Bà mẹ đang nuôi con nhỏ nào cũng sợ con bị còi xương, ảnh hưởng đến chiều cao. Tuy nhiên, không phải cứ ăn thật nhiều nước hầm xương, uống bổ sung canxi... là có tác dụng, ngược lại có thể gây hại cho thận nếu bổ sung thừa canxi. Tiến sĩ Hoàng Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Hà Nội), nhiều người nghĩ đơn giản cứ đưa canxi vào thật nhiều là con không bị còi xương. Điều này không hẳn như thế. Vi chất này có cơ chế hấp thụ riêng. Canxi muốn được sử dụng trong cơ thể thì phải có vai trò của vitamin D. Vi chất này giống như là người điều hành ở trung ương, có cho canxi vào xương hay không thì canxi mới được phép vào. Vì thế, muốn phòng còi xương, hấp thu được canxi thì phải đủ vitamin D. Tương tự, muốn điều trị còi xương thì đầu tiên phải dùng vitamin D, tiến sĩ Thanh cho biết. Theo tiến sĩ, có 3 nguồn cung cấp vitamin này gồm: thức ăn hằng ngày, ánh nắng mặt trời và uống. Trong đó, nguồn chính tạo D là ánh nắng mặt trời, nó có tác dụng chuyển hoá vitamin D ở dạng chưa hoạt động dưới da thành dạng hoạt động. Vì thế, để chống còi xương, việc cho trẻ ra ngoài nắng rất quan trọng - tiếp xúc với ánh nắng sớm 15-30 phút mỗi ngày. Để phòng thiếu canxi, trẻ cần được tắm nắng hợp lý, ăn thực phẩm giàu canxi... Ảnh minh hoạ: P.N. Thực tế, việc tắm nắng cho trẻ còn chưa được quan tâm thỏa đáng. Ở nhiều địa phương, nhiều bà mẹ vẫn giữ thói quen kiêng cữ trẻ trong 3 đầu, cho trẻ ở trong phòng tối, không cho ra ngoài nắng. Trẻ ở thành thị hiện có tỷ lệ thiếu vitamin D cao hơn trẻ nông thôn. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp vitamin D trong khẩu phần ăn chủ yếu từ các sản phẩm có nguồn gốc động vật, trong đó có trứng, sữa, thịt… Với trẻ, trứng và sữa là sản phẩm rất cân đối, tốt. Các bà mẹ có thể cho con ăn một quả trứng mỗi ngày cũng không có vấn đề gì. Tuy nhiên, có vitamin D mà thiếu canxi để đưa vào xương thì cũng không đuợc. Vấn đề là bổ sung như thế nào là đủ, nguồn nào hấp thu được. Việc ninh xương, ăn cốm canxi tưởng cung cấp đủ nhưng thực chất canxi đó hấp thu kém. Nguồn canxi cơ thể có thể hấp thu hiệu quả là trong tự nhiên như trong tôm, cá tươi, thịt, trứng - canxi hữu cơ. “Không phải cứ uống canxi, đưa canxi vào cơ thể thật nhiều là tốt. Cái gì cũng vậy, thừa quá cũng không tốt. Cơ thể không hấp thu được”, tiến sĩ Thanh nói. Theo thạc sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, thiếu vitamin D và canxi trẻ sẽ bị còi xương. Nếu trẻ rơi vào nhóm có nguy cơ thiếu các vi chất này hoặc nghi ngờ chế độ ăn hằng ngày không cung cấp đủ thì việc bổ sung là cần thiết. Tuy nhiên, uống bổ sung như thế nào thì cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự uống. Thừa canxi dẫn đến gây mệt mỏi, chán ăn, sỏi thận, tăng huyết áp..., xương cốt hoá sớm trẻ có thể bị thấp chiều cao. Trong khi đó, thừa vitamin D có thể làm cho trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp có thể bị thiểu năng, kém trí tuệ. Có trường hợp bổ sung Vitamin D quá nhiều có thể gây suy thận và tử vong rất nhanh. Nhiều cha mẹ chỉ quan tâm đến việc uống canxi mà quên mất, nguồn bổ sung quan trọng, trẻ dễ hấp thu là từ sữa, thực phẩm… Trong đó phải kể đến hải sản, ngoài giàu vitamin, đạm, nó cũng rất giàu khoáng chất, trong đó phải kể đến canxi. Theo thạc sĩ Hải, từ tháng thứ 6 bé có thể ăn được hải sản, trẻ ăn cá nào cũng được nếu ăn cá hồi thì lại càng tốt. Khi bắt đầu ăn chỉ ăn 1 thìa cà phê thịt cá, tôm xay nhỏ, sau đó mới tăng dần lên. Từ 7 tháng tuổi trẻ có thể ăn được tất cả các loại thực phẩm giống người lớn, chỉ khác về số lượng và cách chế biến. Tôm là thức ăn giàu đạm và canxi. Từ tháng thứ 7 trở đi các bà mẹ có thể cho con ăn tôm đồng, tôm biển. Cua đồng là thức ăn chứa hàm lượng canxi cao, vì vậy nên cho trẻ ăn thường xuyên để cung cấp canxi. Khi sử dụng thuốc canxi, nên uống vào buổi sáng hoặc trưa (tốt nhất là vào buổi sáng) sau ăn một giờ. Phương Trang Nguồn VNExpress