) của máy tính chuyển đổi dữ liệu sang tín hiệu vô tuyến và phát những tín hiệu này đi bằng một ăng-ten. - Thiết bị router không dây nhận những tín hiệu này và giải mã chúng. Nó gởi thông tin tới Internet thông qua kết nối hữu tuyến Ethernet. Qui trình này cũng hoạt động với chiều ngược lại, router nhận thông tin từ Internet, chuyển chúng thành tín hiệu vô tuyến và gởi đến adapter không dây của máy tính. Sóng Wi-Fi Các sóng vô tuyến sử dụng cho Wi-Fi gần giống với các sóng vô tuyến sử dụng cho thiết bị cầm tay, điện thoại di động và các thiết bị khác. Nó có thể chuyển và nhận sóng vô tuyến, chuyển đổi các mã nhị phân 1 và 0 sang sóng vô tuyến và ngược lại. Tuy nhiên, sóng Wi-Fi có một số khác biệt so với các sóng vô tuyến khác ở chỗ: - Chúng truyền và phát tín hiệu ở tần số 2,5GHz hoặc 5GHz. Tần số này cao hơn so với các tần số sử dụng cho điện thoại di động, các thiết bị cầm tay và truyền hình. Tần số cao hơn cho phép tín hiệu mang theo nhiều dữ liệu hơn. - Chúng dùng chuẩn 802.11: • Chuẩn 802.11a phát ở tần số 5 GHz và có thể đạt đến 54 Mbit/giây. Nó cũng sử dụng mã OFDM. Những chuẩn mới hơn sau này như 802.11n còn nhanh hơn chuẩn 802.11a, nhưng 802.11n vẫn chưa phải là chuẩn cuối cùng. • Chuẩn 802.11b là phiên bản đầu tiên trên thị trường. Đây là chuẩn chậm nhất và rẻ tiền nhất, và nó trở nên ít phổ biến hơn so với các chuẩn khác. 802.11b phát tín hiệu ở tần số 2,4 GHz, nó có thể xử lý đến 11 megabit/giây, và nó sử dụng mã CCK (complimentary code keying). • Chuẩn 802.11g cũng phát ở tần số 2,4 GHz, nhưng nhanh hơn so với chuẩn 802.11b, tốc độ xử lý đạt 54 Mbit/giây. Chuẩn 802.11g nhanh hơn vì nó sử dụng mã OFDM (orthogonal frequency-division multiplexing), một công nghệ mã hóa hiệu quả hơn. • Chuẩn 802.11n cũng phát ở tần số 2,4 GHz, nhưng nhanh hơn so với chuẩn 802.11a, tốc độ xử lý đạt 300 Mbit/giây. - Wi-Fi có thể hoạt động trên cả ba tần số và có thể nhảy qua lại giữa các tần số khác nhau một cách nhanh chóng. Việc nhảy qua lại giữa các tần số giúp giảm thiểu sự nhiễu sóng và cho phép nhiều thiết bị kết nối không dây cùng một lúc. 3G là thuật ngữ dùng để chỉ các hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 3 (third generation). Mạng 3G cho phép truyền cả dữ liệu thoại và dữ liệu ngoài thoại (tải dữ liệu, gửi email, tin nhắn tức thời, hình ảnh...). 3G cung cấp cả hai hệ thống là chuyển mạch gói và chuyển mạch kênh. Hệ thống 3G yêu cầu mạng truy cập radio hoàn toàn khác so với hệ thống 2G. Điểm mạnh của công nghệ này so với công nghệ 2G và 2.5G là cho phép truyền, nhận dữ liệu, âm thanh, hình ảnh chất lượng cao cho cả thuê bao đứng yên và thuê bao đang di chuyển ở các tốc độ khác nhau. Với công nghệ 3G, các nhà cung cấp có thể mang đến cho khách hàng nhiều dịch vụ đa phương tiện, như âm nhạc chất lượng cao; hình ảnh video chất lượng và truyền hình số; dịch vụ định vị toàn cầu (GPS); email; video trực tuyến; game cao cấp;... Công nghệ 3G được các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động sử dụng như là xương sống của các mạng thoại, dữ liệu của họ. Tín hiệu được phân phối thông qua những tháp được đặt ở các khu vực đông dân cư. Trong số những thiết bị thường truy cập vào các mạng 3G có điện thoại di động, máy tính bảng. Công nghệ 3G được các nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn trên thế giới xây dựng thành 4 chuẩn 3G thương mại chính: • W-CDMA: Tiêu chuẩn W-CDMA là nền tảng của chuẩn UMTS (Universal Mobile Telecommunication System), được xem như là giải pháp thích hợp với các nhà khai thác dịch vụ di động sử dụng GSM, tập trung chủ yếu ở châu Âu và một phần châu Á (trong đó có Việt Nam). UMTS được tổ chức 3GPP tiêu chuẩn hóa (3GPP cũng là tổ chức chịu trách nhiệm định nghĩa chuẩn cho GSM, GPRS và EDGE). • CDMA2000: Một chuẩn 3G quan trọng khác là CDMA2000, là thế hệ kế tiếp của các chuẩn 2G CDMA và IS-95. Các đề xuất của CDMA2000 nằm bên ngoài khuôn khổ GSM tại Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. CDMA2000 được 3GPP2 - tổ chức độc lập với 3GPP - quản lý. Có nhiều công nghệ truyền thông khác nhau được sử dụng trong CDMA2000, bao gồm 1xRTT, CDMA2000-1xEV-DO và 1xEV-DV. CDMA 2000 cung cấp tốc độ dữ liêu từ 144 Kbit/s tới trên 3 Mbit/s. Chuẩn này đã được ITU chấp nhận. • TD-CDMA: Chuẩn TD-CDMA (Time Division CDMA), trước đây gọi là UTRA TDD, là một chuẩn dựa trên kỹ thuật song công phân chia theo thời gian (Time Division Duplex). Đây là chuẩn thương mại áp dụng hỗn hợp của TDMA và CDMA nhằm cung cấp chất lượng dịch vụ tốt hơn cho truyền thông đa phương tiện trong cả truyền dữ liệu lẫn âm thanh, hình ảnh. Chuẩn TD-CDMA và W-CMDA đều là những nền tảng của UMTS, được 3GPP tiêu chuẩn hóa, vì vậy chúng có thể cung cấp cùng loại của các kênh khi có thể. Các giao thức của UMTS là HSDPA/HSUPA cải tiến cũng được thực hiện theo chuẩn TD-CDMA. • TD-SCDMA: Chuẩn được ít biết đến hơn là TD-SCDMA (Time Division Synchronous Code Division Multiple Access) đang được các công ty Datang và Siemens phát triển tại Trung Quốc, nhằm mục đích như là một giải pháp thay thế cho W-CDMA. Nó thường xuyên bị nhầm lẫn với chuẩn TD-CDMA. Cũng giống như TD-CDMA, chuẩn này dựa trên nền tảng UMTS-TDD hoặc IMT 2000 Time-Division (IMT-TD). Tuy nhiên, nếu như TD-CDMA hình thành từ giao thức mạng cũng mang tên là TD-CDMA, thì TD-SCDMA phát triển dựa trên giao thức của S-CDMA. Nguồn PC World VN