Bữa ăn của trẻ đa phần chưa đủ vi chất dinh dưỡng

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, May 30, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 402)

    Khảo sát gần đây cho thấy, hơn 50% trẻ Việt Nam thiếu hụt các vi chất như vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hằng ngày. Lý do vì cần phối hợp 15-20 loại thức ăn trong ngày nhưng không phải ai cũng làm được.


    Bữa ăn truyền thống của ta chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ đang trong giai đoạn phát triển rất nhanh. Đáng chú ý, tỷ lệ thiếu vi chất ở trẻ tăng cao ở giai đoạn 1-2 tuổi, trong khi đây là giai đoạn quan trọng đối với sự tăng trưởng của trẻ.

    Phó giáo sư Lê Danh Tuyên, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, hầu hết các vi chất dinh dưỡng cần thiết đều lấy từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, hiện nay, bữa ăn của trẻ chưa đảm bảo sự đa dạng cũng như chưa có đủ vi chất, đặc biệt là sắt.

    "Chúng tôi làm nghiên cứu tính toán khẩu phần ăn của trẻ thì thấy vẫn còn thiếu sắt, kẽm, các chất khoáng. Thiếu vi chất dinh dưỡng nguyên nhân chính là do khẩu phần ăn nghèo. Không có một khẩu phần ăn nào đáp ứng đầy đủ chất dinh dưỡng cho tất cả mọi người, buộc phải thay đổi món ăn liên tục. Nhưng điều này không phải dễ dàng do hạn chế kinh tế gia đình, thiếu kiến thức... ", phó giáo sư Tuyên nói.

    [​IMG]
    Trẻ cần được bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng để phát triển đầy đủ, tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật. Ảnh minh hoạ: P.N.

    Theo tiến sĩ Hoàng Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhiều bà mẹ thắc mắc làm sao mà có thể phối hợp được 15-20 loại thức ăn một ngày, đầy đủ cả 4 nhóm đạm, tinh bột, vitamin và chất khoáng, chất béo. Thực tế điều này không quá khó. Một bữa cần đảm bảo 5 món: cơm, canh, món mặn, rau và tráng miệng.

    Lấy ví dụ, ăn cơm đã tốt nhưng nếu mỗi bữa có thể kèm theo khoai, bắp ngô thì sẽ tốt hơn. Mỗi loại có ưu điểm riêng của nó, như ngô có màu vàng rất giàu caroten- guíp tăng sức đề kháng, đồng thời hỗ trợ thêm chất xơ.

    Với món rau, ăn rau đã rất tốt nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu phối hợp nhiều loại, làm rau luộc thập cẩm. Với món canh có thể nấu canh cua, gồm rau đay, mùng tơi, mướp... Với món mặn, chẳng hạn làm thịt kho thì có thể kho cùng củ cải, trứng. Hay món tráng miệng thì sáng ăn cam, chiều tối là một loại hoa quả khác.

    Bên cạnh đó, nhiều bà mẹ còn suy nghĩ không đúng về cách chế biến món ăn cho trẻ. Chẳng hạn, tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận, sáng dậy bà hoặc mẹ đi chợ cố gắng mua xương ống về ninh nồi cháo cho con ăn cả ngày. Như thế, họ đã yên tâm vì nghĩ ăn xương như vậy thì bổ xương, ăn tuỷ bổ tuỷ và nhiều dinh dưỡng.

    Tuy nhiên, tiến sĩ Thanh cho rằng, nếu cho trẻ ăn như vậy thì sẽ thiếu nhiều thành phần dinh dưỡng và cả các vi chất. Nhiều người nghĩ xương ninh như vậy thì các cháu đủ canxi nhưng ngược lại trẻ ăn nước ninh xương dễ bị còi xương, suy dinh dưỡng. Lý do vì trong nước, lượng canxi phôi ra rất ít, nếu canxi có phôi ra thì việc hấp thu cũng không tốt vì đó là canxi vô cơ. Canxi mà trẻ dễ hấp thu nhất là loại hữu cơ, có trong các nguồn thực phẩm tự nhiên như: tôm, cá tươi, trứng...

    Hay như tuỷ ở trong xương ống, thành phần chủ yếu là chất béo, nhưng đây không phải chất béo cần thiết để trẻ hấp thu được vì là chất béo no. Nó chỉ khiến trẻ dễ đầy bụng, rối loạn tiêu hoá, khó hấp thu.

    "Có bà mẹ rất yên tâm ninh hầm các thứ đắt tiền rất ngon, rồi ép lấy nước cho con ăn vì nghĩ bao nhiêu chất dinh dưỡng ra nước hết. Nhưng chúng ta cần hiểu là tất cả các thành phần dinh dưỡng, đạm, sắt, béo, vitamin A đều nằm trong phần cái. Nếu không nghiền, băm phần cái cho con ăn thì nước chỉ là hương liệu, chỉ một số ít thành phần dinh dưỡng tan ra thôi", tiến sĩ Thanh nói.

    Thậm chí theo tiến sĩ Thanh, ở một số địa phương, các bà mẹ còn không cho con ăn rau vì cho rằng ăn thì trẻ đi ngoài phân xanh như thế là không tốt.

    Giáo sư Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho biết, thiếu vi chất dinh dưỡng không chỉ gặp ở trẻ suy dinh dưỡng mà ở cả trẻ dinh dưỡng tốt. thiếu các vi chất dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ mà còn dẫn đến tử vong, suy giảm trí tuệ… Vì thế, cải thiện vi chất dinh dưỡng là một trong 6 mục tiêu quan trọng trong chiến lược dinh dưỡng quốc gia trong thời gian tới.

    3 biện pháp phòng chống thiếu vi chất hiệu quả gồm: tăng cường cải thiện chế độ ăn, tăng cường vi chất vào thực phẩm như tăng cường sắt vào mắm, bổ sung vitamin A liều cao định kỳ một năm 2 lần cho nhóm nguy cơ cao.

    "Sau này nước ta sẽ tiến hành dần việc tăng cường vi chất vào một số thực phẩm. Hiện nay, một số nước tăng cường vitamin A vào đường, dầu ăn, mì chính, tại nước ta đang xúc tiến từng bước tăng cường A vào dầu ăn", giáo sư Hợp nói.

    Phương Trang

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Bữa ăn của trẻ đa phần chưa đủ vi chất dinh dưỡng

Share This Page