Kinh nghiệm công bố của các nghiên cứu viên trong nước

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Feb 1, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 593)

    Thứ sáu, 1/2/2013, 12:10 GMT+7
    [​IMG]
    [​IMG]
    Một giảng viên tại viện nghiên cứu thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội trong diễn đàn "Vì sao các nhà khoa học trong nước ít có công bố quốc tế" nói về những cố gắng của bản thân và nơi chị đang làm việc, mọi người vẫn luôn nỗ lực và có rất nhiều bài đăng trên tạp chí thế giới.
    "Trên diễn đàn của VnExpress, tôi thấy phần lớn các ý kiến của lãnh đạo hoặc nghiên cứu sinh tiến sĩ tại nước ngoài. Với cương vị là giảng viên hoàn toàn đào tạo trong nước, tôi xin có một số đóng góp để vấn đề đa chiều hơn.
    Tôi là người đào tạo cử nhân, đến giờ là nghiên cứu sinh, hoàn toàn trong nước, thế nên theo ý kiến một số người tôi có thể thuộc thành phần "bỏ đi" đối với khoa học, hoặc không xứng đáng với chức vụ giảng viên hiện nay của tôi. Nhưng tôi tự thấy mình cũng chưa đến nỗi "bỏ đi hoàn toàn" vì tôi vẫn còn những đam mê nghiên cứu và luôn cố gắng tiếp cận đến các chuẩn quốc tế.
    Tôi viết bài này không nhằm mục đích tham gia các chính sách cứu giúp nền khoa học Việt Nam, mà chỉ đóng góp cách làm của tôi, của cơ sở đào tạo tôi học trong nước làm thế nào để tiếp tục đăng các công trình đạt chuẩn quốc tế.
    Nếu các nghiên cứu sinh ở nước ngoài căn cứ vào điều kiện bên ngoài mà áp vào điều kiện Việt Nam, không ai nói các anh/chị sai nhưng là quá duy ý chí. Tôi tin rằng những gì tôi viết ra là tương đối khách quan và có thể áp dụng phần nào.
    Câu hỏi đầu tiên tôi đặt ra cho mình sau khi học đại học là làm thế nào để tôi có thể được làm nghiên cứu. Đầu tiên tôi học tập tác phong làm khoa học, đó là đọc tài liệu, sách vở, tìm đề tài đã có tiền tài trợ của các thầy đi trước, thực hiện nghiên cứu và viết bài báo công bố.
    Qua quá trình làm việc, dù chỉ là công bố trong nước nhưng tôi rèn luyện mình tác phong khoa học cần có, được các nhà khoa học khác phản biện và chấp nhận. Đó là điều quan trọng, cũng là bước đi đầu tiên cho những người trong nước như tôi, thay vì than thở tôi phải làm ở nước ngoài, hay vì trong nước nền khoa học "tụt hậu" tôi không làm đâu, hay làm làm gì rồi vứt xó để đó.
    Bước đầu tiên tôi xác định là phải có bắt đầu thì mới có phát triển. Tiếp theo sau khi viết khá ổn các tạp chí trong nước, tôi tham gia các hội nghị quốc tế, tập viết các chuyên đề để nâng cao tiếng Anh khoa học, và tiếp cận dần cách nhìn của thế giới.
    Tôi thường xuyên tìm kiếm các Cơ sở dữ liệu quốc tế đọc các trích yếu để có cái nhìn tổng quan, vừa là tìm các đối tượng nghiên cứu mà thế giới quan tâm. Tôi tìm những đối tượng vừa sức với mình nghiên cứu, và tôi đã đạt các kết quả khả quan có thể tương đối với các công bố quốc tế mà tôi đọc (đều thuộc chuẩn ISI) nhưng tôi vẫn không công bố được. Tôi hiểu rằng, tôi chưa từng có kinh nghiệm viết bài quốc tế, không biết văn phong cách viết thuyết phục người khác, không có thư từ trao đổi, phản hồi để các biên tập viên tin tưởng vào kết quả trong nước của tôi.
    Tôi lại tiếp tục hành trình tiếp cận với các chuẩn quốc tế. Cách tôi làm là tìm thầy hướng dẫn từng học nước ngoài và quan trọng là khi về Việt Nam các thầy vẫn tiếp tục nghiên cứu và vẫn đều đều công bố quốc tế. Thầy đặt cho tôi yêu cầu để bảo vệ nghiên cứu sinh trong nước như sau: có ít nhất 7 bài báo công bố, trong đó ít nhất hai bài có chỉ số SCI mà tôi phải đứng tên đầu tiên. Hiện giờ tôi lại tiếp tục nghiên cứu nhằm đạt điều đó và tôi tin mình sẽ làm được vì tôi có năng lực, niềm đam mê và rất nhiều nghiên cứu sinh trong nước của cơ sở đào tạo đã tốt nghiệp trên "chuẩn đầu ra" như vậy.
    Kinh nghiệm của ITIMS, Đại học Bách Khoa

    Nói về cách làm nơi tôi đang học tập và nghiên cứu là Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học vật liệu (ITIMS), thuộc đại học Bách Khoa Hà Nội, nếu các bạn tìm kiếm sẽ thấy đây là viện rất nhỏ với tầm chục giảng viên chính thức nhưng công bố gần 20 bài báo khoa học quốc tế một năm.
    Điều đầu tiên nhận thấy ở viện là các thầy cô đều truyền được niềm đam mê nghiên cứu cho nghiên cứu sinh. Bản thân chính họ là những tiến sĩ từng học nước ngoài trở về. Tuy nhiên, với nghị lực bản thân, họ vẫn tiếp tục nghiên cứu để công bố quốc tế ngay cả trong điều kiện làm việc Việt Nam.
    Khi ở nước ngoài, việc thực hiện nghiên cứu dễ dàng hơn nhiều do có các cơ sở nền móng trước đó, song thử hỏi bao nhiêu tiến sĩ trở về nước vẫn tiếp tục con đường nghiên cứu với xuất phát điểm là con số 0, trên tay là tấm bằng đào tạo tại nước ngoài. Chính vì thế tôi nhìn thấy họ, tin tưởng vào họ hơn là lời nói suông của các nghiên cứu sinh đang làm tại nước ngoài.
    Thứ hai, viện ITIMS thực hiện kết hợp các nguồn lực nghiên cứu. Nguồn lực nghiên cứu của viện tập trung lớn vào số lượng nghiên cứu sinh, học viên cao học hàng năm là những người thực hiện thí nghiệm, đo đạc trên cơ sở định hướng của thầy cô đi trước. Chính lực lượng này là lực lượng hỗ trợ lớn cho công việc nghiên cứu tại viện.
    Thứ ba, ITIMS xác định làm thế nào để đảm bảo chất lượng đào tạo, cũng như chất lượng của nguồn lực nghiên cứu này. Khi bất cứ ai chọn cơ sở đào tạo tại đây, hầu hết đều có chút năng lực và niềm đam mê nghiên cứu, còn người học chỉ lấy bằng sẽ không dại gì chọn nơi này, vì viện có một chương trình học rất nặng, với hội thảo, thảo luận, viết báo cáo thường xuyên, họp nhóm nghiên cứu một tuần một lần. Chính việc nâng cao yêu cầu này làm cho các học viên như tôi buộc phải vận động và làm việc tích cực.
    ITIMS luôn đảm bảo chất lượng nhờ quản lý chuẩn "đầu ra", chỉ khi nghiên cứu có ít nhất hai bài báo có chỉ số SCI đứng tên đầu tiên, thầy giáo mới ký cho bạn bảo vệ. Dù bạn có làm 3 năm 4 năm thậm chí 7, 8 năm tùy thuộc nỗ lực của bạn, vì thế dĩ nhiên chẳng ai muốn bò ra chục năm không được bảo vệ, đành phải cố gắng phấn đấu làm việc nghiên cứu tích cực thôi.
    Nếu như nhà nước quyết tâm thắt chặt các chuẩn đầu ra và chuẩn đầu ra này là chuẩn thế giới công nhận thì tôi nghĩ một phần sẽ được giải quyết tồn tại của nền khoa học nước nhà, mà tôi gọi là một mình một ngựa. Ví dụ như giáo sư, phó giáo sư cũng phải có chuẩn nào đó. Học viên cao học, nghiên cứu sinh cũng có chuẩn đầu ra, ví dụ ít nhất một bài đăng ISI chẳng hạn.
    Xin đề tài, nhận đề tài phải dựa trên số chuẩn bài báo quốc tế công bố trước đó, tôi nghĩ nạn chạy đề tài sẽ bớt đi phần nào. Đề tài nhận rồi, cũng cần có chuẩn chứ đừng tự ngồi gật gù phản biện với nhau rồi xếp loại cho qua, không đạt chuẩn trả lại tiền nghiên cứu cho nhà nước. Còn chuẩn quốc tế thì tùy từng ngành mà xét, như ngành của tôi thường dùng chuẩn ISI để đánh giá.
    Tôi không có điều kiện đi học nước ngoài, do đó cái nhìn trong nước của tôi có thể hạn hẹp, nhưng đó là cái nhìn từ thực tiễn Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ đóng góp phần nào ý kiến cho vấn đề đa chiều hơn xuất phát từ mong muốn của bản thân để nền khoa học Việt Nam phát triển.
    Thanh Tâm
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Kinh nghiệm công bố của các nghiên cứu viên trong nước

Share This Page