Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho rằng người dân có thói quen quá nghe lời bác sĩ nên dễ bị lạm dụng điều trị kỹ thuật cao. Ông khuyên bệnh nhân "cần thay đổi", có quyền hỏi giá cả dịch vụ và cách điều trị... Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng người dân phải đọc kỹ giá cả, các điều kiện khám chữa khi đi khám bệnh để tránh bị thiệt hại. Ảnh: Hồng Hải. Trả lời phỏng vấn của VnExpress.net về tình trạng nhiều phòng khám ở Hà Nội dùng chiêu "móc túi" bệnh nhân, ông Cường cho rằng người dân phải nâng cao nhận thức, tự giám sát khi đi khám chữa. - Nhiều phòng khám tại Hà Nội bị độc giả VnExpress.net tố giác dùng nhiều chiêu trò "moi tiền" của bệnh nhân, cho thấy hiện tượng này khá phổ biến, nhất là ở phòng khám có yếu tố Trung Quốc. Ông nghĩ sao về việc này? - Sau khi báo chí đưa thông tin về các phòng khám "móc túi" bệnh nhân tại Hà Nội, Sở đã gọi đại diện phòng khám được chỉ mặt này đến thông báo sự việc. Chúng tôi muốn các cơ sở này hiểu rằng chúng tôi đã biết sự việc, sẽ tăng cường kiểm tra giám sát các vị và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm như phản ánh. Thanh kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh là công việc thường xuyên, nhiệm vụ của chúng tôi. Làm sao để các đơn vị này hoạt động đúng không chỉ là phát hiện sai phạm rồi xử lý, phạt nhiều họ cũng đâm nhờn. Chúng tôi có các nghiệp vụ riêng để các cơ sở không đủ điều kiện sẽ bị thanh lọc. - Các phòng khám kiểu này đều thu tiền cao cho những dịch vụ đơn giản, thổi phồng bệnh, nhẹ nói nặng, có nói không. Sở xử lý tình trạng này ra sao? - Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có hơn 3.000 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công. Nhiều phòng khám hoạt động tốt, nhưng vẫn có những nơi hoạt động không tốt. Vì thế, chúng tôi luôn có cơ chế thanh kiểm tra, giám sát, đồng thời khuyến khích người dân tự giám sát, phát hiện, trong quá trình khám chữa bệnh có gì băn khoăn, vướng mắc cần phản ánh ngay. Thực tế, chúng tôi cũng đã nhận được những phản ánh như vậy và đã tiến hành xử lý được một số cơ sở hoạt động chưa tốt. - Ông nghĩ thế nào về mức giá điều trị quá cao, lên tới hàng trục triệu cho một bệnh nhẹ như viêm âm đạo, nam khoa..., tại các phòng khám như vậy? - Các phòng khám tư nhân được quyền tự công bố giá nhưng phải niêm yết giá công khai, nếu kiểm tra không có niêm yết sẽ bị xử phạt. Giá này phải được sự đồng ý của người bệnh. Vì thế, người dân đi khám cần tạo thói quen hỏi cụ thể giá thành các dịch vụ, các bước trị liệu, thời gian và tự đưa ra quyết định có thực hiện không. Khi có băn khoăn thì thông báo cho cơ quan quản lý. - Thực tế, nhiều người dân, nhất là từ các vùng nông thôn, điều kiện tiếp cận với các cơ sở khám chữa bệnh còn hạn chế, đôi khi chỉ đến một cơ sở nào đó vì nghe quảng cáo. Họ phải tự giám sát và nhận biết phòng khám không tốt bằng cách nào? - Người dân mình vẫn có thói quen đi khám bệnh thì nhất nhất nghe lời bác sĩ, không dám hỏi lại, nói lại. Điều này cần thay đổi. Họ phải biết mình có quyền hỏi giá cả, lý do chỉ định biện pháp điều trị... Người đi chữa bệnh phải có kiến thức cơ bản, hỏi bác sĩ xem tôi bệnh như vậy có cần điều trị như thế không... để tránh việc bị lạm dụng các xét nghiệm hay sử dụng kỹ thuật cao. Cũng từ các câu hỏi trên, họ sẽ quyết định có khám chữa hay không. - Nhiều phòng khám không cung cấp sổ y bạ, kết quả xét nghiệm cho người bệnh. Quy định chung về quản lý hồ sơ bệnh án tại các phòng khám chữa bệnh tư nhân như thế nào? - Đã là cơ sở khám chữa bệnh thì phải cung cấp sổ y bạ, chứng từ, kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân, dù công hay tư. Bác sĩ điều trị phải ghi rõ trong sổ y bạ về chẩn đoán, chỉ định, liệu trình điều trị, thuốc sử dụng... nếu không làm theo là sai. Nếu nhận được những phản ánh về các sai phạm này, thanh tra y tế sẽ đến ngay. Vấn đề là, nhiều người bệnh đi khám vẫn có tâm lý e ngại, có khi gặp khúc mắc nhưng mấy tháng sau mới phản ánh. Khi đó, vấn đề đã mất đi tính thời sự và việc kiểm tra lại, xử lý sai phạm sẽ khó khăn hơn. - Tất cả các phòng khám bị đánh giá "móc túi người bệnh" đều có nhiều đặc điểm giống nhau như quảng cáo thổi phồng, điều trị bằng truyền thuốc, nằm sóng ngắn... giống như mang tính hệ thống. Ông nghĩ thế nào về điều này? - Không thể nói các phòng khám trên đều là cùng một hệ thống. Những nơi đó chỉ cùng hệ thống khi có cùng một chủ đầu tư, trong khi thực tế các đơn vị này có những người phụ trách độc lập. Các cơ sở này có nhiều đặc điểm giống nhau có thể do họ tự tìm hiểu, học cách làm của nhau thôi. - Mức phạt cho các phòng khám vi phạm hiện rất thấp (vài triệu đến vài chục triệu đồng), trong khi họ thu tiền bệnh nhân rất cao, lên đến hàng chục triệu đồng mỗi người. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả xử phạt như vậy? - Việc xử phạt đều phải căn cứ vào các quy định cụ thể. Trước đây, chúng tôi xử lý vi phạm theo khung quy định trong Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Hiện nay, căn cứ để xử phạt là theo Nghị định 96 về xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, căn cứ theo thực tế hiện nay, thanh tra sở cũng đã thực hiện các hình thức xử lý khác để tăng hiệu quả. Chẳng hạn, nếu khi kiểm tra phát hiện phòng khám có các sai phạm, Sở sẽ yêu cầu cơ sở viết cam kết không tiếp tục vi phạm, nếu tái phạm sẽ thu hồi giấy phép. - Nhiều người bệnh phản ánh sự có mặt của các bác sĩ Trung Quốc tại một số phòng khám ở Hà Nội. Ở thủ đô hiện có bao nhiêu đơn vị được cấp phép sử dụng bác sĩ Trung Quốc và tình hình hoạt động của các cơ sở này? - Hiện nay ở Hà Nội có 29 phòng khám yếu tố nước ngoài, trong đó 9 cơ sở có bác sĩ Trung Quốc (gồm 14 người) tham gia khám chữa. Trong hoạt động thanh tra, chúng tôi phát hiện nhiều phòng khám đăng ký có bác sĩ Trung Quốc nhưng không còn làm việc nữa, chỉ 8 cơ sở còn bác sĩ Trung Quốc hoạt động. Nếu báo chí có bằng chứng cụ thể về thời điểm phòng khám nào sử dụng bác sĩ chưa được cấp phép, chúng tôi sẽ có hướng xử lý theo các quy định rõ ràng. Người dân hay báo chí, khi có phát hiện sai phạm, chỉ cần gọi tôi hay số đường dây nóng của Sở Y tế 0439985765 là chúng tôi sẽ đến ngay để kiểm tra, xử lý. Mới đây, một bệnh nhân đến chữa nam khoa tại Phòng khám đa khoa Thiên Tâm (212 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) cho biết anh điều trị tại đây 3 lần bằng nằm sóng ngắn và truyền kháng sinh nhưng bệnh ngày càng nặng. Phòng khám cũng không đưa sổ y bạ hay hóa đơn cho mỗi lần khám, chữa. Sau đó, một số phòng khám khác trên địa bàn Hà Nội ở đường Cảm Hội, Ngô Quyền, Khương Trung, Nguyễn Lương Bằng, Trần Duy Hưng... cũng bị phát hiện những sai phạm tương tự. Nhiều người phanh phui từng bị các phòng khám này "móc túi" bằng các chiêu "vẽ bệnh", kéo dài liệu trình... Minh Thùy Nguồn VNExpress