Đại học FPT vừa được Tổ chức QS Stars công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao trở thành trường đại học Việt Nam đầu tiên đạt chuẩn quốc tế. Tạp chí PC World VN đã phỏng vấn ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT về các nội dung xung quanh sự kiện này. Ông Lê Trường Tùng đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng trường ĐH FPT. Đồng thời, ông cũng là Tổng Giám đốc Học viện quốc tế FPT; Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam. Ông tốt nghiệp đại học tại khoa Toán, ĐH Tổng hợp Mat-xcơ-va mang tên Lomonosov, bảo vệ Luận án Tiến sỹ tại Học viện kỹ thuật quân sự Việt Nam. QS Stars là tổ chức chuyên tư vấn giáo dục ĐH từ 1990 nhưng chính thức đánh giá - xếp hạng các trường đại học từ năm 2004. Việc xếp hạng các trường ĐH trên thế giới cũng mới diễn ra khoảng 10 năm. Hiện có 3 bảng xếp hạng chính thức trên thế giới của ĐH Giao thông Thượng Hải từ 2003; QS Stars từ 2004; Time Higher Education từ 2008. Hiện tại, trên thế giới ước tính có khoảng 200 trường ĐH được gắn sao. QS Stars đánh giá các trường đại học trên thế giới theo 2 loại hình: Một là xếp thứ hạng (Universities Ranking System); hai là gắn sao (Stars Rating). Thứ hạng của các trường trong bảng xếp hạng của QS Stars cũng là nguồn tham khảo của sinh viên thế giới khi tìm kiếm về thứ hạng (ranking) của một trường. Đại học FPT thành lập từ năm 2006. Hiện tại, trường đang đào tạo 7 chuyên ngành: Kỹ sư Công nghệ thông tin; Kỹ sư Điện tử viễn thông; Cử nhân Khoa học máy tính; Cử nhân Quản trị kinh doanh… Ngoài ra, còn có các hệ đào tạo trực thuộc khác như Cao đẳng FPT Polytechnic; Trung tâm đào tạo Lập trình viên quốc tế Aptech… Đại học FPT được QS Stars xếp vào nhóm trường ĐH 3 sao trên thế giới chủ yếu do những điểm nào? ĐH FPT được QS Stars đánh giá 3 sao dựa vào các yếu tố chính là hoạt động đào tạo, đóng góp xã hội và việc làm. Nếu chỉ tính riêng điểm dành cho đào tạo (Teaching) và đóng góp xã hội (Engagement) thì ĐH FPT được chuẩn 5 sao; còn việc làm (Employability) và cơ sở vật chất (Facilities) được 4 sao. Tuy nhiên, ngoài 2 yếu tố trên còn có các yếu tố khác như cơ sở vật chất, nghiên cứu, tỷ lệ sinh viên/giảng viên nước ngoài. Yếu tố đào tạo có được từ nỗ lực của bản thân ĐH FPT; còn việc tổ chức việc làm cho sinh viên thì ĐH FPT đã tập trung từ đầu. Về cơ sở vật chất, chúng tôi cũng có thêm điểm nhờ trường vừa đưa vào vận hành cơ sở mới tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc. ĐH FPT được QS Stars chấm 408/1.000 điểm. Theo thang điểm QS Stars thì cứ 250 điểm đạt chuẩn 2 sao; 400 điểm là 3 sao; 550 điểm là 4 sao; 700 điểm là 5 sao… Các mức độ gắn sao cách nhau 150 điểm. Ngoài ra, QS Stars còn tiêu chuẩn Five Stars plus dành cho trường ĐH nào được chấm điểm các yếu tố đều được 5 sao. Chi phí và thời gian khi ĐH FPT tham gia vào chương trình đánh giá - xếp hạng theo chuẩn QS Stars? Nếu xét về chi phí thì không quá lớn; chúng tôi mất khoảng 6 tháng từ lúc nộp hồ sơ - đánh giá - xếp hạng… cho đến lúc được QS Stars công nhận là ĐH 3 sao. Tiêu chuẩn này sẽ có giá trị trong vòng 3 năm; sau đó ĐH FPT cần đăng ký đánh giá lại. Điều quan trọng, qua tiêu chuẩn này, ĐH FPT sẽ nhìn thấy bản thân đang đứng ở vị trí nào so với các trường ĐH khác. Từ đó mới có cơ sở để thực hiện chiến lược phát triển - nâng tầm ĐH FPT. Hàng trăm trường đại học khác trên thế giới cũng tham gia vào chương trình xếp hạng này nhằm thúc đẩy việc phát triển. Chiến lược hội nhập quốc tế của ĐH FPT hoạch định ra sao trong tương lai? Chuẩn 3 sao QS sẽ góp phần thu hút sinh viên nước ngoài đến học? Theo quan điểm của QS Stars, một trường ĐH sẽ có 4 sứ mệnh: Thứ nhất là đào tạo; thứ nhì là việc làm; thứ ba là nghiên cứu và cuối cùng là toàn cầu hoá. Có những trường dù có số điểm trên 500 nhưng nếu không đạt tỷ lệ 5% sinh viên nước ngoài thì ĐH đó cũng không được 4 sao. QS Stars đưa ra một số yếu tố bắt buộc để các trường ĐH trên thế giới phấn đấu đạt chuẩn cao (4 - 5 sao). Yếu tố toàn cầu hoá được QS Stars chấm điểm dựa trên tỷ lệ giảng viên và sinh viên nước ngoài học tại một trường đại học. Toàn cầu hoá được QS Stars yêu cầu như một sứ mệnh bắt buộc và yếu tố then chốt. Họ chấm điểm dựa trên số lượng sinh viên đang học tại ĐH FPT; giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy; kế hoạch hàng năm sẽ nhận bao nhiêu sinh viên nước ngoài vào học và đưa bao nhiêu sinh viên Việt Nam ra nước ngoài… QS Stars yêu cầu phải có môi trường đa văn hoá trong một trường đại học quốc tế với sự tham gia học tập của sinh viên đến từ nhiều nước. Khi ĐH FPT bắt đầu tham gia vào nhóm các trường ĐH được gắn sao trên thế giới, việc trao đổi sinh viên giữa các trường sẽ trở nên dễ dàng hơn. Hầu hết các trường đều có nhu cầu trao đổi sinh viên với nhau nhằm tăng cường tỷ lệ sinh viên nước ngoài. Việc ĐH FPT được gắn sao sẽ tạo nên sự khác biệt như thế nào so với các trường ĐH trong nước? Về cơ bản, ĐH FPT khẳng định thêm uy tín khi có được QS Stars đánh giá 3 sao. Việc trở thành trường đại học đầu tiên tại Việt Nam được chuẩn quốc tế QS 3 sao sẽ góp phần tạo hình ảnh tốt cho nhà trường. Đồng thời, dựa trên báo cáo chi tiết của QS Stars - ĐH FPT sẽ tích cực cải tổ các bộ phận để tăng cường những điểm còn yếu (như nghiên cứu và toàn cầu hoá). Sang năm 2013, về chiến lược phát triển ĐH FPT sẽ tăng cường tỷ lệ giảng viên và sinh viên nước ngoài. Dự kiến, từ giữa năm 2013 sinh viên nước ngoài sẽ cùng học với sinh viên Việt Nam và sẽ được cấp bằng của ĐH FPT. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tăng cường số lượng môn học dạy bằng tiếng nước ngoài. Đồng thời ĐH FPT có kế hoạch mở cơ sở đào tạo (campus) tại nước ngoài trong tương lai gần. ĐH FPT cũng hướng đến việc tuyển sinh ở một số nước trong khu vực lân cận trong năm 2013. Ông có nghĩ rằng tiêu chuẩn này sẽ giúp cho ĐH FPT thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành CNTT-TT Việt Nam - hướng đến nâng tầm quốc tế cho nhân lực được đào tạo trong hệ thống ĐH FPT? Về định hướng đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT, các yếu tố được QS Stars nhắm đến để “chấm điểm - gắn sao” như đào tạo - việc làm - nghiên cứu - toàn cầu hoá đều cần cho sinh viên Việt Nam. Nếu Việt Nam muốn có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao cần hướng đến mục tiêu toàn cầu hoá; sinh viên Việt Nam phải hướng đến mục tiêu trở thành “công dân toàn cầu”. Đồng thời, có thể trong tương lai sẽ có thêm nhiều đại học Việt Nam tham gia vào cuộc chơi này (đánh giá theo chuẩn quốc tế). ĐH FPT dự kiến đăng ký với QS Stars tổ chức hội thảo quốc tế với sự tham gia của nhiều trường đại học vào năm 2016. Đây sẽ là cơ hội để các trường đại học Việt Nam giao lưu - trao đổi kinh nghiệm cùng với các trường đại học quốc tế. Nguồn PC World VN