Thứ sáu, 7/6/2013, 11:30 GMT+7 Một bé trai đang chơi piano trước các khán giả người lớn tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: CFP Nghiên cứu khảo sát 215 người mẹ và trẻ em ở Trung Quốc và Mỹ 6 năm trước vừa được các nhà khoa học công bố trên Child Development Journal. Các gia đình được khảo sát hai lần mỗi năm, để xác định mức độ cha mẹ kiểm soát tâm lý con cái bằng các hình thức như la mắng, làm cho trẻ cảm thấy có tội hoặc lạnh nhạt với trẻ. Các bậc cha mẹ được yêu cầu xác định mức độ tự trọng của họ dựa trên thành tích con mình đạt được. Ví dụ, họ có thể biểu đạt mức độ cảm thấy xấu hổ khi con mình thất bại. Kết quả, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng lòng tự trọng của các bà mẹ Trung Quốc phụ thuộc vào thành tích của con mình nhiều hơn so với các bà mẹ châu Âu hay Mỹ, đây chính là nguyên nhân tạo nên sự khác biệt giữa người mẹ Trung Quốc và Mỹ. Nghiên cứu cho biết mối tương quan giữa giá trị phụ thuộc vào con cái của phụ huynh và mức độ khắt khe của họ. Những bà mẹ có lòng tự trọng phụ thuộc vào con cái càng lớn, thì mức độ khắt khe của họ đối với con mình càng nhiều, Florrie Fei-Yin Ng, một giáo sư tâm lý tại Đại học Trung Quốc của Hồng Kông, cho biết. "Giá trị của người mẹ càng phụ thuộc vào thành tích của con cái, người mẹ sẽ càng tạo nhiều áp lực để thúc đẩy ép buộc con", Ng nói. Mặc dù nhiều gia đình nói rằng họ không muốn tạo nhiều áp lực cho con cái như cha mẹ họ từng làm, nhưng họ thừa nhận cảm thấy xấu hổ, mất mặt khi con thất bại hoặc học tập không tốt. Mức độ nói dối con trẻ Một nghiên cứu thực hiện kiểm tra mức độ nói dối của các bậc cha mẹ ở Mỹ và Trung Quốc cho thấy, phần lớn cha mẹ cả hai nước đều sử dụng lời nói dối, để tác động đến hành vi của con cái, nhưng gia đình Trung Quốc sử dụng "chiến thuật" này nhiều hơn. Các nhà khoa học tại Mỹ, Trung Quốc và Canada mời 114 cha mẹ ở Mỹ và 85 cha mẹ ở Trung Quốc xem danh sách liệt kể các lời nói dối người lớn thường dùng để nói với trẻ em như “Ăn hết đi nếu không con sẽ bị lùn", hoặc "nếu con không nghe lời, mẹ sẽ ném con xuống biển cho cá ăn". Người tham gia sẽ xác định họ từng sử dụng lời nói dối nào và mức độ có thể chấp nhận của những lời này. Kết quả, 84% cha mẹ Mỹ và 98% cha mẹ Trung Quốc thừa nhận từng sử dụng ít nhất một lời nói dối trong danh sách. Điều này chứng tỏ rằng các gia đình Trung Quốc nói dối con em nhiều hơn, và đối với họ đó là chuyện bình thường. Một gia đình Trung Quốc trong thí nghiệm nói rằng, khi dạy con, nói dối cũng là một điều tốt để giúp chúng phát triển và khỏi hư hỏng. Zou Hong, giáo sư tâm lý tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho rằng, niềm tin truyền thống của văn hóa Trung Quốc ảnh hưởng đến trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dạy con. Văn hóa Trung Quốc nhấn mạnh nhiều đến thẩm quyền của cha mẹ, cũng như sự tôn trọng và vâng lời từ phía người con. Xã hội cũng chịu một phần trách nhiệm trong lối ứng xử của các bậc phụ huynh. Các bậc cha mẹ Trung Quốc thường dựa vào con cái để chăm sóc trong tuổi già, vì vậy họ cố gắng mang lại cho con mình một tương lai tươi sáng nhất. "Bởi vì không thể dựa dẫm vào chính phủ hay xã hội, tôi đành phải dựa vào con của mình. Tương lai con tôi càng sáng sủa, cuộc sống của tôi càng được đảm bảo an toàn", một người mẹ có con trai 4 tuổi ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc cho biết. Tác động tiêu cực của lối cư xử quá khắt khe Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, quá khắt khe sẽ gây tác hại tiêu cực đến sự phát triển tâm lý của trẻ, dễ gây ra các bệnh như trầm cảm hoặc tự kỷ. "Nhiều gia đình, đặc biệt là ở Trung Quốc, thường quan tâm quá mức đến con cái của họ. Điều này không tốt trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, vì thế nên có khoảng cách phù hợp giữa cha mẹ và con cái", Florrie Fei-Yin Ng cho biết. Tuy nhiên, quan tâm đến con cái không phải là xấu, nhưng nó phụ thuộc vào cách ứng xử của cha mẹ với con mình. “Ý định của cha mẹ là tốt, nhưng họ không biết cách dạy dỗ và giao tiếp với con cái. Nhiều người chỉ bắt con mình vâng lời, mà không hề để ý đến suy nghĩ của chúng", Zou nhận định. Zou đặt niềm tin và hy vọng các thế hệ sau sẽ bớt khắt khe hơn cha mẹ của họ. "Thế hệ trẻ ngày nay có điều kiện học nhiều hơn kiến thức về tâm lý và cách làm cha mẹ, họ sẽ suy nghĩ về cách cha mẹ của họ đã dạy dỗ họ và có lẽ sẽ thay đổi phương pháp giáo dục con em", Zou nói. Trường Trang (theo Globaltimes) Nguồn VNExpress