Từ bé tôi bị sa trực tràng, rối loạn tiêu hóa, nay lại thêm bệnh trĩ. Tôi đang làm cán bộ tín dụng ngân hàng, công việc áp lực ảnh hưởng như thế nào đến điều trị? Tôi là nam, 28 tuổi. Từ bé tôi đã sa một đoạn ruột màu đỏ khoảng gần 1,5 cm. Lúc đi đại tiện xong nó có thể tự co lên nên cũng không gây phiền hà hay ảnh hưởng gì đáng kể. Vào năm lớp 11, tôi bị bệnh đường ruột nên rất hay bị đau bụng đi ngoài, lúc đi ra phân đen, hoặc táo, hoặc nát, hoặc lỏng. Từ đó đến nay đã 9 năm, tôi chạy chữa khắp nơi mà không khỏi. Có lẽ vì thế mà bệnh trĩ đã gây phiền cho tôi. Tôi đi ngoài hay bị ra chất nhầy, đi rất lâu, có lúc 30 phút, bình thường cũng mất 10 đến 15 phút, thỉnh thoảng có ra máu nhìn thấy ở giấy vệ sinh. Đại tiện xong tôi thường thấy ê ẩm ở vùng hậu môn. Vì bệnh đại tràng (hoặc ruột kích thích) chữa mãi không khỏi nên tôi đành tạm gác lại và chữa bệnh trĩ trước. Xin bác sĩ cho biết tôi đang bị trĩ giai đoạn nào, trĩ độ mấy, phác đồ điều trị ra sao. Hiện tôi đang làm cán bộ tín dụng ngân hàng, công việc áp lực ảnh hưởng như thế nào đến điều trị? Cảm ơn bác sĩ (Nguyen) Trả lời Chào bạn, Như trong thư bạn nêu, bạn đã bị sa trực tràng từ lúc còn nhỏ nhưng bạn không nêu rõ là hiện tại bệnh này diễn tiến ra sao, cụ thể là khối sa ra ngoài hiện nay như thế nào. Thời gian sau này bạn lại có vấn đề ở đường ruột nên có bất thường trong việc đại tiện. Yếu tố đi cầu ra máu là triệu chứng có trong rất nhiều bệnh lý. Ở người bình thường, khi có triệu chứng đi cầu ra máu, thường người ta nghĩ đến là do bệnh trĩ, do xuất độ bệnh này có nhiều. Tuy nhiên cũng không ít người khi đi khám trĩ thì phát hiện ra một bệnh lý đường ruột khác hoặc đơn thuần, hoặc có phối hợp với bệnh trĩ. Việc điều trị cũng phải tùy vào bệnh nhân bị bệnh như thế nào để đề ra phương pháp điều trị thỏa đáng. Đôi lúc bệnh trĩ xuất hiện như là một biến chứng của một bệnh lý khác nên có khi phải điều trị bệnh lý gốc trước thì việc điều trị trĩ mới có hiệu quả. Trường hợp của bạn, do có nhiều vấn đề ở đường ruột, theo tôi, bạn nên đến khám ở một cơ sở chuyên khoa để đánh giá lại tình trạng bệnh mà không nên tự ý điều trị tại nhà như một người có bệnh trĩ thông thường khác. Chúc bạn khỏe! Bác sĩ Tô Vĩnh Ninh BV Nhân dân Gia Định Nguồn VNExpress