Thứ sáu, 1/2/2013, 15:16 GMT+7 Một hố tử thần nuốt trọn xe ô tô trên đường ở trung tâm thành phố Quế Lâm. Ảnh: tt.mop. Theo Caixin Online, năm 2007, 54 hố địa ngục xuất hiện ở Trung Quốc. Năm 2008, con số tăng lên là 94. Năm 2009, số hố khổng lồ là 129. Chỉ tính riêng từ ngày 21/7/2012 đến 12/8/2012 ở Bắc Kinh có tới 99 hố tử thần. Nhà cửa, đường sá, ô tô, con người đều có thể trở thành nạn nhân của hố tử thần. Ngày 18/4/2012, hố tử thần xuất hiện ở Cáp Nhĩ Tân, sâu 13 m, đường kính 10 m cướp đi sinh mạng của một bé gái 8 tuổi. Cũng trong thời gian đó, ở Cáp Nhĩ Tân xuất hiện thêm 6 hố địa ngục nữa. Ngày 28/1, một hố tử thần sâu 9 m xuất hiện giữa đường phố tại thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông. Nó nuốt chửng 2 tòa nhà và khiến hơn 1.000 người dân xung quanh phải sơ tán. Câu hỏi vì sao Trung Quốc nhan nhản những hố địa ngục nguy hiểm vẫn là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng sự phát triển đến chóng mặt dẫn đến hoạch định cơ sở hạ tầng kém. Con người tác động làm hố sụt qua các hoạt động như khai thác nước ngầm quá mức, sự thay đổi về điều kiện khí tượng thủy văn, xây dựng đường sá quá nhiều làm tăng tải trọng lên lớp đất. Thêm vào đó, Bắc Kinh là "thành phố ngầm" xây dựng trong bối cảnh lo ngại cuộc tấn công hạt nhân khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô cũ đang căng thẳng. Ước tính có khoảng 20.000 hầm tránh bom ngầm trong lòng Bắc Kinh. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến thủ đô Trung Quốc đối mặt với tình trạng hố địa ngục liên tục xuất hiện. Ở một số thành phố khác, hệ thống đường ống dẫn nước mục nát cũng bị coi là nguyên nhân tạo ra các hố địa ngục vì nước rò rỉ làm xói mòn lớp đất trầm tích gây ra lún sụt. Ở tầm vĩ mô hơn, các chuyên gia cho rằng hố tử thần bắt đầu xuất hiện từ khi hành tinh X hay còn gọi là hành tinh ngoài sao Hải Vương đi vào hệ mặt trời, tạo ra các rung lắc của trái đất. Các tỉnh của Trung Quốc như Tứ Xuyên, Giang Tây, Hồ Nam, Quảng Tây chịu ảnh hưởng nhiều của sự rung lắc này và là "quê hương" của nhiều hố tử thần. Chẳng hạn, Tứ Xuyên chịu áp lực lớn nhất từ mảng Ấn - Úc. Theo Wikipedia, mảng này vẫn đang chuyển động với tốc độ 67 mm/năm, và hơn 10 triệu năm nữa nó sẽ đi sâu khoảng 1.500 km vào châu Á. Sự chuyển động của mảng Ấn Độ vào mảng châu Á cũng gây ra các hoạt động địa chấn như động đất thường xuyên ở khu vực này. Các tỉnh Giang Tây, Hồ Nam và Quảng Tây còn bị ảnh hưởng bởi hiện tượng đá vỡ của mảng Á - Âu. Đường nứt gãy Xianshuihe cũng đi qua các tỉnh này khiến địa chất vùng không ổn định. Theo Infonet Nguồn VNExpress