'Đón sóng' đầu tư từ Nhật: Chưa bao giờ là quá muộn

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Jun 4, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 432)

    Không ít công ty IT trong nước nghĩ rằng doanh nghiệp Nhật khi tới Việt Nam chỉ biết đến FPT và một số tên tuổi "lão làng" khác nên họ còn ít cơ hội để tìm hiểu và cạnh tranh.


    Theo báo cáo của Bộ Kinh tế Nhật Bản, thị trường gia công phần mềm nước này trị giá lên tới 30 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, hơn 97%, tương đương 29 tỷ USD, vẫn do các công ty Nhật đảm nhận, chỉ 2,4% (khoảng 720 triệu USD) được đặt hàng gia công ở nước ngoài. Trong số đó, các công ty Trung Quốc chiếm 75% - 80%, còn tổng giá trị đơn hàng các doanh nghiệp Việt Nam giành được chỉ bằng 1/30 so với Trung Quốc. Không những thế, thị phần khiêm tốn của Việt Nam lại nằm trong tay một số nhỏ các công ty IT nhất định, chưa kể đa số tin rằng Nhật là thị trường khó tính, khó tiếp cận.

    "Thị trường gia công phần mềm của Nhật tuy có quy mô lớn nhưng lại phong phú đa dạng. Chính vì vấn đề phong phú đa dạng này mà một công ty phần mềm của Việt Nam không thể nào đáp ứng được hết. Tổng lượng công việc rất nhiều nhưng những hợp đồng phù hợp với năng lực của công ty phần mềm Việt Nam lại không phải là tất cả. Năng lực càng thấp thì loại công việc dành cho mình càng ít và còn bị cạnh tranh bởi rất nhiều công ty năng lực thấp tương đương mình nữa. Sự cạnh tranh này đến từ các công ty phần mềm ở vùng xa của Nhật, từ Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và sau đây sẽ còn có cả Myanma. Cách để một công ty phần mềm Việt Nam có thể nhận được nhiều công việc hơn không có con đường nào khác ngoài việc nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu khách hàng cả về chất và về lượng", ông Lê Quang Lương, Tổng giám đốc Luvina - công ty bắt đầu làm việc với Nhật từ năm 2004, nhận định.

    Tuy nhiên, theo khảo sát của Cơ quan xúc tiến thương mại CNTT Nhật Bản (IPA), 3 năm qua Việt Nam liên tục là đối tác ưa thích số một của các doanh nghiệp Nhật. Đơn giá gia công của Việt Nam thấp hơn của Trung Quốc, Ấn Độ khoảng 30-35%. Mối quan hệ Nhật - Trung đang diễn biến phức tạp nên không ít công ty có nhu cầu gia công của Nhật đang tính chuyện chuyển hướng đặt hàng sang các nước khác để tránh rủi ro và cắt giảm chi phí. Vì vậy, đây được coi là cơ hội "nghìn năm có một" cho các doanh nghiệp Việt Nam để gia nhập và mở rộng thị phần tại Nhật.

    [​IMG]
    Ngày CNTT Việt Nam tại Nhật Bản 2013 (Vietnam IT Day in Japan 2013) diễn ra ở Tokyo cuối tháng 2 thu hút sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp Nhật.

    Rào cản khi tiếp cận thị trường Nhật

    Ông Phạm Tấn Công, Phó chủ tịch Hiệp hội phần mềm Việt Nam VINASA, khẳng định hiện nay đối với các công ty CNTT Việt Nam, Nhật Bản "là thị trường xuất khẩu phần mềm quan trọng nhất". Tuy nhiên, chinh phục thị trường này không hề dễ dàng.


    Ông Lương của Luvina cho hay, làm việc với thị trường Nhật, bất kỳ công ty Việt Nam cũng gặp hai loại khó khăn cơ bản là làm thế nào để chiếm lòng tin của khách hàng và xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Khách hàng Nhật ít tin vào lời hứa mà họ chỉ tin vào những sự kiện, dữ liệu nhìn thấy được, vì thế cần tạo những thành tích ban đầu dù là nhỏ để xây dựng được lòng tin nhỏ từ khách hàng, rồi từng bước mở rộng mà không được đánh mất những gì mình làm được trong quá khứ. Tùy năng lực của mình mà phải tìm kiếm những khách hàng, đối tác có quy mô, năng lực phù hợp, không được tham lam vươn tới những hợp đồng quá sức rồi chuốc lấy thất bại, làm mất lòng tin đã dày công xây dựng.

    Ông Nguyễn Đoàn Hùng, Chủ tịch CLB hợp tác CNTT Việt Nhật và là Phó tổng giám đốc NEC Vietnam giai đoạn 2008-2012, lại cho hay: "Khó khăn thì rất khó khăn trong bước đầu vì hầu hết kỹ sư của công ty đều không biết tiếng Nhật, phải học từ đầu. Rồi phải dùng biên phiên dịch để dịch tài liệu kỹ thuật từ tiếng Nhật sang tiếng Việt, nhưng biên phiên dịch lại không quen các từ chuyên môn trong IT... Phải đến 4-5 năm sau mọi người mới quen dần với ngôn ngữ và công việc". Thành quả là sau vài năm làm việc, NEC Soft đã đề nghị mua lại 100% cổ phần và sáp nhập công ty của ông Hùng thành bộ phận gia công phần mềm cho tập đoàn NEC tại Việt Nam.

    "Thời gian đầu mới làm quen với thị trường Nhật, V-Next gặp rất nhiều khó khăn. Vạn sự khởi đầu nan, chúng tôi vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình. Những khó khăn ban đầu thường bắt nguồn từ cách thức quản lý dự án, phương thức giao tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng, thậm chí là từ vấn đề khác biệt ngôn ngữ. Sau đó chúng tôi rút ra rằng khách hàng Nhật Bản là những người làm việc rất cẩn trọng và tỉ mỉ, họ cũng rất quan tâm tới tiến độ từng bước của dự án cũng như chất lượng có đúng với bản mô tả yêu cầu hay không. Chính vì những điều này chúng tôi đã tìm hướng giải quyết, chúng tôi tìm hiểu kỹ về văn hóa giao tiếp và làm việc của người Nhật đặc biệt là văn hóa HoRenSo", ông Hán Văn Thắng, Tổng giám đốc V.NEXT, đại diện cho những công ty trẻ mới gia nhập thị trường Nhật (từ năm 2008), chia sẻ.

    Trong khi đó, ông Đoàn Mạnh Cường, Tổng giám đốc Vinicorp và được đánh giá là một trong những doanh nghiệp phát triển tốt trong quá trình hợp tác với Nhật, cho hay nhiều công ty phần mềm Việt Nam còn yếu khả năng đàm phán về mô hình triển khai công việc trong sản xuất và gia công phần mềm. "Chỉ khi có mô hình và quy trình làm việc tốt thì mới mang lại hiệu quả công việc. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng sự tin tưởng từ đối tác. Và đây là yếu tố mấu chốt mang lại sự thành công khi làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản", ông Cường nhận định."Các doanh nghiệp cũng cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng về văn hóa, thói quen làm việc, hình thức nghiệm thu và thời gian thanh toán của các doanh nghiệp Nhật Bản trước khi đàm phán để có thể dễ dàng tìm tiếng nói chung".

    'Đón sóng' đầu tư từ Nhật

    Theo thống kê của IPA, có tới 31,5% trong số 1.100 công ty IT Nhật Bản tham gia khảo sát khẳng định đang cân nhắc chọn Việt Nam làm offshore (đặt hàng gia công phần mềm), trong khi Ấn Độ là 20,6% và Trung Quốc chỉ là 16,7%. Các chuyên gia CNTT tại Việt Nam đánh giá đây là tín hiệu vui trước sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật với thị trường Việt Nam, nhưng cũng không ít người lo rằng các công ty VN sẽ không đáp ứng được cơ hội lớn đang đến.

    Ông Lê Quang Lương chia sẻ câu chuyện thú vị để cho thấy lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam: "Tuần trước, tôi vừa ăn tối với một công ty Nhật lần đầu gặp gỡ Luvina. Giám đốc công ty này tâm sự rằng ông ta đã thử giao hợp đồng cho đối tác Trung quốc, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam, nhưng chỉ Việt Nam mới tạo được kết quả tốt nhất. Ông giám đốc này còn rất mê món rau muống xào tỏi ăn với cơm trắng và tự cho rằng đối với ông ta, món này được xếp trong top 5 món ngon nhất thế giới. Đây là ví dụ mà tôi cảm thấy rất thú vị, có thể minh chứng cho năng lực của các công ty Việt Nam và sức mạnh văn hóa ẩm thực Việt Nam, dù nó hơi phiến diện. Trong hợp tác kinh doanh với người Nhật, yếu tố chất lượng hàng hóa , dịch vụ là vấn đề then chốt, nhưng yếu tố hòa hợp văn hóa, khí hậu, con người, món ăn… cũng là một thế mạnh mà chúng ta phải tích cực khai thác để chinh phục khách hàng".

    Ông Lương nhận định trên "đấu trường" Nhật Bản, Trung Quốc là đối thủ đáng gờm. Họ học tiếng Nhật rất nhanh, số lượng lập trình viên cũng đông hơn của Việt Nam nhiều lần, chưa kể kinh nghiệm làm với Nhật của họ cũng đi trước khoảng 12 năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự tăng giá của đồng nhân dân tệ làm tăng chi phí sản xuất phần mềm ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Bên cạnh đó, quan hệ chính trị Trung - Nhật trở nên căng thẳng khiến các công ty Nhật từ chỗ coi Việt Nam là giải pháp "Trung quốc + 1" thì nay đã bắt đầu coi Việt nam như một đối tác chiến lược lâu dài nhằm cân bằng lại sự phụ thuộc vào Trung Quốc. "Tôi nhận thấy sự dịch chuyển này đã âm thầm diễn ra từ giữa năm 2012 và bắt đầu rõ nét trong năm 2013, đánh dấu bằng các hoạt động giao lưu doanh nghiệp IT được tổ chức bởi Thời báo kinh tế Nhật, bởi số lượng đoàn khách doanh nghiệp Nhật đến Việt Nam…", Giám đốc Luvina cho hay. "Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam vẫn chưa đủ về chất và lượng, và không loại trừ khả năng chúng ta sẽ để vuột mất cơ hội này rồi sẽ phải đợi làn sóng tiếp theo".

    "Khi gặp đàn cá lớn như vậy, nếu không có sự chuẩn bị tốt thì doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có nguy cơ 'thủng lưới'. Mà nếu 'thủng lưới' với Nhật thì 'cá' sẽ đi hết luôn vì các đối tác Nhật luôn đòi hỏi rất cao về chất lượng", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội VINASA, ví von.

    [​IMG]
    Ngày càng có nhiều doanh nghiệp IT Việt Nam ký được những hợp đồng quan trọng với Nhật.

    Trước những lo ngại về việc doanh nghiệp IT trong nước còn e dè khi tiếp xúc với thị trường Nhật do đánh giá đây là thị trường khó tính, ông Hùng, Chủ tịch CLB hợp tác CNTT Việt Nhật, khẳng định: "Tôi nhận thấy tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt và Nhật còn rất nhiều triển vọng kể cả sau vài chục năm nữa. Doanh nghiệp Nhật lúc nào cũng cần nhân lực về IT với chi phí thấp mà trên thế giới chỉ có vài quốc gia có nền văn hóa dựa trên tiếng Hán như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc... Trong số này chỉ có Việt Nam có lợi thế về lực lượng kỹ sư trẻ với chi phí thấp hơn 30-35%. Do đó, các doanh nghiệp trong nước nếu quyết tâm làm phần mềm cho thị trường Nhật thì khả năng phát triển còn rất nhiều. Từ vài chục kỹ sư chúng ta có thể phát triển lên vài trăm, thậm chí vài nghìn kỹ sư cũng không phải chỉ là giấc mơ".

    Để phản bác quan điểm rằng hợp tác với Nhật hiện đã muộn vì thị trường đã nằm trong tay một số công ty nhất định, ông Hùng kể lại câu chuyện của bản thân ông: "Tôi thường động viên các nhân viên của mình rằng 'chú bắt đầu chuyển sang học về IT khi chú đã 30 tuổi, trước đó chú tốt nghiệp ngành Kỹ sư thủy sản. Ở bên Mỹ cũng có rất nhiều kỹ sư tin học là thiếu nữ Việt Nam và ngành này không đến nỗi khó như mọi người nghĩ đâu'. Kết quả là đã có vài nhân viên nữ của tôi chuyên thiết kế trang web đã chuyển sang làm lập trình viên và hiện đã trở thành trưởng nhóm phần mềm với mức lương cao".

    Châu An

    Nguồn: VNExpress
     
  2. Facebook comment - 'Đón sóng' đầu tư từ Nhật: Chưa bao giờ là quá muộn

Share This Page